Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2022 tỉnh Cao Bằng

Tại thời điểm tháng 12/2022, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2022 so với thời điểm tháng 7/2022, nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng năm 2023, đạt mức 2,7%. IMF nhận định thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động. Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Đồng thời, xung đột giữa Nga và U-crai-na làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra gián đoạn địa chính trị toàn cầu. Mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia, nhưng những làn sóng kéo dài của nó vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 7,5%. Hoạt động kinh tế phục hồi sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin trên toàn quốc. Trong khi thương mại tiếp tục mở rộng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước chịu nhiều tác động bất lợi, kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng năm 2022 cũng bị ảnh hưởng. Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, sáng tạo, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, đẩy mạnh phát triển”, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi, phát triển và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tốc độ phát triển Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,34% năm 2021 do dịch bệnh được khống chế, chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi; nền kinh tế mở cửa trở lại, khu vực công nghiệp và dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,91%, đóng góp 0,84 điểm phần trăm (ngành công nghiệp tăng 11,46%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức tăng 6,01%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm, đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng sau hai năm chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 (tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2020 là 5,26%; năm 2021 là 4,16%) điều này cho thấy các ngành dịch vụ thị trường đang hồi phục mạnh mẽ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,73%, đóng 0,35 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành GRDP năm 2022 ước tính đạt 21.634,76 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 39,84 triệu đồng, tăng 2,66 triệu đồng so với năm 2021. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.703,18 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.491,02 tỷ đồng, chiếm 20,76%; khu vực dịch vụ đạt 11.628,07 tỷ đồng, chiếm 53,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 812,49 tỷ đồng, chiếm 3,75%.   

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá cả vật tư đầu vào tăng cao. Trước những khó khăn, thử thách ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản nên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: tổng sản lượng lương thực có hạt tăng so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch giao, sản lượng cây lâu năm tăng, số lượng đầu con gia súc, gia cầm tăng; lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Nông nghiệp 

Cây hàng năm

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 12 chủ yếu là cày ải, thu rơm, làm đất, gieo trồng và chăm sóc các loại rau màu vụ đông để phục vụ nhu cầu gia đình, thị trường góp phần tăng giá trị kinh tế từ nông nghiệp như: bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, khoai tây, cải các loại… Một số huyện bà con đang gieo ươm giống thuốc lá, chăm sóc và tỉa cây con vào bầu để chuẩn bị gieo trồng thuốc lá vụ mới. 

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, các địa phương chủ động lập kế hoạch cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Công tác khuyến nông được đẩy mạnh; khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh các biện pháp cơ giới hóa và áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ trên diện rộng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Kết quả chính thức sản xuất vụ đông xuân 

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.932 ha, tăng 0,7% hay tăng 265 ha so với chính thức vụ đông xuân năm 2021; diện tích tăng chủ yếu ở cây lúa, thuốc lá và cây hàng năm khác (ớt cay, gừng, nghệ, cỏ voi)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2022 đạt 124.966 tấn, giảm 0,8% hay giảm 96 tấn so với cùng vụ năm trước và tăng 4,71% kế hoạch. 

Kết quả sơ bộ vụ mùa

Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2022 đạt 58.390 ha, tăng 2,08% hay tăng 1.187 ha so với cùng vụ năm trước, trong đó: cây lúa gieo trồng được 26.566 ha, tăng 3,97% hay tăng 1.014 ha so vụ mùa năm trước ở các huyện: Trùng Khánh (+505,86 ha), Thạch An (+160,16 ha), Hà Quảng (+117,31 ha), Hòa An (+84,35 ha)...; cây ngô gieo trồng được 15.395 ha, tăng 0,02% hay tăng 3 ha so cùng vụ năm 2021. 

Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2022 ước đạt 171.379 tấn, tăng 3,78% hay tăng 6.238 tấn so cùng vụ năm trước. Trong đó, cây lúa năng suất bình quân ước đạt 45,52 tạ/ha, tăng 1,22% so với cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 120.913 tấn, tăng 5,24% hay tăng 6.015 tấn so với cùng vụ năm 2021; cây ngô năng suất ước đạt 32,78 tạ/ha, tăng 0,43% so với cùng vụ; sản lượng đạt 50.464 tấn, tăng 0,44% hay tăng 223 tấn so với cùng vụ năm 2021. 

Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm vụ mùa: Cây sắn trồng được 3.415 ha, tăng 17,64% hay tăng 512 ha; năng suất ước đạt 159,98 tạ/ha, tăng 3,67% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 54.632 tấn, tăng 21,96% hay tăng 9.836 tấn so với vụ mùa 2021. Cây đậu tương trồng được 1.656 ha, giảm 10,87% hay giảm 202 ha; năng suất ước đạt 10,72 tạ/ha, giảm 0,74% so với cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 1.775 tấn, giảm 11,56% hay giảm 232 tấn so với vụ mùa 2021. Cây lạc trồng được 1.457 ha, giảm 9,5% hay giảm 153 ha so cùng vụ năm trước; năng suất ước đạt 15,38 tạ/ha, giảm 0,52%; sản lượng ước đạt 2.242 tấn, giảm 9,89% hay giảm 246 tấn so với cùng vụ năm 2021 do diện tích gieo trồng giảm.  Cây mía trồng được 2.778 ha, giảm 2,39% hay giảm 68 ha so cùng vụ năm trước, giảm chủ yếu ở huyện Hạ Lang; năng suất ước đạt 621,98 tạ/ha, tăng 1,95%; sản lượng ước đạt 172.771 tấn, giảm 0,5% hay giảm 863 tấn so với cùng vụ năm 2021 do diện tích gieo trồng giảm. Cây rau các loại trồng được 2.078 ha, tăng 0,7%; sản lượng đạt 17.753 tấn, tăng 0,89% so với cùng vụ năm trước.

Kết quả sơ bộ cả năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 96.322 ha, tăng 1,53% hay tăng 1.451 ha so với năm 2021, tăng chủ yếu ở vụ mùa và ở một số cây trồng như: lúa, sắn, dong riềng, thạch đen, gừng và một số cây hàng năm khác do thời điểm gieo trồng thời tiết thuận lợi vì vậy bà con nông dân gieo trồng hết diện tích bỏ hoang từ những năm trước và khai hoang, mở rộng thêm diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 296.345 tấn, tăng 2,12% hay tăng 6.142 tấn so năm 2021. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 546 kg/người, tăng 1,29% so với năm 2021. Cụ thể một số cây trồng như sau: 

Cây lúa cả năm gieo trồng được 30.277 ha, tăng 3,74% hay tăng 1.092 ha so năm 2021; năng suất bình quân ước đạt 46,23 tạ/ha, tăng 0,94%; sản lượng đạt 139.972 tấn, tăng 4,72% hay tăng 6.312 tấn so với năm trước. Hiện nay một số huyện đang thực hiện chương trình tái cơ cấu cây lúa, chủ yếu là sử dụng các giống lúa thuần chất lượng tốt để sản xuất hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vì vậy năng suất và sản lượng tăng so với năm trước. 

Cây ngô gieo trồng được 41.198 ha, giảm 0,14% hay giảm 57 ha so năm trước. Năng suất ước đạt 37,95 tạ/ha, tăng 0,03%; sản lượng ước đạt 156.354 tấn, giảm 0,11% hay giảm 168 tấn so năm trước. 

Cây đậu tương trồng được 2.156 ha, giảm 10,39% hay giảm 250 ha; năng suất ước đạt 10,24 tạ/ha, giảm 0,19% so với năm trước; sản lượng ước đạt 2.208 tấn, giảm 10,61% hay giảm 262 tấn so với năm 2021.

Cây lạc trồng được 1.753 ha, giảm 8,27% hay giảm 158 ha so năm trước; năng suất ước đạt 14,73 tạ/ha, giảm 1,21%; sản lượng ước đạt 7.871 tấn, giảm 9,34% hay giảm 266 tấn so với năm 2021 do diện tích gieo trồng giảm.

Cây sắn trồng được 3.415 ha, tăng 17,64% hay tăng 512 ha, diện tích sắn tăng chủ yếu ở huyện Bảo Lạc và huyện Hạ Lang do thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Khánh Hạ Cao Bằng liên kết, ký kết hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện về đầu tư cho nông dân trồng sắn cao sản; công ty hỗ trợ, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; năng suất ước đạt 159,98 tạ/ha, tăng 3,67% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 54.632 tấn, tăng 21,96% hay tăng 9.836 tấn so với năm 2021.

Cây thuốc lá là cây trồng trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vì vậy mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp bách đảm bảo cho việc phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Năm 2022 cây thuốc lá trồng được 3.293 ha, tăng 7,83% hay tăng 239 ha so với năm 2021, diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình… do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, một số xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu và mô hình thuốc lá chất lượng cao. Năng suất đạt 26,01 tạ/ha, tăng 2,2% so với năm trước, sản lượng đạt 8.565 tấn, tăng 10,20% hay tăng 793 tấn và đạt 112,95% so với kế hoạch.

Cây mía trồng được 2.778 ha, giảm 2,39% hay giảm 68 ha so năm trước, giảm chủ yếu ở huyện Hạ Lang; diện tích giảm do giá bán thấp, chi phí phân bón cây trồng tăng cao, khả năng sản xuất của nhà máy đường còn hạn chế về sản lượng, một số vùng trồng mía còn xa nhà máy, lượng mía chặt xuống không vận chuyển kịp nên người dân đã dần phá bỏ cây mía để chuyển sang trồng khác như: cây sắn, gừng.... Năng suất ước đạt 621,98 tạ/ha, tăng 1,95%; sản lượng ước đạt 172.771 tấn, giảm 0,5% hay giảm 863 tấn so với năm 2021.  

Cây gừng trồng được 420 ha, tăng 32,08% hay tăng 102 ha so với năm trước; năng suất ước đạt 123,93 tạ/ha, tăng 1,58%; sản lượng đạt 5.203 tấn, tăng 34,13% hay tăng 1.324 tấn so với năm 2021.

Cây thạch đen trồng được 611 ha, tăng 18,64% hay tăng 96 ha so với năm trước do hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm thạch làm từ cây thạch đen ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, vì vậy bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng nhằm tăng thêm thu nhập. Năng suất ước đạt 56,94 tạ/ha, tăng 0,71%; sản lượng đạt 3.477 tấn, tăng 19,44% hay tăng 566 tấn so với năm 2021.

Rau các loại trồng được 4.217 ha, giảm 0,61% hay giảm 26 ha; năng suất ước đạt 87,6 tạ/ha, giảm 1,07% so với năm 2021; sản lượng đạt 36.938 tấn, giảm 1,64% hay giảm 615 tấn. 

Cây lâu năm

Trong tháng, chủ yếu là phát quang, cắt tỉa và chăm sóc diện tích trồng mới, đồng thời thu hoạch sản phẩm một số cây ăn quả để phục vụ gia đình và trao đổi trên thị trường như: đu đủ, chuối, ổi, cam, quýt, bưởi, chanh…

Trong những năm gần đây, cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm tạo nguồn lực phát triển bền vững nền kinh tế địa phương. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành khảo sát, trồng thử nghiệm thành công một số loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của từng vùng để quy hoạch và lập đề án đầu tư, mở rộng quy mô theo hướng “sản xuất trồng trọt thông minh ứng dụng công nghệ cao” gồm nhóm cây ăn quả, nhóm cây dược liệu,... Nhiều loại cây đã được triển khai trồng theo mô hình và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và dần hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 10.030 ha, tăng 15,33% hay tăng 1.333 ha so năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây gia vị, cây dược liệu, đặc biệt là cây hồi tăng 1.186 ha và cây sa nhân tím trong năm trồng được 72 ha, là một trong những loại cây trồng trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đột phá về lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 về “phát triển các cây trồng đặc hữu theo chuỗi liên kết sản xuất”. Trong đó, cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 6.593 ha, so với năm trước tăng 23,67% hay tăng 1.262 ha; cây ăn quả diện tích hiện có 2.798 ha, so với năm trước tăng 1,93% hay tăng 53 ha, tăng ở các cây như: nho, chuối, dứa, ổi, cam, chanh, bưởi, lê, mắc ca...; cây lâu năm khác diện tích hiện có 414 ha, tăng 4,28% hay tăng 17 ha so với cùng kỳ năm 2021; chè búp và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 225 ha, tăng 0,45% hay tăng 1 ha so với cùng kỳ năm 2021.

Ước tính sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính năm 2022 so với năm 2021 như sau: cây chuối thu hoạch đạt 2.800 tấn, tăng 114 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 610 tấn, tăng 34 tấn; thanh long thu hoạch đạt 544 tấn, tăng 11 tấn; quýt thu hoạch đạt 1.414 tấn, tăng 72 tấn; bưởi thu hoạch đạt 630 tấn, tăng 159 tấn; mận thu hoạch đạt 690 tấn, giảm 38 tấn; chè búp thu hoạch đạt 212 tấn, tăng 10 tấn; hồi thu hoạch đạt 3.803 tấn, tăng 184 tấn; dâu tằm thu hoạch đạt 1.187 tấn, tăng 119 tấn…

Chăn nuôi 

Năm 2022 hoạt động sản xuất chăn nuôi tương đối ổn định, bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan nhờ đó đàn gia súc, gia cầm tăng so với năm 2021.  

Tổng đàn trâu hiện có 106.756 con, tăng 0,64% hay tăng 677 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 107.529 con, tăng 2,22% hay tăng 2.334 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2.166 tấn, giảm 3,95% hay giảm 89 tấn (6 tháng đầu năm tăng 2,18%, quý III/2022 giảm 6,5%, quý IV/2022 giảm 7,01%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.186 tấn, giảm 4,92% hay giảm 113 tấn (6 tháng đầu năm tăng 1,28%, quý III/2022 giảm 5,5%, quý IV/2022 giảm 7,56%). Đàn trâu, bò tăng so với năm trước là do chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ về con giống, vốn để phát triển đàn gia súc phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh khiến việc xuất bán qua biên giới bị hạn chế. 

Tổng số lợn hiện có 325.291 con, tăng 6,28% hay tăng 19.209 con so với năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 26.132 tấn, tăng 2,97% hay tăng 753 tấn (6 tháng đầu năm tăng 3,79%, quý III/2022 tăng 4,5%, quý IV/2022 giảm 0,66%). Đàn lợn tăng do dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, người dân bắt đầu chăn nuôi trở lại với quy mô lớn hơn, bên cạnh đó giá con giống hạ nhiệt, giá thịt lợn hơi cao và ổn định cũng là nguyên nhân khiến cho số đầu con tăng. 

Tổng số gia cầm hiện có 3.057,13 nghìn con, tăng 2,06% hay tăng 61,68 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 6.759 tấn, tăng 0,96% hay tăng 64 tấn (6 tháng đầu năm tăng 1,25%, quý III/2022 tăng 2,11%, quý IV/2022 giảm 1,68%); sản lượng trứng gia cầm đạt 39.315 nghìn quả, tăng 1,67% hay tăng 647 nghìn quả. 

Từ ngày 01/01 đến ngày 12/12/2022, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò chỉ phát sinh 01 ổ dịch tại huyện Bảo Lâm và đã được xử lý kịp thời; dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được kiểm soát tốt tuy nhiên vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh làm mắc và buộc tiêu hủy 3.732 con lợn với tổng trọng lượng trên 150 tấn; các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 79 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, phân trắng; 354 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lợn con phân trắng...; 2.838 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...

2.2. Lâm nghiệp    

Sản xuất lâm nghiệp tháng 12 chủ yếu là duy trì tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các hộ gia đình có diện tích rừng giao khoán và bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang chặt tỉa.

Trong năm 2022, tình hình thời tiết thuận lợi cho công tác sản xuất lâm nghiệp, 10/10 huyện, thành phố có diện tích rừng trồng mới. Rừng trồng chuyển theo hướng đa chức năng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, giá trị từng loại rừng đã được nâng cao; tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương. 

Năm 2022, diện tích rừng trồng mới ước tính đạt 3.035 ha, so với năm trước giảm 5,22% hay giảm 167 ha, các loại giống cây lâm nghiệp được đưa vào trồng chủ yếu là thông, quế, mỡ, sa mộc, sở, keo, lát... Diện tích rừng trồng mới trên 80% là các hộ dân tự mua giống về trồng trên diện tích sau khai thác và trên diện tích được giao khoán bảo vệ. 

Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước tính năm 2022 là 8.387 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,72% hay tăng 673 ha. Diện tích rừng được chăm sóc tăng do diện tích rừng được trồng mới những năm gần đây tăng và diện tích trồng từ các năm trước vẫn đang trong thời gian chăm sóc.

Diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ước tính đạt 108.568 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,32% hay tăng 1.413 ha. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh tăng do diện tích trước đây được khoán bảo vệ chuyển sang, những diện tích các năm trước được giao khoanh nuôi lại tiếp tục được khoanh nuôi tiếp và được giao thêm diện tích rừng tự nhiên có độ che phủ dưới 0,1 của năm nay.

Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 220.160 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 42,42% hay tăng 65.573 ha. Nguyên nhân tăng do công tác bảo vệ rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao nên diện tích giao khoán bảo vệ rừng đã được chuyển giao cho cá nhân, các tổ chức, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư thuộc các diện tích được nhận tiền Dịch vụ môi trường rừng, diện tích thuộc lưu vực thủy điện,... công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao, đúng mục đích quy định.

Tổng số gỗ khai thác ước tính năm 2022 là 24.945 m³, so với cùng kỳ năm trước giảm 9,10% hay giảm 2.498 m³. Nguyên nhân sản lượng gỗ được khai thác giảm là do số diện tích đến tuổi khai thác giảm vì vậy sản lượng gỗ khai thác giảm hơn so với năm trước. Củi khai thác đạt 763.101 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,29% hay tăng 2.186 ste; củi khai thác hiện nay phần lớn được tận thu từ cành, ngọn cây khi khai thác gỗ là chủ yếu.

Ngoài ra, các loại lâm sản khác đem lại hiệu quả kinh tế cao nên được bà con tăng cường khai thác để phục vụ gia đình và trao đổi trên thị trường như: trúc tăng 14,98%; hạt trẩu tăng 4,42%; hạt sở tăng 2,67%; quả sấu tăng 3,37%; lá dong tăng 1,36%; dược liệu, tăng 3,67%; rau rừng các loại tăng 9,72%; mật ong tăng 6,19%; măng tươi, tăng 1,03%...

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 53,16 ha diện tích rừng bị thiệt hại bao gồm: 13,3 ha do cháy rừng (6 tháng đầu năm cháy 11,41 ha, quý III/2022 cháy 0,6 ha, quý IV/2022 cháy 1,83 ha); 39,86 ha do chặt phá rừng (6 tháng đầu năm bị chặt, phá 23,26 ha, quý III/2022 bị chặt, phá 6,4 ha, quý IV/2022 bị chặt, phá 10,2 ha).  

2.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản tháng 12 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung chăm sóc diện tích nuôi trồng và thu hoạch những diện tích nuôi thả ở ruộng, ao, hồ, lồng bè. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp, chủ yếu phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường không nhiều.  

Năm 2022 nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt do ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định vì vậy các cơ sở quan tâm đầu tư chăm sóc và nuôi trồng thêm một số loại có giá trị kinh tế cao; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác tăng góp phần cung cấp thực phẩm đáng kể cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 598,85 tấn, tăng 0,74% hay tăng 4,42 tấn so với năm 2021. Trong đó: Sản lượng cá đạt 582 tấn, tăng 0,75%; tôm 2,48 tấn, tăng 6,44% và một số loại thủy sản khác đạt 14,37 tấn, giảm 0,44% so với năm 2021. 

Tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 483,50 tấn, tăng 0,74% hay tăng 3,54 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng cá thu được 481,53 tấn, tăng 3,79 tấn; thủy sản khác 1,97 tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh chủ đạo vẫn là các loài cá: cá trắm, cá chép, rô phi, trôi, trê... phù hợp với khí hậu của địa phương. Những năm gần đây người dân đã chú trọng hiệu quả việc nuôi trồng, chọn lọc con giống ở những cơ sở có nguồn gốc, con giống được kiểm dịch; chủ động nguồn thức ăn bằng cách gieo trồng, chế biến, bảo quản hợp lý dành cho thủy sản; thường xuyên vệ sinh, cải tạo các ao nuôi để cá giống đảm bảo phát triển và cho thu hoạch. 

Tổng sản lượng khai thác đạt 115,35 tấn, tăng 0,77% hay tăng 0,88 tấn, trong đó: cá đạt 100,47 tấn, tăng 0,54 tấn; tôm đạt 2,48 tấn, giảm 0,15 tấn; sản lượng thủy sản khác đạt 12,4 tấn, tăng 0,19 tấn. Sản lượng khai thác thủy sản tăng do thủy sản tự nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành tương đối cao nên nhiều hộ đánh bắt để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho gia đình. 

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp năm 2022 có phần khởi sắc và sôi động hơn so với năm trước ở quý I, II, III và có xu hướng chững lại ở quý IV, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,29% so với năm 2021 (IIP quý I/2022 tăng 13,28%; IIP quý II/2022 tăng 23,36%; IIP quý III/2022 tăng 12,23%; IIP quý IV/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó: ngành khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng so với năm trước; riêng ngành chế biến, chế tạo giảm so với năm 2021 . 

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 12/2022 ước tính tăng 10,23% so với tháng trước và tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 68,44%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 28,69%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,69%; riêng ngành chế biến, chế tạo giảm 7,36% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 47,75%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 16,69%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 10,29% so với năm 2021, chỉ số tăng chủ yếu ở ngành khai thác quặng kim loại và ngành sản xuất phân phối điện do trong năm lưu lượng nước về nhiều dẫn đến sản lượng điện của Công ty Cổ phần năng lượng Bảo Lâm tăng khá cao. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 38,06%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,33%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,06%, riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 11,4%. 

Trong năm 2022, một số sản phẩm tăng so với năm trước: nước tinh khiết tăng 33,29%; điện sản xuất tăng 19,52%; gạch xây tăng 14,97%; xi măng tăng 14,67%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 8,49%... Một số sản phẩm giảm so với năm trước: đá xây dựng giảm 32,41%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 28,79%; cát tự nhiên các loại giảm 28,47%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 23,09%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 20,22%; điện thương phẩm giảm 7,21%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 12 năm 2022 giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,57% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 73,47%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 26,27%; sản xuất kim loại giảm 19,46%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,16%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,23%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 12 năm 2022 giảm 70,88% so cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 72,08%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 67,95%; sản xuất kim loại giảm 29,71%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 156,55%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 1,21%. 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 12 năm 2022 giảm 10,84% so cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,94% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,59%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 2,61%. 

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2022 nền kinh tế đã mở cửa trở lại và trở về trạng thái hoạt động bình thường mới nhưng khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: nguồn vốn bị hạn chế, lạm phát gia tăng, chi phí sản xuất kinh doanh tăng... Trong năm số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 21,32% so với cùng kỳ năm trước, còn tổng số vốn đăng ký giảm 11,83%; số doanh nghiệp quay trở lại và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể cũng tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022. 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 14/12/2022, có 165 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 708,14 tỷ đồng, tăng 21,32% về số doanh nghiệp; giảm 11,83% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021 và đăng ký hoạt động cho 115 đơn vị trực thuộc (20 chi nhánh, 04 văn phòng đại diện, 91 địa điểm kinh doanh); số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 4,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 49 doanh nghiệp và 12 đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, tăng 25,64% so với năm 2021; có 106 doanh nghiệp và 30 đơn vị trực thuộc tạm ngừng kinh doanh, tăng 53,6% so với năm 2021; có 40 doanh nghiệp và 46 đơn vị trực thuộc giải thể tự nguyện. 

Tổng số dự án được cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ước đến hết năm 2022 là 16 dự án với tổng vốn đăng ký là 3.499 tỷ đồng, ít hơn 03 dự án nhưng tăng 4,3 lần về tổng số vốn đăng ký so với năm 2021; số dự án được chấp thuận điều chỉnh Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 21 dự án, trong đó có 8 dự án đăng ký điều chỉnh tổng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm hơn 42 tỷ đồng.

Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 6,25% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 khó khăn hơn quý III/2022; 93,75% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022, có 81,25% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt lên; 18,75% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Về khối lượng sản xuất, có 18,75% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 giảm so với quý III/2022; 81,25% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất tăng lên và ổn định. Các doanh nghiệp dự kiến xu hướng này tiếp tục ở quý I/2023.  

Về đơn đặt hàng, có 18,75% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2022 giảm so với quý III/2022; 81,25% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022, có 75% số doanh nghiệp đánh giá số đơn đặt hàng ổn định và tốt lên; 25% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng giảm.

Về giá bán bình quân, có 18,75% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý IV/2022 tăng so với quý III/2022; 75% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022 có 6,25% số doanh nghiệp có giá bán bình quân tăng; có 87,5% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. 

5. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành ước tính năm 2022 tăng 8,01% so với năm trước; Vốn đầu tư ước tính tăng ở cả ba khu vực, trong đó tăng nhiều nhất ở khu vực ngoài nhà nước với mức tăng 8,15%.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý IV năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 3.142,03 tỷ đồng, tăng 35,35% so với quý trước và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư quý IV năm 2022 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu ở nguồn vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước tăng 8,37%; nguồn vốn đầu tư của dân cư và tư nhân giảm 1,21% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 47,26%.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2022 ước tính đạt 10.607,66 tỷ đồng, tăng 8,01% so với năm 2021 và bằng 49,03% GRDP. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước 5.150,68 tỷ đồng, tăng 7,88%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 5.427,91 tỷ đồng, tăng 8,15%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 29,07 tỷ đồng, tăng 4,24% so với năm 2021.

Trong vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, vốn ngân sách do địa phương quản lý năm 2022 ước đạt 3.036,25 tỷ đồng, tăng 12,87% so với năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước 2.920,49 tỷ đồng, tăng 13,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước 115,76 tỷ đồng, giảm 6,25%.

Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã huy động mọi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; từng bước giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; áp dụng linh hoạt các hình thức kêu gọi vốn đầu tư theo các hình thức xã hội hoá, hợp tác đối tác công tư (PPP),...

6. Thương mại, dịch vụ, giá cả

Năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh dần phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu các ngành đều đạt cao hơn so với  năm trước. Hàng hoá lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2022 ước đạt 931,87 tỷ đồng, tăng 6,38% so với tháng trước, tăng 63,01% so với năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 8.723,53 tỷ đồng, tăng 18,28% so với năm 2021. Chia theo ngành hoạt động: 

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.072,64 tỷ đồng, tăng 15,26% so với  năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu ước tăng so với năm 2021 như: lương thực, thực phẩm tăng 11,09%; hàng may mặc tăng 12,42%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 25,64%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 106,94%; xăng, dầu các loại tăng 37,51%; đá quý, kim loại và sản phẩm tăng 21,79%; hàng hoá khác tăng 9,0%; doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 11,78%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.127,42 tỷ đồng, tăng 39,03% so với năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 44,4%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 38,51%. 

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,95 tỷ đồng, tăng 86,85% so với năm trước. Cùng với sự phục hồi du lịch của cả nước, năm 2022 ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng đã triển khai được nhiều hoạt động nổi bật và đạt kết quả tích cực. Công tác quảng bá được chú trọng, vì vậy lượng khách du lịch đến tỉnh tăng nhanh kéo theo doanh thu du lịch và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 518,52 tỷ đồng, tăng 21,81% so với năm trước. Hiện nay, tại địa phương ngày càng có nhiều cơ sở tham gia kinh doanh dịch vụ, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hoạt động xuất nhập khẩu 

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi việc Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến năng lực thông quan tại các cửa khẩu, nhất là hàng hoá xuất khẩu. Đến ngày 15/12/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 845,5 triệu USD, đạt 134% KH, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 147,6 triệu USD, giảm 55%; kim ngạch nhập khẩu 594,3 triệu USD, tăng 385%; kim ngạch giám sát 103,6 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021. 

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2022 giảm 0,69% so với tháng trước. Chỉ số giá trong tháng giảm chủ yếu do có 08/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ số giá giảm, trong đó chỉ số nhóm giao thông giảm nhiều nhất 2,7% do giá xăng, dầu trong tháng điều chỉnh giảm. Đồng thời, các nhóm chỉ số giá giảm bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,32%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,23%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giáo dục giảm 0,03%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,08%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,01%. Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước: nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,42%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,16%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 tăng 4,13% so với tháng 12/2021. Tính chung quý IV năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,63% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá bình quân năm 2022 tăng 1,73% so với năm 2021.  

Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 1,11% so với tháng trước, tăng 2,30% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2022 tăng 1,89% so với năm 2021.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,35% so với tháng trước, tăng 5,68% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân năm 2022 tăng 2,02% so với năm trước.

Hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải

Tháng 12 năm 2022, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 33,47 tỷ đồng, tăng 7,18% so với tháng trước, tăng 44,31% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu hoạt động vận tải năm 2022 ước đạt 321,89 tỷ đồng, tăng 11,03% so với năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 94,36 tỷ đồng, tăng 53,69%, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 220,92 tỷ đồng tăng 0,07%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 6,6 tỷ đồng, giảm 14,65% so với năm 2021.

Vận tải hành khách

Dự ước tháng 12 năm 2022 số lượt hành khách vận chuyển đạt 168,3 nghìn lượt hành khách, tăng 10,94% so với tháng trước, tăng 125,6% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 8.565,7 nghìn HK.Km, tăng 23,09% so với tháng trước, tăng 205,05% so với cùng kỳ. 

Ước năm 2022 số lượng hành khách vận chuyển đạt 1.814,5 nghìn hành khách và số hành khách luân chuyển đạt 95.813,6 nghìn HK.km, so với năm 2021 số hành khách vận chuyển tăng 48,43%, hành khách luân chuyển tăng 43,68%. 

Vận tải hàng hóa

Dự ước khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 năm 2022 đạt 147,0 nghìn tấn hàng hóa, tăng 3,89% so với tháng trước, tăng 1,10% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 4.308,5 nghìn tấn.km, tăng 4,04% so với tháng trước, tăng 16,96% so với cùng kỳ. 

Ước tính năm 2022, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1.412,4 nghìn tấn, giảm 21,64% so với năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 43.642,2 nghìn tấn.km, giảm 2,93% so với năm 2021. 

7. Tài chính, ngân hàng

Thu, chi ngân sách Nhà nước 

Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ. Thu ngân sách được các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng thu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch. Chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2022 đạt 3.700.222 triệu đồng, tăng 111,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 1.079.658 triệu đồng, giảm 27,77%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 2.615.769 triệu đồng, tăng 938,2% do tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cải thiện nên một số mặt hàng truyền thống đã có xu hướng tăng làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa trở lại, bên cạnh đó tình hình xuất nhập khẩu đầu năm các tỉnh lân cận ách tắc để đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu các Công ty đã chuyển sang địa bàn tỉnh Cao Bằng làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt là mặt hàng có thuế suất cao: ô tô các loại) dẫn đến số thu nộp ngân sách nhà nước tăng cao đột biến. 

Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách. Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 tính đến ngày 15/12/2022 đạt 7.620.569 triệu đồng, giảm 21,97% so với năm trước, trong đó: chi thường xuyên đạt 5.048.560 triệu đồng, giảm 27,67%; chi đầu tư phát triển 2.471.749 triệu đồng, giảm 5,97%... Trên cơ sở tiến độ thu ngân sách thực tế, thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt, hợp lý, chi ngân sách địa phương cơ bản thực hiện đúng tiến độ theo dự toán đầu năm. Các cấp, các ngành điều hành quản lý chi ngân sách nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ của nhà nước quy định, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội, giữ vững an ninh - chính trị của địa phương. Đồng thời chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết và cấp bách; chủ động sắp xếp bố trí các khoản chi theo đúng dự toán đã được giao, bổ sung dự toán kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ phát sinh đột xuất. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên; ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội, các khoản chi thường xuyên để đảm bảo hoạt động của đơn vị. 

Hoạt động tín dụng, ngân hàng 

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động tại địa phương dồi dào, tăng trưởng tốt, cơ cấu vốn ổn định, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng cao và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức cao.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định từ đầu năm, đến tháng 10/2022 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ do đó mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tăng so với đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-9,4% trên 1 năm; một số ngân hàng có chương trình cạnh tranh, lãi suất cao hơn mức lãi suất bình quân; lãi suất tiền gửi online cao hơn mức lãi suất tại quầy giao dịch từ 0,1-0,4%/năm để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Lãi suất cho vay các chương trình ưu đãi riêng biến động từ 5,5-12,9%/năm; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 9-13,4%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói tín dụng. 

Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/12/2022 đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 3,5% hay tăng 882 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.130 tỷ đồng, chiếm 85,12% tổng nguồn vốn và tăng 1% hay tăng 224 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.870 tỷ đồng, chiếm 14,88% tổng nguồn vốn, tăng 20,5% hay tăng 658 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021.

 Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/12/2022 ước đạt 14.530 tỷ đồng, tăng 13% hay tăng 1.671 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, trong đó nợ xấu 130 tỷ đồng, chiếm 0,89% tổng dư nợ. 

Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. 

Nhìn chung, các chương trình, chính sách tín dụng tiếp tục triển khai đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế, công tác thanh toán cung ứng điều hòa tiền mặt luôn được đảm bảo an toàn, nhanh chóng, chính xác, đáp ứng đầy đủ trong mọi thời điểm; các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch thanh toán của các tổ chức, đơn vị và cá nhân.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động

Dân số trung bình năm 2022 của toàn tỉnh ước tính 543.052 người, tăng 5.074 người, tương đương tăng 0,94% so với năm 2021. Trong tổng dân số, dân số thành thị 138.465 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 404.587 người, chiếm 74,5%; dân số nam 272.832 người, chiếm 50,2%; dân số nữ 270.220 người, chiếm 49,8%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 101,0 nam/100 nữ.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh năm 2022 ước tính 356.598 người, tăng 3.026 người so với năm trước, bao gồm: Lao động nam 181.150 người, chiếm 50,8% tổng số và lao động nữ 175.448 người, chiếm 49,2%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị 71.953 người, chiếm 20,2%; khu vực nông thôn 284.645 người, chiếm 79,8%. 

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2022 ước tính 354.320 người, tăng 1,13% so với năm 2021, bằng 99,36% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh. Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản 251.652 người, chiếm 71,02%; lao động trong ngành Công nghiệp và xây dựng 31.450, chiếm 8,88% và lao động trong các ngành Dịch vụ 71.218 người, chiếm 20,1%.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Đời sống dân cư

Trong năm 2022, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá một số hàng hoá tăng cao đặc biệt là xăng, dầu, giống cây trồng, phân bón... đã tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của ngưởi dân.

Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không có sự thay đổi so với năm trước do năm 2022 không có sự điều chỉnh mới về mức lương cơ bản. Từ 01/7/2022 theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP mức tối thiểu vùng tăng thêm 6% áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng tại các đơn vị, Doanh nghiệp trên địa bàn cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động ổn định làm việc. Chế độ tiền lương, phụ cấp cho người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời nhằm động viên, khích lệ tinh thần làm việc, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngoài ra, việc giải quyết các chế độ ưu đãi khác cũng được thực hiện đầy đủ như chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác, làm việc tại các xã có điều kiện khó khăn trong 5 năm theo quy định.

Đời sống nông dân ở khu vực nông thôn cơ bản ổn định. Lao động ở nông thôn chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, là lao động giản đơn theo hộ gia đình nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19 lên quá trình sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Các hoạt động thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển, nhiều làng nghề được duy trì và mở rộng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, một số mặt hàng tăng giá mà sản phẩm nông sản của người nông dân bán ra thị trường lại không tăng hoặc tăng không đáng kể nên đời sống và sản xuất của người dân gặp khó khăn.

Công tác an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và thực hiện hiệu quả:

* Công tác giảm nghèo

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 cụ thể như sau:

Theo đánh giá kết quả sơ bộ số hộ nghèo giảm 5.179 hộ nghèo, toàn tỉnh còn 37.572 hộ nghèo, chiếm 29,10%, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,13%.

Trong năm, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng 16.725 suất quà cho hộ nghèo với số tiền 8,751 tỷ đồng.

* Bảo trợ xã hội

Toàn tỉnh hiện có 28.167 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội 235 người; trợ cấp mai táng phí cho 517 trường hợp, trợ cấp đột xuất cho 103 trường hợp. Các chế độ, chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 

Tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác với số tiền 6.115,7 triệu đồng.

Cấp phát 1.718,025 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt năm 2022 cho 10/10 huyện, thành phố với 27.606 hộ, 114.535 nhân khẩu.

Cấp 377.599 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ cận nghèo.

Hỗ trợ tiền điện cho 55.899 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. 

* Thực hiện chính sách với người có công

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh.

Tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 cho 19.860 suất quà cho đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí 8.177,8 triệu đồng. Cũng trong dịp này, chuyển quà của Chủ tịch nước cho 7.578 đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng.

Tặng quà của Chủ tịch nước ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 cho đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng số 7.958 suất; tổng kinh phí 2,413 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 1076/KH-UBND ngày 09/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).

Số sổ tiết kiệm cho người có công trong năm tặng 117 sổ với tổng số tiền 161 triệu đồng.

Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.529 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền 34.701 triệu đồng.

* Kết quả hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (số liệu từ ngày 01/01/2022 đến ngày 09/12/2022): 

Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19:  

- Chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Đã thực hiện giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 907 đơn vị, với 9.775 lao động, tổng số tiền 1.475 triệu đồng. 

- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 08 lao động, với số tiền 15 triệu đồng (trong đó hỗ trợ thêm đối với người lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi: 7 triệu đồng). 

- Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế:

+ Đối với đối tượng F0, F1 đã hoàn thành cách ly y tế: UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 5.218 người với số tiền 5.331,148 triệu đồng, trong đó có 1.844 trẻ em. 

+ Đối với đối tượng F1 đang cách ly y tế: UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí cho 84 người, với số tiền 62,28 triệu đồng, trong đó có 08 trẻ em. 

- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 20 hộ kinh doanh, với số tiền 60 triệu đồng.

Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp:

- Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Số đơn vị được giảm mức đóng: 923 đơn vị, doanh nghiệp, tổng số tiền được giảm mức đóng là 1.423 triệu đồng. 

- Hỗ trợ người lao động: Tổng số lao động được hỗ trợ: 5.269 người, số tiền hỗ trợ: 12.384 triệu đồng.

Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo Quyết định số 33/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh: Đã ra quyết định hỗ trợ 218 lao động tự do, với số tiền 327 triệu đồng. 

3. Giáo dục đào tạo

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2023” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi trên địa bàn các huyện, thành phố; chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; tiếp tục duy trì, giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đối với các đơn vị đã đạt mức độ 3; tiếp tục duy trì nâng cao kết quả phổ cập giáo dục THCS đã đạt được của năm 2021, duy trì và giữ vững các xã, huyện đạt mức độ 2, mức độ 3. Chuẩn bị các điều kiện kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ năm 2022.

Thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, chặt chẽ, đúng quy chế và đạt kết quả tốt; hoàn thành năm học 2021-2022 đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, tư vấn việc dạy học theo Chương trình GDPT, GDTX mới. Hoàn thiện tài liệu Giáo dục địa phương lớp 8, 9, 10.

Tổ chức kiểm tra, công nhận mới 10 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 166,7% KH, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 174 trường. Công nhận lại 15 trường đạt chuẩn quốc gia. Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học, lớp học; so với năm học 2020-2021, toàn tỉnh giảm thêm 06 cơ sở giáo dục bao gồm: 03 trường mầm non, 03 trường tiểu học.

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn ngành giáo dục, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học; phối hợp tuyên truyền, tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ đủ từ 5 đến dưới 18 tuổi.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong năm 2022, ngành Y tế đã quyết tâm, quyết liệt, tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động, sẵn sàng nhiều phương án, đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả khi dịch bùng phát trở lại. Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Từ ngày 05/11/2021 đến 17h00 ngày 09/12/2022 tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 583.254 mẫu, trong đó có 98.227 mẫu dương tính, có 03 trường hợp bệnh đang được cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, 16 trường hợp bệnh không có triệu chứng đang được cách ly, điều trị tại nhà, khỏi bệnh 98.143 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 62 người.

Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện từ ngày 16/4/2021 đến ngày 10/12/2022 là 1.317.421 mũi.

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác trong năm ghi nhận một số bệnh lưu hành ở địa phương (không có trường hợp tử vong): Adeno 376 ca; hội chứng cúm thông thường 7.047 ca; Quai bị 22 ca; Thủy đậu 106 ca; Tiêu chảy 3.300 ca; Tay chân miệng 82 ca; 10 trường hợp Rubella; 23 trường hợp biêm gan B và 59 trường hợp Viêm gan khác; 07 trường hợp Sởi lâm sàng; 01 trường hợp sốt xuất huyết dương tính xâm nhập. Ngoài ra, ghi nhận 05 ca Uốn ván sơ sinh, trong đó tử vong 3 ca. Các trường hợp mắc bệnh được phát hiện đều được quản lý, điều trị theo quy định.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng 0,22%; bằng so với cùng kỳ năm 2021. Số bệnh nhân điều trị ARV người lớn 660/700 người, số trẻ em điều trị ARV 12 người. Số người điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị Methadone thuộc các Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong tỉnh là 1500/1650 người đạt 90,9% so với kế hoạch (giảm 88 người so với cùng kỳ năm 2021).

Về ngộ độc thực phẩm: Trong năm trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ ngộ độc thực phẩm, làm  51 người mắc, 26 người đi viện, có 02 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm đã được điều tra theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong năm, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Tích cực tổ chức và tham gia các cuộc thi, liên hoan, ngày hội, lễ hội của tỉnh và khu vực đạt được kết quả cao: Tổ chức Liên hoan hát Then, Đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ III năm 2022; tham gia Ngày hội văn hoá dân tộc Dao lần thứ II năm 2022 tại tỉnh Thái Nguyên…

Công tác quản lý phát huy giá trị các di tích, các điểm di sản, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được quan tâm kịp thời. Đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng đưa hoạt động văn hoá thông tin về cơ sở, tiếp tục triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 

Xây dựng phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Kết quả ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 85%; tỷ lệ khu dân cư (xóm, tổ dân phố) đạt chuẩn văn hóa 57%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 95%.

Phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và được quan tâm đẩy mạnh. Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân cấp tỉnh năm 2022 với trên 950 người tham dự. Tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Cao Bằng lần thứ IX năm 2022. Tham gia Đại hội TDTT toàn quốc. Phối hợp tổ chức Giải chạy Siêu đường mòn non nước Cao Bằng với trên 500 vận động viên tham dự. Tổ chức thi đấu 10/9 giải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc tại tỉnh, đạt 111% kế hoạch. Tham gia 18/10 giải khu vực và toàn quốc, đạt 180% kế hoạch. Số huy chương các loại gồm 130 huy chương.

6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an toàn giao thông

Từ ngày 16/11-15/12/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 02 người, bị thương 04 người, giá trị tài sản thiệt hại ước tính 67 triệu đồng. Tổng số vụ tai nạn giao thông cộng dồn từ đầu năm 74 vụ, làm chết 38 người, bị thương 84 người. So với năm 2021, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Tình hình an toàn cháy nổ

Trong tháng 12 năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy nổ. Tính từ đầu năm, có 11 vụ cháy xảy ra (giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), tổng giá trị thiệt hại tài sản ước tính 2,88 tỷ đồng.

Vi phạm môi trường

Trong tháng 12 năm 2022 ngành chức năng đã phát hiện 14 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 03 vụ với số tiền xử phạt là 30 triệu đồng. Tính chung cả năm, số vụ vi phạm môi trường là 176 vụ, đã xử lý 100 vụ với số tiền xử phạt là 1.435,55 triệu đồng.

7. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ thiên tai làm 07 người chết, 02 người bị thương, 265 nhà bị hư hại, diện tích lúa bị thiệt hại 310,35 ha, diện tích hoa màu bị thiệt hại 556,725 ha, gia súc bị chết, cuốn trôi 1.082 con... Giá trị tài sản thiệt hại ước tính 45.411,15 triệu đồng./.

Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng