1. Nội dung kiến nghị 1 (số 56 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động... bị ảnh hưởng sau đại dịch, các chính sách này là đúng đắn, kịp thời nhưng các điều kiện, yêu cầu để được hưởng các chính sách này là rất khó khăn, trở thành “rào cản” cho các doanh nghiệp tiếp cận chính sách (Ví dụ như: hiện nay, doanh nghiệp rất muốn tiếp cận nguồn Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đối tượng được hưởng là giới hạn rất hẹp trong khi trên 90% doanh nghiệp tại Tây Ninh là doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”, bị tác động rất lớn sau đại dịch...). Đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và có chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn quỹ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn để doanh nghiệp phục hồi.
Trả lời:
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận các nguồn quỹ tín dụng ưu đãi, Nhà nước đã ban hành chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại các tổ chức cho vay (gồm: Tổ chức tín dụng và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có chức năng cho vay) thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương. Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập từ năm 2001, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001. Quỹ được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tiếp cận vốn vay tại các tổ chức cho vay nêu trên. Hiện nay, cả nước có 26 Quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động. Tính đến ngày 30/9/2021, tổng nguồn vốn chủ sở hữu các Quỹ bảo lãnh tín dụng đạt 1.799,08 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ do ngân sách địa phương cấp là 1.681,39 tỷ đồng; doanh số bảo lãnh lũy kế đến nay đạt 4.251,44 tỷ đồng với trên 1.342 DNNVV được bảo lãnh vay vốn; số dư bảo lãnh đạt trên 156,5 tỷ đồng.
Theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định các Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ (do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành).
Vì vậy, để hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn tại các tổ chức cho vay trong bối cảnh dịch Covid-19, các DNNVV thuộc đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện cấp bảo lãnh tín dụng được Quỹ xem xét cấp bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng, các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó, có Quỹ Phát triển DNNVV với lãi suất ưu đãi (cho vay trung và dài hạn là 4%/năm, ngắn hạn là 2,16%/năm).
* Về hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV:
Chia sẻ trước khó khăn của các doanh nghiệp, người lao động mất việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế, xã hội của nước ta, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 917/QĐ-BKHĐT ngày 19/6/2021 về việc giảm 2% mức lãi suất cho vay của Quỹ Phát triển DNNVV. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn còn 2,16%/năm; trung và dài hạn còn 4%/năm. Đây là mức lãi suất rất ưu đãi cho DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ.
Ngày 18/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1590/TTg-DMDN về việc đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, theo đó, chấp thuận về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Trên cơ sở này, nhằm đẩy mạnh tối đa các chính sách giúp hỗ trợ DNNVV tiếp cận được chính sách cho vay của Quỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP theo hướng đơn giản điều kiện, hồ sơ, thủ tục cho vay, quy định thẩm quyền quyết định cho vay, điều chỉnh mức phí cho vay gián tiếp đối với các Ngân hàng thương mại (NHTM).
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Quỹ Phát triển DNNVV phối hợp với các NHTM để thúc đẩy lựa chọn, giải ngân nhằm hỗ trợ cho DNNVV. Hiện nay, các NHTM luôn đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ của DNNVV có nhu cầu vay vốn theo chương trình của Quỹ, đồng thời, chủ động xây dựng các gói sản phẩm, thông báo về việc giảm lãi suất cho vay theo chương trình của Quỹ, truyền thông, đào tạo và triển khai đến tất cả chi nhánh trong toàn hệ thống ngân hàng.
Để cung cấp thông tin về các hoạt động hỗ trợ đến cộng đồng DNNVV, Quỹ đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến, thông tin kịp thời về các cơ chế, chính sách và thông tin về doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn của Quỹ cho ngân hàng để cùng phối hợp lựa chọn DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ.
2. Nội dung kiến nghị 2 (số 63 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Đề nghị kiến nghị Quốc hội xem xét sửa các Luật liên quan cho phù hợp với tình hình phát triển hợp tác xã hiện nay, cụ thể như: Cần tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được tổ chức Đại hội thành viên bất thường để tổ chức kết nạp thành viên mới (Đại hội bất thường theo chuyên đề kết nạp thành viên để có sự phân biệt với các Đại hội bất thường khác của QTDND), cho phép QTDND tự lựa chọn thời gian, số lần tổ chức Đại hội bất thường để kết nạp thành viên căn cứ vào yêu cầu thực tế của quỹ hoặc trao quyền cho Hội đồng quản trị chủ động kết nạp thành viên trong kế hoạch tăng thêm hàng năm đã được Đại hội thường niên thông qua.
Trả lời:
Tại Điều 32 Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012 quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên, không quy định về việc kết nạp thành viên. Việc kết nạp thành viên mới thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị, quy định tại khoản 7 Điều 36 Luật Hợp tác xã.
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hội đồng quản trị xét kết nạp thành viên mới và báo cáo để đại hội thành viên thông qua (khoản 7 Điều 82) và đại hội thành viên có quyền hạn, nhiệm vụ thông qua danh sách kết nạp thành viên mới (mục đ khoản 2 Điều 80).
Như vậy, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã trao quyền cho hội đồng quản trị chủ động kết nạp thành viên.
- Theo Điều 82 Luật Các TCTD quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị như sau: “3. Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên... 5. Chuẩn bị chương trình Đại hội thành viên và triệu tập Đại hội thành viên”.
- Điều 84 Luật Các TCTD quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát như sau: “6. Triệu tập Đại hội thành viên bất thường trong các trường hợp sau đây:
+ Khi Hội đồng quản trị, Tống giám đốc (Giám đốc) có hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và nghị quyết của Đại hội thành viên; khi Hội đồng quản trị không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả các biện pháp ngăn chặn theo yêu cầu của Ban kiếm soát;
+ Khi có ít nhất một phần ba tống số thành viên Ban kiểm soát có yêu cầu triệu tập họp Đại hội thành viên gửi đến Hội đồng quản trị hoặc Ban kiếm soát mà Hội đồng quản trị không triệu tập Đại hội thành viên bất thường trong thời hạn 15 ngày, kế từ ngày nhận được yêu cầu”.
- Khoản 3, Điều 34 Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 của Ngân hàng Nhà nước về quỹ tín dụng nhân dân quy định về Đại hội thành viên bất thường như sau:
“Điều 34. Đại hội thành viên
3. Đại hội thành viên bất thường họp trong các trường hợp sau đây:
a) Hội đồng quản trị triệu tập nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của quỹ tín dụng nhân dân;
b) Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này;
c) Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách triệu tập theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật các tố chức tín dụng;
d) Ít nhất một phần ba tống số thành viên quỹ tín dụng nhân dân cùng có văn bản yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên....
đ) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu triệu tập trong trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
e) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân”.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, đã có đủ cơ sở để các QTDND thực hiện. Việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là chưa cần thiết trong giai đoạn này./.