Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 năm 2024 tỉnh Cao Bằng

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tốc độ phát triển Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã giảm bớt nhưng động lực tăng trưởng của các ngành kinh tế như: nông lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp, xây dựng, đầu tư… vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan tác động: yếu tố biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, hạn hán diễn biến khó lường, khắc nghiệt hơn; xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và sự bùng nổ của giá cả trong khi lạm phát tăng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Trong năm 2023, đóng góp vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế chủ yếu là các ngành thuộc khu vực dịch vụ với mức tăng 6,61%, đóng góp 3,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,71%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng âm giảm 7,88%, làm giảm 1,62 điểm phần trăm (ngành công nghiệp giảm 6,2%, làm giảm 0,52 điểm phần trăm; ngành xây dựng giảm 9,02%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,32%, đóng 0,13 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, theo giá hiện hành GRDP năm 2023 ước tính đạt 22.747 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 41,52 triệu đồng, tăng 1,93 triệu đồng so với năm 2022. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.824 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.133 tỷ đồng, chiếm 18,17%; khu vực dịch vụ đạt 12.928 tỷ đồng, chiếm 56,83%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 862 tỷ đồng, chiếm 3,79%.  

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là lĩnh vực trồng trọt do chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, nắng nóng và khô hạn kéo dài, thiếu nước sản xuất nhưng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn bà con nông dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết, vì vậy đã đem lại kết quả nhất định, diện tích và năng suất nhiều loại cây trồng trọng điểm của tỉnh đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm trước như: thuốc lá, ngô…; chăn nuôi phát triển tốt, tổng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất thuỷ sản tăng nhẹ, lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Nông nghiệp

Cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 96.066 ha, giảm 0,27% hay giảm 256 ha so với cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu ở một số cây trồng như: cây lúa, đậu tương, lạc, sắn, thạch đen, mía và một số cây hàng năm khác. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 288.571 tấn, giảm 3,48% hay giảm 10.408 tấn; sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 527kg/người.

Cây lâu năm

Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 10.460 ha, tăng 2,2% hay tăng 225 ha so năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây gia vị, cây dược liệu và nhóm cây ăn quả (cây hồi tăng 183 ha, cây mắc ca tăng 57 ha; cây sa nhân tím trồng được 58 ha). Trong đó: cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 6.810 ha, so với năm trước tăng 2,56% hay tăng 170 ha; cây ăn quả diện tích hiện có 3.013 ha, so với năm trước tăng 2% hay tăng 59 ha; cây lâu năm khác diện tích hiện có 410 ha, giảm 1,2% hay giảm 5 ha; chè búp và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 227 ha, tăng 0,44% hay tăng 1 ha so với năm 2022.

Ước tính sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính năm 2023 so với năm 2022 như sau: cây chuối thu hoạch đạt 2.796 tấn, tăng 62 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 794 tấn, tăng 18 tấn; thanh long thu hoạch đạt 588 tấn, tăng 7 tấn; mận thu hoạch đạt 871 tấn, giảm 6 tấn; chè búp thu hoạch đạt 290 tấn, giảm 9 tấn; hồi thu hoạch đạt 3.565 tấn, giảm 261 tấn…

Chăn nuôi

Năm 2023 ngành chăn nuôi tương đối ổn định, đàn gia súc, gia cầm được người dân đầu tư chăm sóc; các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi được các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó trong năm đàn gia súc, gia cầm tăng so với năm 2022. 

Tổng đàn trâu hiện có 106.904 con, tăng 0,52% hay tăng 550 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2.147 tấn, giảm 1,33% hay giảm 29 tấn (6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,32%; quý III giảm 5,86%; quý IV giảm 4,05%).

Tổng đàn bò hiện có 104.369 con, tăng 3,42% hay tăng 3.450 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.249 tấn, giảm 2,22% hay giảm 51 tấn (6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,16%; quý III giảm 4,26%; quý IV giảm 6,04%).

Tổng số lợn hiện có 337.934 con, tăng 3,16% hay tăng 10.355 con so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 27.442 tấn, tăng 3,36% hay tăng 839 tấn (6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,93%; quý III tăng 6,97%; quý IV giảm 2,44%).

Tổng số gia cầm hiện có 3.052,71 nghìn con, tăng 0,61% hay tăng 18,45 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 6.793 tấn, tăng 0,7% hay tăng 47 tấn (6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,87%, quý III tăng 0,88%, quý IV giảm 1,57%); sản lượng trứng gia cầm đạt 40.003 nghìn quả, tăng 2,24% hay tăng 878 nghìn quả.

