Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên
Nội dung kiến nghị (số 06 tại văn bản số 6614/VPCP-QHĐP):
Hiện nay, do biến động tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực bất ổn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất dẫn tới người lao động phải giảm giờ làm, phải nghỉ việc ảnh hưởng đến đời sống của công nhân, người lao động. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, khôi phục hoạt động, thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho công nhân, người lao động.
Trả lời:
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, khôi phục hoạt động, thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho công nhân, người lao động. Cụ thể như:
(1) Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng:
Hiện nay, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã có các quy định chi tiết về hỗ trợ DNNVV kết nối và mở rộng thị trường (miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, hỗ trợ chi phí tư vấn về đăng ký tài khoản bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tìm kiếm thông tin, quảng bá, phát triển thương hiệu, chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, chi phí thuê địa điểm, thiết kế dàn dựng gian hàng…).
Bên cạnh đó, các khoá đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số, áp dụng thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng hiệu quả thông qua các nền tảng trực tuyến và hội chợ thương mại tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thông qua các nguồn lực quốc tế) đẩy mạnh triển khai cho các DNNVV. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 1.600 DNNVV được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực liên quan tới mở rộng thị trường.
Về hỗ trợ nâng cấp năng lực cho DNNVV tham gia chuỗi giá trị: Nhằm hỗ trợ các DNNVV nâng cao năng lực nội tại, từng bước tham gia chuỗi liên kết trong nước, khu vực và thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa; thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp và các hãng toàn cầu như Samsung, Toyota, Honda, Kia, Mazda,..; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Đến nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Các hoạt động nâng cấp kỹ thuật cho DNNVV để giới thiệu cho các doanh nghiệp đầu chuỗi từ một số thị trường chính như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hongkong và Việt Nam cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực triển khai thông qua một số nguồn lực quốc tế.
(2) Về hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng, miễn, giảm thuế:
Thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 8 Luật Hỗ trợ DNNVV, xác định DNNVV là một trong những lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV. Các TCTD đã có sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động cấp tín dụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các DNNVV như: (i) Xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; (ii) Đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho DNNVV; (iii) Cân đối khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022, đến nay, mặt bằng lãi suất đã dần ổn định; miễn, giảm thuế , hỗ trợ lãi suất cho khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh , hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động , gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước . Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2023, thuế VAT giảm 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng, có 36 loại phí, lệ phí được giảm ; giãn hoãn tiền nộp thuế đất, tiền thuê mặt nước ; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhiều mặt hàng xuống 50%-70% .
(3) Về chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Hỗ trợ DNNVV: “Căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho DNNVV phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DNNVV tiếp cận quỹ đất như quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung.
Song song với đó, nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh thuận lợi.
(4) Về hỗ trợ đào tạo cho DNNVV
Các hoạt động hỗ trợ đào tạo cho DNNVV vẫn tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai và ngày càng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của DNNVV, bám sát xu thế và bối cảnh mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến cho DNNVV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng từ năm 2018 với các bài giảng trực tuyến phong phú về nội dung, bao gồm các vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp như: khởi nghiệp sáng tạo, marketing số, quản trị tài chính, kế toán, nhân sự, quản trị sản xuất, tư duy chiến lược và kỹ năng lãnh đạo, chuyển đổi số, quản trị chuỗi cung ứng. Đến nay, Hệ thống đã được cập nhật với 74 chuyên đề đào tạo (916 clip bài giảng, mỗi clip từ 7-10 phút, gần 400 tài liệu tham khảo và 1.278 tài nguyên học tập trên hệ thống). Hệ thống đã thu hút hơn 10.000 học viên đăng ký (trung bình từ 7-10 doanh nghiệp đăng ký mới/tuần) với khoảng hơn 1.336.564 lượt tương tác trải nghiệm các khóa học trực tuyến.
Các khoá đào tạo chuyên sâu và đào tạo tại doanh nghiệp được các đơn vị tổ chức dựa trên yêu cầu thực tiễn của ngành nông nghiệp, gắn với tính đặc thù của từng địa phương, lĩnh vực, ngành hàng./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư