Nội dung kiến nghị (số 29 tại văn bản số 580/VPCP-QHĐP):
(1) Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu có các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, kết nối các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; có chính sách bảo đảm nguồn lao động cho doanh nghiệp; từng bước giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân gắn với các khu công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường; chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng hàng nông sản từ ruộng, vườn, chuồng trại,… đến siêu thị, nhà máy chế biến, xuất khẩu… để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân ở tất cả các vùng miền; xem xét đến việc thực thi các chính sách miễn, giảm các loại thuế, không thực hiện việc quản lý thuế, các loại phí đối với các thành phần như hộ kinh doanh cá thể, các cá thể kinh doanh nhỏ lẻ với mục tiêu “thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội”.
(2) Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo và điều hành tích cực hơn trong vấn đề liên kết vùng, nhằm phát huy ưu thế và hiệu quả của cơ chế này.
(3) Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, có các biện pháp giúp Đà Nẵng phát triển để xứng tầm là Trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ… và nhất là về công tác phát hiện, chọn lựa và đề bạt cán bộ chiến lược như Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đề cập. Đồng thời, cần tập trung đầu tư, sớm triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thành phố Đà Nẵng, trong đó tập trung triển khai dứt điểm một số công trình trọng điểm như: di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng, xây dựng cảng Liên Chiểu, dự án Làng Đại học Đà Nẵng…
Trả lời:
1. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất để triển khai hiệu quả Chương trình ngay sau khi được ban hành, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022 và số 141/CĐ-TTg ngày 16/2/2022 yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: (i) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (ii) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (iii) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (iv) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (v) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Về một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:
- Năm 2021, nhiều chính sách ưu đãi thuế đã tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 để quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (Nghị định có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết), đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay, thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
- Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 để thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng (như thép xây dựng trong nước sản xuất được, thức ăn chăn nuôi (ngô, lúa mỳ), lốp xe tải đặc chủng, giấy và bìa kraft, thịt lợn...) nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 để quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
- Đối với giải pháp giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 01/8/2020 đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQHQH15 ngày 31/12/2021 quy định giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
- Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 06 tháng đầu năm 2022.
- Về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
2. Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan Trung ương đã luôn quan tâm tới vấn đề liên kết phát triển vùng, nhiều cơ chế về liên kết vùng đã được tham mưu và ban hành như: Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025... Các cơ chế, chính sách về liên kết vùng vẫn tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng để hoàn thiện thể chế về liên kết vùng.
Liên kết vùng trong giai đoạn vừa đã đạt được một số kết quả tích cực như sau:
- Chính phủ tập trung nhiều chỉ đạo điều hành cũng như bố trí nguồn lực cho liên kết vùng, trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thiện nhiều dự án huyết mạch, tạo kết nối từ Bắc vào Nam, các trục cao tốc trọng điểm để tạo sự liên kết vùng chặt chẽ, thông qua đó nhiều, tuyến cao tốc đã hoàn thành, đi vào sử dụng.
- Các Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm trở thành diễn đàn quan trọng để các địa phương trong vùng trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, thảo luận và ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết trong giai đoạn 2016-2020. Tại một số vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đã phối hợp xây dựng đề án hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Thông qua Hội đồng vùng, các địa phương cũng nhất trí kiến nghị, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách và dự án quan trọng, mang tính động lực thúc đẩy phát triển vùng. Qua đó, một số công trình đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng.
- Các địa phương đã phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trao đổi về các vấn đề kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, hợp tác phát triển du lịch, nhất là tổ chức các diễn đàn về xúc tiến đầu tư của vùng...
- Bên cạnh việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, nhiều liên kết tự nguyện đã được hình thành như: Liên kết ABCD Mê Kông gồm 04 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp; liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung đã được hình thành trên quan điểm liên kết bình đẳng, tự nguyện, các tỉnh trong vùng cùng hài hòa về lợi ích.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, cần được hoàn thiện trong giai đoạn tới, như: (i) Các chương trình, kế hoạch, thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương được ký kết khá nhiều nhưng việc triển khai còn chậm; (ii) Các công trình, dự án mang tính liên vùng, liên tỉnh chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn trung ương. Số lượng các công trình, dự án được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa các địa phương còn rất khiêm tốn.
Các hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân liên quan tới khung khổ thể chế chung như: (i) Các vùng kinh tế trọng điểm đã có Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng nhưng các chủ thể này chưa thực sự có thẩm quyền về điều phối và nhất là về phân bổ nguồn lực, do vậy vai trò điều phối còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngoại trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có Hội đồng điều phối vùng, thì các vùng còn lại chưa có Hội đồng điều phối vùng; (ii) các quy hoạch vùng chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ cho điều phối phát triển và liên kết vùng; (iii) Ngân sách nhà nước hiện nay theo hai cấp là ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chưa có ngân sách cấp vùng. Đối với ngân sách địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn đang tập trung giải quyết các vấn đề trong phạm vi nội bộ của địa phương mình.
Để cơ chế liên kết vùng được thực thi hiệu quả, việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng theo từng vùng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8172/BKHĐT-KTĐPLT ngày 22/01/2021 báo cáo tình hình các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và đề xuất cơ chế hoạt động các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và Tờ trình số 6773/TTr-BKHĐT ngày 06/10/2021 trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thể chế liên kết vùng.
Tại văn bản số 9605/VPCP-KTTH ngày 30/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý phương án thành lập và ban hành quy chế hoạt động của 5 Hội đồng điều phối vùng cho 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại trên cơ sở kế thừa mô hình Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, có giải pháp để Đà Nẵng sớm triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Thành phố
* Về dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và phát triển đô thị là một trong những công trình, dự án động lực để phát triển thành phố.
Đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ theo Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga Đà Nẵng, trong đó có đề xuất, kiến nghị cụ thể về phương án, nguồn vốn đầu tư Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có căn cứ sớm triển khai thực hiện.
* Về dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu
Tại văn bản số 321/TTg-CN ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP. Đà Nẵng là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại Quyết định số 435/QĐ-TTg với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách của Thành phố.
Đối với Dự án Bến Cảng Liên chiểu đã được bố trí đủ vốn trong tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: tổng mức đầu tư là 3.426,3 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 2.994,59 tỷ đồng (gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 994,59 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương bố trí giai đoạn 2021-2025 là 431,71 tỷ đồng.
* Về dự án Khu Đô thị Đại học Đà Nẵng
Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng là một dự án trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận tại Thông báo số 542/TB-VPCP ngày 22/7/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín trong nước và khu vực, trong đó đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng.
Thực hiện Kết luận nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền giao 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 02 dự án cấp bách thuộc Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng gồm Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc (100 tỷ đồng); Tiểu Dự án 2 bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng (400 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên bố trí 2.802 tỷ đồng (687 tỷ đồng vốn trong nước, 2.115 tỷ đồng vốn nước ngoài) để đầu tư các Dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, qua đó thực hiện dứt điểm việc giải phóng mặt bằng đối với diện tích 40ha tại Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và thực hiện đầu tư cơ sở vật chất trên khu đất giải phóng mặt bằng phục vụ công tác đào tạo của Đại học tại khu quy hoạch mới./.