Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng

Nội dung kiến nghị 1:

Cử tri kiến nghị cần sớm bố trí đủ vốn để thi công các tuyến đường vành đai biên giới, phục vụ tuần tra và canh tác, làm ăn của người dân (đường xương cá ra mốc giới).

Trả lời:

Bộ Quốc phòng đã lập dự án và có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tư dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 10539/VPCP-NC ngày 31/12/2014 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định; theo đề nghị của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2, đầu tư khoảng 1.500km (trên 21 tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh Cao Bằng), tổng mức vốn đầu tư dự kiến 15.500 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2016-2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5988/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 27/8/2015, thống nhất với Bộ Quốc phòng về sự cần thiết đầu tư dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn 2 (2016-2020) và đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí là 5.000 tỷ đồng để trước mắt Bộ Quốc phòng thực hiện một số dự án đường tuần tra biên giới ở những vị trí sung yếu, cấp bách. Tuy nhiên, kế hoạch trung hạn 2016-2020 Bộ Quốc phòng dự kiến được giao vốn TPCP là 4.000 tỷ đồng chỉ để đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới tiếp giáp với Campuchia. Như vậy, trên biên giới đất liền tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 chưa có vốn để bảo đảm đầu tư hệ thống đường tuần tra biên giới theo đề nghị của địa phương; nếu xét thấy những vị trí nào cần thiết và cấp bách cần phải đầu tư, địa phương có thể cân đối từ nguồn ngân sách của các chương trình hỗ trợ mục tiêu và ngân sách của địa phương giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm.

Nội dung kiến nghị 2:

Cử tri đề nghị với Chính phủ phương án sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua trị giá 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2017-2020; cho phép ứng trước nguồn vốn từ ngân sách trung ương để khẩn trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 385/BKHĐT-KTĐN ngày 20/6/2017 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, trong đó:

- China Eximbank đã thông báo chính thức về điều kiện khoản vay tín dụng ưu đãi 300 triệu USD (thời hạn vay 20 năm gồm 5 năm ân hạn, lãi suất 2,5%/năm, phí quản lý 0,25%/năm, phí cam kết 0,25% cho toàn bộ khoản vay), đây là điều kiện vay tốt nhất phía Trung Quốc có thể cung cấp, không thể giảm thêm nữa. Tuy nhiên, điều kiện vay này vẫn chưa đạt mức ưu đãi như nguồn vốn ODA, nên theo Luật Quản lý nợ công, Chính phủ vẫn phải cho vay lại, không thể cấp phát khoản vay này.

- Hiện nay, Bộ GTVT không đủ điều kiện để vay lại khoản vay này. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì hạn mức vay lại của tỉnh Cao Bằng rất thấp. Mặt khác, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khoản 825 triệu USD (theo báo cáo của Bộ GTVT), nếu chỉ đầu tư 300 triệu USD sẽ không thông được toàn tuyến. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu phương án khả thi hơn để đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

- Tại văn bản số 1837/VPCP-CN, ngày 28/6/2017 của VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: (i) Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó có bổ sung tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; (ii) việc phân cấp cơ quan chủ trì quản lý dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh cũng như các nội dung liên quan đến bố trí vốn đầu tư sẽ được xem xét sau khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên được phê duyệt.

Nội dung kiến nghị 3:

Cử tri kiến nghị cần quan tâm, tạo điều kiện để các tỉnh, thành khu vực biên giới thu hút nhiều hơn vốn FDI và nhất là các dự án kinh tế lớn mang tính động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ví dụ như đầu tư xây dựng đường cao tốc, cơ chế đặc thù cho các khu kinh tế cửa khẩu...

Trả lời:

Trong thời gian vừa qua, việc quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư các tỉnh khu vực biên giới được quan tâm và chú trọng nhiều hơn. Từ đầu năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang tháng 2 năm 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La tháng 7 năm 2017. Dự kiến Quý III sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, do những hạn chế và bất cập của các tỉnh biên giới như cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều vấn đề bất cập nên hiệu quả thu hút đầu tư FDI vào các tỉnh biên giới còn rất khiêm tốn. Cho đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc mới thu hút được 154 dự án FDI với tong vốn đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn FDI của cả nước.

Trong thời gian tới, cần đổi mới và có những giải pháp đẩy mạnh việc thu hút FDI vào các tỉnh biên giới, cần tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh, để tạo thành chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng và hiệu quả cao. Từ đó, tạo ra thế mạnh, sức lan toả để các tỉnh trong vùng cùng phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng các tỉnh vùng biên giới, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển. Đồng thời, bản thân các tỉnh vùng biên giới cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Nội dung kiến nghị 4:

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nguồn vốn đầu tư công cho các tỉnh nghèo như Cao Bằng, Bắc Kạn. Vốn đầu tư công trung hạn được duyệt không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nói trên vì việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư ở các tỉnh này hết sức khó khăn.

Trả lời:

Căn cứ Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1186/BKHĐT-TH ngày 17/02/2017 thông báo tổng số vốn hỗ trợ mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đối với tỉnh Cao Bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 (đợt 1) và số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 về kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2017 – 2020 (đợt 2). Trước mắt, đề nghị UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn chủ động thực hiện các dự án để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo nguồn vốn đã được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đề nghị của tỉnh, sẽ xem xét báo cáo trình cấp thẩm quyền quyết định khi có chủ trương chung bổ sung về nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Nội dung kiến nghị 5:

Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn TPCP để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL4A (đoạn Km66 - Km113) trong giai đoạn 2017 - 2020; chỉ đạo Bộ chức năng cân đối, điều hòa vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 từ số vốn còn dư của các dự án của Bộ Giao thông Vận tải để bố trí triển khai tiếp công trình đường nối QL4A-QL3 (tránh thành phố Cao Bằng) và bố trí trả nợ dự án QL34 (Khau Đồn - Nguyên Bình).

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội thì nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 dự kiến bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải để đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, chủ yếu tập trung cho các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Long Thành, nguồn vốn để đầu tư cho các dự án khởi công mới là hết sức khó khăn. Do đó, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để nghiên cứu, tìm các nguồn vốn khác (như ODA, PPP...) đầu tư dự án này và bố trí kinh phí duy tu, bảo trì, đảm bảo điều kiện khai thác của tuyến đường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp phương án điều chỉnh nguồn vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và 2014-2016 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó có phương án bổ sung vốn để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành cho dự án đường nối QL4A-QL3, tránh thành phố Cao Bằng. Dự án cải tạo, nâng cấp QL34 (Khau Đồn - Nguyên Bình) cũng được tổng hợp, bố trí đủ số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư được phê duyệt để thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản, khối lượng hoàn thành theo quy định.

Nội dung kiến nghị 6:

Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn từ NSTW trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai thực hiện Dự án xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc (Hiệp định có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày 26/01/2014):

Trả lời:

Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách trung ương đã được giao tỉnh Cao Bằng tại 2 đợt: Đợt 1 được giao tại Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đợt 2 được giao tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.  Đối với số vốn phân bổ chi tiết của Chương trình mục tiêu, UBND tỉnh Cao Bằng đã bố trí cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, thu hồi ứng và dự án khởi công mới, không dự kiến bố trí vốn để thực hiện dự án: xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu, huyện Phục Hòa. Hiện nay, Tỉnh đề xuất được bố trí vốn thực hiện cho Dự án từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8153/BKHĐT-KTĐPLT ngày 05/10/2017 gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hỗ trợ cho dự án khi có chủ trương sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư