Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022

1. Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 (Báo cáo số 331/BC-TCTK ngày 29/12/2022 của Tổng cục Thống kê)

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

- Sản xuất công nghiệp: sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt  208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Tính chung trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

- Hoạt động dịch vụ: Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2022 tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 tăng 41,2%; quý II tăng 20,1%). Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước.

- Vận tải hành khách và viễn thông: Hoạt động vận tải trong tháng 12/2022 tiếp tục tăng trưởng tốt cả về vận tải hành khách và hàng hóa khi nhu cầu trong tháng cuối năm tăng cao. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 2,1 lần và luân chuyển hành khách gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 19,1% về vận chuyển và tăng 6,6% về luân chuyển.

Quý IV/2022, vận tải hành khách gấp 2,3 lần về vận chuyển và gấp 3 lần về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá tăng lần lượt là 26,6% và 23,8%. Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4% so với năm trước.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2022 đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: Năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

- Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Ước tính năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 14,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.873,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% và tăng 8,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 521,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,2% và tăng 13,9%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam: Tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 2.036 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm trước về số dự án và giảm 18,4% về số vốn đăng ký.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.107 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm trước.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.566 lượt với tổng giá trị góp vốn 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD).

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước tăng 13,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,1% so với năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng); Tổng chi ngân sách Nhà lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm.

- Xuất, nhập khẩu: Trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

2. Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 (Báo cáo số 218/BC-TCTK ngày 29/9/2022 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021  là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

- Sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2022 đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với 9 tháng năm 2021.

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758,1 nghìn lao động, tăng 31,9% về số doanh nghiệp, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 9/2022 phục hồi và phát triển tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5% và quý II tăng 20,1% và quý III tăng 41,7%.

- Vận tải hành khách và hàng hóa: Hoạt động vận tải trong tháng 9 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 52,6% về vận chuyển và tăng 60,4% về luân chuyển.

Quý III/2022, vận tải hành khách gấp 3,9 lần về vận chuyển và gấp 5,3 lần về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá tăng lần lượt là 65,5% và 63,7%. Tính chung 9 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 40,7% và luân chuyển tăng 59,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 24,4% và luân chuyển tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán: Tăng trưởng tín dụng đạt khá, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 16/9/2022 giảm 17,1% so với cuối năm 2021.

- Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2018 đến nay.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 55,7% và giảm 5,7%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 1.355 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 43% về số vốn đăng ký.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 769 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 8,35 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.697 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,28 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 347,4 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 87,9%.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13% . Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

+ Xuất khẩu hàng hóa: Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

+ Nhập khẩu hàng hóa: Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

- Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 174,6% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 34,2% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,4% so với quý trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó dịch vụ du lịch đạt 1,9 USD (chiếm 24,1% tổng kim ngạch), tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 45,8%), tăng 164,1%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

- Chỉ số giá sản xuất: Trong 9 tháng năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các yếu tố rủi ro, bất định gia tăng cùng với chính sách thay đổi nhanh chóng của các nền kinh tế lớn. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng tiếp tục bị đứt gãy, nguy cơ mất an ninh năng lượng làm lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia. Trong nước, kinh tế phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý III và 9 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

- Lao động và việc làm: Tình hình lao động, việc làm quý III/2022 tiếp tục đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

3. Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 (Báo cáo số 138/BC-TCTK ngày 29/6/2022 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:  Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; hoạt động khai thác và tiêu thụ gỗ có nhiều khởi sắc; nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng. Tuy nhiên sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Sản lượng lúa đông xuân giảm do chuyển đổi diện tích đất trồng lúa và thời tiết không thuận lợi.

- Sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III năm 2022 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II năm 2022. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu đầu vào liên tiếp tăng cao gây áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Trong quý II/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%).

- Vận tải hành khách và hàng hóa: Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 15,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,6%, luân chuyển hàng hóa tăng 16%.

- Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán: Thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ biến động của chứng khoán toàn cầu, trong đó mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 15/6/2022 giảm 18,4% so với cuối năm 2021.

- Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2022 theo giá hiện hành ước đạt 738,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 752 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, giảm 6,5% về số dự án và giảm 48,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 487 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.707 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,27 tỷ USD, tăng 41,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 786 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,1 tỷ USD và 921 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5% . Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

+ Xuất khẩu hàng hóa: Trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

+ Nhập khẩu hàng hóa: Trong quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.

- Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 116,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 67,9% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,3% so với quý trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD (chiếm 15,1% tổng kim ngạch), tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD (chiếm 46,4%), tăng 154,5%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

- Lao động và việc làm: Tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

4. Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 (Báo cáo số 52/BC-TCTK ngày 29/3/2022 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông nghiệp quý I/2022 tuy diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, chế biến và xuất khẩu gỗ những tháng đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản khôi phục mạnh mẽ, giá cá tra tăng cao về mức kỷ lục năm 2018 sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp, giá tôm cũng có xu hướng tăng. Sản lượng khai thác thủy sản giảm do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ.

- Sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.

- Hoạt động của doanh nghiệp: Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 2%).

- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán: Quý I/2022, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

- Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã được cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 341 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 819,7 triệu USD và 393 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 811,4 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

- Thu, chi ngân sách Nhà nước: Thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/3/2022 đạt 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

+ Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2022 ước đạt 23,42 tỷ USD, cao hơn 470 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2022 ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

+ Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2022 đạt 25,38 tỷ USD, cao hơn 101 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,34 tỷ USD, tăng 17,1%. Trong quý I/2022 có 16 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

- Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 77 triệu USD (chiếm 7,3% tổng kim ngạch), tăng 75%; dịch vụ vận tải đạt 140 triệu USD (chiếm 13,4%), tăng 97,2%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I/2022 ước đạt 5,18 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,6 tỷ USD (chiếm 49,4% tổng kim ngạch), tăng 11,3%; dịch vụ du lịch đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 20,3%), tăng 16,7%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản quý I/2022 bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

- Lao động và việc làm: Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư