Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng
Nội dung kiến nghị (số 18 tại văn bản số 272/VPCP-QHĐP):
Cử tri phản ảnh, hiện nay có nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động do thiếu vốn kinh doanh, cung và cầu không cân đối, hoạt động không hiệu quả dẫn đến phải giải thể. Tình trạng công nhân lao động mất việc làm khá nhiều, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn như hiện nay.
Trả lời:
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi trên thế giới… hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trên nhiều phương diện như: Tiếp cận khách hàng, dòng tiền, thuê lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn vốn. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ, thậm chí dừng hoạt động dẫn tới ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm khẩn trương khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội. Cụ thể như sau:
1.Về hỗ trợ doanh nghiệp
a. Các chính sách, giải pháp đã ban hành
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm các giải pháp hỗ trợ, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trong tháng 12 năm 2022, các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 04 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng liên quan đến: Hỗ trợ, cung ứng vốn cho nền kinh tế; giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và nhà ở; ổn định thị trường lao động, việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 03 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng.
- Liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí:
Trong năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định, ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 để quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 03 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung được UBTVQH giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN),... tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
- Liên quan đến đến các chính sách tín dụng, tiền tệ:
Năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, trong đó, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn như:
+ Chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực này; đồng thời, quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường;
+ Trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm như: Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Chính sách phát triển thủy sản theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 89/2015/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định số 813/QĐ-NHNN; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg,...;
+ Thực hiện tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
+ Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, đồng thời ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện;
+ Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 quy định về chính sách tín dụng ưu đãi (thông qua NHCSXH) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025, trong đó, quy định chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nông lâm nghiệp, phát triển vùng dược liệu quý.
Song song với các giải pháp về điều hành tín dụng, NHNN điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD thông qua các kênh cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các TCTD có đầy đủ nguồn vốn để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến ngày 31/12/2022, tín dụng tăng 14,17% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các nguồn vốn khác gặp khó khăn. Trong đó:
+ Tín dụng DNNVV đạt khoảng 2.186 nghìn tỷ đồng, tăng 8,28 % so với tháng 12/2021 với trên 206 nghìn DNNVV còn dư nợ.
+ NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho NHCSXH để cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP đạt 42,9 tỷ đồng; đã giải ngân tái cấp vốn số tiền gần 4.800 tỷ đồng để NHCSXH cho vay 3.561 lượt người sử dụng lao động trên 63 tỉnh, thành phố trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 1.218.948 lượt người lao động.
+ Đến cuối tháng 12/2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 52.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1.700 khách hàng.
b. Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới:
Năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới. Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, trong đó, có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và trong dài hạn nhằm tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân; đồng thời, đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường, cụ thể:
- Tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi như cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành để giúp doanh nghiệp, người dân giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí.
- Có giải pháp phù hợp hỗ trợ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than,… góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
- Có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế.
- Cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.
- Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
- Bộ Tài chính: (i) Tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của doanh nghiệp, tổ chức. (ii) Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành trung ương, địa phương về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
- Điều hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và các năm tiếp theo nhằm đảm bảo ổn định, minh bạch hoạt động thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia trên thị trường.
2. Về hỗ trợ người lao động
Ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại 06 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh); chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực theo các ngành, lĩnh vực. Qua khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất các chính sách, giải pháp kịp thời để hỗ trợ người lao động trong thời gian tới.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm ổn định thị trường lao động, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, như:
- Bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động;
- Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam;
- Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.
- Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững, trong đó: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.
- Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững;
- Tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;
- Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.
- Đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.
- Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động thông qua tổ chức thực hiện các giải pháp thu hút, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…cho người lao động; đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động; nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động; trước mắt tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư