Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29 tháng 5 năm 2023
English
a A
Ngày 20/11/2017-16:59:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và 10 năm Ngày thành lập Học viện Chính sách và Phát triển

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Thưa các thầy giáo, cô giáo, các đồng chí cán bộ, viên chức,

Các em sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển thân mến!

Lời đầu tiên, thay mặt Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cùng trong không khí từng bừng kỷ niệm tròn 10 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển, tôi chúc toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức và các em sinh viên tràn ngập niềm vui, niềm tự hào và tiếp tục có nhiều năng lượng và nhiệt huyết để sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển của Học viện, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của đất nước.

Thưa các thầy cô giáo, các Quý vị đại biểu

Các em sinh viên thân mến.

Tôi rất vui mừng và đánh giá cao tập thể lãnh đạo, đội ngũ các thầy, cô giáo và cán bộ, viên chức của Học viện Chính sách và Phát triển đã có nhiều nỗ lực, cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết đối với sự phát triển của Học viện trong suốt 10 năm qua.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu thành lập về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhưng Học viện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giảng dạy và học tập; đã và đang đào tạo hàng nghìn sinh viên, trong đó có nhiều người đang làm việc và nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên mọi miền Tổ quốc, cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển của đất nước; từng bước khẳng định được vị thế của Học viện trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và có đóng góp rất tích cực trong công tác xây dựng chính sách.

Qua những đóng góp đó, thương hiệu quả Học viện ngày càng được khẳng định, Học viện xứng đáng giành được sự quan tâm của xã hội.

Thưa các thầy cô giáo, các Quý vị đại biểu,

Tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng, nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, tất cả những thách thức, những mong muốn của chúng ta đang còn ở phía trước, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa với một tâm thế, một tư duy và một tầm nhìn mới.

Nhân dịp ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này, cho phép tôi trao đổi với các thầy, cô giáo, các giảng viên trẻ, các sinh viên hiện đang công tác và học tập ở Học viện.

Chúng ta đang đến gần thời điểm kết thúc năm 2017, với kết quả rất tích cực là hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, trong đó mục tiêu khó khăn nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 6,7%. Tuy vậy, vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong trung và dài hạn, đòi hỏi chúng ta cần có sự lựa chọn chính xác, cũng như cần có sự quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để đi thật nhanh trên con đường lựa chọn.

1. Bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, mỗi một bước đi của thế giới có thể khiến chúng ta phải bước rất nhiều bước. Để bắt kịp được với thế giới, chúng ta không những phải nỗ lực theo cấp số nhân, mà còn phải có tầm nhìn và hành động.

Về vấn đề “tầm nhìn”, tầm nhìn chiến lược của chúng ta là gì? Đối với quốc gia, với cơ quan, với đơn vị và với mỗi cá nhân? Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng với tôi, “tầm nhìn chiến lược của chúng ta là phải nhanh và luôn luôn phải về nhất, phải là số Một”.

“Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị ăn thịt. Cũng trong lúc ấy, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương nhanh nhất hoặc nó sẽ bị chết đói.”

Điều quan trọng không phải chúng ta là linh dương hay sư tử, mà chúng ta hãy hiểu đây là quy luật của sinh tồn. Nếu không muốn tụt hậu, thậm chí nếu không muốn chết thì phải nhanh. Chạy nhanh không có nghĩa là chạy lung tung, mà chạy có mục đích.

Trước hết là lựa chọn con đường, phải biết đi đến đâu, bằng cách nào và bao giờ đến. Khi đã rõ mục đích, đã rõ con đường, thì nhiệm vụ của chúng ta chỉ còn là phải nỗ lực để đi thật nhanh mà thôi. Đối với tôi, thời gian vừa là vàng nhưng cũng vừa là kẻ thù.

2. Chúng ta cần nhận diện những thách thức, để từ đó xác định chúng ta đã ở đâu trong chặng đường phát triển của thế giới, để xác định mục tiêu và những bước đi phù hợp, cũng nhưng có phương án để giải bài toán kép “tăng trưởng kinh tế vừa nhanh, vừa bền vững”.

a) Đó là nguy cơ kinh tế bị tụt hậu; là vượt qua bẫy thu nhập trung bình; là thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước .

Đất nước đã có nhiều đổi thay và phát triển. Nhưng nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn là nước đứng ở vị trí thấp ở nhiều khía cạnh, nếu không muốn nói là chúng ta đã phát triển dưới tiềm năng và khả năng cho phép.

Về quy mô nền kinh tế, Việt Nam đứng thứ 6; về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đứng thứ 7; về xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 5... Chúng ta cần hiểu rằng, các nước đứng trên sẽ không dừng lại để chờ chúng ta vượt và các nước phía sau lại đang có sự cải cách mạnh mẽ, họ sẽ không chịu đứng sau và sẽ sớm vượt qua Việt Nam nếu chúng ta không có sự bứt phá, cứ bước đi những bước chậm chạp.

Thước đo về một quốc gia thịnh vượng là GDP/đầu người và việc làm. Nếu giả định Việt Nam duy trì liên tục mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 7%/năm; tốc độ tăng dân số như trong giai đoạn vừa qua thì để đạt được mức GDP bình quân đầu người năm 2015 (theo PPP 2011) của In-đô-nê-xi-a cần khoảng 10 năm; của Thái Lan là 17 năm; của Ma-lai-xi-a là 26 năm; của Hàn Quốc là 31 năm; của Nhật Bản là 32 năm và của Xin-ga-po là 46 năm. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững sẽ là một yếu tố quan trọng đẩy lùi nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa và con người, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển toàn diện con người trong thời đại mới. Coi đây là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của mình.

b) Biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.

Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra với tần xuất nhiều hơn, khả năng tàn phá sẽ lớn hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Nếu không thì mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị phá hủy trong chốc lát, trong khi để khắc phục phải mất nhiều năm, chưa nói đến phát triển trở lại còn lâu hơn nữa.

Việc làm đầu tiên là cần phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, được lập theo phương pháp tích hợp, thích ứng với biến đối khí hậu; quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc; không phá vỡ một cách tùy tiện. Có vậy mới hạn chế tối đa thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và hướng tới phát triển bền vững.

Hiện tại: (i) Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để thực hiện; (ii) Đang lập Quy hoạch phát triển tích hợp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác.

c) Hội nhập quốc tế.

Nền kinh tế nước ta tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và có độ mở cao. Với mỗi biến động hàng ngày, hàng giờ của kinh tế thế giới, sẽ có tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nhập sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì không những khó tham gia sân chơi hội nhập và còn có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Điều cần thiết, quan trọng và cốt lõi là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều kiện tiên quyết, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế “độc lập, tự chủ” mà Đảng đã đề ra. Chúng ta phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này.

3. Tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế là cần thiết, bên cạnh những cơ hội mà thế giới đem lại như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự dịch chuyển mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và khách du lịch mà trong đó nước ta đang là điểm đến hấp dẫn... vậy chúng ta phải làm gì?

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón nhận, tận dụng các cơ hội vì nó không thường xuyên đến với chúng ta, chúng ta chỉ lỡ một lần thôi, cơ hội sẽ không tự đến với chúng ta lần nữa, trong khi đó chúng ta phải mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để có thể tự tạo được cơ hội cho chính mình.

Tôi cho rằng, điều quan trọng hơn cả là ở chính chúng ta, chúng ta phải xây dựng được cho chính mình ngọn lửa khát vọng, thắp sáng cho tư duy, hành động của chúng ta.

- Khát vọng phát triển đất nước phải là khát vọng lớn nhất

- Khát vọng đổi mới, sáng tạo phải được phát huy, đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới cách làm. (trong Học viện đó là đổi mới phương pháp dạy và học).

- Khát vọng kiến tạo phát triển phải thường trực trong mỗi hành động, mỗi chính sách, mỗi giải pháp tham mưu của chúng ta.

- Khát vọng hợp tác để phát triển, chúng ta cần hiểu rằng “không thể đi đến đích một cách dễ dàng nếu chúng ta đi một mình”.

Thưa các thầy cô giáo, các Quý vị đại biểu,

Còn rất nhiều điều tôi muốn chia sẻ và gửi gắm tới các thầy, cô giáo và cán bộ Học viện. Vì các bạn đã chọn một nghề đầy vẻ vang và vinh quang nhất, nghề chuyển tải những kiến thức, tri thức mới, hiện đại cho cả một thế hệ con người sau này phục vụ đất nước.

Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên của Học viện và mong muốn Học viện tiếp tục duy trì ý chí, quyết tâm cao để bước nhanh hơn, vững chắc hơn trên con đường phát triển của mình, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

Với các thầy, cô, cần cập nhật thường xuyên những tri thức hiện đại trên thế giới, để không những phục vụ cho công tác giảng dạy mà còn làm tốt công tác nghiên cứu, đóng góp vào nhiệm vụ tham mưu chiến lược tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(Ví dụ tạo cung để hình thành cầu và phát triển cầu như mô hình Dubai, Sầm Sơn, Quy Nhơn, thác Bản Giốc...)

Với các sinh viên, tôi mong muốn các bạn hãy thắp cho mình ngọn lửa ước mơ, ngọn lửa khát vọng và một trái tim nhiệt huyết. Mỗi một cá nhân là một ngọn lửa nhỏ, nhưng khi góp lại sẽ là một ngọn đuốc, để rồi bùng cháy thành ngọn lửa lớn, ngọn lửa của đam mê, khát vọng, sáng tạo.

Cũng nhân dịp này, tôi đánh giá cao và biểu dương những đóng góp, hợp tác của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài Bộ đã cùng với Học viện trong những năm qua. Tôi đề nghị các đơn vị trong Bộ tăng cường hơn nữa sự hợp tác, giúp đỡ Học viện trong mọi hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Là một trường đại học mới ra đời, tuy đã đạt những kết quả ban đầu song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thay mặt lãnh đạo bộ, tôi đề nghị toàn thể Học viện tập trung phấn đấu xây dựng Học viện trở thành cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách trong lĩnh vực chính sách phát triển, kinh tế, quản lý có uy tín ở Việt Nam và trong khu vực;

Trước mắt, tôi đề nghị Học viện tập trung làm tốt các điểm sau:

1. Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao trên cơ sở hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới. Gắn chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với thực tiễn.

2. Tập trung phát triển có chất lượng đào tạo sau đại học.

3. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa Học viện trở thành đại học theo hướng nghiên cứu. Hình thành trung tâm nghiên cứu, tham vấn chính sách trong các lĩnh vực chính sách phát triển, kinh tế vĩ mô, quản lý nhà nước, tài chính tiền tệ…..

4. Phát triển quan hệ hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới và các đơn vị trong, ngoài Bộ;

5. Tập trung đầu tư, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý của một trường đại học công lập theo quy định của Luật giáo dục đại học hiện hành và tiếp thu có chọn lọc mô hình tổ chức, quản lý của một số trường đại học nghiên cứu trên thế giới.

6. Xây dựng cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Thưa quý vị đại biểu,

Các thầy cô giáo và các em sinh viên thân mến!

Tôn sư, trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam. Trong không khí đầy ý nghĩa này, một lần nữa tôi gửi tới các thầy cô giáo, các cán bộ công nhân viên và toàn thể các em sinh viên của Học viện lời chúc sức khỏe và thành đạt. Tôi luôn tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, ủng hộ, tạo mọi điều kiện của Bộ, cùng với sự đoàn kết, tâm huyết của đội ngũ các thầy cô và nỗ lực không ngừng của các em sinh viên, Học viện chắc chắn sẽ phát triển và trở thành một trong những trung tâm đào tạo có uy tín hàng đầu ở Việt Nam và trong khu vực.

Xin trân trọng cám ơn!


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 13540
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội - ĐT: 080.43485; Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ: 024.38455298; Fax: 024.38234453.
Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Như Sơn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Email: banbientap@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.