Nội dung kiến nghị 1:
a) Đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên và sửa đổi các cơ chế chính sách nhằm phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế tài chính của dự án.
Trả lời :
Về phân cấp đối với việc quyết định chủ trương đầu tư được quy định cụ thể tại mục 2, chương IV Luật đầu tư số 67/2014/QH13, theo đó, việc quyết định chủ trương đầu tư sẽ được phân thành 3 cấp thuộc thẩm quyền Quốc hội (Điều 30), Thủ tướng Chính phủ (Điều 31) và UBND cấp tỉnh (Điều 32) đối với từng lĩnh vực, nhóm dự án được quy định cụ thể kèm theo Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
Về lựa chọn nhà đầu tư, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Hoàn thiện các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thành và trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2017.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tưóng Chính phủ, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến dự thảo lần II về Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 30/2015/NSS-CP ngày 17/3/2015 qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, việc sửa đổi các cơ chế chính sách nhằm nâng cấp cho địa phương đối với việc quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao cho phù hợp với công tác quản lý nhà nước ở mỗi địa phương, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
b) Đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể về giám sát thực hiện hợp đồng dự án của phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ưu đãi đầu tư (liên quan đến miễn hoặc giảm tiền thuê đất), thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Trả lời :
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có quy định về giám sát thực hiện hợp đồng dự án (Điều 47, 48) và ưu đãi đầu tư, bảo đảm đầu tư (Chương IX). Bên cạnh đó, một số ưu đãi (ưu đãi thuế, ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật đất đai.
c) Đề nghị Chính phủ phân cấp cơ quan đầu mối để các đơn vị phát huy đầy đủ năng lực chuyên môn trong quá trình thực hiện dự án PPP. Cụ thể, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định “Căn cứ yêu cầu và điều kiện quản lý cụ thể, bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc làm đầu mối quản lý hoạt động PPP của bộ, ngành, địa phương…”; do vậy, để đảm bảo việc quản lý hoạt động PPP được xuyên suốt; tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ được giao, đề nghị điều chỉnh các quy định liên quan theo hướng phân cấp đầu mối quản lý hoạt động PPP theo lĩnh vực chuyên ngành cho các cơ quan chuyên môn.
Trả lời :
Quy định tại Điều 7 nêu trên nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc giao các đơn vị hiện có thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về PPP, nhằm quản lý, thực hiện, tổng hợp thông tin về các dự án PPP một cách thống nhất, xuyên suốt. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về PPP, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có thể quy định về cơ chế phối hợp nội bộ giữa các đơn vị, cơ quan chuyên môn trực thuộc nhằm thực hiện các nhiệm vụ về PPP hiệu quả hơn.
d) Bên mời thầu và nhà đầu tư thực hiện bước đàm phán sơ bộ (chưa có Quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP) và thông thường Bên mời thầu là đơn vị trực thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền - đơn vị này không có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước tại địa phương (như kế hoạch đầu tư phát triển, tài chính ngân hàng, quy hoạch phát triển, sử dụng đất đai, pháp chế,…). Với những nội dung đàm phán không thuộc chuyên ngành sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho việc đàm phán phán sơ bộ và ảnh hưởng đến nội dung đàm phán hợp đồng dự án ở bước sau (đã có Quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP). Đề nghị xây dựng bộ quy tắc chung cho bước đàm phán sơ bộ đối với từng loại hình đầu tư theo hình thức PPP.
Trả lời :
Điều 40 Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc và nội dung đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với dự án PPP. Trường hợp bên mời thầu không có đủ thông tin và nghĩa vụ liên quan đến các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước để phục vụ cho quá trình đàm phán hợp đồng, bên mời thầu có thể báo cáo người có thẩm quyền giao các đơn vị liên quan tại địa phương phối hợp với bên mời thầu trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Nội dung kiến nghị 2:
Cử tri phấn khởi về kết quả đạt được của nền kinh tế đất nước trong thời gian qua; công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước được đẩy mạnh, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực. Bên cạnh đó, cử tri nêu ra những hạn chế cần khắc phục như tăng trưởng kinh tế chậm; năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực; lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề hiện còn cao. Cử tri đề nghị Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng công tác dự báo, nhất là việc dự báo các chỉ số tăng trưởng kinh tế cần chính xác để có các giải pháp phù hợp hiệu quả.
Trả lời :
Với khoảng gần 67% dân số sống khu vực nông thôn, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng. Thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chính sách được thực hiện nhất quát và liên tục được đánh giá bổ sung hoàn thiện theo hướng tạo môi trường ngày càng thuận lợi để thu hút có hiệu quả các nguồn vốn vào đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Một số chính sách đã ban hành và triển khai: Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, ngày 28-10-2008, về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và triển khai Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có đề ra nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trên cơ sở thực hiện các chính sách, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày càng tăng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 610.959 tỷ đồng (bao gồm ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA). Vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 304.500 nghìn tỷ đồng, bằng 1,71% GDP và bằng 5,4 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 31,34%; tín dụng 51%; doanh nghiệp 4,9%; người dân và cộng đồng đóng góp 12,62%). Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT huy động được khoảng 37.625 tỷ đồng. Qua đó, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, giúp cho hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Ngoài các chính sách lớn nêu trên, Chính phủ còn đưa ra nhiều cơ chế chính sách khác như: chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thêm vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất, kinh doanh; xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sơ hạ tầng làng nghề ở nông thôn (trung bình 5.000 tỷ đồng/năm); xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù thủy lợi phí (trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm); chi thêm từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để hỗ trợ khẩn cấp trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian tới sẽ xác định nhiệm vụ trọng tâm như sau: tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới mà tập trung vào chính sách đất đai, tín dụng, thương mại, thuế, bảo hiểm nông nghiệp và đặc biệt là chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trọng tâm sẽ hoàn thiện các chính sách trực tiếp tác động đến đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp)…/.