Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 tỉnh Cao Bằng
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 9 năm 2023 tập trung làm cỏ, bón phân và chăm sóc các loại cây trồng vụ mùa, đồng thời thu hoạch các cây trồng sớm vụ mùa như: ngô và các loại rau, đậu... Trong tháng, thời tiết thuận lợi, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Tính đến ngày 15/9 diện tích gieo trồng các loại cây vụ mùa đạt được như sau: cây lúa mùa gieo trồng được 26.127 ha, giảm 1,65% hay giảm 439 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở các huyện: Trùng Khánh, Thạch An, Hạ Lang... Diện tích gieo trồng lúa giảm do thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, lượng mưa ít thiếu nước sản xuất vì vậy một số diện tích gieo cấy lúa được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm khác như: ngô, đậu tương, lạc… Cây ngô trồng được 15.885 ha, tăng 3,18% hay tăng 490 ha so với cùng kỳ năm trước; khoai lang trồng được 882 ha, tăng 0,11% hay tăng 1 ha; mía trồng được 2.761 ha, giảm 0,61% hay giảm 17 ha; đậu tương trồng được 1.777 ha, tăng 7,31% hay tăng 121 ha; lạc trồng được 1.464 ha, tăng 0,48% hay tăng 7 ha; rau các loại trồng được 2.073 ha, giảm 0,29% hay giảm 6 ha. Hiện nay, các cây trồng vụ mùa phát triển tốt và được bà con nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại để đạt kết quả tốt nhất về năng suất, sản lượng.
Trong 9 tháng năm 2023, do diễn biến phức tạp của thời tiết, tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất nghiêm trọng một số diện tích gieo trồng vụ đông xuân bị mất trắng ảnh hưởng sản lượng thu hoạch của các cây trồng; bước sang vụ mùa thời tiết tiếp tục nắng hạn kéo dài làm chậm tiến độ gieo trồng và sự phát triển các loài cây. Song được sự lãnh chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành về việc thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn do thời tiết gây ra; thực hiện khung thời vụ theo đúng kế hoạch; lập kế hoạch tưới tiêu theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng; bên cạnh đó còn có sự cố gắng nỗ lực của người dân vì vậy ngành nông nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng toàn tỉnh đạt được như sau:
Vụ mùa: Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2023 ước tính đạt 58.371 ha, giảm 0,03% hay giảm 19 ha so với cùng vụ năm trước, giảm chủ yếu ở một số cây trồng như: lúa, sắn, gừng, nghệ, thạch đen... Nhóm cây lương thực có hạt trồng được 42.013 ha, tăng 0,12% hay tăng 50 ha so với cùng vụ năm trước, số tăng chủ yếu là cây ngô, tăng 3,18% hay tăng 490 ha ở các huyện: Trùng Khánh, Thạch An, Hà Quảng, Nguyên Bình... Cây lúa giảm 1,65% hay giảm 439 ha so cùng vụ năm trước. Nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng được 3.253 ha, tăng 4,06% hay tăng 127 ha so với vụ mùa năm 2022, trong đó cây đậu tương tăng 7,31% hay tăng 121 ha; cây lạc tăng 0,48% hay tăng 7 ha so cùng vụ năm trước, diện tích tăng là do trong năm một số huyện có dự án đầu tư giống đỗ tương lai.
Ước tính năng suất và sản lượng một số cây trồng chính vụ mùa như sau: Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2023 ước tính đạt 174.967 tấn, tăng 0,55% hay tăng 955 tấn so cùng vụ năm trước. Trong đó: cây lúa năng suất bình quân ước đạt 46,76 tạ/ha, tăng 0,73% so với cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 122.181 tấn, giảm 0,91% hay giảm 1.125 tấn so với cùng vụ năm trước; cây ngô năng suất ước đạt 33,23 tạ/ha, tăng 0,88%; sản lượng ước đạt 52.785 tấn, tăng 4,1% hay tăng 2.079 tấn; cây đậu tương năng suất ước đạt 10,07 tạ/ha, giảm 0,3%; sản lượng ước đạt 1.789 tấn, tăng 6,93% hay tăng 116 tấn; cây lạc năng suất ước đạt 15,9 tạ/ha, tăng 3,79%; sản lượng ước đạt 2.328 tấn, tăng 4,3% hay tăng 96 tấn so với cùng vụ năm 2022 do diện tích gieo trồng và năng suất tăng.
Cả năm: Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 96.500 ha, tăng 0,18% hay tăng 178 ha so với năm 2022. Trong đó: nhóm cây lương thực có hạt gieo trồng được 71.262 ha, giảm 0,35% hay giảm 248 ha; nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng được 4.050 ha, tăng 3,05% hay tăng 120 ha; cây thuốc lá trồng được 3.772 ha, tăng 14,55% hay tăng 479 ha; cây mía trồng được 2.761 ha, giảm 0,61% hay giảm 17 ha.
Ước tính năng suất và sản lượng một số cây trồng chính như sau: tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 ước đạt 288.943 tấn, giảm 3,36% hay giảm 10.036 tấn so năm trước. Trong đó: cây lúa cả năm năng suất ước đạt 46,95 tạ/ha, giảm 0,15%; sản lượng ước đạt 139.427 tấn, giảm 2,06% hay giảm 2.937 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây ngô năng suất ước đạt 36 tạ/ha, giảm 5,29% so với năm trước; sản lượng ước đạt 149.497 tấn, giảm 4,53% hay giảm 7.098 tấn so với năm 2022. Cây đậu tương năng suất đạt 9,79 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2.190 tấn, tăng 3,99% hay tăng 84 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây lạc năng suất đạt 15,34 tạ/ha, tăng 4,5%; sản lượng ước đạt 2.757 tấn, tăng 7,11% hay tăng 183 tấn do diện tích gieo trồng và năng suất cây trồng tăng. Cây thuốc lá, năng suất đạt 26,43 tạ/ha, tăng 1,61%; sản lượng đạt 9.971 tấn, tăng 16,42% hay tăng 1.406 tấn so với năm 2022. Cây mía năng suất ước đạt 642,17 tạ/ha, tăng 2,95%; sản lượng đạt 177.306 tấn, tăng 2,33% hay tăng 4.039 tấn.
Cây lâu năm
Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm 9 tháng năm 2023 hiện có là 10.305 ha, tăng 0,98% hay tăng 100 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây ăn quả khác và cây dược liệu (cây mác ca tăng 33 ha; cây hồi tăng 57 ha). Trong đó: nhóm cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 6.683 ha, tăng 0,95% hay tăng 63 ha; nhóm cây ăn quả hiện có 2.984 ha, tăng 1,32% hay tăng 39 ha so với cùng kỳ; nhóm cây lâu năm khác diện tích hiện có 411 ha, giảm 0,96% hay giảm 4 ha so với cùng kỳ; nhóm cây chè và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 227 ha, tăng 0,95% hay tăng 2 ha. Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 9 tháng 2023 như sau: cây chuối thu hoạch đạt 2.443 tấn, tăng 88 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 527 tấn, tăng 19 tấn; thanh long thu hoạch đạt 473 tấn, tăng 24 tấn; lê/cọt thu hoạch đạt 722 tấn, tăng 70 tấn; chè búp thu hoạch đạt 278 tấn, tăng 13 tấn; hồi thu hoạch đạt 3.110 tấn, tăng 162 tấn…
Chăn nuôi
Tổng đàn trâu hiện có 106.105 con, tăng 0,51% hay tăng 543 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 104.196 con, tăng 0,28% hay tăng 292 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng lũy kế từ đầu năm 1.523 tấn, tăng 2,54% hay tăng 38 tấn (6 tháng đầu năm tăng 3,32%, quý III tăng 1,07%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng lũy kế từ đầu năm đạt 1.556 tấn, tăng 1,17% hay tăng 18 tấn (6 tháng đầu năm tăng 1,16%, quý III tăng 1,2%).
Tổng số lợn hiện có 323.034 con, tăng 3,79% hay tăng 11.796 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng lũy kế từ đầu năm đạt 20.208 tấn, tăng 4,24% hay tăng 823 tấn (6 tháng đầu năm tăng 4,93%, quý III tăng 2,5%).
Tổng số gia cầm hiện có 3.064,14 nghìn con, tăng 2,37% hay tăng 70,87 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng lũy kế từ đầu năm đạt 5.078 tấn, tăng 1,49% hay tăng 75 tấn (6 tháng đầu năm tăng 1,87%, quý III tăng 0,87%); sản lượng trứng gia cầm lũy kế từ đầu năm đạt 29.243 nghìn quả, giảm 2,37% hay giảm 711 nghìn quả (6 tháng đầu năm giảm 3,87%, quý III tăng 0,74%).
Từ đầu năm đến ngày 11/9/2023, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch và có chiều hướng phức tạp trở lại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh làm mắc và buộc tiêu huỷ 592 con với tổng trọng lượng là 32.891 kg (riêng tháng 9 làm mắc và buộc tiêu hủy 470 con lợn với trong lượng 27.266 kg), ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 36 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi...; 208 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng...; 1.487 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...
2. Lâm nghiệp
Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đến 30/9/2023 đạt 1.340 ha, giảm 45,81% hay giảm 1.133 ha so với cùng kỳ năm 2022 (6 tháng đầu năm giảm 42,51%, quý III giảm 53,7%). diện tích rừng trồng mới giảm nhiều do thời tiết khô hạn, khó khăn trong khâu làm đất, một số diện tích trồng xong không có mưa ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2023 ước đạt 11.696 m3, giảm 38,81% hay giảm 7.419 m³ so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm giảm 31,34%, quý III giảm 47,64%); sản lượng củi khai thác ước đạt 601.188 ste, tăng 0,84% hay tăng 4.986 ste (6 tháng đầu năm tăng 1,09%, quý III tăng 0,32%).
Trong 9 tháng năm 2023 toàn tỉnh có 66,45 ha diện tích rừng bị thiệt hại (6 tháng đầu năm thiệt hại 45,42 ha, quý III thiệt hại 21,03 ha), bao gồm: diện tích rừng bị cháy 33,91 ha; diện tích rừng bị chặt, phá 32,54 ha.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 443 tấn, tăng 0,87% hay tăng 4 tấn so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm tăng 0,35%, quý III tăng 1,7%) trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 351 tấn, giảm 0,24% hay giảm 1 tấn (6 tháng đầu năm giảm 1,62%, quý III tăng 2,01%); sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 92 tấn, tăng 5,34% hay tăng 5 tấn (6 tháng đầu năm tăng 8,66%, quý III tăng 0,56%) so với cùng kỳ năm trước.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 9/2023 ước tính giảm 5,94% so với tháng trước và tăng 0,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất 215,63%, cụ thể là ngành sản xuất kim loại do tháng 9 năm 2022 công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng gặp sự cố lò, ngừng sản xuất; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,12%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,27%; ngành khai khoáng giảm sâu 62,02% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giảm ở khai thác quặng kim loại do thời tiết trong tháng không thuận lợi cho việc khai thác ngoài trời.
Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,91%, quý II giảm 15,91%, quý III tăng 9,65%); chỉ số giảm chủ yếu là ngành sản xuất và phân phối điện, giảm 23,68% (quý I giảm 31,66%, quý II giảm 57,71%, quý III tăng 8,15%) do những 6 tháng đầu năm thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, dung lượng nước thấp ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất điện. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,19% (quý I giảm 3,77%, quý II giảm 1,03%, quý III tăng 1,4%). Ngành chế biến, chế tạo tăng 28,12% (quý I tăng 14,77%, quý II tăng 33,86%, quý III tăng 41,77%). Ngành khai khoáng tăng 10,69% (quý I tăng 45,16%, quý II tăng 19,79%, quý III giảm 27,34%).
Các sản phẩm sản xuất 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022: xi măng tăng 188,21%; cát tự nhiên các loại tăng 94,59%; sắt thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) tăng 63,45%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 44,59%; chiếu trúc, chiếu tre tăng 30,02%; đá xây dựng tăng 24,14%; sản phẩm in khác tăng 7,27%; gạch xây tăng 6,76%; nước uống được tăng 0,23%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 46,77%; điện sản xuất giảm 27,47%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 22,22%; nước tinh khiết giảm 17,72%; điện thương phẩm giảm 0,2%.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III năm 2023 theo giá hiện hành ước thực hiện được 2.130,75 tỷ đồng, tăng 25,73% so với quý trước và giảm 16,17% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước thực hiện được 5.375,42 tỷ đồng, giảm 9,52% so với cùng kỳ năm 2022. Bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 3.250,95 tỷ đồng, tăng 23,33%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.121,67 tỷ đồng giảm 35,37%, vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,8 tỷ đồng, giảm 87,33%.
Trong vốn đầu tư khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm ước thực hiện 2.553,24 tỷ đồng, tăng 45,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.376,78 tỷ đồng, tăng 41,53% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.149,35 tỷ đồng, tăng 35,17%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 227,43 tỷ đồng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước do thay đổi nhiệm vụ chi của Sở Tài chính.
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2023 ước đạt 943,4 tỷ đồng, tăng 5,31% so với tháng trước và tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.885,92 tỷ đồng, tăng 32,98% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.969,83 tỷ đồng, tăng 23,27% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 26,03%; hàng may mặc tăng 85,06%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 34%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 89,83%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 35,49%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 13,54%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 21,71%; chỉ có nhóm mặt hàng xăng, dầu các loại giảm 15,11%. Hoạt động bán lẻ hàng hoá tăng trưởng tốt nhờ đảm bảo nguồn cung và giá cả các loại mặt hàng trên thị trường ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng mạnh ước đạt 1.387,25 tỷ đồng, tăng 93,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 134,01 tỷ đồng, tăng 94,98%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.253,24 tỷ đồng, tăng 93,29%. Du lịch hồi phục và các dịch vụ ăn uống ngày càng được đầu tư, mở rộng đã góp phần hồi phục nhóm ngành này so với năm 2022.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 8,04 tỷ đồng, tăng 136,68% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên doanh thu đạt được vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng mức.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 520,8 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước. Các loại hình dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng giảm 0,1% so với tháng trước; giảm 0,71% so với cùng tháng năm trước; tăng 0,26% so với tháng 12 năm trước; tăng 1,4% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng tháng 9 năm 2023 tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 9,93% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng tăng 3,28% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 9 năm 2023 tăng 1,61% so với tháng trước, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 năm 2023 ước đạt 34,57 tỷ đồng, tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 15,93% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 305,79 tỷ đồng, tăng 34,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 81,38%; doanh thu vận tải hàng hóa tăng 16,54%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 6,84%.
Vận tải hành khách
Dự ước tháng 9 năm 2023 số lượt hành khách vận chuyển đạt 256 nghìn lượt hành khách, tăng 1,74% so với tháng trước, tăng 37,86% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 13.313 nghìn HK.Km tăng 1,71% so với tháng trước, tăng 49,34% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách trong 9 tháng năm 2023 ước tính số lượt vận chuyển đạt 1.506,8 nghìn hành khách và số lượt luân chuyển đạt 105.819,6 nghìn HK.Km, so với cùng kỳ năm trước tăng 31,14% số hành khách vận chuyển và tăng 49,34% số hành khách luân chuyển.
Vận tải hàng hoá
Dự ước khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9 năm 2023 đạt 152,8 nghìn tấn hàng hóa, tăng 8,89% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 6.020 nghìn tấn.km, tăng 0,95% so với tháng trước, tăng 45,85% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2023, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 1.204 nghìn tấn hàng hóa, tăng 19,35%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 60.122 nghìn tấn.km, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm trước.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Tình hình đời sống dân cư
Trong 9 tháng đầu năm 2023, việc cải cách, sửa đổi bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng áp dụng từ ngày 01/7/2023 đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo đó, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 12,5% đến 20,8%. Ngoài ra, việc giải quyết các chế độ ưu đãi khác cũng được thực hiện đầy đủ như chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác, làm việc tại các xã có điều kiện khó khăn trong 5 năm theo quy định.
Công tác an sinh xã hội
Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 16 tỷ đồng; tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 3,1 tỷ đồng; tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí 10,1 tỷ đồng. Trong đó quà của Chủ tịch nước nhân dịp tết Nguyên đán năm 2023 cho 7.888 đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng.
Cấp 385.208 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ cận nghèo.
Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.416 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền 93,4 tỷ đồng.
2. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Luỹ tích từ ngày 04/02/2020 đến ngày 13/9/2023, tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 601.093 mẫu, trong đó có 99.393 mẫu dương tính. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 31/8/2023 là 1.344.113 mũi.
Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm làm 43 người mắc, 18 người đi viện, có 01 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm đã được điều tra theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
3. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15/8 đến ngày 14/9/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông, làm 01 người chết, 02 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 22 người bị chết (giảm 02 người), 71 người bị thương (tăng 13 người).
Tình hình an toàn cháy, nổ
Tháng 9 năm 2023, không phát sinh cháy, nổ trên địa bàn tỉnh. Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 07 vụ cháy, nổ với tổng giá trị thiệt hại ước tính 2,96 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ cháy nhưng tổng giá trị thiệt hại tăng gấp 2 lần.
Vi phạm môi trường
Trong tháng 9 năm 2023 ngành chức năng đã phát hiện 03 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 04 vụ với số tiền xử phạt là 83,75 triệu đồng. Tính chung 9 tháng năm 2023, số vụ vi phạm môi trường là 90 vụ, đã xử lý 66 vụ với số tiền xử phạt là 431,35 triệu đồng.
4. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 9 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 02 vụ thiên tai do mưa lớn gây sạt lở đất, tuy nhiên không gây thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 7,5 tỷ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền, công lao động đối với những gia đình bị thiệt hại.
/.
Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng