Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2021 của tỉnh Lào Cai

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp thực hiện đúng khung thời vụ; tiến độ trồng rừng mới tiếp tục vượt kế hoạch đề ra và tăng cao so cùng kỳ; công tác bảo vệ rừng thực hiện có hiệu quả; công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được triển khai quyết liệt, chăn nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì và ổn định, tăng hơn so với cùng kỳ. Cụ thể tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh như sau:

a) Trồng trọt:

Sản xuất an ninh lương thực được đảm bảo; diện tích, năng suất sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch giao:

- Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 337.744 tấn, đạt 102,3% so Kế hoạch và 99% so cùng kỳ.

- Cây trồng vụ Đông được tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích thông qua liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, chế biến và thị trường tiêu thụ. Diện tích trồng đạt 4.803,7 ha, bằng 120% Kế hoạch.

- Các cây trồng chủ lực hàng hóa, cây trồng tiềm năng được quan tâm chỉ đạo phát triển, diện tích, sản lượng đạt kế hoạch đề ra, giá trị từng bước nâng lên. Cây dược liệu: Tổng diện tích đạt 3.584 ha; sản lượng đạt 18.200 tấn tươi; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 120 - 150 triệu/ha. Cây chè: Năm 2021 trồng mới được 579 ha, bằng165,4% Kế hoạch và 183,8% so cùng kỳ; tổng diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 6.185,8 ha, diện tích chè kinh doanh 4.642 ha; sản lượng chè búp tươi cả năm ước đạt 37.843 tấn, đạt 100,9% Kế hoạch và bằng 108,1% so cùng kỳ. Cây rau: Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 15.000ha, bằng 100% so Kế hoạch và 104,9% so cùng kỳ; sản lượng đạt 180.000 tấn bằng 100,8% so với cùng kỳ. Các cây ăn quả như chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới thu hoạch tốt, tiêu thụ ổn định.  

b) Chăn nuôi - Thủy sản:

- Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn gia súc chủ yếu (trâu, bò, lợn) đạt 570.800 con, đạt 88,5% Kế hoạch năm và bằng 118,3 % so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 5.000 nghìn con, đạt 109,9% so Kế hoạch và 100,7% so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi các loại đạt 65.795 tấn bằng 107% so Kế hoạch và 104,3% so cùng kỳ.

- Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm tập trung chỉ đạo, khoanh vùng dập dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại; thực hiện các giải pháp quyết liệt ngăn chặn và chống dịch tích cực đối với dịch Tả lợn Châu phi, bệnh viêm da nổi cục.

- Thuỷ sản phát triển cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng, dần khẳng định vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh: Diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ cả năm ước đạt 2.185 ha bằng 100% so Kế hoạch và 100,8% so cùng kỳ; sản lượng thủy sản các loại ước đạt 10.500 tấn, bằng 104,5% so Kế hoạch và 103,3% so cùng kỳ; sản xuất giống thuỷ sản đáp ứng trên 70% nhu cầu sản xuất của tỉnh.

c) Lâm nghiệp:

Kinh tế lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực, thu nhập từ rừng được tăng lên; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường, sẵn sàng cơ động, tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ cháy với diện tích rừng bị thiệt hại 4,0693 ha; trong đó: 3,8071 ha rừng trồng, 0,2622 ha rừng tự nhiên chưa có trữ lượng.

Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, rừng được quản lý bảo vệ tốt, chất lượng rừng ngày càng tăng: Trồng rừng cả năm đạt 10.037,6 ha, bằng 106,2% so Kế hoạch và 165,1% so cùng kỳ; bảo vệ rừng 276.702 ha đạt 100%; khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha, đạt 100% Kế hoạch. Tổng lượng gỗ khai thác đạt 150.000 m3; khai thác lâm sản ngoài gỗ lũy kế 51.060 tấn cành lá quế và 6.000 tấn vỏ quế; chế biến lâm sản ván bóc đạt 50.000 m3, ván dán 20.000m3.

d) Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở rộng. Hết năm 2021 diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt 3.360 ha, tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố: Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, thành phố Lào Cai... với công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ thủy canh, khí canh, tưới tiết kiệm; công nghệ chế biến, bảo quản, nhân giống Invitro. Giá trị sản phẩm đạt trên 260 triệu đồng/ha/năm. Diện tích ứng dụng một phần công nghệ cao đạt 10.236 ha.

Chăn nuôi: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bảo Thắng, Bắc Hà... sử dụng các giống mới, hệ thống chuồng kín, công nghệ hiện đại, xử lý Biogas; sử dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn và xử lý chất thải...

Thủy sản: Có 10 tổ chức, cá nhân đang ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nước lạnh với quy mô 10.341 m3 sử dụng giống chất lượng cao, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, các bể nuôi có mái che, máy sục khí, công nghệ chế biến sau thu hoạch như: hun khói, phi lê, chế biến ruốc...

e) Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới:

- Phát triển nông thôn: Kết cấu hạ tầng nông thôn được ưu tiên đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Lào Cai; trong năm 2021 đã tổ chức 02 đợt đánh giá, xếp hạng và công nhận cho 34 sản phẩm (trong đó: Có 31 sản phẩm mới đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh và 03 sản phẩm nâng hạng), nâng tổng số sản phẩm OCOP cho đến nay là 123 sản phẩm; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm OCOP lên sàn OCOP (conghtxocop). Năm 2021, tư vấn hướng dẫn thành lập mới 24 hợp tác xã, bằng 160% Kế hoạch (thành lập 15 hợp tác xã/năm) nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 238 hợp tác xã, tăng 23 hợp tác xã so với năm 2020 (trong đó có 162 hợp tác xã đang hoạt động; 69 hợp tác xã ngừng hoạt động; 07 hợp tác xã tạm ngừng hoạt động). Đến nay, toàn tỉnh có 101 tổ hợp tác, 125 trang trại, 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống; tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình phát triển cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh, hiện có 79.666 thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2021.

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2021, toàn tỉnh công nhận 05 xã hoàn thành nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với năm 2020 (bao gồm: xã Nậm Mòn, Cốc Lầu huyện Bắc Hà; Tân Thượng huyện Văn Bàn; Xuân Thượng huyện Bảo Yên, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) và đạt 100% Kế hoạch, bằng 48,82% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; 02 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (xã Xuân Quang và xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng); 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng); toàn tỉnh có 173 thôn Kiểu mẫu, 156 thôn nông thôn mới; tiêu chí bình quân/xã đạt 15,73 tiêu chí/xã. Thu nhập ước đạt 27 triệu đồng/người/năm. Ước tính tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến nay còn 8,0%.

g) Tình hình thiệt hại do thiên tai:

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 31 đợt thiên tai, bao gồm rét hại, mưa đá, dông lốc, sét đánh, mưa lớn, sạt lở... gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân. Ước tổng giá trị thiệt hại: 90,86 tỷ đồng (giảm 138,84 tỷ đồng so với năm 2020).

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp:

Hoạt động sản xuất công nghiệp ít bị tác động của dịch bệnh, được quan tâm tháo gỡ kịp thời nên vẫn đạt mức tăng trưởng cao, qua đó duy trì được Lào Cai là trung tâm luyện kim và sản xuất phân bón hóa chất lớn của cả nước. Đặc biệt, tháng 9/2021, Nhà máy luyện đồng Bản Qua đã đi vào hoạt động với công suất 20.000 tấn/năm góp phần rất lớn vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 đạt 3.217,3 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 đạt 41.206 tỷ đồng, bằng 102% Kế hoạch, tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2020, cụ thể:

+ Công nghiệp khai thác tháng 12 đạt 111,1 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 đạt 2.690 tỷ đồng, bằng 72,9% Kế hoạch, bằng 95,6% so với cùng kỳ.

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 đạt 2.408,8 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 đạt 30.034 tỷ đồng, bằng 105,3% Kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

+ Công nghiệp điện, nước tháng 12 đạt 697,4 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 đạt 8.483 tỷ đồng, bằng 106,3% Kế hoạch, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tháng 12 đạt 315 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 đạt 3.356 tỷ đồng, bằng 111,9% so với Kế hoạch, bằng 101,3% Kế hoạch giao thêm, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2020.

b) Xây dựng cơ bản:

- Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn có chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên nhiều hạng mục công trình sử dụng vốn nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, dân cư vẫn được triển khai thực hiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn cả năm ước đạt 40.050 tỷ đồng, đạt 90% mục tiêu đề ra, giảm 2,3% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2021, nhiều khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư được khởi công xây dựng, tạo ra qũy đất ở lớn và tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh trong thời gian tới. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 62 dự án với tổng mức đầu tư là 51.273 tỷ đồng, trên diện tích 1.250 ha đất và tổng số tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước ban đầu là 2.977 tỷ đồng.

- Giải ngân vốn đầu tư công triển khai đúng tiến độ, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2021 được giao: 4.725 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến hết ngày 31/12/2021 đạt 4.167 tỷ đồng, bằng 88% Kế hoạch, dự kiến đến hết năm ngân sách (31/01/2022) tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt khoảng 93% Kế hoạch. Số vốn tiếp tục kéo dài sang năm 2022 khoảng trên 240 tỷ đồng (chủ yếu là vốn ODA do khó khăn về thủ tục, cơ chế, chính sách đặc thù của nguồn vốn). Trong năm 2021 đã đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn chào mừng 30 năm tái lập tỉnh như Cầu Móng Sến - cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam, Dự án đường kết nối thành phố Lào Cai - Văn Yên (Yên Bái), nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại Phố Lu, Cảng hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trường đầu tư...

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

- Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động. Những tháng đầu năm hoạt động kinh doanh thương mại tương đối sôi động, sức mua tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, hoạt động kinh doanh trầm lắng, sức mua các mặt hàng thiết yếu giảm mạnh, các dịch vụ du lịch như lữ hành, lưu trú, ăn uống cũng giảm do lượng khách du lịch hạn chế, nhưng cơ bản hàng hoá vẫn được thông suốt, tới tận khu vực vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; tuyệt đối không xảy ra hiện tượng người dân đi mua hàng tích trữ ồ ạt hay người bán găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

- Toàn tỉnh hiện có 72 chợ với 12 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3, hệ thống chợ đã góp phần tích cực trong việc lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.

- Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 đạt 2.706,7 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2021 đạt 27.648 tỷ đồng, tăng 6,9% cùng kỳ năm 2020 và đạt 96% Kế hoạch.

Hoạt động xuất nhập khẩu:

- Hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn do triển khai các biện pháp chống dịch tại cửa khẩu biên giới. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh hạn chế, chỉ phát sinh hoạt động xuất kinh doanh và nhập khẩu thiết bị nhưng giá trị không đáng kể. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam để thực hiện công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ. 

- Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 12 đạt 249,57 triệu USD, tăng 4,03% so với tháng 11/2021, giảm 15,62% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế năm 2021 đạt 3.503,20 triệu USD (tăng 8,36% so với cùng kỳ 2020), bằng 76,16% so Kế hoạch, trong đó:

+ Giá trị xuất khẩu đạt 62,8 triệu USD (giảm 5,01% so với tháng 11/2021, giảm 45,71% so với cùng kỳ năm 2020). Luỹ kế năm 2021 đạt 1.207,13 triệu USD (tăng 1,53% so với cùng kỳ 2020), bằng 71% Kế hoạch năm.

+ Giá trị nhập khẩu đạt 59,50 triệu USD (giảm 2,45% so với tháng 11/2021, tăng 29,95% so với cùng kỳ năm 2020). Lũy kế năm 2021 đạt 724 triệu USD (tăng 27,04% so với cùng kỳ 2020), bằng 90,46% Kế hoạch năm.

- Các loại hình đạt 127,20 triệu USD (tăng 12,85% so với tháng 11/2021). Lũy kế năm 2021 đạt 1.572,4 triệu USD (tăng 6,62% so với cùng kỳ 2020), bằng 74,88% Kế hoạch năm.

Năm 2021 cấp cho hơn 490 nghìn tấn hàng hóa (thanh long, dưa hấu, chuối, sắn tươi, mít, sắn khô, phôi thép, xoài, hoa cúc, cá hố, quả vải tươi, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, mắc ca, tinh bột sắn...), giá trị đạt trên 430 triệu USD.

Công tác quản lý thị trường:

- Thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung phong phú, không có biến động bất thường về cung cầu, giá cả; hàng hóa lưu thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm; không có tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua gom hàng hóa, tăng giá bất hợp lý thu lời bất chính.

- Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tiến hành kiểm tra 1.373 lượt vụ; số vụ vi phạm 449 vụ; tổng giá trị xử lý 5.534 triệu đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 9.376 triệu đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.944 triệu đồng, trị giá hàng bán thanh lý 7.432 triệu đồng (6.800 triệu đồng là tiền bán đấu giá tang vật vi phạm bị tịch thu tại kho hàng số 145 đường Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai).

b) Du lịch:

- Ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các hoạt động đón khách du lịch đến Lào Cai hầu như tập trung thực hiện trong Quý I, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, sự kiện văn hoá, du lịch phải tạm dừng hoặc hoãn tổ chức, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu du lịch khó có khả năng đạt theo kế hoạch giao. Tháng 12/2021, lượng khách đến Lào Cai đạt 99.450 lượt khách, tăng 79,4% so với tháng 11/2021. Tổng thu du lịch đạt 282,4 tỷ đồng, tăng 19,2% so với tháng 12/2021. Lũy kế năm 2021, lượng khách đến Lào Cai đạt 1.400 nghìn lượt khách, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 28% Kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 đạt 4.447 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ 2020, bằng 27,8% Kế hoạch năm.

- Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý du lịch tiếp tục được triển khai. Đẩy mạnh thực hiện các nội dung quảng bá, xúc tiến trực tuyến ứng dụng chuyển đổi số; xây dựng lại, bổ sung Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch phù hợp với các thông điệp tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới; xây dựng các phương án khai thác, vận hành Nhà du lịch Sa Pa, Nhà du lịch Bắc Hà; thực hiện các nội dung trong Chiến lược quảng bá thương hiệu Fansipan - Sa Pa; Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai”... Chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

c) Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách:

Năm 2021, ngành vận tải tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đặc biệt là vận tải hành khách: Lượng khách du lịch đến Lào Cai cũng như khách ra ngoài tỉnh giảm đáng kể, lưu thông hành khách liên tỉnh, nội tỉnh bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở cá thể trong ngành vận tải phải tạm ngừng, thậm chí phải ngừng hoạt động do thua lỗ. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế của Chính phủ, hoạt động vận tải, nhất là vận tải hàng hóa đạt được kết quả khả quan. Tổng doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 4.101,55 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,73% (tăng 222,30 tỷ đồng).

d) Dịch vụ bưu chính, viễn thông:

Hạ tầng, mạng lưới bưu chính hoạt động ổn định. Hạ tầng mạng truyền dẫn, phủ sóng thông tin di động tiếp tục được duy trì và phát triển đảm bảo đường truyền phục vụ họp, làm việc trực tuyến nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thông tin liên lạc. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cấu hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng công nghệ số trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai các giải pháp nâng cao an toàn thông tin theo cấp độ, nâng cao an toàn, an ninh mạng trong thời kỳ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh năm 2021 đạt 9.939 tỷ đồng, bằng 136,6% dự toán Trung ương giao, bằng 104,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,4% so cùng kỳ, cụ thể:

+ Thu nội địa đạt 8.191 tỷ đồng, bằng 147,9% dự toán Trung ương giao, bằng 107,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 106,8% so với cùng kỳ năm trước.

+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.748 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán Trung ương giao, bằng 92% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 120,3% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng thu ngân sách địa phương đến ngày 31/12/2021 đạt 17.475 tỷ đồng, bằng 149,9% dự toán Trung ương giao, bằng 127,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 94,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến đến ngày 31/12/2021 đạt 16.331 tỷ đồng, bằng 139% dự toán Trung ương giao, bằng 118,4% dự toán đầu năm và bằng 88,8% cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động tín dụng:

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động thực hiện nghiêm túc những quy định về tiền tệ, tín dụng; mạng lưới hoạt động ngân hàng rộng khắp toàn tỉnh phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đã bám sát chủ trương, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; huy động vốn, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tín dụng, thanh toán, ngoại hối,…

- Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 57.361 tỷ đồng, tăng 2.889 tỷ đồng (+5,3%) so với 31/12/2020. Tổng dư nợ 51.744 tỷ đồng, tăng 1.565 tỷ đồng (+3,12%) so với 31/12/2020. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại: 2.653 tỷ đồng (trong đó khoản vay 2.146 tỷ đồng của Công ty Gang thép Việt Trung tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lào Cai chuyển nhóm nợ). Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại: 5,49%.

- Thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội ngân hàng của các ngân hàng trên địa bàn: Đến 30/11/2021, Dư nợ được giảm lãi suất (cả khoản vay giải ngân trước 15/7/2021 và khoản cho vay mới phát sinh từ ngày 15/7/2021) là 32.980 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm là 92,39 tỷ đồng, số khách hàng được giảm lãi suất là 60.888 khách hàng.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,40% so với tháng trước, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2021 giảm 1% so với bình quân năm 2020.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

a) Thu hút dự án đầu tư:

- Về thu hút FDI: Tỉnh Lào Cai có 29 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 624,81 triệu USD; các dự án tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn - là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, du lịch. Năm 2021 đã tiến hành cấp mới 02 dự án với tổng mức đầu tư 17,93 triệu USD, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án chuyển nhượng mua cổ phần; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án mua cổ phần vốn góp.

- Về dự án đầu tư trong nước: Năm 2021, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án lớn như: Tổ hợp hệ thống trường liên cấp quốc tế Canada tại Lào Cai của Công ty Cổ phần trường tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông quốc tế Canada - tổng mức đầu tư 400 tỷ; Nhà máy sản xuất chế biến quế hữu cơ - Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam - tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng; Tổ hợp dịch vụ, thương mại kết hợp nhà ở cao tầng tại đường Hoàng Liên, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai - tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng.

b) Các thành phần kinh tế:

- Kinh tế tư nhân: Năm 2021, thực hiện đăng ký thành lập mới cho 652 đơn vị, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 606 doanh nghiệp, tăng 14,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 7.005 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ; Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 46 đơn vị trực thuộc, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động cho 65 doanh nghiệp (tăng 30% so với cùng kỳ) và 93 đơn vị trực thuộc (giảm 10,6% so với cùng kỳ). Đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 355 doanh nghiệp (tăng 24,1% so với cùng kỳ). Đăng ký hoạt động trở lại cho 268 doanh nghiệp (tăng 20% so với cùng kỳ).

Lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 6.769 đơn vị, tăng 10,6% so với cùng kỳ; trong đó: Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 5.989 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 83.240 tỷ đồng; Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 780 đơn vị trực thuộc. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.275 doanh nghiệp, đạt 55% so với tổng số doanh nghiệp..

- Kinh tế tập thể: Phát triển ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh, sản xuất, kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong năm 2021, thành lập mới 45 hợp tác xã, giải thể 24 hợp tác xã. Lũy kế tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 441 hợp tác xã; trong đó gồm: 320 hợp tác xã đang hoạt động, 121 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tổng số thành viên hợp tác xã (trong các hợp tác xã đang hoạt động) là 6.300 người; tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 7.875 người; tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã là 1.802 người.

- Kinh tế nhà nước: Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 05 doanh nghiệp; trong đó 03 Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn của UBND tỉnh (Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên); 02 Công ty Cổ phần có vốn nhà nước (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai, vốn nhà nước chiếm 51%; Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai, vốn nhà nước chiếm 92,094%).

Thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án sắp xếp đối với 03 công ty (Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai). Đối với 02 công ty (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên) đang xây dựng phương án sắp xếp đổi mới tổ chức và hoạt động báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để tổ chức hoạt động theo quy định.

II. VĂN HÓA, XÃ HỘI

1. Hoạt động giáo dục

- Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục của cả nước, để thích ứng với tình hình thực tế, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã kịp thời đưa ra các phương án ứng phó; chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên vừa thực hiện kế hoạch năm học. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 202[1] và Khai giảng năm học 2021 - 2022 đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

- Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục duy trì bền vững ở 100% xã, 9/9 huyện, thị xã, thành phố; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,1%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 từ 90,3 lên 95,2%. Tích cực triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới, đến nay có 390 trường, đạt 64,78% (tăng 14 trường, tăng 2,28% so với năm 2020).

- Chú trọng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống cho học sinh, gắn giáo dục hội nhập với việc gữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao. Thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021, Lào Cai có 48 học sinh đạt giải, có 01 học sinh được lọt vào vòng dự tuyển tham gia dự thi Quốc tế. Thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 02/02 dự án tham gia đều đoạt giải (01 giải Nhất và 01 giải Nhì), là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Lào Cai giành được giải cao, trong đó 01 giải nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thi nghiên cứu khoa học Quốc tế và đạt giải 3 chuyên đề do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ trao, 01 giấy chứng nhận do Hiệp hội thống kê Hoa kỳ trao.

- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm; căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Trong tháng 12, hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Lào Cai năm học 2020 - 2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SC) tổ chức tốt.

- Công tác xã hội hóa giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng trong đổi mới giáo dục của Lào Cai. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 14 trường mầm non ngoài công lập, 56 cơ sở nhóm/lớp mầm non tư thục; thành lập và khởi công xây dựng trường Tiểu học, THCS và THPT Quốc tế Canada - Lào Cai; 26 Trung tâm Ngoại ngữ ngoài công lập góp phần thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá, thể thao, tiến hành triển khai chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm quảng bá rộng rãi các chương trình, sự kiện nổi bật của tỉnh. Trong năm đã ban hành trên 130 văn bản tuyên truyền, xây dựng các chương trình tuyên truyền, trong đó tập trung vào các nội dung lớn như chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, chào mừng 30 năm tái lập tỉnh, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19... Tập trung triển khai có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lấy mục tiêu xây dựng gia đình, thôn, tổ, xã, phường văn hóa làm nòng cốt của phong trào. Tích cực tham gia nhiều hoạt động do Trung ương tổ chức, qua đó góp phần phát triển phong trào văn hóa cơ sở, giới thiệu và quảng bá về văn hóa, con người Lào Cai. Các nghệ nhân của Lào Cai tham gia Liên hoan Hát chầu văn toàn quốc giành giải A toàn đoàn.

- Duy trì thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt 35,5%, số hộ gia đình thể thao trên 20,5 % năm 2021. Toàn tỉnh hiện có trên 1000 câu lạc bộ thể dục thể thao, trong đó có trên 300 câu lạc bộ hoạt động nhiều môn. Tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; tổ chức được 22 giải thi đấu cấp tỉnh và 01 giải xã hội hóa (100% Kế hoạch). Các giải đều thu hút số vận động viên tham gia tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Trong hệ thống giải thi đấu phong trào toàn quốc, Lào Cai tham gia 2 giải (đẩy gậy, kéo co), giành được 15 huy chương các loại (3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng). Công tác huấn luyện, đào tạo thể thao thành tích cao được duy trì đều với 240 vận động viên thuộc 15 môn thể thao. Hiện Lào Cai đang có 14 vận động viên được phong đẳng cấp (gồm 01 Kiện tướng Quốc tế môn cử tạ; 02 Kiện tướng Quốc gia môn Kichboxing; 11 vận động viên cấp I quốc gia); 10 vận động viên đang tập trung tại các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Đặc biệt, vận động viên Hoàng Thị Duyên đạt 02 Huy chương đồng tại Giải vô địch Cử tạ Châu Á năm 2020 (Uzbekistan) và giành suất chính thức dự Olympic Tokyo 2022.

- Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường, đặc biệt là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước; đặc biệt là tuyên truyền các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện thời sự, chính trị trong tỉnh và trong nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai; 63 năm Ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2021);... Cùng với đó, duy trì việc phát hành bản tin, thông cáo báo chí về phòng, chống dịch Covid-19 để người dân kịp thời nắm bắt thông tin, với tần suất 01 lần/ngày (buổi chiều 18h30’),... Qua đó đã kịp thời giúp người dân không gây hoang mang, lo lắng, tạo sự đồng thuận cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh (các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, với hơn 3.000 tin, bài, bản tin, thông cáo báo chí).

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế với nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt; trong đó nhiều giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao. Qua nhiều đợt dịch bùng phát, tỉnh Lào Cai vẫn kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh. Từ đợt dịch thứ 4 (ngày 27/4/2021) đến hết ngày 31/12/2021 đã phát hiện 598 bệnh nhân. Trong đó: 344 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện; hiện còn 254 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Nhằm tiếp tục đối phó với những diễn biến mới của dịch bệnh, tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quyết liệt, hiệu quả như: Xây dựng Phương án số 322/PA-BCĐ ngày 12/8/2021 về đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho phù hợp với tình hình mới; ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống Covid-19; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tỉnh. Thực hiện tốt công tác khai báo y tế, truy vết, cách ly các trường hợp nghi nhiễm. UBND tỉnh thành lập 4 đoàn cán bộ y tế tình nguyện lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số172 cán bộ tham gia.

- Tập trung đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin trên nguyên tắc “tiêm sớm - tiêm rộng - tiêm đủ - tiêm an toàn”, triển khai rộng rãi việc tiêm mũi tăng cường. Tổng liều vắc xin đã tiếp nhận: 1.210.364; tổng số mũi đã tiêm: 1.028.582 mũi. Trong đó số người được tiêm mũi 1: 524.355 (từ 18 tuổi trở lên: 447.905, đạt 100,6%; từ 12 - 17 tuổi: 76.450 chiếm 95,7%). Số người được tiêm mũi 2: 480.699 (từ 18 tuổi trở lên: 415.244 chiếm 93,3%; từ 12 - 17 tuổi: 65.455 chiếm 81,9%), số người tiêm mũi 3: 23.528. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, một số trường hợp tai biến sau tiêm được điều trị khỏi.

- Các chương trình mục tiêu y tế - dân số được thực hiện tốt: Số trẻ <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 12.742/13.180, đạt 96,7% số trẻ; tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh: 10.412 /11.300 trẻ (đạt 92,1%); tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai lũy kế: 11.525/13.168 (đạt 87,5%); biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 6.957/6.505 lượt (107%); sàng lọc trước sinh cho 4.224 trường hợp (đạt 132,8% Kế hoạch); sàng lọc sơ sinh 5.879 trẻ (đạt 100,1% Kế hoạch), sàng lọc tan máu bẩm sinh: 508 trường hợp; số phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần/3 thời kỳ: 9.295/11.697 (đạt 79,5%); tổng số bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh: 9.078/11.721 (đạt 77,5%). Duy trì thường xuyên hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Cân, đo và theo dõi trẻ em <5 tuổi: 71.209/72.905 (đạt 97,7% Kế hoạch), số trẻ <5 tuổi thoát khỏi suy dinh dưỡng:1.793. Số phụ nữ mang thai được uống viên sắt, đa vi chất: 14.064. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ cho nhân dân; giá thuốc trên địa bàn tỉnh ổn định.

- Khám chữa bệnh và Bảo hiểm y tế: Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chỉ tiêu số giường bệnh trên vạn dân: 43,4 giường, đạt 100% so với Kế hoạch; số bác sỹ trên vạn dân là 13, đạt 100% so với Kế hoạch. Tổng số lần khám bệnh chung: 2.148.772. Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế: 843.491, trong đó Bảo hiểm y tế người nghèo: 66.867, dân tộc thiểu số: 439.705; trẻ em < 6 tuổi: 109.901 lượt; công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh: 83,8%. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế cả năm đạt 84,1%, đạt 85,4% so với Kế hoạch, giảm 15% so cùng kỳ.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Duy trì các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm. Kiểm tra 7.371 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có 6.948 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (chiếm 94,2%). Trong năm 2021 xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm làm 94 người mắc và nhập viện (13,06 ca mắc/100.000 dân), trong đó có 02 trường hợp tử vong.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm, tuy nhiên nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, công tác giải quyết việc làm vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 12 giải quyết việc làm cho 728 lao động, trong đó có 445 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 103 lao động. Lũy kế đến hết năm 2021 giải quyết việc làm cho 12.200 người, đạt 90,4% Kế hoạch năm 2021 (tăng 1.150 người so cùng kỳ năm 2020).

- Công tác Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kế hoạch đã đề ra: Tháng 12/2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được 565 người. Cả năm 2021, tuyển sinh, đào tạo được 10.500 người/Kế hoạch 10.500 người, đạt 100% Kế hoạch. Góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo chung lên 65,8%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%.

- Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm, chú trọng: Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, số hộ nghèo còn lại: 9.345 hộ, chiếm tỷ lệ 5,31% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 4.977 hộ, tỉ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, bằng 96,33% Kế hoạch, trong đó giảm tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo 4,3%, bằng 71,67% Kế hoạch. Số hộ cận nghèo trong năm giảm 2.188 hộ, đạt 109% Kế hoạch 2021.

- Công tác nắm bắt lao động trở về địa phương từ vùng dịch và hỗ trợ lao động qua đường dây nóng thực hiện tốt: Chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ảnh hưởng dịch Covid-19; nắm tình hình lao động của tỉnh đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh. Theo dõi tình hình lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương, phòng chống dịch Covid-19; đến thời điểm báo cáo, theo số liệu sơ bộ của một số tỉnh, Lào Cai có 28.526 lao động tỉnh Lào Cai đang làm việc tại các địa phương. Kể từ khi bùng phát dịch trong năm 2021 đến nay, đã có 15.787 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về địa phương (khoảng trên 8.000 lao động mất việc làm). Dự kiến số lao động của Lào Cai hiện đang cư trú làm việc tại các tỉnh khoảng 13.155 người.

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả trong tổng số 12 nhóm đối tượng đã có 11/12 nhóm phát sinh hồ sơ (riêng nhóm 3 Hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động chưa phát sinh hồ sơ), tổng số 5.794 đối tượng, kinh phí: 16.257,1 triệu đồng.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Thực hiện hỗ trợ cho 1.358 doanh nghiệp, 59.451 lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí hỗ trợ: 104.790,4 triệu đồng.

- Công tác bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao: Hỗ trợ cho 14.666 đối tượng; chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho 96 đối tượng. Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát và hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu hỗ trợ lương thực trong dịp Tết Nguyên đán, dịp giáp hạt và hỗ trợ Covid-19 với kinh phí hơn 600 triệu đồng. UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng ngừa lao động trẻ em 2021 - 2030; Văn bản tăng cường bảo vệ trẻ em trong dịch bệnh Covid-19; Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Lào Cai năm 2021; Kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình bảo vệ chăm sóc tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đánh giá, công nhận xã,phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 38 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 16 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh, 05 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền địa phương quản lý. Trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu tập trung thực hiện chương trình phát triển dược liệu, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chương trình xây dựng Nông thôn mới; lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục) và các lĩnh vực khác (công nghiệp,..). Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến “Đổi mới cách thức lựa chọn các đề tài, dự án và đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh”.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến được tích cực triển khai thực hiện và đạt được kết quả tốt. Hiện toàn tỉnh được cấp 279 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Một số nhãn hiệu sản phẩm trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường như: Thịt trâu sấy Bảo Yên, Su su Sa Pa, Mận Bắc Hà, Bưởi Múc Bảo Thắng, gạo Séng cù Mường Khương, Quýt Mường Khương... đã đưa vào các siêu thị tại các thành phố lớn và mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. 

- Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu, bước đầu hình thành một môi trường công nghệ lành mạnh, hiệu quả; công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được quản lý chặt chẽ, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được các vấn đề liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo ngăn chặn ô nhiễm môi trường, giúp cảnh báo cho doanh nghiệp những rủi ro liên quan đến dự án đầu tư để có hướng đầu tư mới mang lại hiệu quả tốt hơn.

III. TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 9/9 huyện, thị xã, thành phố, đạt 100% Kế hoạch. Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 tỉnh Lào Cai. Thực hiện giao đất cho 09 tổ chức, đạt 150% Kế hoạch; cho 63 tổ chức thuê đất, đạt 140% Kế hoạch; thu hồi đất của 49 tổ chức, 163,3% Kế hoạch; chuyển mục đích sử dụng đất cho 09 tổ chức, đạt 60% Kế hoạch. Hoàn thành Đề án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, vùng liên huyện tỉnh Lào Cai. Các khó khăn, vướng mắc trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được tập trung giải quyết. Điều chỉnh, hoàn thiện phương án giá đất để thực hiện thu hồi đất, tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất cho các dự án. Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được đẩy mạnh, thực hiện cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho tổ chức được 675 giấy, đạt 472% Kế hoạch.

- Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được chú trọng, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Tằng Loỏng; chỉ đạo xử lý kịp thời sự cố đổ xe container chở hóa chất xảy ra trên địa phận xã Xuân Giao. Duy trì hoạt động quan trắc, giám sát thường xuyên việc phát sinh lượng khí thải, nước thải, việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

IV. QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI VÀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

1. Quân sự - quốc phòng

Chế độ trực sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm, các lực lượng đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, nắm chắc tình hình địa bàn và tuyến biên giới. Công tác quản lý đường biên, mốc giới, cửa khẩu, công tác quản lý xuất nhập cảnh được tăng cường, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt là công tác rà soát nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhân sự phục vụ bầu cử; triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm; phòng chống ma túy. Triển khai hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Nguyên đán Tân sửu 2021, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Đấu tranh hiệu quả với tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy; tỷ lệ điều tra tội phạm về trật tự xã hội đạt cao. Các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng điều tra làm rõ, bắt giữ đối tượng nhanh chóng đạt 100%. Trong tháng 12 xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 8 người chết và 8 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tăng 33%; số người chết tăng 100%; số người bị thương tăng 14%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng gấp 3 lần; số người chết tăng 167%; số người bị thương tăng 100%. Tính chung cả năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ (giảm 04 vụ so cùng kỳ), làm chết 34 người (giảm 03 người so cùng kỳ), bị thương 71 người (tăng 09 người so cùng kỳ).

3. Hoạt động đối ngoại

- Tăng cường tình hữu nghị với các địa phương có quan hệ truyền thống như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và nghiên cứu mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài khác của Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

- Tổ chức các hoạt động đối ngoại phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Một số sự kiện nổi bật như: Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc); Chương trình trao đổi trực tuyến giữa lãnh đạo UBND tỉnh với lãnh đạo Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông, Trung Quốc); Hội nghị giao lưu trực tuyến giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Hiệp hội doanh nghiệp dân doanh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tiếp nhận số tiền ủng hộ của tỉnh Bò Kẹo (Lào) chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý, sử dụng vào hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tiếp nhận số vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh do phía Trung Quốc trao tặng; ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với vùng Nouvelle Aquitaine giai đoạn 2020 - 2023 (gửi thủ tục ký kết qua đường bưu điện do dịch Covid-19); tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2011 - 2021 giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái vào ngày 17/4/2021 tại Sa Pa, Lào Cai; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và gửi lời thăm hỏi, động viên đến Nhân dân Ấn Độ trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

V. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

- UBND tỉnh thực hiện tinh gọn giảm 18 đơn vị, đầu mối, thành lập mới 03 đơn vị, đầu mối; ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho 16 tổ chức hành chính; thành lập mới 01 đơn vị đặc thù; tổ chức lại 26 đơn vị sự nghiệp công lập. cho phép thành lập 01 đơn vị ngoài công lập. Đánh giá kết quả thực hiện một số mô hình thí điểm tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh (như sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; chuyển Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sa Pa về trực thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai; chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc UBND cấp huyện (thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát). Thực hiện điều tra cơ sở hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021.

- Thực hiện tốt công tác quản lý biên chế và quản lý vị trí việc làm, UBND tỉnh đã giao tổng số 24.978 chỉ tiêu biên chế năm 2021; so với năm 2020, tỉnh Lào Cai đã cắt giảm 719 chỉ tiêu biên chế. Thực hiện tinh giản 268 cán bộ, công chức, viên chức, lũy kế từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản đối với 2.460 người, đạt 13,8% (vượt 3,8% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị).

- Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai được đẩy mạnh. Hệ thống dịch vụ hành chính công của tỉnh được kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và kết nối vào hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ quốc gia (NGSP). Ứng dụng chữ ký số được thực hiện tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2021 với 5 lĩnh vực chuyển đổi chính là: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số, chuyển đổi số một số lĩnh vực trọng điểm, phân bổ đến từng ngành, từng lĩnh vực triển khai thực hiện là 70 nhiệm vụ trọng tâm. Dịch vụ công trực tuyến được tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện (vượt chỉ tiêu tối thiểu Chính phủ giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021). Hiện có 1.598/1.950 thủ tục hành chính có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến lên mức độ 4 (đạt 82%), trong đó, 1.345/1.598 thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt 84%); Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 61,1% tổng số hồ sơ của các thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4. Phát triển Trung tâm điều hành thông minh Lào Cai gắn với triển khai điểm Trung tâm điều hành thông minh thị xã Sa Pa. 

- Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm. UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị giải đáp kiến nghị, phản ánh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- PCI năm 2020 của Lào Cai xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 62,25 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2019 (năm 2019 xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2020 là 85,55 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, tăng 01 bậc so với năm 2019.

- Tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 với kết quả tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,98%, thuộc nhóm có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất toàn quốc./.


 

Cục Thống kê tỉnh Lào Cai