Các sáng kiến của Việt Nam rất quan trọng đối với APEC
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, sáng 20/10, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC.
|
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới.
(Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Đây là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính trong APEC.
Tại hội nghị này, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương sẽ thảo luận 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017, bao gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm.
Trả lởi phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội nghị, ông Sebastian Eckardt, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định: “Cả 4 sáng kiến của Việt Nam rõ ràng đều rất quan trọng đối với APEC”. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
- Ông đánh giá thế nào về đề xuất của Việt Nam liên quan tới vấn đề chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận?
Ông Sebastian Eckardt: Với Việt Nam, tôi nghĩ đây là chủ đề một rất quan trọng bởi vì, tại đây có nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động và những công ty này đang hoạt động xuyên biên giới. Vì vậy, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về đầu tư; trong đó có việc định giá chuyển giao nội bộ (transfer pricing), là một việc làm rất quan trọng.
- Vậy ông bình luận như thế nào về đề xuất của Việt Nam trong bảo hiểm rủi ro thiên tai?
Ông Sebastian Eckardt: Theo tôi đây là một chủ đề quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cú sốc về khí hậu.
Các ước tính của WB cho thấy nền kinh tế Việt Nam để mất vì rủi ro thiên tai trung bình mỗi năm gần 0,5% trong GDP, nên vấn đề là làm thế nào để tìm ra một hướng đi hiệu quả nhằm kiểm soát rủi ro và bảo đảm tính an toàn về tài chính, để trong trường hợp thảm họa xảy ra, các nguồn tài chính có thể được huy động một cách nhanh chóng nhằm hỗ trợ giảm nhẹ những tác động của rủi ro và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
- Xin ông hãy đánh giá về 4 sáng kiến của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 (FMM-24)?
Ông Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng cả 4 sáng kiến của Việt Nam rõ ràng đều rất quan trọng đối với APEC. Đặc biệt, chống xói mòn thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, với nhiều công ty đang hoạt động xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, tài chính và bảo hiểm rủi ro về thiên tai cũng quan trọng bởi vì, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường.
Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng không kém phần quan trọng đối với không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nền kinh tế khác.
Tài chính toàn diện cũng cần được chú trọng bởi vì chúng ta biết rằng việc đạt được tài chính bao trùm và đảm bảo người dân và các doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều nguồn tài chính sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng và tăng cường lợi nhuận.
- Vậy ông đánh giá ra sao về vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác tài chính APEC?
Ông Sebastian Eckardt: Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong không chỉ trong APEC mà còn trên thế giới và tất nhiên Việt Nam là một nền kinh tế mở, nên sẽ là rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong khu vực và hơn thế nữa.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
PHƯƠNG NGA
TTXVN/VIETNAM+