Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2022 tỉnh Bình Phước

Trên cơ sở kết quả thực hiện 11 tháng, ước tính tháng 12 năm 2022, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Tính chung cả năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) đạt 49.638,96 tỷ đồng, tăng 8,42% so với năm 2021 trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.793,82 tỷ đồng, tăng 3,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16.109,98 tỷ đồng, tăng 14,46%; khu vực dịch vụ 16.740,26 tỷ đồng, tăng 8,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 1.994,90 tỷ đồng, tăng 1,67%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 14.793,82 tỷ đồng, tăng 3,19%, đóng góp 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, thấp hơn 3,40% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 tăng 6,6%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 16.109,98 tỷ đồng, tăng 14,46%, đóng góp 4,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, giảm 0,40% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 tăng 14,9%).

Khu vực dịch vụ (theo giá so sánh 2010) đạt 16.740,26 tỷ đồng, tiếp tục đà khởi sắc mạnh mẽ với tăng trưởng 8,62%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 tăng 2,5%).

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá so sánh 2010) đạt 1.994,9 tỷ đồng, tăng 1,67% so với năm 2021, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, chiếm 4,02% trong GRDP, thấp hơn 0,40% so với cùng kỳ (năm 2021 tăng 2,1%).

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 21,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,19%; khu vực dịch vụ chiếm 31,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,92% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là: 24,13%; 39,77%; 31,94%; 4,16%).

GRDP bình quân đầu người năm 2022 là 84,0 triệu đồng, tăng 13,0% so với năm 2021.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây hàng năm: Sơ bộ năm 2022 toàn tỉnh gieo trồng được 25.991 ha, giảm 1,86% (-493 ha) so với chính thức cả năm 2021. Trong đó:

Diện tích gieo trồng lúa ước tính đạt 10.493 ha, giảm 0,56% (-60 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó lúa Đông Xuân đạt 2.816 ha, tăng 0,64% (+18 ha); lúa Mùa đạt 7.677 ha, giảm 1% (-77 ha). Năng suất lúa cả năm ước đạt 36,97 tạ/ha, tăng 1,63% (+0,59 tạ/ha) so với năm 2021. Sản lượng lúa cả năm 2022 ước đạt 38.795 tấn, tăng 1,06% so với năm 2021.

Cây ngô gieo trồng ước đạt 2.679 ha, giảm 9,35% (-276 ha); năng suất ngô ước đạt 39,72 tạ/ha (+0,24 tạ/ha); sản lượng ngô ước đạt 10.640 tấn (-1.027 tấn). Nhóm cây có củ chất bột gieo trồng được 5.446 ha, giảm 11,99% (-742 ha) trong đó: Khoai lang gieo trồng được 468 ha, giảm 19,93% (-116 ha); năng suất khoai lang ước đạt 46,81 tạ/ha, giảm 7,64% (-3,87 tạ/ha); sản lượng khoai lang ước đạt 2.189 tấn, giảm 26,05% (-771 tấn). Cây khoai mỳ gieo trồng được 4.851 ha, giảm 11,28% (-617 ha).

Nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng ước đạt 203 ha, tăng 16,20% (+28 ha), trong đó: Đậu nành gieo trồng ước đạt 12 ha, tăng gấp 3,41 lần (+9 ha); năng suất ước đạt 9,30 tạ/ha, tăng 4,08% (+0,36 tạ/ha); sản lượng ước đạt 11 tấn, tăng 3,55 lần (+8 tấn). Đậu phộng gieo trồng ước đạt 121 ha, diện tích tương đương cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 9,55 tạ/ha, tăng 0,12% (+0,01 tạ/ha); sản lượng ước đạt 116 tấn, tăng 0,66% (+1 tấn).

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 49.435 tấn, giảm 1,24% (-620 tấn) so với cùng kỳ năm 2021.

Cây lâu năm: Sơ bộ năm 2022 toàn tỉnh hiện có 442.052 ha, tăng 0,66% (+2.905 ha) so với chính thức diện tích năm 2021. Trong đó:

- Cây ăn quả các loại hiện có 13.901 ha, tăng 9,44% (+1.199 ha), chiếm 3,14% trong tổng diện tích cây lâu năm, trong đó: diện tích cây cam hiện có 454 ha, giảm 5,58% so cùng kỳ, diện tích cho sản phẩm 317 ha, tăng 15,99% (+55 ha); năng suất ước đạt 99,73 tạ/ha (4,86 tạ/ha); sản lượng ước đạt 4.032 tấn, tăng 10,36% (+378 tấn). Cây xoài diện tích hiện có 405 ha, giảm 0,42% (-2 ha); diện tích cho sản phẩm 317 ha, giảm 6,04% (-5 ha); năng suất ước đạt 75,93 tạ/ha (+2,36 tạ/ha); sản lượng ước đạt 2.410 tấn (-75 tấn). Cây quýt diện tích hiện có 631 ha, giảm 24,16% (-201 ha); diện tích cho sản phẩm 564 ha, giảm 20,46% (-145 ha); năng suất ước đạt 83,26 tạ/ha, tăng 11,04% (+8,28 tạ/ha); sản lượng ước đạt 4.693 tấn, giảm 11,68% (-620 tấn). Cây sầu riêng hiện có 4.802 ha (+1.364 ha); diện tích cho sản phẩm 2.289 ha (+611 ha); năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha (+2,20 tạ/ha); sản lượng ước đạt 21.804 tấn (+6.189 tấn).

- Các loại cây công nghiệp lâu năm có diện tích lớn và cũng là các loại cây chủ lực của tỉnh như cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê tổng diện tích của 4 loại cây này hiện có 427.769 ha, tăng 0,41% (+1.728 ha) so với chính thức năm 2021: Cây điều hiện có 151.891 ha (+711 ha); diện tích cho sản phẩm 148.326 ha (+597 ha); năng suất ước đạt 11,49 tạ/ha (-4,46 tạ/ha); sản lượng ước đạt 170.376 tấn (-65.233 tấn). Cây hồ tiêu hiện có 13.857 ha (-1.144 ha); diện tích cho sản phẩm 13.165 ha (-1.040 ha); năng suất ước đạt 20,12 tạ/ha (+0,57 tạ/ha); sản lượng ước đạt 26.492 tấn (-1.284 tấn). Cây cao su hiện có 248.033 ha (+2.764 ha); diện tích cho sản phẩm 215.923 ha (+3.217 ha); năng suất ước đạt 18,85 tạ/ha (+0,27 tạ/ha); sản lượng ước đạt 406.970 tấn (+11.844 tấn). Cây cà phê hiện có 13.988 ha (-604 ha); diện tích cho sản phẩm 12.818 ha (-78 ha); năng suất ước đạt 22,72 tạ/ha (+1,13 tạ/ha); sản lượng ước đạt 29.127 tấn (+1.285 tấn).

Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.

b. Chăn nuôi

Số lượng gia súc, gia cầm ước đến ngày 15 tháng 12 năm 2022. Ước tính tổng đàn trâu hiện có 12.725 con, tăng 0,99% (+125 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 388 con, tăng 12,46% (+34 con), lũy kế số con xuất chuồng ước đạt 4.650 con, tăng 9,49% (+403 con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 98 tấn, tăng 12,21% (+9 tấn), lũy kế sản lượng ước đạt 1.172 tấn, tăng 9,12% (+102 tấn).

Đàn bò hiện có 39.174 con, tăng 0,19% (+74 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 1.384 con, tăng 0,29% (+5 con), lũy kế số con xuất chuồng ước đạt 16.498 con, tăng 0,33% (+55 con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 241 tấn, giảm 0,14% (+1 tấn), lũy kế sản lượng ước đạt 2.871 tấn, tăng 0,35% (+10 tấn).

Đàn lợn hiện có 1.711.591 con, tăng 47,24% (+544.382 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 206.901 con, tăng 92,26% (+70.880 con), lũy kế số con xuất chuồng ước đạt 2.169.989 con, tăng 64,47% (+850.571 con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 19.952 tấn, tăng 92,14%, lũy kế sản lượng ước đạt 209.257 tấn, tăng 61,83%.

Đàn gia cầm hiện có 13.889 ngàn con, tăng 83,52% (+6.321 ngàn con) so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 7.608 tấn, tăng 3,2 lần (+5.231 tấn), lũy kế sản lượng ước đạt 76.548 tấn, tăng 3,2 lần (+52.629 tấn); sản lượng trứng thu trong tháng ước đạt 23.909 ngàn quả, tăng 44,84% (+7.402 ngàn quả), lũy kế sản lượng trứng ước đạt 270.174 ngàn quả, tăng 48,28% (+87.969 ngàn quả).

Về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh các loại dịch bệnh như bệnh LMLM, Tai xanh, Cúm gia cầm, Newcastle, bệnh Dại… không xảy ra. Tuy nhiên, một số ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra rải rác hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ đầu năm đến nay dịch đã xảy ra tại các huyện, thị xã, thành phố có 52 xã/243 hộ/3.295 con bệnh, chết, tiêu hủy, ước thiệt hại 1.109 triệu đồng.

2.2. Lâm nghiệp

Tỉnh Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp, chia ra: Đất rừng sản xuất có 96.447 ha, chiếm 56,45% trên tổng diện tích đất lâm nghiệp, tương ứng; đất rừng phòng hộ có 43.285 ha, chiếm 25,33% và rừng đặc dụng có 31.123 ha, chiếm 18,22%; Diện tích đất có rừng là 156.662,6 ha (rừng tự nhiên: 55.846,5 ha; rừng trồng thành rừng: 100.816,1 ha); Độ che phủ của rừng (rừng trồng, rừng tự nhiên): 22,79%; Độ che phủ của cây lâu năm: 52,68% (cao su: 32,79%; Điều: 19,89%).

Trồng rừng: Các đơn vị được giao trồng rừng năm 2022 đã thực hiện được 340 ha rừng trồng tập trung, giảm 6,08% (-22 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Giao khoán bảo vệ 32.737,58 ha rừng (không bao gồm diện tích rừng tự quản lý bảo vệ), trong đó: rừng đặc dụng là 19.575,16 ha; rừng phòng hộ 11.569,31 ha; rừng sản xuất (rừng tự nhiên) 1.593,11 ha.

Khai thác gỗ và lâm sản. Trong tháng 12 toàn tỉnh ước tính khai thác được 1.878 m3 gỗ, tăng 99,15% (+935 m3) so với cùng kỳ, lũy kế sản lượng gỗ khai thác ước đạt 22.543 m3, tăng 81,49% (+10.122 m3); lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 223 Ste, tăng 53,79% (+78 Ste), lũy kế lượng củi ước đạt 2.674 Ste, tăng 83,03% (+1.213 Ste).

2.3. Thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.300 ha, tháng 12 toàn tỉnh ước thu hoạch được 290 tấn, giảm 7,64% (-24 tấn) so với cùng kỳ, lũy kế sản lượng thủy sản thu được ước đạt 3.224 tấn, giảm 1,32% (-53 tấn), trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng thu được 41 tấn, tăng 34,78% (+11 tấn); lũy kế sản lượng ước đạt 335 tấn (-20 tấn). Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 249 tấn, giảm 12,24% (-35 tấn); lũy kế sản lượng ước đạt 2.889 tấn, giảm 1,16% (-34 tấn).

2.4. Kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; kinh tế trang trại

Năm 2022 toàn tỉnh hiện có 192 Hợp tác xã và 01 liên hiệp HTX nông, lâm nghiệp đang còn hoạt động trên địa bàn (có 13 HTX được thành lập mới). Có 86 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 496 trang trại (trong đó: có 302 trang trại trồng trọt và 193 trang trại chăn nuôi).

 2.5. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

Kết quả xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước: Số huyện, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới có 03 huyện (TP. Đồng Xoài; thị xã Phước Long; thị xã Bình Long); Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 70 xã; Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 8 xã.

Chỉ tiêu năm 2022 có thêm 7 xã về đích nông thôn mới và 9 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Các xã đang hoàn tất hồ sơ để thẩm định.

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2022 ước đạt 105,16% so với tháng trước và 115,83% so với cùng kỳ năm 2021, tức là tăng 5,16% so với tháng trước và tăng 15,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,66% so với tháng trước, giảm 9,38% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 5,39%, tăng 15,38%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,59%, tăng 39,47%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,77%, tăng 11,19%.

Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 20,05% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao 21,17%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,15%; ngành khai khoáng giảm 8,69%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,86%.

Trong năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với năm trước: Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 29 lần; Cốc hợp chất từ cao su tổng hợp và cao su tự nhiên và cốc loại nhựa tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc tấm lỡ hoặc dài tăng 8,48 lần; Thức ăn cho gia cầm tăng 106,29%; Dịch vụ sản xuất giày, dép tăng 64,85%. Một số sản phẩm giảm: Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) giảm 75,90%; Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo giảm 41,02%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 33,04%; Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại giảm 32,52%; Thiết bị tín hiệu âm thanh khác giảm 18,96%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 giảm 44,37% so với năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 201,69%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,91%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,65%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,15%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 4,37% so năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,58%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 48,72% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 29,26%.

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp thành lập mới trong năm ước đạt 1.150 doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm 2021 số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tăng 7,9% so với năm 2021, đạt 104,5% kế hoạch năm.

5. Hoạt động dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2022 ước tính đạt  6.064,04 tỷ đồng, tăng 2,31% so với tháng trước và tăng 44,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.985,76 tỷ đồng, tăng 2,11%, tăng 40,01%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 582,33 tỷ đồng, tăng 1,80%, tăng 39,21%; doanh thu dịch vụ khác đạt 494,66 tỷ đồng, tăng 4,92% và tăng 141,72%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,28 tỷ đồng, tăng 1,97% so với tháng trước.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện được 65.067,13 tỷ đồng, tăng 35,76% so cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 54.078,41 tỷ đồng, tăng 31,97% (trong đó: lương thực, thực phẩm tăng 31,43%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 6.302,16 tỷ đồng, tăng 43,12%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 9,99 tỷ đồng, tăng 547,33%; doanh thu dịch vụ khác đạt 4.676,58 tỷ đồng, tăng 83,85%.

5.2. Kim ngạch xuất, nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu: Thực hiện năm 2022 ước đạt 3.850 triệu USD, tăng 10% so với năm trước, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Kim ngạch nhập khẩu: Thực hiện năm 2022 ước đạt 2.150 triệu USD, giảm 1,83% so với năm trước, đạt 88,44% so kế hoạch đề ra.

5.3. Giao thông vận tải - Bưu chính viễn thông

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 12/2022 ước đạt 208,59 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước, tăng 132,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 125,49 tỷ đồng, tăng 1,20% so với tháng trước, tăng 407,72% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 80,30 tỷ đồng, tăng 1,45%, tăng 26,44%.

Tính chung trong năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.103,77 tỷ đồng, tăng 67,13% so với năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 1.178,48 tỷ đồng, tăng 81,91%; vận tải hàng hóa đạt 894,33 tỷ đồng, tăng 31,31%.

Vận tải hành khách tháng 12/2022 ước đạt 1.359,01 ngàn HK và 170,85 triệu HK.km, so với tháng trước tăng 1,21% về vận chuyển, tăng 1,10% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 407,75% về vận chuyển, tăng 407,33% về luân chuyển.

Tính chung năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 12.775,20 ngàn HK và 1.606,77 triệu HK.km, so với năm trước tăng 79,46% về vận chuyển, tăng 79,09% về luân chuyển.

Vận tải hàng hoá tháng 12/2022 ước đạt 341,80 ngàn tấn và 23,32 triệu T.km, so với tháng trước tăng 1,15% về vận chuyển, tăng 1,12% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 24,06% về vận chuyển, tăng 24,61% về luân chuyển.

Tính chung trong năm 2022, vận tải hàng hóa ước đạt 3.856,85 ngàn tấn và 262,34 triệu T.km, so với năm trước tăng 29,14% về vận chuyển, tăng 28,90% về luân chuyển.

Viễn thông và Internet: Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có 1.145.201 số thuê bao điện thoại, trong đó: điện thoại cố định 9.501 thuê bao; điện thoại di động 1.135.700 thuê bao; internet 951.201 thuê bao. Doanh thu ước đạt 1.708 tỷ đồng.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

1.1. Ngân hàng

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 12/2022 ước đạt 53.650 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2021, trong đó: tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,69%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,31%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 58,15%, tiền gửi thanh toán chiếm 40,09%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,76%.

Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 12/2022 ước đạt 106.550 tỷ đồng, tăng 17,60% so với cuối năm 2021, trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm 74,59%; trung, dài hạn chiếm 25,41%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 92,59%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 7,41%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,35% trên tổng dư nợ.

1.2. Bảo hiểm

Số người tham gia bảo hiểm xã hội ước tính đến ngày 31/12/2022 là 944.000 người, đạt 100,8% kế hoạch, cụ thể: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 144.000 người, đạt 100,8% kế hoạch được giao; Bảo hiểm xã hội tự nguyện 15.000 người, đạt 70,1% kế hoạch; Bảo hiểm thất nghiệp là 135.900 người, đạt 101,5% kế hoạch được giao; Bảo hiểm y tế là 929.000 người, đạt 101,5% kế hoạch.

Tổng số thu ước tính đến ngày 31/12/2022 là 3.527,49 tỷ đồng, đạt 100,1% so với kế hoạch, trong đó: Bảo hiểm xã hội bắt buộc: 2.309,88 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện: 70,80 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; bảo hiểm y tế: 997,27 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp: 149,52 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Tổng số chi ước tính đến ngày 31/12/2022: 1.887,95 tỷ đồng, bao gồm: Chi bảo hiểm xã hội: 1.659,26 tỷ đồng; Chi bảo hiểm thất nghiệp 228,68 tỷ đồng. Ước đến ngày 31/12/2022, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền là 546,17 tỷ đồng/1.499.865 lượt khám chữa bệnh, chiếm 93% so với dự toán được giao năm 2022.

2. Đầu tư và xây dựng

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý IV/2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 11.145,07 tỷ đồng, tăng 17,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn khu vực Nhà nước tăng 53,32%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 11,52%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,39% so cùng kỳ.

Tính chung năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 31.433,33 tỷ đồng, tăng 17,79% so với cùng kỳ năm trước và bằng 36,17% GRDP, trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt 6.912,52 tỷ đồng, chiếm 21,99%, tăng 28,86% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 17.521,50 tỷ đồng, chiếm 55,74%, tăng 16,71%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6.999,31 tỷ đồng, chiếm 22,27%, tăng 15,55%.

Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 12/2022 ước thực hiện 1.154,48 tỷ đồng, tăng 106,69% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 572,43 tỷ đồng, tăng 180,80%, chiếm 49,58%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 582,05 tỷ đồng, tăng 64,10%, chiếm 50,42%.

Tính chung năm 2022, tổng vốn đầu tư thì vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 6.604,36 tỷ đồng, bằng 88,28% kế hoạch năm, tăng 40,44% so với năm trước, gồm có: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 4.483,57 tỷ đồng, bằng 97,71% kế hoạch năm, tăng 40,23%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 2.120,79 tỷ đồng, bằng 73,31% và tăng 40,88%.

Về thu hút FDI: Tính từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2022 toàn tỉnh đã thu hút được 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký là 114,41 triệu USD. Trong các quốc gia có dự án đầu tư được cấp mới trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất có 10 dự án với số đăng ký là 26,95 triệu USD, chiếm 23,56% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế tiếp là Singapore có 3 dự án với số vốn đăng ký là 22,31 triệu USD, chiếm 19,50% tổng vốn đăng ký cấp mới.

3. Thu, chi ngân sách

Theo báo cáo của ngành Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước năm 2022 là 14.132,65 tỷ đồng, đạt 99,18 % so với dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, tăng 3,36% so với cùng kỳ, trong đó:

Thu từ sản xuất kinh doanh trong nước ước 13.066,00 tỷ đồng, đạt 99,74% so kế hoạch HĐND giao. Trong thu từ sản xuất kinh doanh trong nước: thu từ doanh nghiệp nhà nước ước 1.204,00 tỷ đồng, đạt 114,67% so kế hoạch, tăng 1,08% so với năm trước; thu từ kinh tế ngoài quốc doanh ước 1.660,00 tỷ đồng, đạt 94,86% so kế hoạch, giảm 4,91% so với năm ngoái; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước 760,00 tỷ đồng, đạt 89,41% kế hoạch, giảm 30,05%.

Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương năm 2022 ước thực hiện 13.608,10 tỷ đồng, đạt 73,61% so với dự toán năm, giảm 0,78% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển: 7.155,51 tỷ đồng, đạt 95,64% dự toán, tăng 28,20% so với cùng kỳ; chi thường xuyên: 6.446,39 tỷ đồng, đạt 73,23% dự toán, giảm 19,06% so với cùng kỳ, đã đáp ứng yêu cầu chi tiền lương, các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, các khoản an sinh xã hội, phòng ngừa dịch bệnh...

4. Chỉ số giá

So với tháng trước, CPI tháng 12/2022 tăng 0,26% (khu vực thành thị tăng   1,24%; khu vực nông thôn giảm 0,11%); CPI quý IV/2022 tăng 0,67% so với quý trước và tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 2,81% so với bình quân năm trước. Nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng chung như: Đồ uống và thuốc lá (+3,94%); Giao thông (+13,32%). Những nhóm hàng tăng thấp hơn mức tăng chung: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,25%); May mặc, mũ nón và giày dép (+2,22%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (+2,23%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+2,12%); Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,94%); Văn hoá, giải trí và du lịch (+0,77%); Giáo dục (+0,38%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,20%). Nhóm hàng giảm: Bưu chính viễn thông (-1,03%).

Một số nguyên nhân làm tăng, giảm chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2022:

- Trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt so với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm tăng 28,06%, làm CPI chung tăng 1,11 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 12 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022 gas tăng 11,77% so với năm trước, làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.

- Giá thịt lợn giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước, do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 1,00% so với tháng trước; tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 2,25% so với bình quân năm 2021.

Chỉ số Đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,57% so với tháng trước, tăng 5,34% so với cùng kỳ. Bình quân năm 2022, chỉ số Đô la Mỹ tăng 1,95% so với bình quân năm 2021.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư

1.1. Công tác lao động - việc làm

Dân số trung bình trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước 1.034.667 người, tăng 1,01% so với năm 2021. Lực lượng lao động của tỉnh ước năm 2022 là 604.976 người, tăng 0,26% tương ứng tăng khoảng 1.598 người so với năm 2021, trong đó: nữ là 281.320 người; khu vực thành thị là 151.214 người.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng 1,00%, chiếm 97,99% trong lực lượng lao động, tương ứng tăng khoảng 5.875 lao động so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế Nhà nước tăng 0,96%; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 1,00%; Khu vực đầu tư nước ngoài tăng 1,05%.

Ước thực hiện năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 43.000 lao động (kế hoạch 39.000 lao động), đạt 110,2% kế hoạch năm; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước duy trì ở mức dưới 3%. Tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 21.100 lao động, tăng 74,8% so với năm 2021.

1.2. Chính sách tiền lương, quan hệ lao động và bảo hiểm xã hội

Ước năm 2022, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35%, đạt 100 kế hoạch năm, tăng 6% so với năm 2021 (35/33%).

1.3. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Trong năm 2022, đã giải quyết được 3.957 hồ sơ; Tổ chức điều dưỡng cho 1.742 đối tượng; Mua 26.908 thẻ bảo hiểm y tế; Thăm và tặng 53.054 phần quà nhân dịp dịp lễ, tết với số tiền là 20,72 tỷ đồng; Tiếp nhận và an táng 51 hài cốt liệt sĩ; Vận động phụng dưỡng cho 44 đối tượng (trong đó có 13/14 bà mẹ Việt Nam anh hùng); triển khai hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa 143 căn nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

2. Lĩnh vực xã hội

2.1. Công tác giảm nghèo

Ước thực hiện năm 2022, số hộ thoát nghèo là 2.205 hộ, đạt 110% so với kế hoạch. Trong đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS dự kiến giảm 1.013 hộ (đạt 101,3%). Hiện còn 3.230 hộ nghèo (1,14%), 3.198 hộ cận nghèo (1,13%).

2.2. Công tác bảo trợ xã hội

Toàn tỉnh có 21.127 đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có 10.341 người khuyết tật), tất cả các đối tượng này đều được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng. Số người cao tuổi đang hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng là 10.021 người.

Trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở trợ giúp xã hội đang nuôi dưỡng 241 người, trong đó 6 cơ sở ngoài công lập và 01 cơ sở công lập là Trung tâm BTXH của tỉnh. 100% đối tượng được chăm sóc về y tế, giáo dục, dinh dưỡng đầy đủ, đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng được nâng cao. Hiện nay, Trung tâm BTXH tỉnh đang quản lý và nuôi dưỡng tập trung 57 đối tượng.

2.3. Công tác trẻ em

Toàn tỉnh có 303.666 trẻ em, trong đó 3,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Có 109.697 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (đạt 99,1%). Công tác phòng chống tại nạn thương tích trẻ em được các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện, triển khai các chương trình kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bao gồm các hoạt động nhân dịp lễ, tết.

2.4. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội

Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 727 học viên (Trong đó tiếp nhận mới 492 học viên); Giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho 294 học viên. Việc quản lý, cai nghiện cho đối tượng luôn theo đúng quy định. Việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội đối với các đơn vị vi phạm được thực hiện kịp thời.

3. Giáo dục, đào tạo

Trong năm, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2022. Một số kết quả tiêu biểu đạt được như sau:

Hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn, hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ các cấp học phổ thông. Tổ chức thành công, an toàn, đúng quy chế kỳ thí tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2022-2023 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, kết quả có 97,07% thí sinh dự thi được công nhận đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022.

Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh. Đội tuyển học sinh giỏi tỉnh Bình Phước đã được nhiều thành tích nổi bật, đứng thứ 2 khu vực phía Nam.

Hệ thống các cơ sở giáo dục, các bậc học đã triển khai kế hoạch dạy học phù hợp, bám sát yêu cầu theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia năm 2022 theo kế hoạch. Ước thực hiện năm 2022, có 119/389 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 30,59% so với tổng số trường, đạt thấp so với kế hoạch năm là 45,1%.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên theo Nghị định 71/2021/NĐ-CP năm 2022 của UBND tỉnh.

4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Về phòng chống dịch Covid-19: Các đơn vị y tế trong tỉnh vẫn tiếp tục công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid - 19 trong tình hình mới, đẩy mạnh tuyên truyền, động viên doanh nghiệp, người dân tiếp tục duy trì sản xuất trên cơ sở tuân thủ các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Bên cạnh đó công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục được tập trung triển khai quyết liệt, đến ngày 10/11/2022:

Người từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ mũi 1 đạt 100%; mũi 2 đạt 100%; 243.206 mũi bổ sung; mũi 3 đạt 67,3% và mũi 4 đạt 87%; Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuồi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 102%; mũi 2 đạt 100%; mũi 3 đạt 69,7%; Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 90,9%; mũi 2 đạt 60,9%.

Các chương trình mục tiêu y tế - dân số vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch. Số bác sỹ/vạn dân: 8,6 bác sỹ đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 10% đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 92% đạt 100% kế hoạch.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Kết quả trang trí được 11.294 m2 băng rôn, 51.052m2 panô; 51.796 m2 banner; 23.200 cờ dây, treo 26.200 lượt cờ các loại, tuyên truyền 1.600 giờ đèn led, 4.370 giờ xe tuyên truyền với nhiều nội dung khác nhau, viết bài tuyên truyền đăng trên trang website ngành và của các đơn vị.

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức cuộc thi Hành trình di sản văn hóa tỉnh Bình Phước lần thứ IV, năm 2022; Lễ công bố Quyết định và trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978). Trong năm 2022, tổng số lượng khách tham quan và tương tác tại bảo tàng, di tích và nhà truyền thống là 331.084 lượt người.

Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tổ chức thành công các ngày lễ kỷ niệm: kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh; kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1945 - 30/4/2022); kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh (19/5/1890 - 19/5/2022) với chủ đề “Khúc ca dâng Người”; kỷ niệm 77 năm Ngày cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)...

Hoạt động thư viện: Tổ chức thành công Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Phước lần thứ IV, năm 2022; Trưng bày triển lãm được 48 đợt kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, 700 tài liệu chủ đề khoa học công nghệ với đời sống sách trong thời kỳ chuyển đổi số thành tựu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước những tác phẩm văn học nổi bật trong thời kỳ mới… Trong năm 2022, thư viện cấp 212 thẻ thư viện (trong đó có 71 thẻ miễn phí), phục vụ 2.972.672 lượt bạn đọc.

Thể dục thể thao: Trong năm 2022, đội tuyển thể thao của tỉnh tham dự 39 giải thể thao, cụm, khu vực và toàn quốc đạt 201 huy chương các loại; Cử 02 HLV và 08 vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia tham dự Seagames 31; Hỗ trợ 269 lượt trọng tài tham gia điều hành các giải do các sở, ngành tổ chức.

Hoạt động du lịch: Trong năm, ngành chức năng đã thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam và Ngày du lịch thế giới; Triển khai thu thập thông tin, số liệu quảng bá du lịch trên Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Bình Phước…

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 16 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 02 vụ va chạm giao thông, làm 14 người chết, 13 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 25%; số người chết giảm 33,33%; số người bị thương tăng 85,71%. Tính chung 12 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 165 vụ tai nạn giao thông, làm 133 người chết, 103 người bị thương. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,84%; số người chết giảm 6,34%; số người bị thương giảm 5,50%.

Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 3.025 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 1.359 phương tiện, tước 653 giấy phép lái xe, cảnh cáo 77 trường hợp, xử lý hành chính 2.948 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 8,99 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (865  trường hợp), không có giấy phép lái xe (721 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (507  trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (189 trường hợp).

7. Thiệt hại thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn không phát sinh thiên tai. Tính chung cả năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ thiệt hại do ảnh hưởng của mưa to, ngập lụt và lốc xoáy, cụ thể: thiệt hại về nhà cửa là 57 căn nhà bị sập, hư hại, bị cuốn trôi; thiệt hại về cây trồng: gãy đổ 235,79 ha cây trồng các loại … Tổng giá trị thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra ước tính khoảng 7,13 tỷ đồng.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy nhà dân ở thị xã Phước Long, nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ, đám cháy không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Tích lũy đến cuối tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 15,92 tỷ đồng, 04 người bị thương và 01 người bị chết.

Tháng 12 cơ quan chức năng đã phát hiện 31 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 10 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 47,75 triệu đồng. Tích lũy đến tháng 12 năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 407 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 223 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 2,42 tỷ đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường…

Cục Thống kê tỉnh Bình Phước