Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai
1. Nội dung kiến nghị (số 18 và 19 tại văn bản số 499/BDN):
(1) Về điều kiện, quy trình thực hiện dừng chủ trương đầu tư dự án Đầu tư công:
- Điểm a khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định việc điều chỉnh dự án được thực hiện trong các trường hợp “Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;”.
- Khoản 1 Điều 35 Nghi ̣ định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định:“Dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án”.
- Khoản 3 Điều 1 Nghi ̣ định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán, dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định: “Quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, bao gồm các nhiệm vụ, dự án quy định tại khoản 1 Điều này sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.”
Về nguyên tắc, pháp luật về đầu tư công có đề cập tới việc thực hiện “dừng chủ trương đầu tư” của cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định hướng dẫn không quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, trình tự, thẩm quyền quyết định việc dừng chủ trương đầu tư dự án hoặc dừng thực hiện dự án. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung quy định về điều kiện, quy trình, trình tự thủ tục, thẩm quyền quyết định việc dừng chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét.
(2) Khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đề nghị trình bổ sung nội dung khoản 1 Điều 54 như sau: “Vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án, lập thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán công trình”.
Lý do: việc lập thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán công trình mất nhiều thời gian, nếu bố trí vốn thực hiện đầu tư thì năm đầu bố trí 20% vốn trên tổng mức đầu tư sẽ không sử dụng hết vốn của dự án; trường hợp bố trí ít sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Đối với kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tiếp thu và sẽ rà soát, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công.
2. Nội dung kiến nghị (số 20 tại văn bản số 499/BDN): Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản 3307/BGTVT-KHĐT ngày 28/3/2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi ứng trước kế hoạch và bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án cấp bách, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai (bổ sung vốn hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất, thực hiện theo Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội (26,117 tỷ đồng)).
Trả lời:
Theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải rà soát số vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi. Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có số vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi chịu trách nhiệm cân đối trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được giao hoặc vốn ngân sách địa phương để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước chưa thu hồi. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi, cụ thể: Theo đối chiếu, xác nhận của chủ đầu tư với Kho bạc Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải còn 63 dự án chưa hoàn trả kế hoạch vốn đã ứng trước là 2.496,198 tỷ đồng.
Ngày 28/3/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 3307/BGTVT-KHĐT về phương án cân đối nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước kế hoạch và các nhiệm vụ, dự án cấp bách đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; trong đó trước mắt đã cân đối từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải để hoàn trả 2.217,378 tỷ đồng vốn ứng trước kế hoạch. Như vậy, cần tiếp tục cân đối từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch là 278,820 tỷ đồng.
Việc bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền giao vốn cho dự án theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để trả lời cử tri./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư