Phân tích, đánh giá những kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012

(MPI) – Ngày 15/02/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Tại Hội nghị đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, phân tích, đánh giá toàn diện những kết quả nổi bật sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, kết quả việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW trong ngành nông nghiệp đã làm chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp, mô hình hợp tác xã kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng được môi trường thể chế, hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp và đặc thù trong nông nghiệp. Duy trì hệ thống quản lý nhà nước theo ngành dọc từ Bộ xuống các địa phương. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong tình hình mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định kinh tế tập thể, hợp tác xã là công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông, nông thôn. Dành sự quan tâm và ưu tiên nhất định cho việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Để nhanh chóng khắc phục yếu kém, phát triển nhanh khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính đó là: Đẩy mạnh đào tạo, thu hút cán bộ trẻ, đã quan đào tạo về làm việc cho HTX; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ở các HTX; gắn phát triển THT, HTX nông nghiệp với phát triển chuỗi giá trị nông sản. Hiện nay, Bộ đã và đang bổ sung những giải pháp mới như đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản; quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối và thương mại, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản của HTX; thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao năng lực của HTX thích ứng với biến đổi khi khậu; xây dựng và phát triển các cụm ngành, vùng nguyên liệu có liên kết và quản trị chất lượng cao; thí điểm khuyến nông cộng đồng; quan tâm đến chương trình đào tạo giám đốc HTX; đẩy mạnh hợp tác quốc tế (trên 10 tổ chức) và xây dựng các mô hình HTX theo ngành hàng có quy mô thành viên lớn.

Kinh tế tập thể, HTX đã có những tiến bộ cả về lượng và chất; đã khắc phục được tình trạng yếu kéo dài và ngày càng được khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Trong thực tiễn, ngày càng xuất hiện nhiều và đa dạng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được nâng cao rõ rệt, đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hóa. Số lượng, cơ cấu HTX nông nghiệp từ chỗ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng số HTX, hiện đã vươn lên đạt 18.350 HTX nông nghiệp trong tổng số 26.500 HTX toàn quốc. Qua đó, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân, đóng góp chung cho thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn chung của Ngành suốt 20 năm vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đã khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng. Với những tác động tích cực từ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét cả về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động; Nhiều HTX mới được thành lập với các mô hình đa dạng, số HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực nội tại được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của thành viên, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể. Số lượng HTX thành lập mới ổn định, phát triển theo từng năm. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX đã được các cấp, các ngành chú trọng. Bộ máy quản lý của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX từ tỉnh tới huyện đã được quan tâm, củng cố; Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, có trình độ và được bồi dưỡng, đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu công việc. Khu vực kinh tế tập thể, HTX là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, xây dựng các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Đến nay có thể khẳng định, khu vực kinh tế tập thể, HTX dần trở thành nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, gắn phát triển kinh tế HTX với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế HTX trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như mô hình trồng cây ăn quả; mô hình trồng rau an toàn; mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Sau 20 năm, các mục tiêu, yêu cầu đặt ra về phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của tỉnh Sơn La đã cơ bản hoàn thành: 100% HTX kiểu cũ đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức mới cho khu vực KTTT, HTX, đòi hỏi các HTX phải tự đổi mới để khắc phục những tồn tại khi tham gia xu hướng chung trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, qua nghiên cứu thực tiễn, Liên minh hợp tác xã đã rút ra 04 bài học quý báu. Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên, liên tục và có chiều sâu để nâng cao thống nhất nhận thức và vào cuộc của hệ thống chính trị và người dân về HTX kiểu mới. Cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho HTX thì nơi đó kinh tế tập thể, HTX phát triển. Năng lực quản trị HTX của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, nhất là chủ tịch hoặc giám đốc HTX tạo lòng tin với các thành viên. Các chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước được tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời là "đòn bẩy" tạo điều kiện nguồn lực ban đầu cho HTX phát triển. Đẩy mạnh tái cơ cấu HTX đang hoạt động và thành lập mới HTX theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị thì mới phát triển bền vững.

Hai là, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể và các loại hình HTX do một cơ quan hành chính nhà nước làm đầu mối, tổ chức bộ máy tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên cần uỷ thác cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức khác thực hiện một số nhiệm vụ, dịch vụ công để đảm bảo yêu cầu tinh giản bộ máy, biên chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX và cán bộ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cần có năng lực dân vận, kiến thức kinh tế và am hiểu lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX.

Ba là, trong quản trị điều hành hệ thống Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn giải pháp và khâu đột phá để thực hiện; phân định rõ chức năng của Liên minh HTX Việt Nam là cấp trung ương, Liên minh HTX cấp tỉnh là cấp tổ chức thực hiện chính sách; quán triệt, khai thác triệt để lợi ích hệ thống để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch phù hợp với chủ trương chính sách và pháp luật, nhất là công tác cán bộ và quản lý tài chính; áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong quản trị điều hành.

Bốn là, các sáng kiến chính sách và tổ chức thực hiện chính sách được bắt đầu từ thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, HTX của đất nước, cầu thị lắng nghe ý kiến từ cơ sở, quan tâm điều kiện cụ thể của các địa phương và khả năng thực tế huy động nguồn lực của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; khẩn trương đưa chính sách khả thi vào cuộc sống./.

Minh Hậu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư