Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

(MPI) - Chiều ngày 28/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Tham dự buổi làm việc có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi làm việc để trực tiếp lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp nhằm rà soát các thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian, công sức và làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ ban hành văn bản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu tập trung đi thẳng vào vấn đề cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho nền kinh tế.

Tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu các nhóm vấn đề khó khăn, thách thức được xác định như thị trường xuất khẩu giảm mạnh nên quy mô sản xuất và lao động bị cắt giảm; các chi phí đầu vào của doanh nghiệp; dòng tiền, huy động vốn; yêu cầu của thị trường và đối tác về việc sản xuất sản phẩm mang tính bền vững như giảm thiểu cacbon dẫn đến áp lực cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn áp dụng.

Về các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, qua rà soát các hoạt động liên quan đến thủ tục đầu tư cho thấy, đối với các dự án sân gôn, theo quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân gôn quy định tại Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; Vướng mắc trong điều chỉnh chủ trương đầu tư do chưa có điều khoản chuyển tiếp đối với những dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành; chưa có tiêu chí, quy định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất khi ngân hàng phát mãi dự án thế chấp tại ngân hàng; Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Bên cạnh đó, các vướng mắc liên quan đến đất đai về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Về hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; Về giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chỉ có một Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Một số vướng mắc khác liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp; quy định về phòng cháy, chữa cháy; báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hàng không; xuất khẩu và chế biến thủy sản; dệt may; xây dựng; bia, rượu và nước giải khát; khoa học;… đã có những thông tin cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh; nêu các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, rào cản pháp lý làm giảm đầu tư của doanh nghiệp và đưa ra kiến nghị cụ thể. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, thị trường, đất đai, xây dựng, lao động, môi trường, visa, phòng cháy, chữa cháy; tiêu chuẩn, tiêu chí trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Đại diện Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đề cập đến vấn đề khó khăn của ngành do chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng và cạnh tranh giảm; các thị trường chính có dấu hiệu giảm; khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu; … Từ đó đưa ra kiến nghị liên quan đến chi phí sản xuất như giảm thuế nhập khẩu thức ăn cho ngành thủy sản; hoàn thuế GTGT; xem xét giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn vốn; tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho phép doanh nghiệp giãn nợ và gia hạn vay trong bối cảnh xuất khẩu giảm để các doanh nghiệp có nguồn vốn thu mua sản phẩm và chế biến lại; hỗ trợ tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, nâng cao năng lực khai thác, quản lý biển; vấn đề nước thải trang trại nuôi thủy sản;…

Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn; mong muốn tiếp tục có cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đồng thời đưa ra kiến nghị liên quan đến nội dung được quy định tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; việc huy động vốn ngoài xã hội là kênh quan trọng cho các nhà đầu tư, do vậy nên có hướng dẫn rõ hơn trong trường hợp liên danh để cùng đầu tư, đồng chủ đầu tư; xem xét, giải quyết các thủ tục bất cập liên quan đến xây dựng.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phát triển hoạt động của doanh nghiệp là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Qua các ý kiến cho thấy, nhiều nội dung liên quan đến các bộ chuyên ngành và với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phát huy tinh thần này, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp để trực tiếp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, tăng cường xuất khẩu…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Qua báo cáo của các hiệp hội cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm sản lượng, doanh thu, thị trường và trong thời gian tới chưa thể dự báo hết được tình hình, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường, nếu không nhanh chóng thích ứng, điều chỉnh các quyết sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung, ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách, việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến xã hội, an ninh trật tự… rất nhiều vấn đề đi theo. Do vậy, việc ổn định và phát triển, phục hồi doanh nghiệp là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm lại các nội dung được các hiệp hội doanh nghiệp tập trung cho ý kiến như thủ tục đầu tư; chi phí sản xuất; đất đai; tín dụng; thuế; phòng cháy, chữa cháy; phí công đoàn; giấy phép lao động;… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp ngay sau buổi làm việc, khẩn trương gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan, trong đó nêu rõ tình hình sản xuất hiện nay, các vướng mắc … Từ đó, đưa ra kiến nghị cụ thể, chính xác. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và đề xuất hướng xử lý. Đồng thời nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để giải quyết kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp trước khi đầu tư và trong quá trình hoạt động.

Nhiều vấn đề được các đại biểu nêu Chính phủ đã và đang tiếp tục sửa đổi, hoàn hiện các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ liên quan đến đấu thầu, đất đai, Chính phủ đang sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đất đai,… và mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, cho ý kiến vào các dự thảo. Chính phủ sẽ tổng hợp, trình Quốc hội thông qua với tinh thần khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn; gia nhập thị trường cũng như tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp và nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với tinh thần cầu thị, kiến tạo, đồng hành, tiếp tục lắng nghe ý kiến, giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

 

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư