Câu hỏi của bạn đọc Ninh Thị Ngọc, email: ninhngoc.hlu@gmail.com.
Nội dung câu hỏi tại file đính kèm.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Về xác định đối tượng là DNNN
Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: “Doanh nghiệp nhà nướcbao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.
Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:
“1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm: a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm: a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm: a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Điều 7 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định về DNNN và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp như sau: “1. Công ty mẹ quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp không là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ - công ty con khác. 2. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó. 3. Công ty độc lập quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ - công ty con”.
2. Về xác định đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của DNNN
Việc xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của DNNN căn cứ các quy định pháp luật về khái niệm “vốn nhà nước” và khái niệm “vốn của DNNN”:
Khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) quy định: “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP vềđầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số32/2018/NĐ-CP, Nghị định số121/2020/NĐ-CP và Nghị định số140/2020/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 91/2015/NĐ-CP) quy định: “Vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật”.
3. Về quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và người đại diện phần vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
Quyền, trách nhiệm của người đại diện người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và người đại diện vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác (viết tắt là Người đại diện phần vốn) được thực hiện theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13 và văn bản hướng dẫn đối với từng đối tượng doanh nghiệp:
- Đối với doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp có vốn nhà nước, quyền và trách nhiệm của Người đại diện phần vốn được quy định chi tiết tại Điều 37 và quy định có liên quan tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, bao gồm cả trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến trước khi biểu quyết tại doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước.
- Đối với doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp có vốn đầu tư của DNNN, quyền và trách trách nhiệm Người đại diện phần vốn được quy định tại Điều 49 Luật số 69/2014/QH13, Điều 28, Điều 29, Điều 29a của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.
4. Về câu hỏi liên quan đến phạm vi áp dụng quy định tại Điều 11 và Điều 13 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước
Điều 11 và Điều 13 của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP được áp dụng đối với việc thực hiện quyền, trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại Điều 4 Nghị định này, bao gồm: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan đến việc xác định DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của DNNN để Quý Bạn đọc tham khảo, áp dụng, thực hiện.
Đối với những vướng mắc trong việc thực hiện quy định tại Luật số 69/2014/QH13, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn, đề nghị tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính.
Trường hợp cần có giải thích về các quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13, đề nghị thực hiện theo khoản 3 Điều 3, Điều 158, Điều 159, Điều 160 và Điều 161 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải thích văn bản luật./.
File đính kèm: 10.2022_CongtyLuatAnNinh.pdf