Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nội dung kiến nghị:

Vừa qua, theo báo cáo của Chính phủ, GDP tăng so với trước đây nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị nghiên cứu, có giải pháp để cuộc sống người dân tốt hơn.

Trả lời:

Trong giai đoạn vừa qua GDP tăng so với trước đây nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu là do dân số sống phụ thuộc vào khu vực nông nghiệp (gồm cả nông, lâm nghiệp và thủy sản) còn khá đông, trong khi mức sinh lời từ hoạt động nông nghiệp lại chưa cao. Hiện nay, lao động nông nghiệp đang chiếm tới 40,2% trong tổng lao động cả nước, trong khi GDP của khu vực nông nghiệp chỉ mới khoảng 15,3% trong tổng GDP cả nước. Giải quyết được thực trạng này cần có thời gian và phải thực hiện từng bước. Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời, nâng cao trình độ, tay nghề cho những người còn tiếp tục làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt một số chính sách, trong đó có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015).

- Thứ hai, điều chỉnh lại định hướng phát triển nông nghiệp ở từng vùng cho phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước, phù hợp với tín hiệu thị trường quốc tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng để các vùng sẽ phát huy được tối đa lợi thế của mình cho phát triển. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ đã điều chỉnh lại định hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu). Trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tổ chức nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh định hướng phát triển cho một số vùng khác (nếu cần).   

- Thứ ba, khuyến khích khu vực doanh nghiệp - một chủ thể được đánh giá là năng động, có vốn lớn, có khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý tốt đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để làm đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong đó có hình thức nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, gần đây là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013). Trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ ưu tiên hơn trong việc bố trí ngân sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và điều chỉnh để thực hiện tốt chính sách này.

- Thứ tư, tăng cường mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ và tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Thực hiện giải pháp này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, gần đây là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thay thế cho Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai tốt chính sách này; đồng thời sẽ điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ và phạm vi ảnh hưởng cho một số chính sách khác nhằm thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất nông nghiệp.    

- Thứ năm, tăng cường xúc tiến thương mại quốc tế. Thực hiện giải pháp này, Đảng và Chính phủ đã có định hướng, bổ sung thêm nhiệm vụ trọng tâm cho ngành ngoại giao đó là ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong đó có vấn đề phải tìm thị trường tiêu thụ cho hàng nông sản Việt Nam. Nội dung này vừa được thống nhất tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, tổ chức từ ngày 13-17/8/2018 tại Hà Nội. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có chính sách cụ thể để thể chế hóa định hướng này.     

- Thứ sáu, cùng với các giải pháp mang tính trực diện tác động đến kinh tế nông nghiệp như đã nêu, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung thêm các giải pháp xã hội, giải pháp kết hợp giữa xã hội và kinh tế để nâng cao đời sống người dân nông thôn như: tiếp tục thúc đẩy thực hiện tốt hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, tích cực triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, giảm mức học phí cho học sinh và nâng mức phụ cấp cho giáo viên ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn./.                       

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư