Nội dung kiến nghị 1:
Cử tri đề nghị xem xét sửa đổi quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hoặc Luật Đầu tư năm 2014, theo hướng thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung tại Cơ quan đăng ký kinh doanh đối với tất cả các công ty và pháp nhân có hoạt động kinh doanh. Bởi vì, đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp còn nhiều bất cập hạn chế như sau:
+ Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 3 của Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, giám định, giáo dục và đào tạo, trọng tài thương mại, cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, các ngành nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Công chứng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Giám định tư pháp năm 2012; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Trọng tài thương mại năm 2010; … Như vậy, kết quả là nhiều tổ chức hành nghề luật sư, như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 6, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014.
+ Thứ hai: Tương tự, Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính thì đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác, trong khi Công ty bảo hiểm là một doanh nghiệp thì lại không thực hiện thủ tục này. Vì theo Điều 65 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Trả lời:
Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”.
Tại Phụ lục II - Kiến nghị nội dung sửa đổi các luật, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh kèm theo Báo cáo số 125/BTP-PLDSKT ngày 28/4/2017 của Bộ Tư pháp đã có nội dung kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau: “Quy định của Luật Doanh nghiệp cho phép các luật chuyên ngành được quy định thủ tục thành lập doanh nghiệp dẫn đến phân tán đầu mối thành lập doanh nghiệp, không tách bạch giữa đăng ký doanh nghiệp và quản lý chuyên ngành, gây khó khăn cho doanh nghiệp thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thống nhất đầu mối đăng ký doanh nghiệp, thông tin doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi theo hướng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại đầu mối duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh; mọi hoạt động quản lý chuyên ngành đối với doanh nghiệp thực hiện theo pháp luật chuyên ngành”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sửa Điều 3 Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn cần thiết và nhất trí với quan điểm của cử tri về việc thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung tại Cơ quan đăng ký kinh doanh đối với tất cả các công ty, pháp nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ báo cáo Chính phủ để đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp trong thời gian tới./.