Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 30 tháng 5 năm 2023
English
a A
Ngày 30/12/2021-15:26:00 PM
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định

Nội dung kiến nghị (số 59 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid -19. Cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 105/NQ-CP, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trả lời:

Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã [1] và được cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá cao. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã phần nào chia sẻ, giảm bớt các khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể như:

- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa. Tại phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính các chính sách giãn, hoãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí có tổng giá trị luỹ kế đến nay lên tới hơn 130 nghìn tỷ đồng.

- Điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh[2]. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

- Thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện khoảng 650 tỷ, ước tính tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.

- Đẩy mạnh triển khai Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ tính đến nay đã thực hiện khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

- Triển khai gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ bao gồm 12 chính sách hỗ trợ đã được ban hành với tổng mức hỗ trợ khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Ngày 24/9/2021 vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không, kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm; hướng dẫn tạo điều kiện trong việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới; hướng dẫn đảm bảo hoạt động thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã sớm vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát như: (i) Hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương, tạo thêm cơ hội tiếp cận vốn cho các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã[3]; (ii) Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025[4] đưa ra một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 như hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về kết cấu hạ tầng,… Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp cùng Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế, định mức và bố trí kinh phí thực hiện.

- Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết bao gồm 04 nhóm giải pháp cấp bách với 59 nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19: (i) Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; (ii) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; (iii) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp; (iv) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Qua theo dõi, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực, khẩn trương triển khai Nghị quyết và tính đến nay đã hoàn thành khoảng 95% nhiệm vụ, giải pháp có thời hạn hạn hoàn thành trong năm 2021; các nhiệm vụ, giải pháp còn lại có tính thường xuyên cũng đang được tích cực triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI, 91,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát biết đến Nghị quyết số 105/NQ-CP; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho rằng các nhiệm vụ giải pháp giúp tháo gỡ hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực của Tổ công tác đặc biệt[5] của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Covid-19 đang tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 105/NQ-CP. Hàng tuần Tổ công tác tổ chức họp với các thành viên tổ giúp việc, thông qua đường dây nóng[6] để kịp thời tiếp nhận phản ánh kiến nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội; qua đó Tổ công tác gửi văn bản, làm việc với các cơ quan liên quan đề nghị tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, thường trực tổ công tác để chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng tháng, 3 tháng hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ trưởng Tổ công tác hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Từ tháng 7/2021, bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2021. Qua đó, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm và hàng năm, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ của nền kinh tế. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra như sau:

- Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, đầu tư nâng cao năng lực y tế, triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với chi phí phòng, chống dịch hợp lý cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm; cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm và một số đối tượng ưu tiên; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; hỗ trợ lãi suất cho vay trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.

- Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khả năng hấp thụ vốn và giải quyết ngay những khó khăn, hạn chế của ngành, lĩnh vực.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn; giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm./.


[1] Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3 Khóa XIII, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội; các Nghị định của Chính phủ số: 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021; các Nghị quyết của Chính phủ số: 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, 68/NQ-CP ngày 06/5/2021 và số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021.

[2] Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 30/6/2022.

[3] Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổchức và hoạt động của Quỹ hỗtrợ phát triển hợp tác xã, làm căn cứ để các Quỹ thống nhất hoạt động trong toàn quốc; Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021, trong đó, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là 550 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn của Quỹ lên thành 1.000 tỷ đồng.

[4] Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

[5] Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 về thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

[6] Đường dây nóng và email điện tử của các Tổ công tác đã được công bố trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 110
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội - ĐT: 080.43485; Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ: 024.38455298; Fax: 024.38234453.
Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Như Sơn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Email: banbientap@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.