2.2. Lâm nghiệp   

Năm 2023, diện tích rừng trồng mới ước tính đạt 1.921 ha, so với năm trước giảm 37,26% hay giảm 1.141 ha, các loại giống cây lâm nghiệp được đưa vào trồng chủ yếu là thông, quế, mỡ, sa mộc, sở, keo, lát ...

Tổng số gỗ khai thác ước tính năm 2023 là 16.547 m³, so với cùng kỳ năm trước giảm 31,83% hay giảm 7.726 m³. Nguyên nhân sản lượng gỗ được khai thác giảm là do số diện tích đến tuổi khai thác giảm. Củi khai thác đạt 792.751 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,75% hay tăng 5.902 ste; củi khai thác hiện nay phần lớn được tận thu từ cành, ngọn cây khi khai thác gỗ là chủ yếu.

Ngoài ra, các loại lâm sản khác đem lại hiệu quả kinh tế cao nên được bà con tăng cường khai thác để phục vụ gia đình và trao đổi trên thị trường như: tre tăng 11,1%; luồng, vầu tăng 7,75%; trúc tăng 0,4%; lá dong tăng 14,45%; vỏ quế tăng 5,78%; hạt trẩu tăng 120,2%; quả trám tăng 1,35%...

Trong năm 2023, toàn tỉnh có 69,2 ha diện tích rừng bị thiệt hại bao gồm: 33,91 ha do cháy rừng (6 tháng đầu năm 2023 cháy 25,12 ha; quý III cháy 8,79 ha); 35,29 ha do chặt phá rừng (6 tháng đầu năm 2023 bị chặt, phá 20,3 ha; quý III bị chặt, phá 12,24 ha; quý IV bị chặt, phá 2,75 ha). 

2.3. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 607,89 tấn, tăng 0,97% hay tăng 5,86 tấn so với năm 2022, trong đó: sản lượng cá đạt 589,28 tấn, tăng 0,66%; tôm 2,41 tấn, giảm 2,82% và một số loại thủy sản khác đạt 16,2 tấn, tăng 14,75% so với năm 2022.

3. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất ngành công nghiệp vẫn duy trì ổn định. Trong năm ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thêm sản phẩm mới vì vậy chỉ số sản xuất của hai ngành này tăng so với năm trước. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm sâu so với cùng kỳ năm trước do khô hạn, lưu lượng nước thấp ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất; ngành cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm nhẹ.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 12/2023 ước tính tăng 13,19% so với tháng trước và giảm 8,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng giảm 17,12%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,18%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,99%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 1,34% so với năm 2022, chỉ số tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành khai khoáng tăng 29,29% so với cùng kỳ năm trước do trong năm 2023 ngành khai thác kim loại có thêm sản phẩm quặng niken đồng của công ty Cổ phần khoáng sản Tấn Phát bắt đầu đi vào khai thác từ tháng 6. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,07%, chủ yếu ở ngành sản xuất kim loại tăng 36,41% và ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,21% do trong năm công ty Cổ phần xi măng - xây dựng công trình Cao Bằng phát triển thêm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 26,49% do thời tiết nắng nóng, lượng mưa ít hơn trung bình của nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công suất của các nhà máy sản xuất điện. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,99%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Trong năm 2023 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tổng số vốn đăng ký lại tăng 60%; số doanh nghiệp quay trở lại và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể cũng tăng lên đáng kể. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 17,65% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 khó khăn hơn quý III/2023; 23,53% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 58,82% số doanh nghiệp đánh giá ổn định.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

 Tính từ đầu năm đến ngày 13/12/2023, có 117 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 1.128,3 tỷ đồng, giảm 30% về số doanh nghiệp nhưng tăng 60% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đăng ký hoạt động mới cho 128 đơn vị trực thuộc (trong đó có 14 chi nhánh; 108 địa điểm kinh doanh; 6 văn phòng đại diện). Ngoài ra, có 61 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,55% và 201 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó phần lớn doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chiếm 60% (cụ thể: 122 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 56 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 23 doanh nghiệp giải thể).

5. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 9.071 tỷ đồng, giảm 1,59% so với năm trước và chiếm 39,88% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); Vốn đầu tư ước tính tăng ở khu vực Nhà nước, giảm ở khu vực ngoài Nhà nước và  khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.  

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quý IV năm 2023 ước đạt 2.980,01 triệu đồng, tăng 24,07% so với quý trước, giảm 11,66% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 9.071 tỷ đồng, giảm 1,59% so với năm 2022. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước 5.220,22 tỷ đồng, tăng 26,42%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 3.847,98 tỷ đồng, giảm 24,28%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2,8 tỷ đồng, giảm 53,7% so với năm 2022.

Nhìn chung trong quý IV và cả năm 2023, khu vực vốn đầu tư Nhà nước tăng so với năm trước do kế hoạch vốn đầu tư công được giao và triển khai thực hiện trong năm 2023 cao hơn năm trước; khu vực vốn ngoài Nhà nước giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp do các dự án lớn vốn ngoài nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2022, đầu năm 2023 chỉ hoàn thiện nốt một số hạng mục công trình. Theo kết quả điều tra quý, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cũng đầu tư ít hơn do kinh doanh không thuận lợi, vốn đầu tư của hộ dân cư giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

6. Thương mại, dịch vụ, giá cả

Năm 2023, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng cao và diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, doanh thu các ngành đều cao hơn so với năm trước. Hàng hoá lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2023 ước đạt 1.088,7 tỷ đồng, tăng 5,49% so với tháng trước, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV năm 2023 ước đạt 3.134,03 tỷ đồng, tăng 14,42% so với quý trước và tăng 23,02% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 11.041,17 tỷ đồng, tăng 30,24% so với năm 2022. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 8.299,63 tỷ đồng, tăng 22,55% so với năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.007,07 tỷ đồng, tăng 78,02% so với năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 84,49%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 77,36%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 12,09 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,4 lần so với năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 722,38 tỷ đồng, tăng 26,11% so với năm trước. Các loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động ổn định, ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và doanh nghiệp.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý IV năm 2023 tăng 0,96% so với cùng kỳ.

Chỉ số CPI bình quân năm 2023 tăng 1,29% so với năm 2022, tăng ở hầu hết các nhóm hàng, cụ thể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,75%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,78%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,59%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,56%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,80%; giáo dục tăng 7,46% (nguyên nhân do mức thu học phí tăng theo Nghị quyết số 59/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành ngày 25/9/2023); văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,13%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,98%. Riêng nhóm giao thông giảm 4,13% (chủ yếu do giá xăng, dầu những tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ) và nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá vàng tháng 12 năm 2023 tăng 4,39% so với tháng trước, tăng 16,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2023 tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12 năm 2023 giảm 0,66% so với tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân năm 2023 tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải

Tháng 12 năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 39,69 tỷ đồng, tăng 6,43% so với tháng trước, tăng 18,89% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 112,47 tỷ đồng, tăng 10,28% so với quý trước, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động vận tải năm 2023 ước đạt 418,51 tỷ đồng, tăng 30,05% so với năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 161,93 tỷ đồng, tăng 71,61%, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 250,1 tỷ đồng tăng 13,2%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 6,48 tỷ đồng, giảm 0,77% so với năm 2022.

Vận tải hành khách

Dự ước tháng 12 năm 2023 số lượt hành khách vận chuyển đạt 203,7 nghìn lượt hành khách, tăng 2,31% so với tháng trước, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 13.201,8 nghìn HK.Km, tăng 3,45% so với tháng trước, tăng 40,65% so với cùng kỳ.

Ước năm 2023 số lượng hành khách vận chuyển đạt 2.120,2 nghìn hành khách và số hành khách luân chuyển đạt 145.078,3 nghìn HK.km, so với năm 2022 số hành khách vận chuyển tăng 20,81%, hành khách luân chuyển tăng 50,13%.

Vận tải hàng hóa

Dự ước khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 năm 2023 đạt 207,1 nghìn tấn hàng hóa, tăng 20,89% so với tháng trước, tăng 93,34% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 6.129,8 nghìn tấn.km, tăng 12,42% so với tháng trước, tăng 13,81% so với cùng kỳ.

Ước tính năm 2023, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1.732,5 nghìn tấn, tăng 26,24% so với năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 77.127,4 nghìn tấn.km, tăng 66,7% so với năm 2022.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động

Dân số trung bình năm 2023 của toàn tỉnh ước tính 547.879 người, tăng 4.827 người, tương đương tăng 0,89% so với năm 2022. Trong tổng dân số, dân số thành thị 139.540 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 408.339 người, chiếm 74,5%; dân số nam 275.521 người, chiếm 50,3%; dân số nữ 272.358 người, chiếm 49,7%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 101,2 nam/100 nữ.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh năm 2023 ước tính 226.955 người, tăng 18.265 người tương đương tăng 8,8% so với năm trước, bao gồm: Lao động nam 115.911 người, chiếm 51,1% tổng số và lao động nữ 111.044 người, chiếm 48,9%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị 73.556 người, chiếm 32,4%; khu vực nông thôn 153.399 người, chiếm 67,6%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2023 ước tính 220.713 người, tăng 9,4% so với năm 2022, bằng 97,2% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh. Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản 124.703 người, chiếm 56,5%; lao động trong ngành Công nghiệp và xây dựng 22.733, chiếm 10,3% và lao động trong các ngành Dịch vụ 73.277 người, chiếm 33,2%.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Đời sống dân cư

Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có sự thay đổi so với năm trước do năm 2023 có sự điều chỉnh mới về mức lương cơ bản. Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ, từ 01/7/2023 tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động khu vực Nhà nước ổn định làm việc.

Công tác an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định và thực hiện hiệu quả:

* Công tác giảm nghèo

Theo kết quả sơ bộ rà soát cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,87% (giảm 4.890 hộ nghèo). Hiện nay, các huyện đang tiếp tục tiến hành phúc tra, ước tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%.

* Công tác bảo trợ xã hội

Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên 4,6 tỷ đồng, tăng 139,1 triệu đồng, tương ứng tăng 3,1% so với 9 tháng đầu năm.

Thực hiện cấp phát 2.303,5 tấn gạo cứu đói Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt năm 2023 cho 25.713 hộ với 105.054 khẩu. Tiếp nhận và phân bổ 2.662,5 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tỉnh Cao Bằng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ học kỳ I năm học 2023-2024 bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức và các quy định hiện hành.

* Thực hiện chính sách với người có công

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đột xuất cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng gồm tiền và quà trị giá trên 18 tỷ đồng, tăng so với 9 tháng 994,83 triệu đồng tương ứng tăng 5,83%. So với cùng kỳ năm trước giảm 2,5 tỷ đồng tương ứng giảm 12,23%.

3. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong năm 2023, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống dịch COVID-19; triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục thực hiện cập nhật “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19; ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”. Từ ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, lũy kế đến ngày 12/12/2023 ghi nhận một số bệnh lưu hành như: Adeno 1.372 ca; Cúm 4.419 ca; Thủy đậu 271 ca; Tiêu chảy 3.174 ca; Lỵ trực trùng 08 ca; Quai bị 11 ca; viêm gan vi rút khác 27 ca; ho gà lâm sàng 01 trường hợp; tay chân miệng 14 trường hợp; Viêm gan vi rút B 01 trường hợp; UVSS tử vong 01 trường hợp tại huyện Bảo Lạc; sốt xuất huyết xâm nhập 02 trường hợp.

Về ngộ độc thực phẩm: Trong năm trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ ngộ độc thực phẩm, làm  88 người mắc, 36 người đi viện, có 01 người tử vong. Các vụ ngộ độc thực phẩm đã được điều tra theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

4. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an toàn giao thông

Từ ngày 15/11-14/12/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 02 người, bị thương 25 người, giá trị tài sản thiệt hại ước tính 118 triệu đồng. Tổng số vụ tai nạn giao thông cộng dồn từ đầu năm là 119 vụ tăng 60,81% so với cùng kỳ năm 2022, làm chết 31 người giảm 18,42%, bị thương 136 người tăng 61,9%.

Tình hình an toàn cháy nổ

Trong tháng 12 năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy nổ. Tính từ đầu năm, có 08 vụ cháy xảy ra (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm bị thương 01 người, tổng giá trị thiệt hại tài sản ước tính 2,96 tỷ đồng.

Vi phạm môi trường

Trong tháng 12 năm 2023 ngành chức năng đã phát hiện 04 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 04 vụ với số tiền xử phạt là 50,5 triệu đồng. Tính chung cả năm, số vụ vi phạm môi trường là 113 vụ, đã xử lý 75 vụ với số tiền xử phạt là 617,85 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm môi trường giảm 63 vụ, số vụ đã xử lý giảm 25 vụ, số tiền xử phạt giảm 817,7 triệu đồng.

5. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ thiên tai làm 3 người chết, 3 người bị thương, 1.761 nhà bị thiệt hại, sạt lở nhiều tuyến đường và nhiều thiệt hại khác, tổng giá trị thiệt hại ước tính 33,2 tỷ đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã kịp thời đến hiện trường kiểm tra, chia sẻ nỗi đau thương mất mát và động viên gia đình vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. 

Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng