Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2022 của tỉnh Đồng Nai

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh Uỷ và Nghị quyết số: 32/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh. UBND tỉnh triển khai kịp thời công tác giao chỉ tiêu kế hoạch KTXH năm 2022 cho các ngành và địa phương làm căn cứ phấn đấu thực hiện; đồng thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội: Nghị quyết 01/NP-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.v.v. các cấp các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đáng chú ý là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất khẩu từng bước ổn định trở lại và tăng trưởng khá; trong đó sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh, hầu hết doanh nghiệp lao động trở lại làm việc đạt 100%, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thị trường xuất khẩu khá thuận lợi, thị trường trong nước phục hồi rõ nét; thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt.v.v. Tuy nhiên bước vào Quý III năm 2022 gặp khó khăn đáng kể đó là: Chiến sự Nga-Ukraina ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, chí phí đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu xăng dầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu, giá thực phẩm thức ăn giá súc, gia cầm, chi phí vận chuyển tăng cao.v.v đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp những tháng gần đây gặp khó khăn; thiếu việc làm cho công nhân nghỉ việc không lương, nghỉ phép, nghỉ thứ 7 và chủ nhật, chủ yếu là doanh nghiệp ngành dệt, may; da giày; chế biến gỗ v.v.. ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế 9 tháng đầu năm.

Các hoạt động văn hóa, xã hội và chính sách an sinh xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả quan trọng, đời sống dân cư được quan tâm, cải thiện và nâng cao; Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã kiểm soát tốt và cơ bản được khống chế; trên cơ sở kết quả thực hiện 8 tháng và dự ước tháng 9, Cục Thống kê dự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 9 tháng năm 2022 trên các lĩnh vực như sau:

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng 2022 tiếp tục có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi và ổn định sản xuất. Việc giảm giá xăng dầu sẽ kéo theo xu hướng giảm giá hàng hóa trong nước, kích thích tiêu dùng. Thị trường trong nước hồi phục, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới là nhưng yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, sản xuất công nghiệp bước sang quý III bắt đầu chững lại. Các doanh nghiệp sản xuất còn gặp những khó khăn như: chuỗi cung ứng vật tư có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu, do chịu ảnh hưởng bất ổn về chính trị giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, thiếu việc làm, cho công nhân nghỉ việc, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng v.v.., ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 giảm 1,07% so tháng trước, Trong đó: Khai khoáng tăng 1,01%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,26%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,78%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 0,84%. Có 12/27 ngành giảm so tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,82%; dệt giảm 0,25%; Sản xuất trang phục giảm 1,77%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,12%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,16%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 1,24%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,67%; Sản xuất kim loại giảm 1,96%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,19%; Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 23,3%. Nguyên nhân giảm chủ yếu do đơn hàng giảm. Doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất như: giá nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics tiếp tục tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm …

- Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2022 giảm 0,36% so quý II/2022 và tăng 9,53% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 11,83%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,67%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 5,41%. Sản xuất công nghiệp trong quý III chững lại do giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu bị giảm mạnh, nhập khẩu nguyên liệu chịu tác động khá nặng nề, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất. Một số ngành sản xuất giày dép, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử… Xuất khẩu giảm là do đơn hàng của các doanh nghiệp ít, không ký kết được các hợp đồng sản xuất mới, theo đó sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn đều giảm sản lượng sản xuất, công nhân nghỉ việc luân phiên như công ty Dệt Tainan, công ty giày da Taiwan Vina, công ty Changshin,...

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng/2022 tăng 7,83% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,85%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,01%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,55%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,31%. Sở dĩ chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khá cao do quý III/2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm mạnh so cùng kỳ (chỉ số IIP quý III/2021 giảm 6% so cùng kỳ).

Sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khá so cùng kỳ do thời điềm từ tháng 7 năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ”, “01 cung đường”, 02 địa điểm trong thời gian dài. Hầu hết các ngành chỉ số sản xuất 9 tháng đầu tăng so cùng kỳ, trong đó một số ngành sản xuất công nghiệp có chỉ số sản xuất 9 tháng/2022 tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,54%; Sản xuất đồ uống tăng 5,73%, Dệt tăng 4,52%; sản xuất trang phục tăng 8,41%; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 7,82%; sản xuất hóa chất tăng 7,64%.v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,49%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 9,17%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,04%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 19,76%...

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi và phát triển nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên bước sang quý III sản xuất công nghiệp bắt đầu chững lại, các doanh nghiệp sản xuất gặp những khó khăn do thiếu đơn hàng, chuỗi cung ứng vật tư có nguy cơ gián đoạn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm và cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng.v.v.. ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Sở Công Thương tỉnh phối hợp các ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm đối tác, thị trường để có đơn hàng mới, đảm bảo sản xuất và mở rộng xuất khẩu sản phẩm trong những tháng cuối năm.

Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước 9 tháng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ năm 2021 như: Đá xây dựng các loại tăng 5,85%; cà phê các loại tăng 4,07%; sợi các loại tăng 5%; Vải các loại tăng 4,82%, quần áo các loại tăng 7,09%, giày dép các loại tăng 9,95%, sản phẩm kim loại tăng 13,49%; sản phẩm điện tử tăng 11,95%,… tuy nhiên một số ngành sản phẩm do thiếu đơn hàng sản xuất, khó khăn về nguyên liệu sản xuất, thị trường xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp hoặc giảm so cùng kỳ như: Giường, tủ, bàn ghế tăng 1,44%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 1,61% v.v...

- Chỉ số tiêu thụChỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 9/2022 giảm 8,19% so với tháng 8/2022. Lũy kế 9 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 4% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ 9 tháng tăng so cùng kỳ đó là: sản xuất trang phục tăng 23,47%, sản xuất hóa chất và dược liệu tăng 27,29%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 29,21%, sản phẩm cao su và plastic tăng 16,26%, sản xuất thiết bị điện tăng 26,49%, máy móc thiết bị tăng 51,84% và sản xuất xe có động cơ tăng 49,16%.... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,22%; Sản xuất đồ uống giảm 18,4%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 37,15%; Dệt giảm 13,85%; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 4,67%; Sản xuất kim loại giảm 5,14%; Sản xuất giường, tỷ, bàn, ghế giảm 5,53% …

- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 dự ước tăng 7,44% so với tháng 8/2022 và tăng 7,8% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng cao so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+40%); sản xuất sản phẩm thuốc lá (+43,18%); ngành dệt (+1,72%); sản xuất trang phục (+3,94%) sản xuất da và các sản phẩm liên quan (+15,66%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+4,21%), sản xuất sản phẩm điện tử, quang học (+2,06%); Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng do đơn hàng giảm, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vẫn còn chậm, thời gian qua hầu hết duy trì sản xuất dự trữ hàng hóa nên lượng tồn kho tăng.

- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 2,01% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước giảm 2,96% so tháng trước và giảm 18,12% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng giảm 0,37% và giảm 0,2%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 1,17% và giảm 0,05% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng chỉ số lao động giảm 0,5% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoảng giảm 1%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,4%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí và cung cấp nước giảm 6,46%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chỉ số lao động giảm 16,8% so cùng kỳ. 

­2. Hoạt động xây dựng

Tình hình phát triển đô thị hóa phần nào cho thấy tình hình hoạt động của ngành xây dựng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Bằng nổ lực tiếp cận công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp xây dựng ở Đồng Nai đã đảm đương được những dự án công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng... đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ đầu năm 2022 giá sắt thép, vật liệu xây dựng luôn ở mức cao, mặt khác giá xăng dầu cũng tăng cao, đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Tuy nhiên do nhu cầu đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh sau thời gian dịch Covid-19 tăng cao nên hoạt động xây dựng 9 tháng tăng cao so cùng kỳ.

Dự ước 9 tháng năm 2022 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá thực tế) đạt 42.551,76 tỷ đồng, tăng 22,04% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 146,79 tỷ đồng, giảm 28,42%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 29.415,8 tỷ đồng, tăng 23,95%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.344,2 tỷ đồng, tăng 26,57%; Loại hình khác đạt 345,7 tỷ đồng, tăng 25,37%. Giá trị sản xuất phân theo loại công trình: Công trình nhà ở đạt 13.611,37 tỷ đồng, tăng 21,22%; Công trình nhà không để ở đạt 11.918,38 tỷ đồng, tăng 20,18%; Công trình kỹ thuật dân dụng đạt 9.198 tỷ đồng, tăng 24,34%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 7.824 tỷ đồng, tăng 23,72% so cùng kỳ.

Dự ước giá trị sản xuất xây dựng (theo giá so sánh 2010) quý III/2022 đạt 9.696,67 tỷ đồng, tăng 11,03% so với quý II/2022 và tăng 30,12% so cùng kỳ: Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) đạt 26.422,24 tỷ đồng, tăng 12,43% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 91,15 tỷ đồng, giảm 34,05%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 18.265,57 tỷ đồng, tăng 14,19%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.076,58 tỷ đồng, tăng 16,61%; Loại hình khác đạt 5.988,94 tỷ đồng, tăng 7,22%, so cùng kỳ.

3. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi; Công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát; các trang trại chăn nuôi tiếp tục tái đàn để chuẩn bị sản lượng dịp cuối năm. Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Thông tin dự báo thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng phương án hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp, gắn với xây dựng chuỗi liên kết; hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật giảm giá thành sản xuất trong bối cảnh giá vật tư, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, do đó sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực.

a) Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2022 thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tính đến trung tuần tháng 9/2022, diện tích gieo cấy cây hàng năm đạt 143.308,82 ha, giảm 1.475,08 ha (-1,02%) so với cùng kỳ. Trong đó diện tích gieo cấy lúa đạt 53.023,62 ha, giảm 831,07 ha (-1,54%); bắp đạt 35.163,61 ha, giảm 617 ha (-1,72%); nhóm cây củ có bột đạt 17.626,74 ha, tăng 49 ha (+0,28%); nhóm rau các loại đạt 17.795,94 ha, tăng 61,94 ha (+0,35%)

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, gieo trồng giống mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống truyền thống, nên năng suất đạt khá so cùng kỳ. Trong đó: Năng suất lúa đạt 61,21 tạ/ha, tăng 1,91 tạ/ha; Bắp 78,28 tạ/ha, tăng 2,18 tạ/ha (+2,51%); khoai lang 117,82 tạ/ha, tăng 1,08 tạ/ha (+0,49%); mía 712,45 tạ/ha, tăng 2,04 tạ/ha (+0,26%)… so cùng kỳ.

Sản lượng thu hoạch một số cây trồng hàng năm 9 tháng tăng, giảm so cùng kỳ: Sản lượng lúa đạt 210.842,5 tấn, giảm 375,4 tấn (-1,63%); Bắp: 189.229 tấn, tăng 381 tấn (+0,2%); khoai lang đạt 1.679 tấn, tăng 33 tấn (+1,3%); mía đạt 225.633 tấn, giảm 32.823 tấn (-12,7%); đậu tương đạt 338,78 tấn, giảm 10,72 tấn (-3,07%); lạc đạt 1.852,8 tấn, giảm 169,17 tấn (-8,37%); rau các loại đạt 192.191 tấn, tăng 991 tấn (+0,52%); đậu các loại đạt 3.067 tấn, tăng 232 tấn (+8,17%). Nhìn chung sản lượng cây hàng năm một số cây trồng giảm chủ yếu là do diện tích gieo trồng giảm; sản lượng rau các loại và đậu các loại tăng khá là do nhu cầu thị trường xã hội tăng cao và giá bán sản phẩm ổn định, do đó sản lượng tăng so cùng kỳ.

b) Cây lâu năm

Sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tương đối ổn định, thời tiết khí hậu thuận lợi cho cây trồng phát triển, không có mưa trái vụ nên không gây thiệt hại đối với các loại cây ăn quả lâu năm; dịch bệnh có phát sinh nhưng ở thể nhẹ, người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng lâu năm. Tuy nhiên, sản xuất cây lâu năm gặp một số khó khăn như: Giá vật tư phân bón, thước trừ sâu và nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các doanh nghiệp và người nông dân còn hạn chế; xuất khẩu nông sản giảm do ảnh hưởng của tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine và tình hình kiểm soát dịch Covid chặt chẽ của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản.

Diện tích cây lâu năm hiện có 170.644,8 ha, tăng 0,61% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả 74.749 ha, tăng 1,78%, chiếm 43,89% tổng diện tích cây lâu năm. Diện tích cây ăn quả tăng là do một số diện tích được trồng mới từ diện tích trồng cây hàng năm chuyển đổi cây có giá trị kinh tế cao như: bưởi, sầu riêng, chuối, mít... đảm bảo được đầu ra sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng xã hội ngày càng cao đối với những mặt hàng cây ăn trái nên diện tích cây ăn quả tăng so cùng kỳ.

c) Chăn nuôi

Chín tháng năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình và tăng dần hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 255 cơ sở chăn nuôi (chủ yếu trang trại) được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và 103 cơ sở chăn nuôi được UBND tỉnh cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Có 963 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM nhằm kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sản xuất trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Đồng Nai và Đề án quản lý nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm giai đoạn 2021-2025. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

- Dự ước tổng số đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ) đến thời điểm tháng 9/2022 ước tính đạt 2.560.635 con, tăng 5,45% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm là 27.504,06 ngàn con, tăng 5,51% so cùng kỳ. Trong đó đàn gà đạt 26.105,22 ngàn con, tăng 6,44% so cùng kỳ và chiếm 95% tổng đàn gia cầm.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý III/2022 đạt 155.374,8 tấn, tăng 3,55% so với quý III/2021. Dự ước sản lượng thịt trâu 9 tháng ước đạt 184,7 tấn, tăng 1,97%; thịt bò đạt 3.493,8 tấn, tăng 4,15%; thịt heo đạt 333.949 tấn, tăng 5,07%; thịt gia cầm đạt 104.605,4 tấn, tăng 5,31%, trong đó thịt gà 127.110,4 tấn, tăng 5,65%; Sản lượng trứng gia cầm đạt 824.105 ngàn quả, tăng 6,92% so cùng kỳ, nguyên nhân sản lượng tăng khá là do thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cơ bản ổn định, giá các sản phẩm heo, gà và trứng gia cầm có xu hướng tăng và đang tiêu thụ tốt, người chăn nuôi đang có lãi; riêng giá heo hơi đang dao động trong khoảng từ 58.000 đến 64.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao đã làm lợi nhuận người chăn nuôi giảm, thậm chí có những trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay không có khả năng tái đàn, tăng đàn vì sợ thua lỗ. Trong thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao sẽ rất khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là hiện nay thời điểm đầu tư tái đàn, tăng đàn để phục vụ cho thị trường cuối năm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khá ổn định và gần đến cuối năm, nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm phục vụ các dịp lễ, tết tăng. Hơn nữa, khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi. Việc kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín ở các trang trại nuôi gà tập trung ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ... nên các trang trại đã chủ động tăng đàn.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp 9 tháng năm 2022 phát triển ổn định, công tác theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, giống cây trồng lâm nghiệp, hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy rừng được duy trì và tăng cường. Thường xuyên thực hiện theo dõi, kiểm tra các loài cây gỗ lớn quý hiếm đã được định vị tại Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, không để xảy ra tình trạng xâm hại trái pháp luật.

Ước diện tích rừng trồng mới 9 tháng năm 2022 đạt 2.204,5 ha, tăng 2,04% so với cùng kỳ, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 1.104 nghìn cây. Sản lượng gỗ khai thác 205.899 m3, tăng 2,5% so cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác 2.577 ste, tăng 88 ste (+3,51%) so cùng kỳ.

Công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022 và kiện toàn các Ban chỉ đạo các cấp về phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tiếp nhận thông tin khí tượng, tính toán cấp dự báo cháy rừng để kịp thời thông báo cho địa phương và đơn vị chủ rừng; chuẩn bị tốt các dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ cho công tác PCCCR...

c) Thủy sản

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng 9 thuận lợi, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, các vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao với nhiều phương thức nuôi, hình thức nuôi khác nhau nên đã tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho một bộ phận không nhỏ nông dân.

Dự ước tổng sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 6.374,15 tấn, tăng 4,3% so với  tháng cùng kỳ; lũy kế 9 tháng sản lượng đạt 53.932,8 tấn, tăng 4,07% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá đạt 47.272,5 tấn, tăng 4,11%, sản lượng tôm đạt 5.752 tấn, tăng 4,02% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do với những chính sách ưu đãi, hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục đạt mức tăng trưởng, nhiều địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng chuỗi liên kết an toàn nên khuyến khích hộ nuôi trồng mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn.

4. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

4.1. Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 19.94,67tỷ đồng, tăng 3% so tháng trước và tăng 53,27% so tháng cùng kỳ. Sở dĩ tháng 9 tăng cao so cùng kỳ là do tháng 9/2021 toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm sâu. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 168.613,31 tỷ đồng, tăng 22,66% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 8.294,24 tỷ đồng, tăng 9%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 156.804,45 tỷ đồng, tăng 23,48%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.514,62 tỷ đồng, tăng 22,42% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do từ tháng 7 năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lĩnh vực thương mại, dịch vụ hạn chế hoạt động, thậm chí là tạm ngưng hoạt động trong quý III/2021, năm 2022 hoạt động trở lại; Mặt khác do chiến sự Nga - Ukraina làm cho giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, vận chuyển, hàng hóa đầu vào giá tăng cao, đã tác động đến giá thành của hàng hóa, làm cho các nhóm hàng hóa bán ra tăng theo.

4.2. Giá cả thị trường

Tháng 9/2022 giá mặt hàng xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của giá thế giới và chính sách bình ổn giá xăng dầu trong nước, tác động đến giá cả của hàng hóa trên thị trường xã hội có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Riêng giá nhóm giáo dục tăng cao nhất (tăng 2,14%), do thời điểm này học sinh các cấp bắt đầu vào năm học mới, nhu cầu mua sắm sách vở và dụng cụ học tập tăng cao, mặt khác một số trường trên địa bàn thực hiện tăng học phí năm học mới đối với trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2022 so với tháng trước giảm 0,12%, có 5/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước như: nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,07%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,04%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; nhóm giáo dục tăng 2,14%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; Có 01 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định là thuốc và dịch vụ y tế; Có 05/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so tháng trước là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,19%; nhóm giao thông giảm 2,35%. Nguyên nhận một số nhóm hàng giảm là nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cũng phụ thuộc vào thu nhập của người dân hiện nay, do tình hình khó khăn chung, thu nhập giảm sẽ làm giảm cầu, nên việc chi tiêu phụ thuộc vào bản chất của nhu cầu tiêu mà con người phải xem xét. Nguợc lại có những mặt hàng giá tăng do người tiêu dùng hiện có thu nhập cao hơn và có xu hướng chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn để sử dụng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 so với tháng 12/2021 tăng 3,82% (tức là chỉ số giá 9 tháng tăng 3,82%). Nguyên nhân 9 tháng năm 2022 hầu hết giá tiêu dùng đều có biến động tăng bởi vì chịu sự tác động của giá xăng dầu và giá vật tư nguyên liệu đầu vào những tháng trước đây, do đó hầu hết các nhóm hàng đều có chỉ số giá tăng như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,73%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,39%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,79%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,47%; thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 2,36%; nhóm giao thông tăng 2,51%; giáo dục tăng 12,94%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 11,29%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,41% so với tháng 12/2021. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,31% so với tháng 12/2021.

Chỉ số giá bình quân 9 tháng năm 2022, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 01 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,36%. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng khá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (+16,66%) do ảnh hưởng của tình hình Chiến sự bất ổn trên thế giới làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép, thức ăn giá súc, gia cầm… tăng cao trong quý II/2022, dẫn đến các nhóm hằng hóa có chỉ số giá tăng khá so cùng kỳ như; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,79% do nhu cầu của người dân tăng sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19.

- Chỉ số giá vàng tháng 9 năm 2022 giảm 2,64% so với tháng trước; so với tháng 12/2021 giảm 5,83%. Bình quân 9 tháng tăng 1,84% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 9 năm 2022 tăng 0,09% so tháng trước; so với tháng 12/2021 tăng 5,18%. Bình quân 9 tháng tăng 1,1% so cùng kỳ.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Bước vào đầu năm 2022 tình hình xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu trên thế giới phục hồi, hợp đồng xuất khẩu tăng cao; Tuy nhiên từ tháng 7/2022 xuất hiện khó khăn đó là tình hình dịch bệnh, chính sách “zero-Covid’’ tại Trung Quốc, cùng với Chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, nên làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp, vì vậy một số doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu tháng 7 và 8 giảm so với những tháng đầu năm. Tháng 9, tình hình xuất khẩu một số doanh nghiệp có nhiều khởi sắc hơn so với tháng trước do là tháng cuối quý nên nhiều doanh nghiệp tập trung xuất khẩu các đơn hàng trong quý đã ký kết.

 Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2022 trên địa bàn đạt 2.168,77 triệu USD, tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 88,57% so tháng cùng kỳ; Nguyên nhân tăng cao so cùng kỳ do tháng 9/2021 bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên xuất khẩu giảm mạnh. Lũy kế 9 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19.342,42 triệu USD tăng 20,17% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 441,95 triệu USD, tăng 15,73%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 4.515,64 triệu USD, tăng 47,87%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14.384,83 triệu USD, tăng 13,62% so cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ như: Cà phê tăng 38,33%; Hàng dệt may tăng 25,3%; Giày dép các loại tăng 49,1%; Máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 28,55%; Sản phẩm từ sắt thép tăng 35,49%. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so cùng kỳ như: Hạt điều giảm 13,87% nguyên nhân hạt điều giảm là do thiếu nguyên liệu, nguồn điều thô hiện nay cạn dần do diện tích và sản lượng giảm nên phải nhập khẩu hạt điều thô về để chế biến, giá hạt điều đang có xu hướng giảm; Cao su giảm 25,63%; Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6,58%; Xơ sợi dệt các loại giảm 13,18% so cùng kỳ.

Thị trường xuất khẩu tháng 9 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 696,17 triệu USD, chiếm 32,1%; Nhật Bản đạt 247,78 triệu USD, chiếm 11,43%; Trung Quốc đạt 175,28 triệu USD, chiếm 8,08%; Các thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như: Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Đức… chiếm tỷ trọng 48,39% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 1.614,39 triệu USD, tăng 1,15% so tháng trước và tăng 10,93% so tháng cùng kỳ; Tháng 9 tình hình nhập khẩu nguyên liệu hàng hoá sản xuất của các doanh nghiệp tăng so với tháng trước do nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập nguyên liệu để sản xuất trong quý IV và một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu khi giá một số mặt hàng đang có xu hướng giảm. Lũy kế 9 tháng ước đạt 15.062,69 triệu USD, tăng 4,89% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 202,05 triệu USD, giảm 1,37%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.310,38 triệu USD, tăng 25,78%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11.550,256 triệu USD, tăng 0,23% so cùng kỳ.

Các mặt hàng nhập khẩu 9 tháng tăng khá so cùng kỳ như: Hóa chất tăng 9,82%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 10,89%; Bông các loại tăng 12,19%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 18,22%; Sắt thép các loại tăng 25,7%. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 9,2%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 12,42%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 17,98% v.v...

Thị trường nhập khẩu trong tháng 9 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc: Ước đạt 413,12 triệu USD, chiếm 25,6%; Hàn Quốc đạt 211,61 triệu USD, chiếm 13,1%; Nhật Bản đạt 110,91 triệu USD, chiếm 6,9%; Thị trường Mỹ đạt 121,46 triệu USD, chiếm 7,5%.

Dự ước 9 tháng đầu năm 2022 giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 4.280 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 476 triệu USD.

4.4. Giao thông vận tải

Trong tháng 9 tình hình hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, cũng như các dịch vụ logictis tiếp tục tăng đã làm cho doanh thu hoạt động vận tải, bốc xếp và các dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 tăng so với tháng trước, đây là cơ hội để ngành vận tải hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn. Mặt khác, là tháng có ngày nghỉ lễ kéo dài và học sinh, sinh viên bước vào năm học mới nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao làm cho hoạt động vận tải hành khách tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 9/2022 đạt 2.033,87 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước và tăng 2,8 lần so cùng tháng năm trước; Dự ước quý III/2022 doanh thu đạt 5.895,53 tỷ đồng, tăng 25,61% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 16.761,13 tỷ đồng, tăng 39,02% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao là do từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021 thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, nên hầu hết các dịch vụ vận tải tạm ngưng hoạt động, trừ một số trường hợp được lưu thông theo quy định, dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải trong các tháng quý III/2021 giảm sâu. Nhưng 9 tháng đầu năm 2022 các hoạt động vận tải được phép hoạt động bình thường và tăng trưởng khá nên doanh thu và sản lượng tăng cao so với cùng kỳ.

5. Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển

Dự ước vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn tỉnh quý 3 năm 2022 thực hiện 30.099,8 tỷ đồng, tăng 8,8% so với quý 2/2022 và tăng 83,39% so quý 3 năm 2021, sở dĩ tăng cao so cùng kỳ là do quý 3/2021 ảnh hưởng của dịch Covis-19 rơi vào tâm dịch bệnh Covid-19. Trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 3.527,6 tỷ đồng, tăng 44,56%; vốn ngoài nhà nước đạt 13.392,79 tỷ đồng, tăng 4,76%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 13.179,4 tỷ đồng, tăng 5,94% so quý II/2022.

Dự ước 9 tháng đầu năm 2022 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 83.851,86 tỷ đồng, tăng 28,61% so cùng kỳ, trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 7.766,58 tỷ đồng, tăng 8,02%; vốn ngoài nhà nước đạt 38.457,18 tỷ đồng, tăng 26,18%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 37.628 tỷ đồng, tăng 36,68% so cùng kỳ.

 Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng là do các địa phương đưa ra các giải pháp “chạy nước rút” trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục để tiến hành khởi công các dự án mới và tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng.v.v.  Đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước có qui mô lớn, ổn định và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đầu tư mở rộng sản xuất, tăng qui mô năng lực sản xuất. Tình hình thực hiện các nguồn vốn như sau:

6. Tình hình triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành.

- Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng HKQT Long Thành có diện tích thu hồi 5.364,21 ha, thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong đó: Đất xây dựng cảng hàng không là 5.000 ha và đất xây dựng 02 khu tái định cư: 364,21 ha; với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng (Bao gồm; Xây dựng hạ tầng các khu tái định cư: 4.189 tỷ đồng; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không: 479 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:17.855 tỷ đồng; Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân: 306 tỷ đồng; lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án: 27 tỷ đồng).

a. Về công tác giải phóng mặt bằng khu vực 5.000 ha

- Tổng diện tích thu hồi 4.946,45 ha, trong đó: Đất hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: 2.910,71 ha, chiếm tỷ lệ 58,8% diện tích đất thu hồi; Đất tổ chức: 1.955,35 ha, chiếm tỷ lệ 39,5% so với diện tích thu hồi); Đất giao thông, sông suối (do UBND xã quản lý, không bồi thường, hỗ trợ): 80,39 ha, chiếm tỷ lệ 1,7% diện tích thu hồi.

Tính đến tháng 9/2022 diện tích đất của các tổ chức đã thu hồi của 18/18 tổ chức với 1.955,35 ha và tổng số tiền đã bồi thường là 949,3 tỷ đồng. Đất hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã thu hồi được 2.910,71 ha, đã chi trả 6.122 trường hợp, với số diện tích là 2.572,28 ha với số tiền bồi thường là 12.613 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, khu vực xây dựng cảng Hàng không đã thu hồi được 4.703,23 ha/4.946,45 ha, đạt 95,08%. Phần diện tích còn lại 243,22 ha (trong đó có 80,39 ha đất giao thông, sông suối), dự kiến sẽ hoàn thành thu hồi trong tháng 10 năm 2022. UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 với tổng diện tích 2.430,68 ha/2.532 ha, đạt 96%. Phần diện tích 101,32 ha còn lại thuộc giai đoạn 1, UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến hoàn thành bàn giao trong tháng 10 năm 2022.

7. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) tính đến ngày 20/9/2022, đạt khoảng 912 triệu USD, bằng 92% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 991,2 triệu USD), trong đó: Cấp mới 34 dự án với tổng vốn đăng ký 376,87 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 79,07% về số dự án và tăng 19,8% về vốn đăng ký cấp mới. Có 61 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 535,14 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 70,93% về số dự án và bằng 79,09% về vốn bổ sung.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2022 có 3.142 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 45,46% so cùng kỳ với số vốn đăng ký là 23.542,3 tỷ đồng, bằng 51,5% so cùng kỳ. Có 739 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 30.452,2 tỷ đồng, tăng 24,35% so cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2022 có 380 doanh nghiệp giải thể, tăng 57% so cùng kỳ và có 450 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 75,8%; 998 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 52,1%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp lại mô hình sản xuất.

8. Tài chính – Ngân hàng

a) Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2022 đạt 46.756,26 tỷ đồng ([1]), bằng 97,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa 29.568 tỷ đồng, bằng 88,65% so với cùng kỳ. Một số khoản thu giảm so cùng kỳ như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,4%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,46%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt giảm 37,4%; các khoản thu về nhà đất giảm 11,1%...; Thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 17.101,7 tỷ đồng, tăng 18,76% so cùng kỳ. Trong đó: Thuế xuất khẩu tăng 25,69%, thuế nhập khẩu tăng 12,59%, thuế GTGT tăng hàng nhập khẩu 19,71% so với cùng kỳ…

Dự ước tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 20/9/2022 đạt 22.714,8 tỷ đồng([2]), bằng 91% so cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển: 10.677,75 tỷ đồng, bằng 73,32% so cùng kỳ; Chi thường xuyên đạt 10.245,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Chi thường xuyên 9 tháng năm 2022 đảm bảo, đáp ứng đủ và kịp thời kinh phí cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo kinh phí thực hiện chi lương, chi trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách đảm bảo các nhiệm vụ chi về chính sách chế độ cho các đối tượng chính sách và người lao động.

b) Hoạt động ngân hàng

Hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác thanh toán, tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt; đáp ứng kịp thời và đầy đủ lượng tiền mặt và cơ cấu các loại tiền phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Công tác tiền tệ kho quỹ bảo đảm an toàn.

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/9/2022 đạt đạt 290.549 tỷ đồng, tăng 6,06% so với 31/12/2021. Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 272.046 tỷ đồng, tăng 5,68% so với 31/12/2021; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 16.603 tỷ đồng, tăng 18,36% so với đầu năm.

Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến 30/9/2022 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 328.940 tỷ đồng, tăng 16,9% so với 31/12/2021 (trong đó tỷ lệ nợ xấu ước chiếm 1,03% trên tổng dư nợ cho vay). Dư nợ cấp tín dụng bao gồm: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 188.423 tỷ đồng, tăng 23,09% so 31/12/2021, dư nợ trung, dài hạn ước đạt 138.316 tỷ đồng, tăng 9,19% so với đầu năm.

- Phân theo loại tiền: Dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 277.622 tỷ đồng, tăng 17,5%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 49.118 tỷ đồng, tăng 12,93% so với 31/12/2021.

9. Một số tình hình xã hội

a) Văn hóa thông tin

Chín tháng năm 2022 toàn ngành tập trung tuyên truyền, thực hiện chuyên đề, các cuộc triển lãm tranh cổ động và tổ chức các chương trình văn nghệ chào mừng nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh như: Công tác tuyển quân năm 2022; Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2022; “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022”; Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX năm 2022; Phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác…

- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: Chương trình ca nhạc “Mừng Đảng – Mừng Xuân” năm 2022; Lễ kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội nghị gặp mặt 85 năm thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (02/1937-02/2022); Lễ dâng hương Quốc tổ Hùng Vương năm (10/3 âm lịch); Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro, huyện Vĩnh Cửu; Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm công tác đối ngoại nhân dân Cụm miền Đông Nam Bộ (mở rộng); Lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2021, ký kết giao ước thi đua năm 2022 và tôn vinh điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ngoài ra, Nhà hát Đồng Nai còn biểu diễn phục vụ nhân sân vùng sâu, vùng xa; Biểu diễn phục vụ Hè; Biểu diễn phục vụ công nhân các khu công nghiệp... các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân,

b) Thể dục, thể thao

9 tháng năm 2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 33/39 giải cấp tỉnh. Trong đó, tổ chức và phối hợp tổ chức thành công 01 sự kiện thể thao quốc tế, 03 giải quốc gia, 01 giải Cụm, 22 giải trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX năm 2022, 06 giải thể dục thể thao quần chúng, đạt 84,61% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Tham gia 98 giải (quốc tế: 10; quốc gia: 66; Cụm, khu vực, mở rộng: 22), đạt được 653 huy chương các loại (207V, 180B, 266Đ); Đặc biệt, các vận động viên thể thao Đồng Nai trong thành phần đội tuyển quốc gia đã xuất sắc đạt 07HCV, 02HCB, 07HCĐ tại SEA Games 31; đạt 01 HCV, 02 HCB, 01 HCĐ tại Asean Para Games lần thứ 11 và đạt nhiều thành tích xuất sắc khác tại các giải vô địch, vô địch trẻ Châu Á, Đông Nam Á.

Công tác xây dựng, phát triển thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết của cộng đồng.

c) Giáo dục - Đào tạo

Ngành Giáo dục tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022-2023; tư vấn, hỗ trợ cho các phòng giáo dục và các trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 2, lớp 6. Quy mô mạng lưới trường học tiếp tục phát triển ổn định; đến đầu năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có 927 trường mầm non, phổ thông; có 2 trường học mới thành lập và đi vào hoạt động là mầm non Tư thục Âu Việt và mầm non Tư thục Phúc Xá thuộc huyện Long Thành.

- Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022: Toàn tỉnh có 29.744 thí sinh đậu tốt nghiệp trong tổng số 30.713 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 96,84%. Trong đó: khối trung học phổ thông có 24.731 thí sinh đậu tốt nghiệp, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 99,13% và khối giáo dục thương xuyên có 5.013 thí sinh tốt nghiệp, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 86,94%.

d) Y tế

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19: Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến hết ngày 12/9, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin mũi 3 đạt 68,52%, mũi 4 đạt 65,08%. Đối tượng từ 12 đến 17 tuổi mũi 3 đạt 28,66% và trẻ từ 5 đến 11 tuổi mũi 1 đạt 79,81%, mũi 2 mới đạt 47,08%. Tổng số mũi tiêm thực tế của tỉnh đến nay đạt hơn 8,3 triệu mũi tiêm, trong đó 7,8 triệu mũi tiêm đã được cập nhật lên phần mềm tiêm chủng COVID-19. Theo khuyến cáo của ngành Y tế Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, cũng như hạn chế bệnh chuyển nặng và tử vong nếu mắc Covid-19, cách tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 đầy đủ và đúng lịch. Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích, hiệu quả của vắc xin; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau mắc Covid-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền và các đối tượng khác; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư, công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn, thông tin để người dân biết và đi tiêm kịp thời.

Một số dịch bệnh khác phát sinh trong 9 tháng năm 2022 như sau:             

- Sốt xuất huyết: Tính từ đầu năm đến ngày 18/9 ghi nhận 20.905 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện (trong đó trẻ em ≤ 15 tuổi là 12.363 ca, chiếm tỷ lệ 59%), tăng 296% so với cùng kỳ năm 2021 (5.279 ca). Trong đó, đã có 16 ca tử vong (03 ca trẻ em ≤ 15t, chiếm tỷ lệ 19%) tăng 15 ca so với cùng kỳ năm 2021 (01 ca).

Số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng ở 11/11 địa phương trong tỉnh so với cùng kỳ năm 2021. Cao nhất là thành phố Biên Hòa (8.957 ca), thấp nhất là huyện Cẩm Mỹ (422 ca).

Hoạt động xử lý ổ dịch: Tính từ đầu năm 2022 đến nay tổng số ổ dịch được phát hiện là 2.603, tăng 115% so với cùng kỳ (1.209 ổ dịch). Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt 99% (2.578 ổ dịch được xử lý/2.603 ổ dịch phát hiện).

- Hội chứng tay chân miệng: Số ca mắc tay chân miệng cộng dồn đến tháng 9/2022 là 5.693 ca mắc, tăng 97,13% so với cùng kỳ. Không ghi nhận ca tử vong.

Sởi: Tính từ đầu năm đến tháng 9 ghi nhận 06 ca mắc, giảm 02 ca so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong.

- Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 417 người mắc mới HIV, trong đó 09 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong, số ca mắc mới giảm 11% so với cùng kỳ 2021.

- Tình hình vệ sinh thực phẩm: Đã tổ chức 10.336 lượt thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm/15.419 tổng số cơ sở, trong đó: 9.857 cơ sở đạt (chiếm 95,37%); số cơ sở vi phạm là 479 cơ sở, nhắc nhở 431 cơ sở, phạt tiền 48 cơ sở với số tiền phạt là 515,27 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 05 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong.

e) Giải quyết việc làm     

Trong 9 tháng đầu năm 2022, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 67.235 lượt người, đạt 84,04% kế hoạch năm, tăng 34,36% so với cùng kỳ.

- Tiếp nhận đăng ký thất nghiệp của 52.493 lao động, tăng 46,87% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 49.864 người tăng 39,21% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số tiền hưởng là 1.482.331,74 triệu đồng tăng 65,61% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng tổ chức 18 sàn giao dịch việc làm (05 Sàn trực tuyến và 13 Sàn trực tiếp). Có 428 lượt doanh nghiệp đăng ký với 5.200 lượt người tham gia. Số người được tư vấn là 4.327 lượt người. Số hồ sơ tiếp nhận là 3.573 hồ sơ. Số người được tuyển dụng ước là 3.011 người.

f) Đào tạo nghề: Trong 9 tháng năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 62.146 người, đạt 87,53% kế hoạch, tăng 21,58% so với cùng kỳ, trong đó: Cao đẳng: 5.150 người, Trung cấp: 10.408 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 46.588 người. Có 56.699 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, đạt 78,75% kế hoạch, tăng 33,17 so với cùng kỳ, trong đó: Cao đẳng: 4.370 người, Trung cấp: 7.425 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 44.904 người.

CỤC THỐNG KÊ ĐỒNG NAI


 

 

Cục Thống kê Đồng Nai