Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị

Nội dung kiến nghị (số 39 tại văn bản số 4544/VPCP-QHĐP):

Cử tri đồng tình với Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các địa phương, trong đó, có tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn vốn, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi. Chính phủ cũng quan tâm đến việc doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, và cơ cấu lại dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ... Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục quyết liệt hơn nữa để thực hiện các giải pháp có hiệu quả nhằm tháo gỡ các vấn đề đang "nóng" nhất hiện nay của thị trường bất động sản gồm: thể chế và vốn, nếu tháo gỡ được vấn đề thể chế thì nhiều dự án được giải tỏa, dòng tiền được khơi thông, tạo đà phát triển của rất nhiều ngành, lĩnh vực khác trong xã hội và đặc biệt làm tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Trả lời:

1. Về thể chế

Thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước, với nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn từ các kênh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn của người mua nhà..., do một số quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bất động sản, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều Hội nghị, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như: (i) Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; (ii) Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ; (iii) Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; (iv) Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; (v) Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ; (vi) Các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, như: số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023 về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc và bất động sản; số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thị trường bất động sản, như:

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành: (i) Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; (ii) Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 về việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; (iii) Thực hiện giảm lãi suất điều hành 04 lần kể từ đầu năm 2023 để tạo điều kiện hỗ trợ hạ lãi suất cho vay giảm khoảng 1,5%-2% so với cùng kỳ năm trước…

- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành: Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT ngày 15/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính.

2. Về dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản

Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đối với dòng vốn tín dụng, trong giai đoạn từ 2020 đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản luôn có sự tăng trưởng và duy trì tỷ trọng trên tổng dư nợ tín dụng ở mức khoảng 20%. Về tỷ lệ tăng trưởng, 03 năm qua đều có sự tăng trưởng cao (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%, năm 2022 tăng 23,61%), là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất.

Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023; đồng thời, ban hành văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, đồng thời ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay nhằm tạo điều kiện triển khai nhanh Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện. Ngày 19/5/2023, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tiếp tục đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

3. Giải pháp trong thời gian tới

Để giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vẫn sẽ tiếp tục được tập trung đẩy mạnh và coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư