Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP với chủ đề cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 29/02/2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm thúc đẩy triển khai có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia.

Hội nghị nhằm giới thiệu những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp và các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai Nghị quyết.

Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hằng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP). Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01 nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn. Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp; và vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ hạng 72 (năm 2023). Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng.

Đáng chú ý là tình hình doanh nghiệp năm 2023 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi.

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 01/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Thực tế này cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn; và hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02 kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Ảnh: MPI

Hội nghị được nghe đại diện Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm lược những điểm mới của Nghị quyết số 02 năm 2024; sơ lược tình hình triển khai Nghị quyết trong 02 tháng đầu năm và một số vấn đề lưu ý.

Tại Nghị quyết số 02 năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.

Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có những giải pháp có thể thực hiện ngay; có những giải pháp cần có sự phối hợp và hoàn thiện trong dài hạn hơn.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể như đại diện Tổng cục thuế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh,… đã có những chia sẻ về kinh nghiệm và kế hoạch triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; Kế hoạch cải cách quy định và TTHC thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; kinh nghiệm cải cách và những kỳ vọng về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP để tạo điểm tựa cho doanh nghiệp; sự trông chờ của cộng đồng doanh nghiệp vào thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP. Các ý kiến phát biểu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các đề xuất cụ thể để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh khá tích cực từ phía chính quyền; Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị như Nghị quyết 93/NQ-CP; Nghị quyết 31/NQ-CP; Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, …Cùng với đó, các Bộ vẫn đang triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ; Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ thực hiện rà soát hằng năm để bãi bỏ, sửa đổi các quy định bất cập.

Từ năm 2021 đến cuối 2023, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ vậy, các tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn; phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn; đăng ký kinh doanh đơn giản hơn, nhiều quy định vướng mắc được kịp thời sửa đổi; Tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh đến những điểm nổi bật của Nghị quyết 02, những cải cách lan tỏa của địa phương và đề nghị tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp; bổ sung chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; giải quyết việc làm, từ đó có thu nhập, mở rộng dung lượng thị trường từ đó tạo ra tăng trưởng có tính bao trùm hơn; chú trọng khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến, những chia sẻ, đóng góp của các đại biểu để cùng chung sức xây dựng và thực thi hiệu quả chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và các bên liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai Nghị quyết số 02 một cách thực chất, hiệu quả trong thời gian tới; đẩy mạnh cải cách thể chế hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các ý kiến đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 19 và nay là Nghị quyết 02, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều hoạt động tích cực; Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tích cực triển khai và đã đạt được kết quả; các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra giám sát theo tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền số; trên dịch vụ công quốc gia trực tuyến;...

Thứ tưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Năm 2024 được dự báo bên cạnh những thuận lợi thì vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng cấp bách hơn để doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, cạnh tranh thuận lợi. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị quyết số 02, tham mưu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 và các nghị quyết có liên quan.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng.

Cùng với đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết; xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực thi để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.

Có cơ chế tạo động lực khuyến khích các nỗ lực và sáng kiến cải cách hiệu quả. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để kịp thời cập nhật và báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 02. Đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn, thường xuyên hơn.

Đối với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng đề nghị cần chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả; phối hợp, trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh.

Trên cơ sở các báo cáo, phản ánh và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu một số đề nghị cụ thể và khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư