Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Ngày 22/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước
Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam ngày 21/6/2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch: Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiều về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm bình quân 1 -1,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 0,5 - 1%/năm (giai đoạn 2026-2030). Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; phấn đấu có trên 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, trong đó với ngành công nghiệp, tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn.
Tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Về ngành thương mại - dịch vụ, phấn đấu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, chất lượng cao, đẳng cấp, có giá trị gia tăng lớn; thúc đẩy du lịch thông minh gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch và trong các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông. Phát triển thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo, số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh; thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ tổng hợp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ tại các vùng đô thị và ven biển có khu du lịch phát triển; tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các hình thức bán buôn và bán lẻ phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng địa phương.
Về khoa học và công nghệ, quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để từng bước đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính của sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh đồng bộ cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ.
Đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực
Phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 06 vùng không gian kinh tế động lực với định hướng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội theo đặc trưng cho từng vùng để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, cụ thể là Vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ; Vùng động lực công nghiệp của tỉnh; Vùng kinh tế sinh thái biển; Vùng kinh tế rừng xanh; Vùng kinh tế nông nghiệp; Vùng kinh tế biển đảo.
Các hành lang kinh tế chiến lược gồm Hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang); Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y); Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng)./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư