Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang

1. Nội dung kiến nghị (số 06 tại văn bản số 19/BDN): Theo quy định của pháp luật hiện hành các dự án có giá trị trên 01 tỷ đồng phải thực hiện tổ chức đấu thầu, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các công trình nhỏ… kiến nghị nâng mức đấu thầu các công trình trên 03 tỷ đồng để địa phương chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhỏ phục vụ dân sinh.

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, hạn mức chỉ định thầu là 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, 01 tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp, hàng hóa. Việc giảm hạn mức chỉ định thầu như quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là phù hợp, cần thiết vì các lý do sau:

(i) Việc giảm hạn mức chỉ định thầu là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

(ii) Chỉ định thầu dễ kéo theo tình trạng “xin - cho” làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng nguồn vốn nhà nước, tạo tâm lý cho một bộ phận nhà thầu ỷ lại vào quan hệ với chủ đầu tư, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, làm méo mó thị trường, không tạo cơ hội tham gia cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi thực hiện Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, giá trị các gói thầu chỉ định thầu thể hiện trong báo cáo công tác đấu thầu hàng năm đã giảm rõ rệt, đến thời điểm hiện tại giảm khoảng hơn 60%.

(iii) Các Mẫu hồ sơ đấu thầu, Mẫu hồ sơ đấu thầu qua mạng đã được xây dựng khá đầy đủ, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia luôn sẵn sàng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi tổ chức đấu thầu, tham gia đấu thầu qua mạng. Đối với các gói thầu nhỏ, thay vì chỉ định thầu thì nên tiến hành đấu thầu qua mạng để vừa tiết kiệm thời gian, giấy tờ, vừa công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. 

Đối với gói thầu dưới 03 tỷ áp dụng chào hàng cạnh tranh qua mạng, thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất là 05 ngày làm việc. Như vậy, trong khoảng 1 tuần là có kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc áp dụng chỉ định thầu không tiết kiệm được nhiều thời gian trong lựa chọn nhà thầu mà còn dễ kéo theo tình trạng “xin - cho” làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng nguồn vốn nhà nước, làm méo mó thị trường, không tạo cơ hội tham gia cạnh tranh của các doanh nghiệp như đã nêu trên.

2. Nội dung kiến nghị (số 07 tại văn bản số 19/BDN): An Giang là tỉnh biên giới đầu nguồn, hằng năm thường xuyên bị lũ lụt; xa cảng biển từ đó chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao nên khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó Nhân dân, chính quyền tỉnh An Giang phải thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao như bảo vệ biên giới, giữ vững biên cương, duy trì diện tích lớn lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nguồn lực đầu tư không tương xứng, đề nghị có quan tâm hỗ trợ tăng chính sách đầu tư cho An Giang, thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Trả lời:

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm đầu tư đối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh An Giang.

Ngân sách trung ương (nguồn vốn trong nước) đã dành nguồn lực riêng để hỗ trợ đầu tư cho các dự án quan trọng, liên kết vùng quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có cơ chế tính điểm một số tiêu chí về vùng cao hơn các địa phương khác quy định tại Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể tỉnh An Giang đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 số vốn là 7.174,05 tỷ đồng (cao thứ 6 vùng Đồng bằng sông Cửu Long), nếu tính chung cả nguồn vốn ngân sách địa phương thì số vốn đầu tư trung hạn của Tỉnh là 23.552,65 tỷ đồng (cao thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Đối với các nguồn vốn ngoài ngân sách như FDI, khối tư nhân Chính phủ cũng đã có các cơ chế để huy động, thu hút như tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như năng lượng sạch, điện gió, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao,..  

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế chính sách, phối hợp cùng với các địa phương trong đó có tỉnh An Giang để đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho tỉnh An Giang ngày càng phát triển bền vững. 

 3. Nội dung kiến nghị (số 08 tại văn bản số 19/BDN): An Phú là huyện đầu nguồn biên giới tỉnh An Giang, có tuyến đường bộ nối liền từ cửa khẩu Khánh Bình đến Phnôm Pênh khoảng 70 km (theo Quốc lộ 21), đây là tuyến đường gần nhất đến Thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) so với các tỉnh khác. Rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế Biên mậu, thúc đẩy giao thương hàng hóa của vùng Nam bộ với nước bạn. Đề nghị sớm nâng cấp Cửa khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu Quốc tế, song song đó có kế hoạch đầu tư cho phát triển kinh tế biên giới, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ các chính sách đầu tư cho cửa khẩu.

Trả lời:

-   Về việc nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế

Tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền quy định nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới “phải nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc". Tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang không nằm trong Quy hoạch mở và nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Vì vậy chưa đủ điều kiện để xem xét mở và nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình, tỉnh An Giang thành cửa khẩu quốc tế.

 Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020 của Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao lập Hợp phần "Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Để đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý về việc mở và nâng cấp của khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ lập Hợp phần nêu trên, tổ chức thẩm định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Trên cơ sở đó, thực hiện việc mở và nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

- Về phát triển kinh tế biên giới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân, trong đó phạm vi của Nghị quyết có tỉnh An Giang với mục tiêu là phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới trên nhiều lĩnh vực gồm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể, mang tính hiện đại tại các khu vực biên giới, nhất là hệ thống giao thông.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu được quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

- Về các chính sách đầu tư cho kinh tế cửa khẩu 

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1804/TTg-CN ngày 18/12/2020 về việc lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu An Giang. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cân đối nguồn lực, kết hợp từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác nhau để đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu biên giới, trong đó vốn ngân sách trung ương có vai trò vốn mồi trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các quy định hiện hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư