Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của thành phố Hải Phòng

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm năm 2022 ước tăng 12,06% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng >13%), đứng thứ 9 cả nước và thứ 1 vùng đồng bằng Sông Hồng. Kinh tế thành phố đang phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,12%, đóng góp 7,61 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 10,34%, đóng góp 3,77 điểm phần trăm.

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng

2.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 9 năm 2022 ước đạt 7.771 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa ước đạt 2.970,6 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.800 tỷ đồng. Ước 9 tháng/2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 78.461,5 tỷ đồng, đạt 74,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 118,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 27.431,5 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 120% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 49.619,9 tỷ đồng, đạt 82,7% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 117,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 9 năm 2022 ước đạt 4.058,8 tỷ đồng; trong đó tổng chi đầu tư phát triển đạt 2.832,4 tỷ đồng; chi thường xuyên đạt 1.130,6 tỷ đồng. Uớc 9 tháng/2022 đạt 18.261,6 tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 107,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển đạt 9.104,2 tỷ đồng, đạt 50,1% và bằng 116,7%; chi thường xuyên đạt 8.538 tỷ đồng đạt 62% và bằng 102,5% .

2.2 Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/9/2022 đạt 280.034 tỷ đồng, bằng 109,86% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2022 ước đạt 175.524 tỷ đồng, bằng 125,84% so với cùng kỳ năm trước. 

3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Sau điều chỉnh giá xăng dầu (từ 15h ngày 21/9/2022) của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về mức 22.584 đồng (giảm 631 đồng), xăng E5 RON92 có giá mới là 21.781 đồng (giảm 450 đồng), cùng với việc giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà giảm là những nguyên nhân chính khiến làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 giảm 0,13% so với tháng trước, tăng 4,02% so với tháng 12/2021 và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý III/2022 CPI tăng 4,34%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, CPI tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,9% của 9 tháng năm 2021.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 tăng 4,02%, trong đó có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,33%.

CPI bình quân quý III/2022 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2021.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

- Giá vàng trong nước giảm liên tiếp trong các tháng gần đây do đồng USD tăng giá. Chỉ số giá vàng tháng 9/2022 giảm 0,71% so với tháng trước, giảm 1,25% so với tháng 12/2021 và tăng 0,29% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 9/2022 dao động ở mức 5,19 triệu đồng/chỉ.

- Chỉ số đô la Mỹ tháng 9/2022 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 3,17% so với tháng 12/2021 và tăng 3,67% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 9/2022 dao động ở mức 23.714 đồng/USD, tăng 66,25 đồng/USD.

4. Đầu tư 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2022 ước đạt 124.667,4 tỷ đồng, tăng 7,99% so với cùng kỳ năm trước và bằng 62,33% kế hoạch năm. Thời gian qua, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép… tăng mạnh. Nhiều dự án vượt dự toán so với tổng mức đầu tư được duyệt phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai. Một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu đã giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.

Vốn khu vực Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 12.715,3 tỷ đồng, tăng 19,25% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn Trung ương quản lý giảm 6,35% so với cùng kỳ do khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương hoạt động không mấy hiệu quả nên sự đầu tư vào khu vực này ngày càng giảm. Ngược lại, nguồn vốn nhà nước địa phương ước đạt 11.866,6 tỷ đồng, tăng 21,62% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện nguồn vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2022 so với kế hoạch năm 2022 vẫn còn ở mức thấp. Lý do chủ yếu là tiến độ thi công của các dự án chuyển tiếp và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ở khu vực ngoài nhà nước, 9 tháng năm 2022 ước đạt 71.795,82 tỷ đồng, tăng 8,45%. Mặc dù chịu ảnh hưởng chung từ việc tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư nhưng ở khu vực này trong 9 tháng 2022 cũng đã chiếm tới 57,59% trong cơ cấu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. 

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 40.156,3 tỷ đồng, tăng 4,10% so với cùng kỳ. Điển hình ở khu vực này là 3 nhà máy của tập đoàn LG tại Hải Phòng, tập trung chủ yếu ở dự án LG Display với nhà máy H3 đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Ngoài ra một số dự án nước ngoài đang được đầu tư với giá trị lớn trong quý II/2022 và dự tính quý III/2022 như: Công ty TNHH Regina Miracle Internation Việt Nam thực hiện giá trị trên 1,3 nghìn tỷ đồng; Công ty TNHH LG Electronic Việt Nam Hải Phòng thực hiện giá trị trên 700 tỷ đồng; Công ty TNHH Dongdo Electronics Hải Phòng thực hiện hơn 500 tỷ đồng…

Theo ngành đầu tư, dự tính 9 tháng 2022 một số ngành chủ đạo đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư của thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 50,41% cơ cấu trong tổng vốn, ước 9 tháng/2022 thực hiện đạt 62.840,35 tỷ đồng, tăng 32,82% so với cùng kỳ; ngành lưu trú và ăn uống tăng 133,24%; ngành sản xuất và phân phối điện, khi đốt, nước nóng và hơi nước tăng 25,75%. Tuy nhiên cũng có một số ngành trong 9 tháng 2022 tổng vốn đầu tư đã bị sụt giảm, trong đó ngành kinh doanh bất động sản là ngành có tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn (13,57%) có mức giảm -31,35% so với cùng kỳ do một số dự án lớn của tập đoàn Vingroup, khách sạn Pullman; dự án phức hợp Hilton đã hoàn thành.

Từ đầu năm đến 15/9/2022, toàn thành phố có 56 dự án cấp mới đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 787,76 triệu USD. Trong đó tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 85 dự án, vốn đầu tư đạt 1.244,16 triệu USD.

5. Hoạt động của doanh nghiệp

* Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Dự kiến trong tháng 9 năm 2022, toàn thành phố có 287 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (tăng 18,11% so với cùng kỳ năm 2021), với tổng số vốn đăng ký ước đạt 1.927,6 tỷ đồng (tăng 12,86%), vốn đăng ký bình quân một DN ước đạt 6,7 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 127 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 110 đơn vị.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có 2.452 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 19.898,2 tỷ đồng, tăng 10,10% về số DN và giảm 2,60% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 8,1 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 1.470 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.890 đơn vị.

Dự kiến trong tháng 9 năm 2022, thành phố có 20 DN và 23 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tiến hành thủ tục giải thể. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, số DN dự kiến thực hiện thủ tục giải thể là 181 và đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là 354 cơ sở.

* Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 187 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 80,54% số DN đánh giá tổng thể chung về tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2022 so với quý II/2022 là tình hình tốt lên và giữ ổn định (38,92% DN đánh giá tốt lên và 41,62% DN đánh giá giữ ổn định), có 19,46% số DN cho rằng khó khăn hơn. 

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý III/2022, có 40,54% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 33,51% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,89 doanh nghiệp cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 28,65% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 25,95% số doanh nghiệp đánh giá thiếu nguyên nhiên, vật liệu sản xuất làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

* Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa năm 2022 toàn thành phố ước đạt 34.331,0 ha, bằng 99,03% so với vụ Mùa năm trước. 

Diện tích gieo trồng cây lúa vụ Mùa ước đạt 28.807,4 ha, bằng 98,45% so với cùng kỳ năm trước, diện tích cây lúa giảm do chuyển đất lúa sang đất xây dựng khu công nghiệp, đất dự án, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản và một phần đất lúa bị bỏ hoang. 

Thời tiết vụ Mùa năm nay nhìn chung tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, các đối tượng sinh vật gây hại, sâu bệnh... được phòng trừ chủ động đã đem lại hiệu quả, lúa Mùa 2022 đang sinh trưởng tốt, mặt lá xanh ít sâu bệnh, tiềm năng đem lại năng suất cao.

Ước tính diện tích gieo trồng của một số cây hàng năm khác vụ Mùa năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Cây ngô đạt 248,6 ha, bằng 74,41%; cây khoai lang đạt 132,6 ha, bằng 122,57%; cây hoa các loại đạt 237,5 ha, bằng 112,78%; đỗ các loại đạt 127,1 ha, bằng 102,21%. 

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2022 ước đạt 8.401,1 ha, bằng 101,76% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây trồng tăng do chuyển đổi từ một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm; mở rộng quy mô cây trồng tại những vùng trồng tập trung chuyên canh và cây trồng phân tán trên đất vườn tạp của các hộ dân. 

Ước tính tháng 9 năm 2022, số lượng đầu con gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,14 nghìn con, giảm 3,20% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 8,01 nghìn con, giảm 9,82%. 

Tổng đàn lợn toàn thành ước đạt 148,73 nghìn con, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi, tổng đàn gia cầm hiện có ước đạt 8.555,25 nghìn con, giảm 2,08%, trong đó đàn gà ước đạt 6.464,58 nghìn con, giảm 1,83% so với cùng kỳ.

Giá con giống tăng nhẹ so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do chi phí sản xuất tăng trong đó giá lợn giống loại thường tăng 2,95% (dao động quanh mức 178,47 nghìn đồng/kg), giá con giống gà cũng tăng 10,5% so với tháng trước.

Tình hình chăn nuôi lợn hiện tương đối ổn định, sản lượng xuất chuồng thịt lợn hơi 9 tháng năm 2022 ước đạt 23,25 nghìn tấn, tăng 30,81% so với cùng kỳ, trong đó quý III ước đạt 7,63 nghìn tấn, tăng 15,6%. 

Chăn nuôi trâu, bò tiếp tục có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp, một số hộ đã chuyển sang hoạt động sản xuất khác khi địa phương thu hồi đất nông nghiệp để đầu tư, xây dựng khu công nghiệp; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2022 ước đạt 558,7 tấn, giảm 4,12% (quý III đạt 154,8 tấn, giảm 2,11%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 787,79 tấn, giảm 9,79% (quý III đạt 223,9 tấn, giảm 8,61%) so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 50,62 nghìn tấn, giảm 2,17% (quý III đạt 16,74 nghìn tấn, giảm 1,5%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 230,26 triệu quả, giảm 4,27% (quý III đạt 78,79 triệu quả, giảm 3,86%) so với cùng kỳ năm trước.

* Lâm nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 43,3 ha. Tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 970,3 m3, bằng 92,97%; củi khai thác ước đạt 27.800,8 ste, bằng 93,28% so với cùng kỳ. Số lượng cây trồng phân tán các loại ước đạt 181,3 nghìn cây, bằng 95,42% so với cùng kỳ. 

* Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 9 năm 2022 ước đạt 15.083,1 tấn, tăng 1,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 143.995,4 tấn, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 11.317,6 ha, tăng 1,20% so cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 7.828,5 ha, tăng 0,96%; tôm đạt 2.847,9 ha, tăng 1,81%; thủy sản khác đạt 641,2 ha, tăng 1,38%. 

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 9 năm 2022 ước đạt 5.835,3 tấn, tăng 0,10% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 54.926,3 tấn, tăng 2,02%, chia ra: cá các loại đạt 35.808,7 tấn, tăng 2,34%; tôm các loại đạt 5.048,8 tấn, tăng 1,64%; thủy sản khác đạt 14.068,8 tấn, tăng 1,36%. 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 9 năm 2022 ước đạt 9.247,8 tấn, tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 89.069,1 tấn, tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. 

7. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2022 ước tính tăng 2% so với tháng 8 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,69% so với cùng kỳ, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 2,25%, còn lại 2 ngành có tăng trưởng âm là ngành khai khoáng giảm 16,41%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 6,28%.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,61%, đóng góp 12,89 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,44%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 19,87% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 2,82% tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 

Trong 9 tháng năm nay, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: sản xuất hàng may sẵn tăng gấp 5,3 lần; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp tăng 2,8 lần; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 83,4% so với cùng kỳ; sản xuất linh kiện điện tử tăng 51,92%; sản xuất máy chuyên dụng tăng 52,89%; sản xuất mỹ phẩm xà phòng, chất tẩy rửa tăng 45,94%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 46,11%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 44,42%;... Tuy nhiên ở chiều ngược lại một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép giảm 61,83%; sản xuất pin và ắc quy giảm 33,83%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 28,1%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 16,38%; khai thác đá, cát, sỏi đất sét giảm 19,87%; sản xuất đồ điện dân dụng giảm 11,95%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: tivi trên 922 nghìn chiếc, tăng 79,33%; modun camera trên 127,3 triệu cái tăng 97.95%; kính nổi và kính đã mài sản xuất đạt 706,5 nghìn tấn, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ; điện cực kim loại cơ bản (nam châm điện) sản xuất đạt 7,3 nghìn tấn tăng 74,13%; mạch điện tử tích hợp sản xuất đạt 28,9 triệu chiếc tăng 51,92%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa đạt 55,8 nghìn tấn tăng 45,94%;... 

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: phân bón chỉ đạt 148,9 nghìn tấn bằng 71,9% (-28,1%); ắc quy điện các loại đạt 286,7 nghìn Kwh giảm 33,83%; bia đóng chai đạt 3 triệu lít giảm 40,68%; máy giặt loại không quá 10 kg đạt 817 nghìn cái giảm 18,46%; tàu hải quân giá trị đạt 259,8 tỷ đồng giảm 50,05%; ...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2022 tăng 2,86% so với tháng trước và tăng 33,62% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022 chỉ số tiêu thụ tăng 18,41% so với cùng kỳ. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng rất cao (trên 200%) như: sản xuất hàng may sẵn tăng 6,2 lần; sản xuất plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 3,4 lần; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 2,3 lần. 

Một số ngành có mức tăng cao: sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 46,14%; sản xuất các loại hàng dệt khác tăng 38,82%;... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,24%; sản xuất bê tông tăng 26,54%; may trang phục tăng 13,19%;... 

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: chế biến gỗ giảm 60,28%; sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 32,09%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 17,54%; sản xuất vải dệt thoi giảm 20,79%;... 

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/9/2022 ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 20,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 3,2 lần; sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 5,6 lần; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 2,2 lần; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 6,69 lần;… Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất thuốc lá giảm 89,79%; sản xuất bi, bánh răng hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 86,11%; sản xuất giày dép giảm 82,68%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 53,05%;...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2022 dự kiến tăng 0,81% so với tháng 8 và tăng 16,58% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,38%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 16,8%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,65%. Cũng tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 20% so với cùng thời điểm năm trước; ngược lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất với mức tăng đạt 17,11%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,55%. Những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị điện tăng gấp 3 lần; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 69,37%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học tăng 26,15%. Những ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm: dệt giảm 61,73%; khai khoáng giảm 20%; sản xuất đồ uống giảm 7,86%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,81%;...

8. Thương mại, dịch vụ

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 năm 2022 ước đạt 14.978,9 tỷ đồng, tăng 2,03% so với tháng trước, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 128.810,5 tỷ đồng, tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, bằng 80,2% kế hoạch (kế hoạch năm 2022 đạt 160.608 tỷ đồng). 

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2022 ước đạt 12.151,2 tỷ đồng, tăng 2,64% so với tháng trước, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm trước; quý III năm 2022 doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35.847,91 tỷ đồng, tăng 13,38% so với quý cùng kỳ.

Ước tính 9 tháng năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt 105.117,8 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ. 

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9 năm 2022 ước đạt 194,6 tỷ đồng, giảm  1,64% so với tháng trước và tăng 2,77 lần so với cùng kỳ năm trước; quý III năm 2022 ước đạt 605,8 tỷ đồng, tăng 2,68 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 9 năm 2022 ước đạt 1.799,3 tỷ đồng, tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước; quý III năm 2022 ước đạt 5.366,9 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 14.514,9 tỷ đồng, tăng 14,32% so với cùng kỳ.

 - Doanh thu du lịch lữ hành tháng 9 năm 2022 ước đạt 23,5 tỷ đồng, giảm 23,17% so với tháng trước, cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch không hoạt động; quý III năm 2022 ước đạt gần 94 tỷ đồng, tăng 3,03 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu lữ hành ước đạt 152,4 tỷ đồng, tăng 3,27 lần so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 9 năm 2022 ước đạt 810,4 tỷ đồng, giảm 1,14% so với tháng trước, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 9,52%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 216,20%, hoạt động dịch vụ khác tăng 67,82% so với cùng kỳ.

Ước quý III năm 2022, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.575,8 tỷ đồng, giảm 19,24% so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng/2022, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 7.485,4 tỷ đồng, tăng 14,57% so với cùng kỳ năm trước.

* Tổng lượt khách tháng 9/2022 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt gần 641,1 nghìn lượt, giảm 9,57% so với tháng trước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 83,4 nghìn lượt, tăng 4,56% so với tháng trước và tăng 14,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 5.585,5 nghìn lượt, tăng 77,25% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 463 nghìn lượt, tăng 9,73 lần so với cùng kỳ. 

Đối với hoạt động lữ hành, tháng 9/2022 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 10,39 nghìn lượt, giảm 46,33% so với tháng trước; so với cùng kỳ hoạt động lữ hành gần như không có do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 78,48 nghìn lượt, tăng 3,05 lần so với cùng kỳ.

* Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 9/2022 đạt 9.113,9 tỷ đồng, tăng 4,55% so với tháng trước, tăng 16,49% so với cùng kỳ. Ước tính quý III năm 2022 đạt 26.240,1 tỷ đồng, tăng 21,02% so với quý cùng kỳ. Ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 76.052,7 tỷ đồng, tăng 18,91% so với cùng kỳ năm trước.

* Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 9 năm 2022 ước đạt 23,1 triệu tấn, tăng 2,13% so với tháng trước và tăng 17,36% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý III năm 2022 đạt 67,8 triệu tấn, tăng 21,12% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 200,8 triệu tấn, tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước.

* Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 9 năm 2022 ước đạt 10.125,2 triệu tấn.km, tăng 5,73% so với tháng trước và tăng 9,67% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý III năm 2022 đạt 29.204 triệu tấn, tăng 11,34% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022 khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 85.649,4 triệu tấn, tăng 12,34% so với cùng kỳ năm trước.

* Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2022 ước đạt 4,5 triệu lượt, tăng 2,48% so với tháng trước, tăng 148,93% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý III năm 2022 đạt 13,1 triệu lượt, tăng 148,64% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 29,6 triệu lượt, tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước. 

* Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 9 năm 2022 đạt 186,4 triệu Hk.km, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 153,13% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý III năm 2022 đạt 534,6 triệu Hk.km, tăng 143,4% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 1.207,8 triệu lượt, tăng 10,42% so với cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 năm 2022 ước đạt 4.411,8 tỷ đồng, tăng 5,92% so với tháng trước và tăng 14,91% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý III năm 2022 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 12.547 tỷ đồng, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 36.256,1 tỷ đồng, tăng 17,47% so với cùng kỳ năm trước.

* Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 9 năm 2022 ước đạt 14.327,7 nghìn TTQ, tăng 9,87% so với tháng trước và tăng 12,77% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt 113.020,7 nghìn tấn, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 43.525,8 nghìn TTQ, tăng 3,36% so với cùng kỳ; các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 69.494,9 nghìn TTQ, tăng 13,48% so với cùng kỳ..

 Doanh thu cảng biển tháng 9 năm 2022 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 416,2 tỷ đồng, giảm 7,96% so với tháng trước, giảm 12,84% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 9 tháng đầu năm 2022 đạt 4.775,2 tỷ đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm 2021.

9. Một số tình hình xã hội 

* Công tác Lao động, việc làm

Trong 9 tháng đầu năm 2022, ước tổ chức 31 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của trên 750 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 168.800 lượt lao động; cung lao động tại sàn khoảng trên 81.900 lượt người, đáp ứng gần 48,52% nhu cầu tuyển dụng. Đăng kí bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 14.990 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 13.700 người, với kinh phí khoảng 309,7 tỷ đồng. Ước cấp mới 3.360 giấy phép lao động, cấp lại 185 giấy phép lao động, gia hạn 125 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 44,7% tăng 2,14 điểm % so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội là 45,5% tăng 3,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Tiếp nhận và giải quyết 181 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt của 153 bộ hồ sơ của 150 đơn vị, doanh nghiệp khai báo. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, khoảng 2.880 lao động tham gia; xảy ra 10 vụ tai nạn lao động làm 11 người chết.  

Trong 9 tháng đầu năm 2022, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.030 nghìn người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.012 nghìn người, tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo là 36,3%; ước giải quyết việc làm được 42.150 lượt lao động. Số lao động giải quyết việc làm tăng chủ yếu trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (tăng 4,85% so với cùng kỳ), dịch vụ tăng (23,93% so với cùng kỳ), tuy nhiên giải quyết việc làm trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm 32,55% so với cùng kỳ.

* Công tác Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 9/2022, Sở giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức khai giảng năm học mới theo Chỉ thị số 1112/CT-BGD&ĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục với chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Sở giáo dục và Đào tạo và các đơn vị giáo dục đã phối hợp với Sở Y tế, trung tâm Y tế địa phương các quận, huyện tổ chức tiêm phòng Vaccine cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong các độ tuổi quy định theo hướng dẫn của Sở Y tế, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 đầu năm học. Chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức thành công Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố Bảng A và chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết năm học 2020-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tới các ngành học, bậc học trên địa bàn thành phố; kết quả học sinh giỏi quốc gia năm 2022: Hải Phòng có 86 giải học sinh giỏi quốc gia, đứng vị trí thứ 2 toàn quốc; ở vị trí thứ 5 về điểm trung bình các môn thi cao nhất cả nước; đứng thứ 5 trong danh sách các địa phương có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước. Hải Phòng cũng đạt điểm trung bình môn Ngữ văn cao nhất cả nước, với mức 7,688 điểm, đây là lần đầu tiên, thành phố Hải Phòng có được vinh quang này. Giải bơi và điền kinh toàn quốc đứng thứ 3 toàn đoàn. Tham mưu thành phố phê duyệt phương án tuyển sinh và tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT năm học 2022- 2023; triển khai các quy trình thủ tục mua sắm trang thiết bị dạy học cho các đơn vị trường học đáp ứng yêu cầu năm học 2022-2023.

* Công tác y tế dự phòng

Trong tháng 9/2022, thành phố chủ động nhận định tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới để tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với bối cảnh thực tế. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại và vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn, hiệu quả; áp dụng linh hoạt công tác phòng chống dịch, từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không lơ là trong công tác chữa trị và cách ly những trường hợp mắc mới.  

Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố ước 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 821 ca chân tay miệng, sốt xuất huyết ghi nhận 114 ca, bệnh thủy đậu ghi nhận 73 ca, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 69 ca, bệnh chân tay chân miệng ghi nhận 821 ca, bệnh quai bị ghi nhận 19 ca, bệnh tiêu chảy ghi nhận 564 ca, hội chứng lỵ ghi nhận 35 ca, cúm ghi nhận 1.178 ca, sởi ghi nhận 01 ca bệnh, bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca bệnh, bệnh viêm não vi rút ghi nhận 11 ca.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Thành phố thực hiện 13 đợt kiểm tra, trong đó: 06 đợt kiểm tra định kỳ, 07 đợt kiểm tra đột xuất với tổng số 368 cơ sở được kiểm tra (90 cơ sở sản xuất thực phẩm, 19 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 198 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống); số cơ sở kiểm tra đạt yêu cầu là 293 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 16 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền là 110,37 triệu đồng.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính 9 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV mới là 75 người; số người chuyển sang AIDS là 15 người, số người tử vong là 21 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.227 người. Số liệu dịch trong tháng báo cáo giảm về số nhiễm HIV và chuyển sang AIDS và số ca tử vong so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm báo cáo, Ngành y tế đang điều trị Methadone cho 2.779 bệnh nhân; đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 600 bệnh nhân tại 08 cơ sở điều trị. 

* Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022, toàn thành phố xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết và 03 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người chết giảm 01 người so với cùng kỳ năm trước, số người bị thương tăng 01 người so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt; các vụ tai nạn giao thông làm chết 37 người và bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 09 vụ với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 17,65%), số người chết giảm 03 người (tương ứng giảm 7,50%) và số người bị thương giảm 17 người (tương ứng giảm 60,71%).

* Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 07 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 03 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 55 vụ cháy, giảm 09 vụ so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 14,06%), làm 03 người chết và 03 người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

 

 

Cục Thống kê thành phố Hải Phòng