Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: quy hoạch tỉnh Hà Giang hướng tới xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện
(MPI) - Tham dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 18/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ xúc động và vui mừng với vai trò từng là người lính trên mảnh đất này khi thời gian chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên vô cùng ác liệt cách đây 40 năm.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh và mong muốn trên cơ sở quy hoạch này, Hà Giang sẽ tổ chức tốt nhất việc triển khai thực hiện theo mục tiêu, định hướng mà quy hoạch đã đề ra để Hà Giang cùng với các địa phương khác trong vùng và cả nước phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Đồng thời nhấn mạnh, Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước.
Tỉnh là cửa ngõ phía Bắc, kết nối thuận lợi với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc; có tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng; có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử.
Người dân Hà Giang có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện, mến khách và đặc biệt là niềm tự hào, bản lĩnh, luôn khát vọng vươn lên.
Bên cạnh đó, Hà Giang cũng có không ít khó khăn, thách thức như địa hình đồi núi, hiểm trở, chia cắt, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, không gian phát triển hạn chế; Nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; Hạ tầng giao thông rất khó khăn; Nhiều lĩnh vực như kinh tế biên mậu, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững.
Xác định được tầm quan trọng của quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội; với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vượt khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tỉnh Hà Giang được thực hiện với quy trình chặt chẽ, đúng quy định; với sự chỉ đạo, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh; thể hiện được tư tưởng đổi mới, với tư duy, tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang với mục tiêu phát triển hướng tới xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%. Quy hoạch đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng việc tăng cường công tác giữ đất, giữ rừng, giữ dân; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với đó, quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thể hiện sự bứt phá, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra tiềm năng mới, không gian mới, động lực mới và các giá trị mới, cụ thể: thể hiện rõ định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa.
“Điều này có ý nghĩa không chỉ giúp Hà Giang bứt phá, phát triển mà Hà Giang còn có sứ mệnh kết nối cho các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt và hấp dẫn; Phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao với 2 định hướng đảm bảo về an ninh lương thực, thực phẩm; Thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng; Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù, Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn; đồng thời đây cũng chính là cơ hội quý để mở đường cho Hà Giang phát triển.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Hà Giang cần quan tâm chú ý một số vấn đề. Trước hết, cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thứ hai, vấn đề quan trọng là phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Tỉnh phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, kết hợp với sự huy động các nguồn lực từ nội sinh; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư để thực hiện quy hoạch.
Thứ ba, trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai.
Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; trước hết tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 1 từ Tuyên Quang - Tân Quang (Bắc Quang); đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được nghiên cứu chuẩn bị dự án giai đoạn 2 từ Tân Quang - Thành phố Hà Giang và cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.
Các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị, hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp), hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin cấp thiết, các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, đảm bảo quốc phòng - an ninh... Các dự án, công trình có ỹ nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế rừng.
Thứ tư, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch.
Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển.
Chú trọng việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của Hà Giang; phát triển con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” cùng với khát vọng vươn lên, tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; góp phần tạo nên cuộc sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023, trong đó đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8%/năm; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 22-23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29%; dịch vụ chiếm khoảng 43-44%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 6.000 tỷ đồng; khách du lịch đạt khoảng 5 triệu lượt người.
Đến năm 2050, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng an ninh…/.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư