Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2022 của tỉnh Đồng Nai
1. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2022 cho thấy nổi lên những khó khăn đáng kể: chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa rất lớn từ thị trường Châu Âu chịu ảnh hưởng bất ổn về chính trị trên thế giới, chiến sự Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, làm cho giá cả vật tư, hàng hoá dịch vụ tăng cao, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới biến động mạnh, chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp những tháng gần đây gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế. Mặt khác nhu cầu tiêu dùng hàng hóa các nước cũng giảm mạnh nên hợp đồng xuất khẩu giảm đáng kể; Cụ thể các doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc các ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẫm gỗ v.v… đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật, hoặc bố trí lao động cho nghỉ phép năm; một số phân xưởng tạm dừng hoạt động.v.v do chưa có đơn hàng… vì vậy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 8 tăng thấp so với tháng 7/2022, mặc dù so với cùng kỳ vẫn tăng khá do tháng 8/2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khó khăn đó, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ; Mặt khác một số doanh nghiệp đã chủ động thực hiện hỗ trợ chi phí nhà ở, chi phí đi lại cho công nhân v.v… đây là những giải pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy mặc dù gặp khó khăn như trên nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 8 vẫn có mức tăng trưởng so với tháng trước và 8 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng khá so cùng kỳ.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tăng 1,61% so với tháng trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,93%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,56%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,73%.
Tháng 8 có 23/27 ngành sản xuất tăng so tháng trước như sau: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,69%, dệt tăng 3,51%, sản xuất trang phục tăng 6,48%; sản xuất hóa chất tăng 5,89%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,98%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,6% v.v… Tuy nhiên một số ngành giày da, dệt, may mặc trong một, hai tháng gần đây mức tăng chậm lại do gặp khó khăn về giá nguyên liệu, thị trường xuất khẩu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tăng 14,12% so với tháng cùng kỳ năm 2021, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 10,52%; Ngành chế biến, chế tạo tăng 13,7%; Sản xuất phân phối điện, nước tăng 27,67%; Cung cấp nước, xử lý nước, rác thải tăng 6,54%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm nay tăng cao so với tháng cùng kỳ là do tháng 8/2021 thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên sản xuất bị ảnh hưởng nặng, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 7,79% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,95%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 5,06%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,72%. Nguyên nhân 8 tháng tăng cao so cùng kỳ do thời điềm tháng 7 và tháng 8 năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hoặc chỉ duy trì sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ”, “01 cung đường, 02 địa điểm” nên 8 tháng cùng kỳ đạt thấp, 8 tháng năm nay sản xuất phục hồi nên có điều kiện tăng khá. Tuy nhiên một số ngành sản xuất gặp khó khăn về nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, nên chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất phương tiện vận tại khác, linh kiện điện tử, máy tính v.v… Riêng ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế là ngành chủ lực của tỉnh nhưng hiện nay đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.
Có 25/27 ngành sản xuất tăng so cùng kỳ, điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 6,89%; dệt tăng 6,29%; may mặc tăng 8,27%; giày da tăng 8,79%; sản xuất hóa chất tăng 6,22% v.v… một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,79%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 13,14%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,86%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 12,94%. Nguyên nhân tăng khá là do thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm thuận lợi, đơn hàng tăng đáng kể. Mặt khác thị trường trong nước có xu hướng tăng. Tuy nhiên những tháng gần đây sản xuất công nghiệp gặp khó khăn đáng kể, tăng trưởng chậm lại, đó là: Chiến sự Nga-Ukraine ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, do chí phí đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu xăng dầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu, giá nguyên liệu thức ăn giá súc, gia cầm, chi phí vận chuyển tăng cao v.v… đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh ngành sản xuất tăng có 2 ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-0,21%) nguyên nhân do tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; Sản xuất phương tiện vận tải (-15,04%).
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước tháng 8 năm 2022 có 23/24 sản phẩm tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Cà phê các loại đạt 20,4 ngàn tấn, tăng 66,5%; bột ngọt đạt 22,9 nghìn tấn, tăng 34,27%; nước ngọt các loại 49 triệu lít, tăng 19,44%; sợi các loại 120 nghìn tấn, tăng 17,44%; vải các loại đạt 49,2 triệu m2, tăng 9,94%, giầy dép các loại đạt 63,3 triệu đôi, tăng 11,76%, sơn các loại đạt 12,3 nghìn tấn, tăng 37,61%... sở dĩ tháng 8 năm 2022 hầu hết các sản phẩm đều tăng mặc dù sản xuất còn nhiều khó khăn, nhưng do tháng 8/2021 là tháng cao điểm của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp phải sản xuất luân phiên, làm việc 3 tại chỗ, hoặc tạm ngừng sản xuất.
Lũy kế 8 tháng có 23/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 11.070,4 nghìn m3, tăng 4,9%; bột ngọt 208,1 nghìn tấn, tăng 5,35%; nước ngọt các loại 407,2 triệu lít, tăng 9,95%; sợi các loại 898 ngàn tấn, tăng 6,17%; vải các loại đạt 381 triệu m2 , tăng 6,37%, giầy dép các loại 460 triệu đôi, tăng 11,76%, sản phẩm kim loại 348 ngàn tấn, tăng 16,81%; mạch điện tử 1.710 triệu chiếc, tăng 9,17%, nguyên nhân tăng do sau khi dịch Covid-19 trên thế giới cơ bản được kiểm soát, thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu từng bước ổn định trở lại, đơn hàng tăng đáng kể, tác động đến sản xuất và sản lượng sản phầm tăng trong kỳ. Tuy nhiên từ tháng 7 vừa qua một số ngành sản xuất gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, nên ảnh hưởng đến chỉ số sản phẩm công nghiệp.
- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tháng 8/2022 giảm 0,43% so với tháng 7/2022 và tăng 5,87% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tăng 4,15% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ đó là: sản xuất trang phục tăng 22%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 28,98%, sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 20,86%, sản phẩm cao su và plastic tăng 22,83%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%, sản xuất xe có động cơ tăng 53,7%... Nguyên nhân chỉ số tiêu thụ tăng là các ngành sản xuất này vẫn còn đơn hàng ngay từ đầu năm; Mặt khác thời điểm quý III/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hầu như tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong suốt quý III/2021. Một số ngành sản xuất chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ như: Sản xuất sản chế biến thực phẩm giảm 14,33%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 37,9%; dệt giảm 13,31%, sản phẩm điện tử, máy tính giảm 2,92%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 7% so cùng kỳ, do những tháng gần đây các ngành này gặp khó khăn trong việc xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm, do chí phí đầu vào tăng cao, nên tiêu thụ giảm.
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2022 dự ước chỉ số tồn kho tăng 7,92% so với tháng 7/2022 và tăng 1,72% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+55,59%); sản xuất sản phẩm thuốc lá (+25,78%); ngành dệt (+2,95%); sản xuất da và các sản phẩm liên quan (+3,36%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+18,58%), sản xuất phương tiện vận tải (+30,23%); Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do từ tháng 7/2022 xuất hiện một số khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, nên làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và số lượng hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm, thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp tháng 8 năm 2022 giảm 1,19% so với tháng trước và tăng 4,92% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước bằng 99,95% so tháng trước và giảm 7,99% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng bằng 95,03% và giảm 0,21%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bằng 98% và tăng 5,6% so tháng cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm chỉ số lao động tăng 1,18% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoảng tăng 1,51%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,65%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí và cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ số lao động giảm nhẹ so cùng kỳ.
2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng Tám diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi; một số địa phương trên địa bàn bắt đầu thu hoạch lúa vụ Hè thu; các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn tiếp tục tái đàn để kịp cung cấp sản lượng dịp cuối năm, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó khăn tái đàn do không chủ động về con giống và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, bên cạnh đó dịch tả heo Châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, nên người chăn nuôi e ngại đầu tư tái đàn.
a) Nông nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/8/2022 đạt 113.587,15 ha, giảm 944,4 ha (-0,82%) so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích gieo trồng lúa đạt 42.916 ha, giảm 1,52% (-662,8 ha). Trong đó: Vụ Đông Xuân giảm 140,1 ha; vụ Hè Thu giảm 568,7 ha; cây bắp đạt 25.112,1 ha, giảm 435,2 ha (-1,7%); khoai lang 174,2 ha, giảm 5,7 ha, (-3,16%); mía 3.653,9 ha, giảm 401,6 ha (-10%)… Nguyên nhân diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm là do hiện nay người dân chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn và thị trường tiêu thụ, xuất khẩu ổn định như: Chuối, mít, bưởi, sầu riêng…
Dự ước năng suất, sản lượng một số cây trồng như sau: Năng suất lúa: 60,74 tạ/ha, tăng 0,7%; bắp: 77,26 tạ/ha, tăng 1,43%; khoai lang: 117,45 tạ/ha, tăng 0,17%; mía: 711,34 tạ/ha, tăng 0,1%; đậu tương: 16,25 tạ/ha, tăng 0,85%; rau các loại: 161,71 tạ/ha, tăng 1,92%; đậu đỗ các loại: 14,05 tạ/ha, tăng 1,52%…
Sản lượng thu hoạch một số cây trồng hàng tăng, giảm so cùng kỳ: Lúa: 196.218,03 tấn, giảm 2.858 tấn (-1,44%); bắp: 153.483 tấn, giảm 1.731 tấn (-1,12%) so cùng kỳ; khoai lang: 1.438 tấn, tăng 3,33%; sắn: 364.798 tấn, tăng 3,76%; mía: 225.313 tấn, giảm 12,82% so cùng kỳ; rau các loại: 158.788 tấn, tăng 2,56%; đậu/đỗ các loại: 2.681 tấn, tăng 3,55%...
b) Cây lâu năm
Toàn tỉnh hiện có 171.945 ha cây lâu năm, tăng 1,41% (tăng 2.386 ha) so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Diện tích cây ăn quả các loại hiện có 76.099 ha, tăng 3,62%, chiếm 44,24% tổng diện tích cây lâu năm. Diện tích cây ăn quả tăng là do một số diện tích được trồng mới từ diện tích trồng cây hàng năm chuyển đổi cây có giá trị kinh tế cao như: bưởi, sầu riêng, chuối, mít... đảm bảo được đầu ra sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng xã hội ngày càng cao đối với những mặt hàng cây ăn trái nên diện tích cây ăn quả tăng so cùng kỳ.
+ Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 94.533,82 ha, chiếm 54,97% so với tổng diện tích cây lâu năm, giảm 0,3% (-282,54 ha). Một số cây trồng công nghiệp lâu năm chủ lực trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm diện tích như: Điều giảm 174,84 ha (-0,57%); hồ tiêu giảm 64,07 ha (-0,54%); cao su giảm 35,1 ha (-0,08%)… diện tích giảm do giá bán sản phẩm các loại cây này hiện nay thấp, nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom và Thống Nhất thu hoạch đều bị thua lỗ từ vài năm trở lại đây, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cây trồng và chăm sóc, nên số diện tích cây già cỗi người dân chặt bỏ không tiếp tục trồng lại.
Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng so cùng kỳ như sau: Xoài 73.968 tấn, tăng 5,27%; Chuối đạt 91.177 tấn, tăng 7,55%; Thanh long đạt 8.259 tấn, tăng 4,97%; Cam 6.566 tấn, tăng 5,7%; Bưởi 38.820 tấn, tăng 2,6%; Chôm chôm 170.213 tấn, tăng 2,3%; Điều đạt 41.075 tấn, giảm 1,18%; Hồ tiêu đạt 29.154,2 tấn, giảm 0,51%; Cao su đạt 27.287 tấn, giảm 0,74%...
c) Chăn nuôi
Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, trong hơn 3 tháng qua toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới. Dự ước tổng số đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ) đến thời điểm cuối tháng 8/2022 đạt 2.641.967 con, tăng 6,38% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm là 27.504,06 ngàn con, tăng 4,07% so cùng kỳ. Trong đó đàn gà đạt 25.905,06 ngàn con, tăng 4,54% so cùng kỳ và chiếm 94,19% tổng đàn gia cầm.
Sản lượng thịt trâu 8 tháng ước đạt 159 tấn, tăng 1,55%; thịt bò đạt 3.148 tấn, tăng 4,84%; thịt heo đạt 301.627 tấn, tăng 5,52%; thịt gia cầm đạt 123.275 tấn, tăng 4,41%, trong đó thịt gà 110.681 tấn, tăng 5,14%; Sản lượng trứng gia cầm đạt 809.101 ngàn quả, tăng 4,31% so cùng kỳ.
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cơ bản ổn định, giá các sản phẩm heo, gà và trứng gia cầm có xu hướng tăng và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng. Riêng giá heo hơi đang dao động trong khoảng từ 64.000 đến 66.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao đã làm lợi nhuận người chăn nuôi giảm, thậm chí có những trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay rất e ngại trong việc tái đàn, tăng đàn sợ bị thua lỗ. Trong thời gian tới giá thức ăn chăn nuối không hạ nhiệt sẽ rất khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là hiện nay thời điểm đầu tư tái đàn, tăng đàn để phục vụ cho thị trường cuối năm.
b) Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 8 ổn định, công tác theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, giống cây trồng lâm nghiệp, hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy rừng được duy trì và tăng cường. Thường xuyên thực hiện theo dõi, kiểm tra các loài cây gỗ lớn quý hiếm đã được định vị tại Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, không để xảy ra tình trạng xâm hại trái pháp luật.
Ước diện tích rừng trồng mới 8 tháng năm 2022 đạt 1.847,5 ha, tăng 1,99% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác 181.494 m3, tăng 2,52% so cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác 2.159 ste, tăng 3,62% so cùng kỳ.
Công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022 và kiện toàn các Ban chỉ đạo các cấp về phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tiếp nhận thông tin khí tượng, tính toán cấp dự báo cháy rừng để kịp thời thông báo cho địa phương và đơn vị chủ rừng; chuẩn bị tốt các dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ cho công tác PCCCR...
c) Thủy sản
Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng 8 thuận lợi, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, các vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao với nhiều phương thức nuôi, hình thức nuôi khác nhau nên đã tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho một bộ phận không nhỏ nông dân.
Dự ước tổng sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 6.410,17 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng sản lượng đạt 47.558,7 tấn, tăng 4,03% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá đạt 41.607,4 tấn, tăng 4,04%, sản lượng tôm đạt 5.111,7 tấn, tăng 4,22% so với cùng kỳ.
3. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
Tháng 8 tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc, tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn ở Nga và Ukraina làm cho giá các mặt hàng nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng đã tác động đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
3.1. Thương mại dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 19.363,3 tỷ đồng, tăng gần 2% so tháng trước và tăng 52,65% so tháng cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 148.688 tỷ đồng, tăng 19,47% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 7.326,6 tỷ đồng, tăng 4,59%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 138.258,4 tỷ đồng, tăng 20,43%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.103 tỷ đồng, tăng 17,01% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do từ tháng 7 năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lĩnh vực thương mại, dịch vụ hạn chế hoạt động trong thời gian dài, năm 2022 hoạt động trở lại; Mặt khác một số nguyên liệu đầu vào giá tăng cao đã tác động đến mức tăng của các nhóm hàng hóa bán ra.
a) Hoạt động bán lẻ hàng hóa
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 15.051 tỷ đồng, tăng 2,26% so với tháng trước và tăng 31,56% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 115.053,2 tỷ đồng, tăng 13,65% so cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng hóa có mức tăng khá như: lương thực, thực phẩm tăng 10,88%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,15%; xăng dầu tăng 59,28%; nhiên liệu khác tăng 20%; Sửa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 11,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên bên cạnh những nhóm hàng tăng thì cũng có một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 9,65%; đồ dùng dụng cụ gia đình giảm 1,12%; vật phẩm giáo dục giảm 2,12% do người dân thắt chặt chi tiêu vì giá của các mặt hàng tăng cao, nên việc mua sắm chỉ tập trung cho những mặt hàng thiết yếu, thật sự cần thiết cho tiêu dùng.
b) Lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Dự ước doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tháng 8/2022 đạt 1.616,9 tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước, so với tháng cùng kỳ tăng gấp 5 lần, do tháng 8/2021 thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động lưu trú, dịch vụ ăn uống tạm ngừng hoạt động. Lũy kế 8 tháng doanh thu ngành lưu trú, ăn uống ước đạt 12.677,3 tỷ đồng, tăng 50,54% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu hoạt động lưu trú dự ước đạt 120,5 tỷ đồng, giảm 2,21%; Doanh thu dịch vụ ăn uống dự ước đạt 12.556,8 tỷ đồng tăng 51,32% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống hạn chế hoạt động trong thời gian dài và từ ngày 15/3/2022 ngành du lịch cả nước đã được phép mở cửa hoạt động trở lại, góp phần thúc đẩy doanh thu các ngành thương mại, dịch vụ tăng khá so cùng kỳ.
c) Hoạt động dịch vụ
Doanh thu dịch vụ tháng 8/2022 ước đạt 2.691,3 tỷ đồng, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 191,26% so với tháng cùng kỳ ; hoạt động dịch vụ trong tỉnh vẫn ổn định, các dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ hỗ trợ tiếp tục tăng so với tháng trước… Tính chung 8 tháng, doanh thu dịch vụ đạt 20.940,2 tỷ đồng, tăng 41,58% so với cùng kỳ. Trong đó: Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 49%; Dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 32,3%; Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 80%; Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 39,4%; Dịch vụ khác tăng 48,1% so với cùng kỳ. Riêng nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 18,34% và dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 3,6% so cùng kỳ.
3.2. Giá cả thị trường
Tháng 8 giá mặt hàng xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của giá thế giới và chính sách bình ổn giá xăng dầu trong nước, tác động đến giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Riêng giá nhóm dịch vụ văn hóa giải trí và du lịch vẫn chưa hạ nhiệt, do thời điểm này học sinh các cấp được nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch, tham quan, giải trí của người dân tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2022 so với tháng trước giảm 0,21%, có 8/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,84%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,63%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; có nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông giá ổn định; có 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so tháng trước là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02% và nhóm giao thông giảm 6,25% do trong tháng 8 có 3 lần giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 so với tháng 12/2021 tăng 3,95% (tức là chỉ số giá 8 tháng tăng 3,95%). Nguyên nhân 8 tháng năm 2022 hầu hết giá tiêu dùng đều có biến động tăng bởi vì chịu sự tác động của giá xăng dầu và giá vật tư nguyên liệu đầu vào. Hầu hết các nhóm hàng đều có chỉ số giá tăng như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,82%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,59%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,43%; thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 2,19%; nhóm giao thông tăng 4,98%; giáo dục tăng 10,58%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 11,31%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,16% so với tháng 12/2021. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3% so với tháng 12/2021.
Chỉ số giá bình quân 8 tháng năm 2022, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 01 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,39%. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng khá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (+17,93%) do ảnh hưởng của tình hình Chiến sự bất ổn trên thế giới làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu tăng cao trong quý 2/2022; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,24% do nhu cầu của người dân tăng sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19.
- Chỉ số giá vàng tháng 8 năm 2022 tăng 0,55% so với tháng trước; so với với tháng 12/2021 giảm 2,7%. Bình quân 8 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8 năm 2022 giảm 0,56% so tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 4,14%. Bình quân 8 tháng tăng 0,61% so cùng kỳ.
3.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Bước vào đầu năm 2022 tình hình xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu trên thế giới mở rộng, hợp đồng xuất khẩu tăng cao; Tuy nhiên từ tháng 7/2022 xuất hiện một số khó khăn đó là tình hình dịch bệnh, chính sách “zero-Covid’’ tại Trung Quốc, cùng với Chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, nên làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp, vì vậy một số doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu tháng 7 và 8 giảm so với những tháng đầu năm.
Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 8 năm 2022 trên địa bàn đạt 2.029 triệu USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 58,28% so tháng cùng kỳ; Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tháng 8 có sự sụt giảm so với tháng 7 là do thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, đó đó kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2022 xuất khẩu giảm. Giảm nhiều nhất là phụ tùng xe gắn máy giảm 11,86%, tiếp đến là xơ, sợi dệt giảm 4%; giày dép các loại giảm 3,72%... Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17.041,4 triệu USD tăng 14,12% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 391,2 triệu USD, tăng 10,06%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.971,28 triệu USD, tăng 40,45%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12.679 triệu USD, tăng 7,91% so cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ như: Cà phê tăng 34,51%; Hàng dệt may tăng 17,55%; Giày dép các loại tăng 31,76%; Máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 20,1%; Sản phẩm từ sắt thép tăng 28,14% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so cùng kỳ như: Hạt điều giảm 14,89% nguyên nhân hạt điều giảm là do thiếu nguyên liệu, nguồn điều thô hiện nay cạn dần do diện tích và sản lượng giảm nên phải nhập khẩu hạt điều thô về để chế biến, giá hạt điều đang có xu hướng giảm; Sản phẩm gỗ giảm 2,41%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,89% so cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu tháng 8 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 693,6 triệu USD, chiếm 34,18%; Trung Quốc đạt 148,4 triệu USD, chiếm 7,32%; Nhật Bản đạt 205,7 triệu USD, chiếm 10,14%; Các thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như: Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Đức… chiếm tỷ trọng 48,36% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 1.700,4 triệu USD, giảm 1,7% so tháng trước và tăng 22,66% so tháng cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng ước đạt 13.553,9 triệu USD, tăng 5,46% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 182,2 triệu USD, giảm 0,94%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.965,2 triệu USD, tăng 23,25%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.406,48 triệu USD, tăng 1,41% so cùng kỳ.
Các mặt hàng nhập khẩu 8 tháng tăng khá so cùng kỳ như: Hóa chất tăng 18,4%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 10,04%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 6,45%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 14,77%; Sắt thép các loại tăng 36,5%. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 8,48%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 18,05%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 19,24% v.v...
Thị trường nhập khẩu trong tháng 8 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc: Ước đạt 434,5 triệu USD, chiếm 25,55%; Hàn Quốc đạt 220,7 triệu USD, chiếm 12,98%; Nhật Bản đạt 116,4 triệu USD, chiếm 6,85%; Thị trường Mỹ đạt 145,62 triệu USD, chiếm 8,56%.
Dự ước 8 tháng năm 2022 giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 3.487,5 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 440 triệu USD.
3.4. Giao thông vận tải
Trong tháng 8 tình hình hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, cũng như các dịch vụ logictis tiếp tục tăng đã làm cho doanh thu hoạt động vận tải, bốc xếp và các dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 tăng so với tháng trước, đây là cơ hội để ngành vận tải hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn. Dự ước doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 8/2022 đạt 1.948,7 tỷ đồng, tăng 2,16% so tháng trước và tăng 2,76 lần so cùng tháng năm trước; Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 14.718,5 tỷ đồng, tăng 29,85% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do tháng 8/2021 thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh nên hầu hết các dịch vụ vận tải tạm ngưng hoạt động, trừ một số trường hợp được lưu thông theo quy định, dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải trong tháng 8/2021 giảm sâu. Nhưng tháng 8/2022 thì các hoạt động vận tải được phép hoạt động bình thường và tăng trưởng khá nên doanh thu và sản lượng tăng cao so với cùng kỳ.
a) Vận tải hành khách
Tháng 8 dịch vụ vận chuyển hành khách tăng nhẹ so với tháng trước. Dự ước doanh thu tháng 8/2022 đạt 241,7 tỷ đồng, tăng 1,77% so tháng trước và tăng gấp 12 lần so so tháng cùng kỳ, sở dĩ tháng 8/2022 tăng khá cao so với cùng kỳ, vì tháng 8/2021 hoạt động vận tải ngừng hoạt động do dịch Covid-19, trong khi đó tháng 8/2022 hoạt động hành khách hầu hết các tuyến đường cố định đối lưu với 30 tỉnh, thành phố trên cả nước được khai thác với tổng số 330 xe/16.823 chỗ để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân; Đặc biệt là các tuyến xe buýt công cộng và taxi hoạt động phân bổ đều khắp địa bàn huyện, thành phố; Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 3,83% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 8 đạt 5.589 nghìn HK, tăng 1,71% so với tháng trước và tăng gần 9 lần so với tháng cùng kỳ. Khối lượng luân chuyển đạt 278.744 nghìn HK.km, tăng 1,75% so tháng trước và tăng 9,8 lần so tháng cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng vận chuyển và luân chuyển tháng 8/2022 tăng khá cao là do nhu cầu đi lại của đời sống dân cư tăng, mặt khác tháng 8/2021 do phải cách ly xã hội nên qui định người dân phải ở tại chỗ để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
b) Vận tải hàng hóa
Trong tháng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nguyên vật liệu tiếp tục tăng so với tháng trước do tình hình sản xuất công nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh trong tỉnh vẫn duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Ước tính doanh thu vận tải hàng hóa tháng 8/2022 đạt 1.056,3 tỷ đồng, tăng 2,41% so tháng trước và tăng 2,44 lần so cùng tháng năm trước.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng 8 ước đạt 5.054 nghìn tấn, tăng 2,33% so với tháng trước và tăng 2,16 lần so tháng cùng kỳ; Khối lượng luân chuyển đạt 435.256 nghìn tấn.km, tăng 2,35% so tháng trước và tăng 2,3 lần so tháng cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm doanh thu vận tải hàng hóa đạt 8.104 tỷ đồng, tăng 21,37% so cùng kỳ.
c) Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Hiện nay ngành dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics trên đà phục hồi và phát triển, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng và liên vùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu lưu kho, lưu bãi, dịch vụ hải quan có xu hướng tăng. Dự tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8/2022 đạt 650,7 tỷ đồng, tăng 1,91% so với tháng trước và tăng 2,6 lần so với tháng cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 5.212,1 tỷ đồng, tăng 57,69% so cùng kỳ.
4. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước
Tháng 8 năm 2022 vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tiếp tục tăng trưởng khá, mặc dù vẫn còn một số khó khăn như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn và lúng túng trong việc thực hiện theo nhiều qui định của của pháp luật, công tác giải ngân chưa kịp thời, giá cả vật tư, hàng hóa và vật liệu xây dựng vẫn ở mức cao, trong đó phổ biến như các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, cát, đá xây dựng tăng cao.
Dự ước vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2022 thực hiện 1.023,7 tỷ đồng, tăng 14,88% so với tháng trước; Lũy kế 8 tháng đầu năm thực hiện 5.068 tỷ đồng, tăng 53,61% so cùng kỳ và bằng 53,4% so kế hoạch năm 2022. Tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương như sau:
5. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến ngày 22/8/2022, đạt khoảng 656,05 triệu USD, bằng 68,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 963,9 triệu USD), trong đó: Cấp mới 28 dự án với tổng vốn đăng ký 343 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 68,3% về số dự án và tăng 9,5% về vốn đăng ký cấp mới. Có 57 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 313,03 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 69,5% về số dự án và bằng 48,1% về vốn bổ sung.
Tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư (bao gồm cả các dự án trúng đấu giá, đấu thầu) và điều chỉnh tăng vốn khoảng 927,1 tỷ đồng, bằng 6,93% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 13.379 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 06 dự án (chủ yếu trong khu công nghiệp) với tổng vốn đăng ký là 593,4 tỷ đồng, bằng 5,6% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ 2021; có 07 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 333,7 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8 năm 2022 đạt kết quả cao, số doanh nghiệp thành lập mới có 153 doanh nghiệp, (tăng 565% so tháng cùng kỳ năm 2021 là 23 doanh nghiệp, thời điểm cách ly toàn xã hội) với số vốn đăng ký là 1.313,8 tỷ đồng; Có 31 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn là 728,9 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 133 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh (tăng 565% so với cùng kỳ năm 2021). Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2022 có 2.825 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 33% so cùng kỳ với số vốn đăng ký là 17.905,4 tỷ đồng, bằng 39,4% so cùng kỳ. Có 656 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 28.131,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2022 có 330 doanh nghiệp giải thể, tăng 37,5% so cùng kỳ và có 405 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 63,3%; 938 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 48,9%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp lại mô hình sản xuất.
6. Tài chính – Ngân hàng
a) Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2022 đạt 43.682,6 tỷ đồng ([1]), bằng 94,29% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa 27.920 tỷ đồng, bằng 84,9% so với cùng kỳ. Một số khoản thu giảm so cùng kỳ như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,54%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,85%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt giảm 39,97%; thuế thu nhập cá nhân giảm 4,71% Các khoản thu về nhà đất giảm 15,88%...; Thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15.686 tỷ đồng, tăng 18,76% so cùng kỳ. Trong đó: Thuế xuất khẩu tăng 18,38%, thuế nhập khẩu tăng 12,45%, thuế GTGT tăng hàng nhập khẩu 19,74% so với cùng kỳ…
Dự ước tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 20/8/2022 đạt 20.509,8 tỷ đồng([2]), bằng 87,43% so cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển: 9.973,7 tỷ đồng, bằng 76,79% so cùng kỳ; Chi thường xuyên đạt 9.744,66 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ. Chi thường xuyên 8 tháng năm 2022 đảm bảo, đáp ứng đủ và kịp thời kinh phí cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo kinh phí thực hiện chi lương, chi trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách đảm bảo các nhiệm vụ chi về chính sách chế độ cho các đối tượng chính sách và người lao động.
b) Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/8/2022 đạt đạt 293.530 tỷ đồng, tăng 7,15% so với 31/12/2021. Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 274.517 tỷ đồng, tăng 6,64% so với 31/12/2021; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 16.331 tỷ đồng, tăng 16,43% so với đầu năm. Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 6,0-6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ tiếp tục duy trì ở mức 0%.
Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến 31/8/2022 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 325.036 tỷ đồng, tăng 16,18% so với 31/12/2021 (trong đó tỷ lệ nợ xấu ước chiếm 1,2% trên tổng dư nợ cho vay). Dư nợ cấp tín dụng bao gồm: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 187.035 tỷ đồng, tăng 22,18% so 31/12/2021, dư nợ trung, dài hạn ước đạt 138.001 tỷ đồng, tăng 8,94% so với đầu năm.
- Phân theo loại tiền: Dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 274.668 tỷ đồng, tăng 16,25% so 31/12/2021; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 50.367 tỷ đồng, tăng 15,81% so với đầu năm.
* Tình hình triển khai gói hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của NHNN Việt Nam về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện để đưa gói hỗ trợ vào đời sống thực tế, góp phần đạt mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn; Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan báo, đài tại địa phương và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thông tin đến khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kịp thời nắm bắt, tiếp cận với chính sách hỗ trợ, góp phần đảm bảo chính sách đạt hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng. Kết quả đến 31/7/2022, trên địa bàn hiện đã giải ngân cho 04 khách hàng hoạt động trong lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 10,25 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 10,25 tỷ đồng. (Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam). Bên cạnh triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN.
7. Một số tình hình xã hội
a) Văn hóa thông tin
Tháng 8 năm 2022, toàn ngành VHTTDL tập trung tuyên truyền cổ động trực quan các sự kiện: Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); Tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7), tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19;…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài PH-TH Đồng Nai và Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam tổ chức thu hình chương trình giải trí về lĩnh vực gia đình năm 2022 với Chủ đề “Gia đình yêu thương”. Đây là năm thứ sáu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức một sân chơi truyền hình bổ ích cho các gia đình văn hóa tiêu biểu trong tỉnh trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh- Truyền hình Đồng Nai. Thông qua Chương trình nhằm tăng cường trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội cùng chung tay xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Triển khai tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; Cung cấp kiến thức về sức khỏe - dinh dưỡng; cách chăm sóc nuôi dạy con; văn hóa ứng xử trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình.
b) Thể dục, thể thao
Công tác tham gia các giải và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tháng 8/2022 như sau:
- Giải quốc tế: Tham gia 03 giải, đạt 08 huy chương các loại (01HCV, 03HCB, 04HCĐ): Trong đó tham gia Giải vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á tại Uzbekistan, đạt 01HCB, 02HCĐ; tham gia Giải vô địch Thể hình và Physique Châu Á năm 2022 tại Maldives, đạt 01 HCĐ; tham gia Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 tại Indonesia, đạt 01 HCV, 02 HCB, 01 HCĐ.
- Giải quốc gia: Tham gia Giải Vô địch Cờ vua trẻ xuất sắc quốc gia năm 2022 tại Lâm Đồng, đạt 04 HCĐ; Giải Vô địch Cúp các CLB Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XI năm 2022 tại Đà Nẵng, đạt 02 HCV, 02 HCB, 06 HCĐ; Giải Vô địch Boxing trẻ toàn quốc năm 2022 tại Đắk Lắk, đạt 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ. Ngoài ra tham gia 11 giải khác, đạt 88 huy chương các loại.
- Giải Cụm, Khu vực, mở rộng: Tham gia Giải Taekwondo miền Đông Nam Bộ tỉnh Bình Dương mở rộng tại Bình Dương, đạt 03HCV, 02HCB, 05HCĐ.
Công tác xây dựng, phát triển thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết của cộng đồng.
c) Giáo dục - Đào tạo
- Tổ chức chấm phúc khảo thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tổ chức chấm phúc khảo kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.
- Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022: Toàn tỉnh có 29.744 thí sinh đậu tốt nghiệp trong tổng số 30.713 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 96,84%. Trong đó: khối trung học phổ thông có 24.731 thí sinh đậu tốt nghiệp, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 99,13% và khối giáo dục thương xuyên có 5.013 thí sinh tốt nghiệp, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 86,94%.
- Công tác chuẩn bị năm học mới: Ngành Giáo dục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho năm học mới 2022-2023, có 68 công trình trường học được đầu tư xây dựng mới, bổ sung với tổng kinh phí trên 1,6 ngàn tỷ đồng với 335 phòng học, 82 phòng phục vụ học tập, 61 nhà vệ sinh và trên 11 ngàn mét tường rào. Ngoài ra ngành còn đầu tư mua sắm gần 100 tỷ đồng thiết bị đồ dùng học tập phục vụ cho các nhà trường trong dạy và học.
d) Y tế
Theo Sở y tế tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể tính từ ngày 22/7/2022-18/8/2022 ghi nhận 1.153 trường hợp mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó qua Realtime RT-PCR là 181 ca, qua test nhanh kháng nguyên là 972 ca, tăng 5,1 lần so với tháng trước (189 ca). Số ca bệnh mới tập trung ở TP. Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Khánh, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với việc xuất hiện hàng loạt biến thể phụ lây lan nhanh của biến chủng Omicron, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng, gây khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, tính đến nay trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêm tổng số 8.327.111 liều. Trong đó, tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 3 đạt 69,51%, mũi 4 đạt 16,96%. Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 đạt 23,94% và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 78,65%, mũi 2 đạt 41,14%. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, cũng như hạn chế bệnh chuyển nặng và tử vong nếu mắc Covid-19, cách tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 đầy đủ và đúng lịch.
Một số dịch bệnh khác phát sinh trong tháng 8 năm 2022 như sau:
- Sốt xuất huyết: Tính từ ngày 21/7 đến ngày 18/8 ghi nhận thêm 4.976 ca, số ca mắc tương đương so với tháng trước. Ghi nhận 01 ca tử vong. So với tháng trước, số ca mắc tăng ở 09/11 huyện, thành phố, trong đó tăng nhiều ở thành phố Biên Hòa và các huyện Long Thành, Xuân Lộc. Tính từ đầu năm đến ngày 18/8 ghi nhận 18.086 ca, (trong đó số ca trẻ ≤ 15T là 10.779 ca, chiếm tỷ lệ 59,6%), tăng 260,06% so với cùng kỳ năm 2021 (5.023 ca). Tổng số ca tử vong cộng dồn là 16 ca, tăng 15 ca so với cùng kỳ.
Hoạt động xử lý ổ dịch: Số ổ dịch được phát hiện và xử lý trong tháng là 664/657 ổ dịch, số ổ dịch phát hiện tăng 228,71% so với cùng kỳ (202 ổ dịch). Tính từ đầu năm đến nay tổng số ổ dịch được phát hiện 1.846 ổ dịch, tăng 59,83% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt 98,88%.
- Hội chứng tay chân miệng: trong tháng ghi nhận 841 ca, giảm 40,18% so với tháng trước và tăng 63,7 lần so với tháng cùng kỳ (tháng 8 năm 2021 ghi nhận 13 ca). So với tháng trước, số ca mắc giảm ở 10/11 huyện, thành phố, trong đó giảm nhiều ở: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... Số ca mắc tay chân miệng cộng dồn đến tháng 8/2022 là 4.927 ca, tăng 71,25% so với cùng kỳ. Không ghi nhận ca tử vong.
Sởi: Tính từ đầu năm đến tháng 8 ghi nhận 05 ca, giảm 03 ca so với cùng kỳ 2021. không ghi nhận ca tử vong.
Trước diễn biến số ca mắc Sốt xuất huyết tăng cao ở một số địa phương, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các địa phương có ca mắc tích cực điều tra, xử lý các ổ dịch kịp thời, không bỏ sót ca bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Do bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, chưa có vaccine phòng bệnh, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, phòng tránh bị muỗi đốt, diệt lăng quăng; thực hiện ăn chín uống chín, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa sạch đồ dùng, đồ chơi của trẻ em, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân… Nếu có biểu hiện của bệnh cần khẩn trương đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để thăm khám, điều trị kịp thời, không tự ý dùng thuốc, tránh những hậu quả đáng tiếc.
- Tình hình vệ sinh thực phẩm: Trong tháng 8/2022 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (02 đoàn kiểm tra liên ngành) và tổ chức 1.055 lượt thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, trong đó: 981 cơ sở đạt (chiếm 92,99%), số cơ sở vi phạm là 74, phạt tiền 10 cơ sở với số tiền: 150,5 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 05 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong.
e) Giải quyết việc làm
Trong tháng 8/2022, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 7.166 lượt người, tăng 25,03% so với cùng kỳ năm 2021 (lũy kế từ đầu năm là 59.711/80.000 lượt người, đạt 74,71% kế hoạch năm). Ban hành 7.155 quyết định cho hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả cấp thất nghiệp là 222.375,76 triệu đồng. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho 8.661 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 145 người. Cấp 63 giấy phép lao động người nước ngoài, trong đó 01 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
f) Đào tạo nghề: Trong tháng 8, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 9.905 người, trong đó: Cao đẳng là 1.180 người, Trung cấp 5.669 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 3.056 người. Lũy kế từ đầu năm tuyển mới 53.545 người, đạt 75,42% kế hoạch năm,
Toàn tỉnh có 8.551 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, trong đó: Cao đẳng là 896 người, Trung cấp 3.587 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 4.068 người. Tính từ đầu năm có 49.647 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, đạt 68,95% kế hoạch năm./.
Cục Thống kê Đồng Nai