Đại biểu Quốc hội thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
(MPI) - Theo chương trình làm việc, ngày 30 - 31/5/2019, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Tạo đà bứt phá để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 với nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được, cho rằng kinh tế, xã hội đất nước là một "bức tranh đẹp, toàn diện" đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Công Nhường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về bổ sung, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Năm 2018 với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, 12/12 chỉ tiêu đều đạt, trong đó có 09 chỉ tiêu vượt, đây là niềm vui chung của cả đất nước.
Những tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực nhiều biến động, thách thức, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước tăng khá, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, đời sống Nhân dân được cải thiện, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên trên thị trường quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn), đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đồng tình cao với báo cáo kết quả đánh giá, bổ sung việc thực hiện kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Kết quả này cho thấy, Chính phủ và các địa phương đã quyết liệt mạnh mẽ trong chỉ đạo, tập trung kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy triển khai phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, rà soát và sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đối ngoại tiếp tục mở rộng. Đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức bộ máy các cấp, ngành, công tác quy hoạch, kế hoạch, ô nhiễm môi trường…
Đánh giá kết quả đạt được của năm 2018 và tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình kết quả thực hiện. Qua đó xây dựng phương án điều chỉnh hằng tháng, quý. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách về văn hóa, xã hội, môi trường, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục đào tạo, y tế, thường xuyên tổ chức đối thoại lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp
Đại biểu Trần Tất Thế, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, trong số 5.000 điều kiện về kinh doanh cho đến hiện nay có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế, tính ra có khoảng 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Năm 2019 giảm ít nhất 5% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và quyết liệt chỉ đạo bắt buộc các bộ, ngành phải kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia.
Về phát triển doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ khẳng định, doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng. Tuy nhiên, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp và cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã đề cập đến vấn đề cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước, là một trong những nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế, chính sách về đổi mới, tổ chức, quản lý, sắp xếp cổ phần hóa thoái vốn nhà nước đã được ban hành và bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. Các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại được tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng thực hiện vai trò, nhiệm vụ nòng cốt trong việc điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiêp sau cổ phần hóa được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại nhiều hạn chế như việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn theo đúng kế hoạch, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối đặc biệt là tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước. Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm…
Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra. Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp, có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa, thoái vốn. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, cử tri và Nhân dân Bạc Liêu rất phấn khởi trước những kết quả tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018. Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo đà bứt phá để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Đại biểu A Long (Rơ Châm Long), đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, tăng trưởng kinh tế vĩ mô tạo bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và lãnh đạo điều hành ở tất cả các cấp, các ngành.
Tiếp tục đổi mới và quyết liệt trong việc xây dựng thể chế
Theo đại biểu Võ Thị Như Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng, hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư TPP, mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định để hướng dẫn nhưng do khung pháp lý chưa đủ mạnh, mới ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác và có nhiều bất cập chồng chéo, quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, thống nhất trong một văn bản tất cả nội dung liên quan đến TPP. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của hình thức đầu tư này.
Về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đại biểu Cao Đình Thưởng, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, do trình tự thủ tục còn rườm rà, vướng mắc giữa các luật liên quan như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật đô thị, Luật ngân sách chưa được giải quyết. Theo đại biểu, để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát đổi mới sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan đến đầu tư công nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng để cắt giảm mạnh hơn nữa về trình tự thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng suất, chất lượng dự án trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan thuộc Chính phủ đã có rất nhiều đổi mới và quyết liệt trong việc xây dựng thể chế, song chúng ta cũng nhận thấy sự bất cập trong cơ chế, chính sách, sự thiếu kịp thời, sự không đồng bộ, thiếu nhất quán và chậm sửa đổi, bổ sung còn khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, chưa tạo nên động lực để phát triển.
Do vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thể chế đồng bộ, thông thoáng, khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn và tăng hậu kiểm. Đồng thời, sớm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác mọi nguồn lực, chú trọng nguồn lực trong nước của các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở tất cả các loại hình.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách hành chính, từ đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng, giúp tinh giản biên chế, giảm nhiều đầu mối tổ chức và đội ngũ lãnh đạo, đồng thời, giảm chi ngân sách cho bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân qua đó đề xuất các giải pháp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; quản lý giá cả; an toàn thông tin và an ninh mạng; giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; bảo đảm trật tự, an ninh xã hội; triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng; giải ngân vốn đầu tư công;...
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư giải trình làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành và biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh,...; phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, vụ việc được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có các giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công tư.
Tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông, đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.
Bên cạnh đó, phải quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân, giải quyết các vướng mắc về đất đai. Có giải pháp căn cơ về đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư