Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022 của tỉnh Kon Tum
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trong tỉnh. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm tỉnh Kon Tum đã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra. Tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế sớm nhất. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả: nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ; các cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực trong quý I năm 2022 so với cùng kỳ cụ thể như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
- Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.393 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán Trung ương và đạt 34,8% dự toán địa phương giao.
- Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.905 tỷ đồng, đạt 22,2% dự toán giao và bằng 89,6% so cùng kỳ năm trước.
- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.870 tỷ đồng, tăng 30,14%.
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 40,99%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.493,84 tỷ đồng, tăng 39,79%.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước.
2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
2.1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện quý I năm 2022 ước đạt 1.393 tỷ đồng đạt 49,9% dự toán Trung ương và đạt 34,8% dự toán địa phương giao; trong đó thu nội địa 1.325 tỷ đồng đạt 35,5% so dự toán địa phương giao (thu nội địa trừ tiền sử dụng đất và XSKT, số thu còn lại 746 tỷ đồng, đạt 33,6% dự toán), ước thu xuất nhập khẩu 68 tỷ đồng đạt 25% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước thực hiện quý I năm 2022 ước đạt 1.905 tỷ đồng, đạt 22,2% dự toán giao và bằng 89,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 905 tỷ đồng, đạt 41,3% dự toán giao, bằng 91,5% so cùng kỳ năm trước; Chi thường xuyên 995 tỷ đồng, đạt 19,8% dự toán giao, bằng 87,5% so cùng kỳ năm trước.
2.2. Hoạt động ngân hàng
- Về thực hiện lãi suất huy động: trong quý lãi suất tiền gửi tại các TCTD trên địa bàn tương đối ổn định, tuy nhiên tại một số NHTMCP có sự điều chỉnh nhẹ 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư. Nhìn chung các ngân hàng trên địa bàn chấp hành đúng các quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND theo kỳ hạn.
- Về thực hiện lãi suất cho vay: Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong quý I tiếp tục duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay thông thường đối với ngắn hạn từ 7,5 - 10,5%/năm; từ 10 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thấp, ưu đãi với nhiều gói tín dụng ưu tiên của mỗi hệ thống với mức từ 5,5 - 6,5%/năm.
Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với một số nhóm đối tượng ưu tiên, cho vay ngắn hạn; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0 - 6,8%/năm.
- Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đến 31/3/2022 ước đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 1,7% (tăng 319 tỷ) so với cuối năm 2021, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (+1,35%). Trong đó tiền gửi VND tăng 1,6%, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn huy động (khoảng 97%). Tiền gửi từ dân cư chiếm 80% (bằng 15.200 tỷ đồng), tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm 20% (bằng 3.800 tỷ đồng).
Trong các tháng đầu năm 2022 là các tháng giáp và sau Tết Nguyên đán các ngân hàng thương mại đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, do đó nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm, mức tăng trưởng bình khoảng 0,8%/tháng.
- Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đến 31/3/2022 đạt 39.300 tỷ đồng, so với cuối năm 2021, tăng 2,2 % (tương đương 951 tỷ đồng) và tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (+ 0,21%). Trong đó dư nợ ngắn hạn 26.200 tỷ (chiếm 66% tổng dư nợ); dư nợ trung dài hạn 13.100 tỷ (chiếm 34%); dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99,4%. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền ổn định, tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, chiếm 99,6% bằng 39.175 tỷ đồng, dư nợ bằng ngoại tệ không đáng kể. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn có xu hướng tăng cao nhằm phục vụ các nhu cầu ngắn hạn.
3. Giá cả, lạm phát
Trong quý có tháng Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước.
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2022 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 1,87% so với cùng tháng năm trước; tăng 1,32% so với tháng 12 năm trước; tăng 5,57% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 3 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,04%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 03 nhóm tăng: nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,92%; nhóm Giao thông tăng 5,2%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%. Có 06 nhóm giảm là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,41%; nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 1,01%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,52%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,35%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm giáo dục và nhóm thuốc và dịch vụ y tế, cụ thể như sau:
- Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
(1) Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,92%, tác động chính là do giá gas tăng 9,01%, tăng 42.000 đồng/bình 12kg từ ngày 01/3/2022; giá dầu hỏa tăng 8,39% so với tháng trước; điện sinh hoạt tăng 1,36% là do trong tháng lượng điện tiêu dùng tăng làm cho giá bình quân tăng; nước sinh hoạt tăng 3,37% là do trong tháng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng nhiều làm cho giá bình quân tăng; nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%, trong đó vật liệu bảo dưỡng nhà chính tăng 1,42%, vật liệu bảo dưỡng nhà khác tăng 1,09%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng chi phí lưu thông tăng và giá sắt, thép tăng.
(2) Chỉ số nhóm giao thông tăng 5,2%, tác động chính là do nhóm nhiên liệu tăng 13,3%, là do trong tháng có đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 01/3/2022, ngày 11/3/2022 và ngày 21/3/2022, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng tăng 13,4%, dầu diezel 0,05S-II tăng 18,27%. Nhóm dịch vụ giao thông công cộng giảm 6,93%, trong đó vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 6,86%, nguyên nhân là do tháng trước có thời gian tăng vé Tết, nay giá ổn định trở lại.
(3) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35% là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 1,6%, trong đó đồ trang sức tăng 7,44%, nguyên nhân là do tăng theo giá vàng.
- Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
(1) Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,41%, trong đó:
+ Nhóm lương thực: Chỉ số nhóm lương thực giảm 0,45%, riêng chỉ số nhóm gạo giảm 0,01%, trong đó gạo tẻ thường tăng 0,2%, gạo tẻ ngon giảm 0,44%, gạo nếp giảm 3,33%, Nhóm bột mì và ngũ cốc khác giảm 5,61%, trong đó khoai giảm 5,62%, sắn giảm 7,54%, ngô giảm 4,61%. Nhóm lương thực chế biến giảm 0,61%, trong đó miến giảm 3,43%; bún, bánh phở, bánh đa giảm 1,14%.
+ Nhóm thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm giảm 2,93%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 2,5%, trong đó thịt lợn giảm 1,74%; thịt bò giảm 3,18%; nội tạng động vật giảm 3,89%. Nhóm thịt gia cầm giảm 5,75%, trong đó thịt gà giảm 6,09%, thịt gia cầm khác giảm 4,29%. Nhóm thịt chế biến giảm 1,79%, trong đó thịt quay, giò, chả giảm 2,01. Nhóm trứng các loại giảm 4,77%, trong đó trứng tươi các loại giảm 4,78%. Nhóm dầu, mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,23%, trong đó mỡ động vật giảm 2,24% là do giảm theo giá thịt lợn.
(2) Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 1,01%, giảm chủ yếu là do nhóm bia các loại giảm 2,4%, trong đó bia lon giảm 2,69%; nhóm rượu các loại giảm 1,69%, trong đó rượu vang giảm 2,75%, rượu mạnh giảm 0,65%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá giảm ổn định sau thời tăng trong các tháng có Tết.
(3) Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,52%, trong đó nhóm quần áo may sẵn giảm 0,5%; nhóm giầy, dép giảm 0,3%. Nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi sau Tết.
(4) Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,35%, giảm chủ yếu là do tủ lạnh giảm 1,79%, thiết bị khác giảm 2,46%, đồ dùng nấu ăn giảm 1,38%, giường, tủ bàn, ghế giảm 0,63%, đồ dùng bằng kim loại giảm 0,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá kích cầu.
(5) Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06% là do thiết bị điện thoại giảm 0,17%, trong đó máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 3,92%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động để kích cầu.
(6) Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19% là do nhóm thiết bị văn hóa giảm 0,91%, trong đó ti vi màu giảm 0,9%, nguyên nhân chủ yếu là do giảm giá kích cầu. Nhóm hoa, cây cảnh tăng 1,5%, trong đó cây, hoa cảnh tăng 3,65% là do trong tháng có ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên nhu cầu tiêu dùng hoa tăng làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu.
Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm giáo dục và nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 3/2022 được bán với giá bình quân khoảng 6.454.000đồng/chỉ, tăng 8,42% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.069 đồng/USD tăng 0,69%.
Chỉ số giá vàng tháng Ba năm 2022 tăng 8,43% so với tháng trước; tăng 21,75% so với cùng kỳ năm trước; tăng 11,49% so với tháng 12 năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Ba năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước; giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,29% so với tháng 12 năm trước.
3.3. Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2022 tăng 2,03% so với quý trước. Chỉ số giá các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng (giảm) chủ yếu theo quy luật cung cầu tại địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên cả nước khá thuận lợi nên tình hình biến động giá trên địa bàn tỉnh có một phần ảnh hưởng bởi sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận. Mặt khác, quý I năm 2022 giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng tới tình hình diễn biến giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của một số nhóm hàng chính trong quý I năm 2022, cụ thể:
(1) Nhóm sản phẩm từ cây hàng năm: tăng 1,8% so với quý trước. Trong đó: Nhóm thóc tăng 4,03% do ảnh hưởng chung cả nước, nhóm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 5,68%; Nhóm mía tăng 1,25%; Nhóm hạt chứa dầu tăng 6,19%; Nhóm rau, đậu, hoa cây cảnh tăng 1,62%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp Tết Nguyên đán và giá xăng, dầu tăng cao làm tăng chí phí sản xuất nên giá tăng.
(2) Nhóm sản phẩm từ cây lâu năm: tăng 3,58% so với quý trước. Trong đó: Nhóm sản phẩm cây ăn quả tăng 0,48% chủ yếu do sản lượng thu hoạch tăng, nguồn cung ra thị trường lớn và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng; Nhóm hồ tiêu tăng 2,70%; Nhóm cao su tăng 3,72%; Nhóm cà phê tăng 3,83%, giá các sản phẩm cà phê, cao su biến động phần lớn do ảnh hưởng giá chung của cả nước; Nhóm cây chè tăng 1,95%.
(3) Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi: giảm 0,46% so với quý trước. Trong đó: Nhóm sản phẩm chăn nuôi trâu, bò tăng 1,97%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai tăng 2,66% so với quý trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi lợn giảm 2,77%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng 1,87%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi khác tăng 0,72%.
(4) Nhóm dịch vụ nông nghiệp: giá cả tương đối ổn định so với quý trước (giảm 0,01% so với quý trước).
(5) Nhóm lâm nghiệp: Các sản phẩm lâm nghiệp tăng nhẹ (tăng 0,16%) so với quý trước do phần lớn các sản phẩm giữ ổn định giá so với quý trước.
(6) Nhóm thủy sản: Nhóm thủy sản tăng 1,15% với quý trước, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khai thác, đánh bắt đều tăng, lượng cung ra thị trường lớn, do nhu cầu tiêu dùng mạnh vào tháng Tết trong khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt thủy hải sản của địa phương.
4. Đầu tư và xây dựng
Hoạt động đầu tư nói chung trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I 2022 ước tính tăng 30,14 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt.
4.1. Vốn đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành ước tính đạt 4.870,1 tỷ đồng, tăng 30,14% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm:
- Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.518,98 tỷ đồng, tăng 79,01% so với cùng kỳ và chiếm 31,19% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý là 463,698 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý là 1.055,281 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước là 3.337,896 tỷ đồng, tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 72,07% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp là 2.150,496 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình là 1.187,401 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 13,226 tỷ đồng, chiếm 0,27% trong tổng nguồn vốn, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư XDCB: 3.203,711 tỷ đồng, chiếm 65,78% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB: 524,351 tỷ đồng, chiếm 9,47% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ: 967,596 tỷ đồng, chiếm 17,44% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động: 133,866 tỷ đồng, chiếm 2,75% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư khác: 40,576 tỷ đồng, chiếm 0,83% trong tổng nguồn vốn.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý I năm 2022 ước đạt 482,345 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:
Vốn Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước là 362,049 tỷ đồng, tăng 48,6% so với cùng kỳ và chiếm 75,1% trong tổng số nguồn vốn. Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách tỉnh là 194 tỷ đồng, chiếm 53,59%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 156,457 tỷ đồng, chiếm 43,21%; Vốn ODA là 2,844 tỷ đồng, chiếm 0,79%; Vốn Xổ số kiến thiết là 3,083 tỷ đồng, chiếm 0,85%; Vốn khác là 5,655 tỷ đồng, chiếm 1,56% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.
Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện là 120,296 tỷ đồng, tăng 29,09% so với cùng kỳ và chiếm 24,94% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện là 120,296 tỷ đồng.
Trong quý I năm 2022 nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế… Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do Các Sở ban ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tháo gở khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó sau hơn 02 năm do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 đến nay tình hình dịch bệnh tại tỉnh Kon Tum cơ bản được kiểm soát tốt nên các nhà đầu tư tiếp tục tăng cường vốn nên tổng vốn đầu tư tăng cao.
4.2. Xây dựng
Trong quý I/2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; Tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhất là các công trình trọng điểm. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình/dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước và công trình xây dựng của các hộ dân cư.
Giá trị sản xuất quý I năm 2022 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá hiện hành ước đạt 3.755,306 tỷ đồng, tăng 23,41% so với cùng kỳ năm trước.
- Chia theo loại hình sở hữu: Doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 2.560,088 tỷ đồng, tăng 28,05% so với cùng kỳ năm trước; Các loại hình khác (Hộ dân cư và xã/phường/thị trấn) đạt 1.195,218 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Xã, phường/thị trấn đạt 17,476 tỷ đồng, tăng 10,39%; Hộ dân cư đạt 1.177,743 tỷ đồng, tăng 14,57% so với so cùng kỳ năm trước.
- Chia theo loại công trình: Công trình nhà ở: 1.153,492 tỷ đồng, chiếm 30,72% trong tổng số và tăng 17,67% so với cùng kỳ năm trước; Công trình nhà không để ở: 179,197 tỷ đồng, chiếm 4,77% trong tổng số và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm trước; Công trình kỹ thuật dân dụng: 2.372,855 tỷ đồng, chiếm 63,19% trong tổng số và tăng 26,53% so với cùng kỳ năm trước; Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 49,763 tỷ đồng, chiếm 1,33% trong tổng số và tăng 89,70% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất quý I năm 2022 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá so sánh ước đạt 2.179,434 tỷ đồng, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất quý I năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và xây dựng, sửa chữa các công trình khác. Trong quý các đơn vị hoạt động xây lắp tiếp tục triển khai thi công các công trình trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2021 có vốn đầu tư cao như:
- Công trình kỹ thuật dân dụng: Dự án Điện gió Đăk Glei (vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng), xây dựng cầu số 3 qua sông Đắk Bla, đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu quốc lộ 24 tỉnh Kon Tum, các công trình đường GTNT huyện, thành phố Kon Tum, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ Quốc lộ 14, 24, các tỉnh lộ...và các công trình thủy điện...
- Xây dựng công trình nhà không để ở: Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Kon Tum, sửa chữa nhà làm việc Công an huyện Kon Rẫy, sửa chữa các trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc trên địa bàn các huyện, thành phố...
- Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…).
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trong tháng Ba năm 2022 (tính đến ngày 20 tháng 3) có 40 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ khoảng 559,9 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 20/3/2022) có 95 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 30,65% kế hoạch và tăng 66,67% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ khoảng 1.169 tỷ đồng, đạt 21,41% kế hoạch và bằng 52,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 08 doanh nghiệp, tăng 14,28% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 77 doanh nghiệp, tăng 13,23% so với cùng kỳ.
Trong quý I, đã thu hút 05 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 482,5 tỷ đồng; trong đó, có 03 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 51,7 tỷ đồng, 02 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 430,8 tỷ đồng, ngoài ra, còn có rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh như: Sun Group, Hùng Nhơn, Công ty CP Him Lam, ....
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1. Trồng trọt
Tính đến thời điểm ngày 15/3/2022 tổng DTGT cây hàng năm vụ đông xuân 2021-2022 tỉnh Kon Tum là: 9.418 ha, tăng 2,87% (+263 ha) so với cùng kỳ vụ đông xuân năm trước. Trong đó:
DTGT cây lúa đạt 7.178 ha, tăng 0,77% (+55 ha);
DTGT cây ngô đạt 666 ha, giảm 3,76% (-26 ha);
Rau các loại đạt 1.094 ha, tăng 1,58% (+17 ha);
Đậu các loại đạt 91 ha, tăng 15,19% (+12 ha).
Đến nay cây trồng vụ đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh không đáng kể, mật độ các bệnh sinh lý tỷ lệ thấp, mức độ gây hại nhẹ không ảnh hưởng đến cây trồng.
Diện tích cây ăn quả trên địa bàn không nhiều (6.288ha), chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây lâu năm. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả với quy mô lớn. Vì vậy, diện tích được trồng với quy mô nhỏ và rải rác ở các khu vườn hộ dân, sản lượng thu hoạch chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cây trồng trọng điểm là cây cao su và cây cà phê. Hiện tại cây cà phê trong giai đoạn nở hoa, cho quả. Sản lượng cao su ước đến 31/3/2022 đạt 5.174 tấn.
1.1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng chống dịch bệnh ở động vật; tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
a) Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đến thời điểm 31/3/2022 so với cùng kỳ năm trước như sau:
- Tổng đàn trâu 24.995 con, tăng 2,52% (+615 con), nhìn chung đàn trâu tương đối ổn định về tổng đàn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 184 tấn, tăng 0,55%.
- Tổng đàn bò 84.020 con, tăng 3,21% (+2.615 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 1.232 tấn, tăng 1,48%.
- Tổng đàn lợn 147.280 con, tăng 3,43% (+4.890 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4.439 tấn, tăng 6,71% (+1.200 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng do trong kỳ trên địa bàn tỉnh dịch bệnh có xảy ra nhưng ở mức độ nhẹ hơn so với các năm trước nên người dân tập trung đầu tư tăng đàn lợn.
- Tổng đàn gia cầm 1.738.200 con, tăng 4,71% (+78.140 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm 1.458 tấn, tăng 5,42% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng cả về số lượng đầu con và sản phẩm là do trong kỳ dịch bệnh xảy ra ít, hộ chăn nuôi đã tăng đầu tư chăm sóc tốt cho đàn gia cầm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh phát triển thêm nhiều cơ sở chăn nuôi gà với quy mô lớn.
b) Tình hình dịch bệnh trong quý 1 năm 2022
Trong quý I, dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra rải rác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 16/3/2022, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh và tiêu hủy 152 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu phi tại 07 ổ dịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông và Đăk Tô. Đến nay, về cơ bản dịch đã kiểm soát và khống chế kịp thời.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò,... không phát sinh.
1.2. Lâm nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang là mùa khô, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng trong thời gian mùa khô; phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tính đến ngày 15/3/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 2,9 ha, giảm 4 vụ (-31,03 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên nên công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành.
Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/3/2022 lượng gỗ khai thác là 32.239 m3, tăng 1,3% (+413 m3); Sản lượng củi khai thác ước đạt 66.882 ster, tăng 1,59% (+1.050 ster) so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thuỷ sản
Ước tính quý I/2022, diện tích nuôi trồng thủy sản là 775,8 ha, tăng 9,11% (+64,8 ha); Sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.296 tấn, tăng 7,56% (+91 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 443 tấn, tăng 6,49% (+27 tấn), sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 853 tấn, tăng 8,13% (+64 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước, cùng với khai thác đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối tăng.
7. Sản xuất công nghiệp
Tính chung quý I năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 40,99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ (giảm 8,24%), nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất chế biến tinh bột sắn, sản xuất còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và khan hiếm nguồn nguyên liệu, sản lượng sản phẩm của 2 ngành này giảm nhiều.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2022 ước tính tăng 30,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+77,55%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 26,64%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 13,39% do sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy giảm thấp; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,61%.
Tính chung quý I năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 40,99% so cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+85,58%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,52%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,64%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm chủ yếu ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm và ngành sản xuất hóa chất (sản phẩm cồn sinh học); Từ đầu năm đến nay các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, sản xuất cồn đang gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu nên sản lượng sản phẩm sản xuất giảm.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất quý I năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 85,58%; Khai khoáng khác tăng 20,52%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,03%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,16%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 4,20%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,82%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 4,16%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,16%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất quý I năm 2022 giảm sâu hoặc tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 16,85%; Sản xuất trang phục giảm 5,51%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 12,02%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 4,07%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 22,23%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 7,31%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I năm 2022 có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Đá xây dựng khai thác 82.268,8 m3, tăng 23,67%; điện sản xuất 672,2 triệu Kwh, tăng 92,76%; ghế gỗ 45.409 chiếc, tăng 21,97%; bàn bằng gỗ các loại 19.054 chiếc, tăng 4,68%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn sản lượng 72.022,3 tấn, giảm 17,98%; lượng đường 7.188 tấn, giảm 7,65 %; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 0,248 triệu cái, giảm 8,95%; Cồn béo công nghiệp đạt 1.050 tấn, giảm 21,35%; Phân vi sinh đạt 157 tấn, giảm 15,14%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hóa trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 285 tấn, giảm 1,72%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2022 tăng 42,36% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ tháng 3 tăng cao chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm tồn trong các tháng trước; Tuy nhiên chỉ số tiêu thụ sản phẩm 3 tháng đầu năm nhìn chung tăng thấp so cùng kỳ (tăng 5,17%), chủ yếu do khối lượng sản phẩm sản xuất ra không tăng nhiều.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/3/2022 giảm 34,67% so với cùng thời điểm năm trước; qua đó đánh giá chung được tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất vẫn ổn định; đa số các ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Ba ước tính tăng 0,03% so với tháng trước và giảm 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 12,33%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 10,8%. Chia theo ngành kinh tế, trong quý I năm 2022, lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 39,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,51%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí nước tăng 13,83% so với cùng kỳ năm trước; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 15,53% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2022 cho thấy: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2022 nhìn chung khó khăn hơn so quý trước, với chỉ 15,63% đơn vị có đánh giá tốt hơn; 59,38% đánh giá giữ nguyên và 25% đơn vị đánh giá tình hình có khó khăn hơn so quý trước. Trong đó các đơn vị đánh giá khó khăn hơn chủ yếu ở một số nhóm ngành như sản xuất thực phẩm, chế biến gỗ. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn tăng lên và chiếm đến 46,88%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 37,5%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn giảm còn 15,63%, các doanh nghiệp này chủ yếu ở các ngành sản xuất thực phẩm.
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng 3 và quý I năm 2022 hoạt động ổn định; một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất chế biến tinh bột sắn, sản xuất cồn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và khan hiếm nguồn nguyên liệu, sản lượng sản phẩm của 2 ngành này giảm nhiều.
8. Thương mại, dịch vụ
8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 39,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý có tháng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ tiêu dùng tăng cao. Nhờ chủ động trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đã chủ động mở cửa, tăng số lượng quầy giao dịch và thời gian bán hàng, nhất là những ngày giáp Tết nên tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần đảm bảo thông suốt, nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 3 năm 2022 đạt 2.838,96 tỷ đồng, tăng 3,92% so với tháng trước và tăng 44,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.481,49 tỷ đồng, chiếm 87,4% trong tổng số, tăng 3,45% so với tháng trước và tăng 46,23% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 231,95 tỷ đồng, tăng 9,27% so với tháng trước và tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 125,52 tỷ đồng, tăng 3,81% so với tháng trước và tăng 16,99% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 3 năm 2022 tăng so tháng 02 năm 2022 là do: Việc lưu thông hàng hóa, du lịch giữa các địa phương trên cả nước khá thuận lợi. Một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân.
Tính chung quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 8.493,84 tỷ đồng, tăng 39,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 7.362,12 tỷ đồng, chiếm 86,68% trong tổng số, tăng 42,11% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động trong doanh thu bán lẻ hàng hoá có ngành hàng lương thực, thực phẩm, tăng 52,05%; hàng may mặc, tăng 25,77%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 20,02%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 47,76%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 54,45%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 22,14%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 20,94%; Xăng, dầu các loại tăng 98,32%; Hàng hoá khác tăng 32,31%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 698,16 tỷ đồng, chiếm 8,22% trong tổng số, tăng 35,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Dịch vụ lưu trú đạt 33,228 tỷ đồng, tăng 17,98% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 664,326 tỷ đồng, tăng 36,36% so với cùng kỳ năm trước
Doanh thu dịch vụ khác đạt 433,56 tỷ đồng, chiếm 5,1% trong tổng số, tăng 14,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính quý I năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước là do các sự kiện, cơ sở, địa điểm được hoạt động nhưng phải đảm bảo chấp hành nghiêm túc hạn chế tụ tập đông người, chặt chẽ 5K và công tác phòng chống dịch Covid-19. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Quý I năm 2022 là quý có tháng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Lễ hội nên nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân tăng cao, đồng thời các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh.
8.2. Vận tải
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải. Tình hình dịch bệnh kéo dài và lây lan nhanh, người dân lo ngại lây nhiễm dịch bệnh nên hạn chế đi lại, do đó hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh; vận tải hàng hóa hoạt động bình thường, Tính chung quý I năm 2022 Hoạt động vận tải tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng 13,28% về lượng hàng hóa vận chuyển và giảm 23,72% về lượng hành khách vận chuyển.
a) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2022:
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2022 đạt 173.764 triệu đồng, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 2,52% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 40.546 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 28,2%; Vận chuyển ước đạt 733 nghìn lượt khách, giảm 30,92%; Luân chuyển ước đạt 97.156 nghìn lượt khách.km, giảm 28,9%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 132.368 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,94%; Vận chuyển ước đạt 1.389 nghìn tấn, tăng 10,61%; Luân chuyển ước đạt 69.163 nghìn tấn.km, tăng 8,56%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 850 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,92%.
Hoạt động vận chuyển hành khách giảm so với cùng kỳ năm trước một mặt là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân giảm, mặt khác do người dân sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại nhiều hơn.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước là do tháng 3 nhiều hơn tháng trước 3 ngày, là tháng mùa khô ở Tây Nguyên và cũng là tháng 2 âm lịch nên hoạt động xây dựng nhà ở hộ dân cư đầu năm tăng mạnh do đó hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ ngành xây dựng tăng, bên cạnh đó hoạt động vận chuyển hàng hóa đường dài và vận chuyển hàng hóa phục vụ ngành nông nghiệp tăng mạnh.
b) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2022:
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính đạt 519.246 triệu đồng, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 126.631 triệu đồng, giảm 25,24%; Vận chuyển ước đạt 2.443 nghìn lượt khách, giảm 23,35%; Luân chuyển ước đạt 312.590 nghìn lượt khách.km, giảm 23,74%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 390.171 triệu đồng, tăng 17,08%; Vận chuyển ước đạt 4.221 nghìn tấn, tăng 13,28; Luân chuyển ước đạt 209.726 nghìn tấn.km, tăng 11,45%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 2.445 triệu đồng, tăng 3,87%.
9. Thông tin về tình hình kinh tế thế giới
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 03/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cuộc xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng về thời gian và mức độ bất ổn. Mức độ tác động kinh tế do cuộc xung đột gây ra rất khó định lượng, phụ thuộc một phần vào thời gian xảy ra cuộc chiến và các phản ứng chính sách, nhưng chắc chắn cuộc chiến sẽ tạo ra một lực cản lớn đối với tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Theo ước tính của OECD, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 3,5%. Kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhận định cuộc xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng làm tăng trưởng toàn cầu có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm xuống mức 3,5% trong năm 2022. Fitch Rating đã điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 3,5%. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022 trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Hoa Kỳ, Khu vực đồng Euro và Trung Quốc lần lượt là 3,5%, 3,0%, và 4,8%. Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0%, Phi-li-pin đạt 6%, Thái Lan đạt 4%, Xin-ga-po đạt 4,1%, Ma-lai-xi-a đạt 5,9% và cao nhất là Việt Nam ở mức 6,5%.
10. Các vấn đề xã hội
10.1. Tình hình đời sống dân cư
Nhìn chung, quý I năm 2022 tình hình đời sống cán bộ, công chức, viên chức ổn định. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân và người lao động hưởng lương trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chi trả đủ tiền lương năm 2021 cho người lao động và hầu hết đều thưởng Tết cho công nhân, người lao động với mức cao nhất là 20 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người.
Hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm triển khai; qua đó đã thực hiện hỗ trợ cho 880 doanh nghiệp (với 16.108 lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5.395,5 triệu đồng.
Những tác động từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và thu nhập của một bộ phận người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng theo đánh giá chung đời sống cán bộ, công chức, viên chức, công nhân người lao động hưởng lương mức độ ảnh hưởng là không lớn; tình hình lao động, việc làm tuy có ảnh hưởng nhưng tương đối ổn định; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức thấp.
Thực hiện tạo việc làm, học nghề cho 255 người; cung ứng giới thiệu 65 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho 14 lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan theo hợp đồng.
Ngay sau Tết Nguyên đán, đã tổ chức tốt Lễ “Ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022” tại 102 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã lựa chọn công trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huy động nhân lực của địa phương để đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới, với sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các Sở, ngành, trong quá trình thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định như: hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 36 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí trong đó có 35 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tình hình kinh tế - xã hội của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc và theo hướng phát triển bền vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện đáng kể. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn tuy đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể.
Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh trên cây trồng ít xuất hiện, các loại cây trồng vụ Đông xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện một số điểm thiếu nước cục bộ do thời tiết khô hạn; Tình hình dịch tả lợn Châu phi tuy có giảm về quy mô (số lượng lợn mắc bệnh và chết, số địa phương có dịch) nhưng nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu phi cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi trong thời gian đến là rất cao.
10.2. An sinh xã hội
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đã triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách, dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện đầy đủ chính sách cứu trợ xã hội cho các đối tượng đủ điều kiện, bảo đảm an sinh xã hội, không có người dân nào bị đói, rét. Triển khai lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án của Đề án giảm nghèo tỉnh Kon Tum.
Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; đặc biệt là công tác chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho Nhân dân theo chủ trương “mọi người, mọi nhà đều được vui tết, đón xuân, bảo đảm an sinh xã hội”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng yếu thế… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, bảo đảm an sinh xã hội.
10.3. Tình hình y tế (tháng 02/2022)
a) Tình hình dịch bệnh
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): chưa ghi nhận ca tử vong, tính đến ngày 23/3/2022 toàn tỉnh có 21.587 ca nhiễm vi rút Corona.
Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 01 ca mắc mới (Đăk Hà), giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 01 ca so với tháng 02/2021. Lũy tích đến 28/02/2022, không có tử vong, ghi nhận 03 ca mắc tại huyện Đăk Hà, giảm 01 ca so với cùng kỳ năm trước.
Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 27 ca mắc mới (Ngọc Hồi 07, Đăk Glei 01, Kon Rẫy 03, Kon Plông 12, Sa Thầy 04), tăng 10 ca so với tháng trước và tăng 01 ca so với tháng 02/2021. Lũy tích đến 28/02/2022, không có tử vong, ghi nhận 44 ca, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm trước.
Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Tu Mơ Rông), giảm 01 ca so với tháng trước và bằng so với tháng 02/2021. Lũy tích đến 28/02/2022, không có tử vong, ghi nhận 05 ca mắc, tăng 03 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 05 ổ dịch mới (Đăk Hà 04, Đăk Glei 01), 06 ca mắc mới (Đăk Hà 05, Đăk Glei 01), giảm 01 ca so với tháng trước và tăng 04 ca so với tháng 02/2021. Lũy tích đến 28/02/2022, không có tử vong, ghi nhận 13 ca mắc mới, tăng 03 ca so với cùng kỳ năm trước.
Trong 02 tháng năm 2022, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), cúm A(H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm gan vi rút A, bạch hầu, dại, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, sốt rét.
Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 44 người, trong đó lao phổi AFB (+) 39. Không ghi nhận bệnh nhân phong mới, tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 163 người (điều trị đa hóa trị liệu 02, giám sát 16, chăm sóc tàn tật 145 người).
b) Tiêm chủng mở rộng: Tiếp tục triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Tính đến ngày 09/3/2022, tỷ lệ đối tượng ≥ 18 tuổi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,21%, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 97,94%; đối tượng 12 tuổi - 17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,52%, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản 95,64%; tỷ lệ tiêm vắc xin trên tổng dân số 67,08%.
c) Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, ghi nhận 01 ca nhiễm HIV mới (nơi khác chuyển đến), 01 bệnh nhân tử vong. Lũy tích đến ngày 28/02/2022, tổng số nhiễm HIV/AIDS 546 người, trong đó tử vong 198 người và còn sống 348 người (quản lý được 190). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 150 người (10 trẻ em), đang điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 07 người.
d) An toàn vệ sinh thực phẩm: Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh báo cáo kết quả kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022; kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022. Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tiếp Đoàn cán bộ cao cấp tỉnh At-ta-pư, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm lồng ghép truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 mùa Lễ hội Xuân năm 2022.
Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 66 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (62/66 cơ sở đạt yêu cầu).
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 10 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
10.4. Về giáo dục
Hiện nay, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, phòng GDĐT các huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường có cấp THCS thuộc quyền quản lý xây dựng và triển khai các phương án dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, điều kiện thực tiễn của nhà trường, địa phương (dạy học trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến, tự học có hướng dẫn). Nhìn chung việc dạy học theo các phương án đã cơ bản thích ứng và dần đi vào ổn định.
10.5. Về văn hóa, thể dục thể thao
Trong 02 ngày 17-18/2, gần 100 doanh nghiệp trong nước tham gia Chương trình Famtrip Caravan “Bình Định - Tây Nguyên huyền thoại năm 2022” do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VND Travel tổ chức đã tham quan, trải nghiệm, khảo sát các điểm du lịch tại huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch các địa phương như Hà Nội, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Chương trình là một trong những hoạt động nhằm khởi động, phục hồi của ngành du lịch; hứa hẹn nhiều tín hiệu vui mừng cho ngành du lịch các tỉnh trong khu vực được khôi phục, phát triển mạnh trong năm 2022. Qua đó, hình thành các sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương; góp phần thực hiện tốt chương trình phát động phục hồi du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
10.6. Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương
Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động của tội phạm theo băng, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được đấu tranh, triệt xóa, không có băng, nhóm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, cụ thể:
Phạm tội về trật tự xã hội: Trong tháng, phát hiện 44 vụ (tăng 8 vụ so tháng trước), hậu quả, thiệt hại: 02 người chết, 08 người bị thương, mất một số tài sản khoảng 160 triệu đồng, thu giữ hơn 60 triệu đồng tiền mặt.
Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: phát hiện 01 vụ Vận chuyển hàng cấm (giảm 02 vụ so tháng trước).
Phạm tội về ma túy: phát hiện 09 vụ (giảm 06 vụ so tháng trước), gồm: Tàng trữ trái phép chất ma túy 06 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 02 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ . Thu giữ 837,177 Methamphetamine; 23 gói chất màu trắng (Các đối tượng khai nhận là ma túy).
Tình hình trật tự, an toàn giao thông: xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm 09 người chết, 08 người bị thương (tăng 06 vụ, 06 người chết, 07 người bị thương so tháng trước). Thiệt hại về tài sản: 03 ô tô, 11 mô tô ước tính khoảng 1422 triệu đồng.
Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn: xảy ra 03 vụ cháy (tăng 02 vụ so tháng trước), nguyên nhân 01 vụ do sự cố hệ thống điện, 01 vụ do bất cẩn, 01 vụ do cháy lan. Thiệt hại: về tài sản trị giá khoảng 499 triệu đồng.
10.7. Tình hình môi trường
Trong tháng phát hiện 02 vụ (tăng 02 vụ so tháng trước) vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Các lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum