Nội dung kiến nghị (số 61 tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa về chính sách hỗ trợ sản xuất ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 sau khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Trả lời:
Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành đã phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp, người dân và các thành phần kinh tế ban hành các chính sách, gói hỗ trợ kịp thời để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nhằm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh như: Chính sách tín dụng, ngân hàng (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021); Chính sách thuế, phí, lệ phí (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021); Chính sách tiếp tục được thực hiện từ năm 2020 nhằm hướng tới việc hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hàng không (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020); Chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động(Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021) và nhiều cơ chế, chính sách khác.
Các chính sách được ban hành trong năm 2021 là sự tiếp nối trên tinh thần của các chính sách đã thực hiện năm 2020 theo hướng chủ đạo là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, hoãn thực hiện một số nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước để tập trung dòng vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh.
Từ tháng 7/2021, bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2021. Qua đó, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm và hàng năm, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, năng lực tự chủ của nền kinh tế. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra như sau:
- Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, đầu tư nâng cao năng lực y tế, triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với chi phí phòng, chống dịch hợp lý cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm; cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm và một số đối tượng ưu tiên; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; hỗ trợ lãi suất cho vay trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.
- Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khả năng hấp thụ vốn và giải quyết ngay những khó khăn, hạn chế của ngành, lĩnh vực.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn; giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm./.