Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2023 tỉnh Hưng Yên
1. Nông nghiệp và thủy sản
Tháng Hai năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh là đẩy nhanh tiến độ gieo trồng lúa và rau màu vụ xuân. Theo đó, các địa phương đã tập trung lấy nước đổ ải theo đúng kế hoạch, đồng thời lấy nước đến đâu tiến hành làm đất ngay đến đó, bảo đảm chất lượng đất cho gieo cấy lúa xuân. Cụ thể như sau:
a) Nông nghiệp
Cây hằng năm: Theo kết quả sơ bộ điều tra diện tích vụ đông năm 2023-2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông đạt 6.794 ha, giảm 0,85% (giảm 58 ha) so với vụ đông năm trước. Trong đó: cây ngô 1.294 ha, giảm 9 ha (giảm 0,68%); đậu tương 199 ha, tăng 6 ha (tăng 2,96%); khoai lang 132 ha, giảm 3 ha (giảm 2,24%); rau các loại 5.097 ha, giảm 51 ha (giảm 1,0%); đậu các loại 63 ha, giảm 10 ha (giảm 14,54%); .... Nhìn chung, sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Theo báo cáo của ngành chức năng, đến ngày 15/01/2024, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản kết thúc thu hoạch cây vụ đông, nhất là những diện tích ở chân ruộng 2 vụ lúa để nhường đất cho gieo cấy lúa vụ xuân.
Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 24.154 ha, trong đó gieo cấy 100% trà xuân muộn; gieo cấy khoảng 70% diện tích lúa chất lượng cao bằng các giống lúa như: Nếp thơm Hưng Yên, Đài Thơm 8, Hương Thơm 1,... và các giống lúa nếp khác. Cùng với đó, diện tích gieo cấy các giống lúa lai, lúa năng suất cao cũng được mở rộng, chiếm khoảng 21-25% tổng diện tích lúa xuân. Tiếp tục thực hiện cách đồng mẫu lớn tại một số địa phương. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo một số công việc trọng tâm như: cung cấp đủ lượng thóc giống, kể cả giống dự phòng cho nông dân trong tỉnh; thực hiện tốt kế hoạch đổ ải 2 đợt (đợt 1 từ 0h00’ ngày 23/01/2024 - 24h00’ ngày 30/01/2024; đợt 2 từ 0h00’ ngày 18/02/2024 - 24h00’ ngày 21/02/2024). Đến ngày 26/02/2024, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân toàn tỉnh đạt 22.043 ha (đạt 91,26% kế hoạch), trong đó: gieo thẳng 7.470 ha; cấy 14.573 ha. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa xuân trước ngày 05/3. Bên cạnh việc gieo cấy lúa xuân, nông dân các địa phương cũng tích cực gieo trồng các loại cây rau màu vụ xuân, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm sau Tết Nguyên đán. Cũng đến ngày 26/02/2024, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.225 ha rau màu vụ xuân, trong đó: ngô 780 ha; lạc, đậu tương 250 ha; dược liệu, hoa cây cảnh 1.042 ha; rau các loại 2.153 ha.
Cây lâu năm: Từ tháng Một đến đầu tháng Hai, các vùng trồng cây cảnh lâu năm (quất cảnh, bưởi cảnh, hoa đào, ...) của tỉnh vào vụ thu hoạch để phục vụ nhu cầu trưng bày của Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các vùng trồng quất cảnh, bưởi cảnh nổi tiếng được thương lái từ các tỉnh lân cận đến thu mua tại vườn. Cây quất cảnh Hưng Yên quả to, sai, đều, cây được gò uốn với dáng, thế đẹp nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Ngày 15/02/2024 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch), toàn tỉnh đồng loạt tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024. Năm 2024, tỉnh tiếp tục trồng cây nhân dân nhằm điều chỉnh, bổ sung số lượng cây nhân dân để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung trồng 5 loại cây chính (ban Tây Bắc, bàng Đài Loan, osaka, kèn hồng, bằng lăng). Tổng số cây dự kiến trồng là 24.000 cây, tiếp tục trồng bổ sung hoàn chỉnh trên 164 tuyến đường đã thực hiện năm 2023 (phần chưa trồng) và phấn đấu trồng mới tại 100 tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động chăn nuôi thời gian qua là bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Để bảo đảm chất lượng gia súc, gia cầm xuất bán trong dịp Tết và phát triển hoạt động chăn nuôi trong năm mới, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi không chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, tạo môi trường thoáng sạch; giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm; cung cấp đủ dinh dưỡng và thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện bệnh. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện giá bán lợn hơi bình quân từ 57.000-58.000 đồng/kg (tăng 10% so với giá bán bình quân tháng 01) tạo tâm lý yên tâm cho người chăn nuôi sản xuất và tái đàn.
Tại thời điểm 01/02/2024, đàn trâu của tỉnh ước tính đạt 4.955 con, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2023; đàn bò 30.355 con, tăng 2,29%; đàn lợn 516.885 con, tăng 2,40%; đàn gia cầm 9.124 nghìn con, tăng 4,62% (trong đó: đàn gà 6.595 nghìn con, tăng 3,08%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 02/2024 ước tính như sau: thịt trâu 41 tấn, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 381 tấn, tăng 5,62%; thịt lợn 8.915 tấn, tăng 6,44%; thịt gia cầm 3.514 tấn, tăng 5,81% (trong đó: thịt gà 2.754 tấn, tăng 5,44%).
b) Thủy sản
Tình hình sản xuất thuỷ sản của tỉnh Hưng Yên tiếp tục ổn định và từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu vẫn là những giống cá trắm, chày, chép, rô phi và một số giống cá khác như: cá mè, cá trôi,... cho năng suất cao.
Khai thác thủy sản trong tỉnh nhìn chung kém phát triển. Sản lượng thủy sản khai thác chủ yếu trên sông Hồng, sông Luộc và các vùng nước nội đồng. Tuy nhiên, sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm, phương thức khai thác chưa bảo đảm dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên này ngày càng cạn kiệt.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng Hai, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, người lao động đã quay trở lại doanh nghiệp làm việc, phần lớn các doanh nghiệp đã tập trung sản xuất ổn định và nhận được đơn hàng mới. Tình hình sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định, mặc dù có giảm hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Kết quả cụ thể hoạt động sản xuất công nghiệp tháng Hai như sau:
So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai giảm 14,87% (chủ yếu do Tết Nguyên đán rơi vào tháng Hai), trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,91%; sản xuất và phân phối điện giảm 15,78%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 13,33%. Nhiều sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng trước là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền giảm 11,56%; thức ăn cho gia cầm giảm 12,98%; nước khoáng không có ga giảm 9,76%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu giảm 33,51%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) giảm 6,01%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 20,62%; sản phẩm bằng plastic giảm 14,36%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 49,10%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 29,0%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác giảm 25,29%; thanh, que sắt, thép không hợp kim được cán nóng, dạng cuộn cuốn không đều giảm 15,0%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 13,04%; phụ tùng khác của xe có động cơ giảm 19,20%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước như: cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 7,14%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 8,65%; dây cách điện đơn bằng đồng tăng 18,03%; ...
So với tháng cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Hai giảm 1,48%, cụ thể: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,82%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 5,38%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 11,70%. Nhiều sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với tháng cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 4,15%; thức ăn cho gia cầm giảm 7,77%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 48,61%; quần áo các loại giảm 4,79%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu giảm 35,47%; thùng, hộp bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 4,87%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 26,77%; bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác giảm 25,37%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 52,49%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 70,09%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 1,26%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác giảm 0,57%; thanh, que sắt, thép không hợp kim được cán nóng, dạng cuộn cuốn không đều giảm 30,41%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi giảm 10,57%; động cơ đa năng một chiều/xoay chiều có công suất >37.5 W giảm 18,04%;... Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 1,16%; muối chế biến (muối iốt, muối tinh, muối xay, bột canh, bột gia vị,...) tăng 4,19%; nước khoáng không có ga tăng 1,21%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 2,35%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 9,90%; thép hợp kim khác dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 5,10%; thanh, que thép không gỉ, mới được gia công tạo hình nguội hoặc gia công kết nguội tăng 23,35%; thanh, que thép không gỉ khác tăng 35,29%; ống dẫn bằng sắt, thép không nối, dùng để dẫn dầu hoặc khí tăng 11,05%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 2,06%; ...
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,92%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,34%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,04%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước và có đóng góp lớn vào chỉ số chung toàn ngành như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,46%; sản xuất trang phục tăng 5,26%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,21%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 11,69%; sản xuất kim loại tăng 8,43%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,35%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 44,08%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,68%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,43%; ...
Các sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 22,20%; nước khoáng không có ga tăng 18,61%; quần áo các loại tăng 8,44%; gỗ ốp, lát công nghiệp tăng 5,66%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 17,09%; sản phẩm bằng plastic tăng 6,68%; sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 8,55%; thanh, que thép không gỉ, mới được gia công tạo hình nguội hoặc gia công kết nguội tăng 12,19%; góc, khuôn, hình bằng sắt, thép đã được hàn tăng 19,48%; ống dẫn bằng sắt, thép không nối, dùng để dẫn dầu hoặc khí tăng 7,27%; đĩa dùng cho hệ thống đọc bằng laser chưa ghi tăng 15,37%; dây cách điện đơn dạng cuộn khác tăng 47,07%; phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 25,52%; ... Một số sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: thức ăn cho gia súc giảm 3,86%; thức ăn cho gia cầm giảm 4,48%; rượu Vodka và rượu Cô nhắc giảm 11,04%; giày, dép khác chưa được phân vào đâu giảm 32,06%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước giảm 56,30%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 220x105x60mm giảm 48,45%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ giảm 52,16%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 4,72%; dây cách điện đơn bằng đồng giảm 23,03%; ...
3. Hoạt động đầu tư
a) Vốn đầu tư ngân sách địa phương
Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Hai đạt 1.032.753 triệu đồng, tăng 27,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 547.549 triệu đồng, tăng 24,43%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 242.805 triệu đồng, tăng 16,90%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 242.399 triệu đồng, tăng 49,18%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.969.635 triệu đồng, tăng 31,92% so với cùng kỳ năm trước và đạt 9,92% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.077.447 triệu đồng, tăng 39,07%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 485.089 triệu đồng, tăng 14,40%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 407.099 triệu đồng, tăng 38,35%.
b) Hoạt động đầu tư nước ngoài
Tính đến ngày 20/02/2024, toàn tỉnh có 555 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.164.056 nghìn USD. Trong đó, từ đầu năm đến ngày 20/02/2024, có 07 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 188.505 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: thứ nhất là Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.872.671 nghìn USD, chiếm 54,06% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Hàn Quốc có 153 dự án, vốn đăng ký 883.142 nghìn USD, chiếm 12,33% tổng vốn đăng ký; thứ ba là Trung Quốc có 140 dự án, vốn đăng ký 1.157.616 nghìn USD, chiếm 16,16% tổng số vốn đăng ký.
c) Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Tính từ ngày 22/01/2024 đến ngày 21/02/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 125 doanh nghiệp, với vốn đầu tư đăng ký 1.792 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo 26 doanh nghiệp, vốn đăng ký 885 tỷ đồng; sản xuất phân phối, điện, nước, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 3 doanh nghiệp, vốn đăng ký 63 tỷ đồng; xây dựng 11 doanh nghiệp, vốn đăng ký 53 tỷ đồng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 54 doanh nghiệp, vốn đăng ký 220 tỷ đồng; vận tải kho bãi 7 doanh nghiệp, vốn đăng ký 56 tỷ đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống 4 doanh nghiệp, vốn đăng ký 14 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản 2 doanh nghiệp, vốn đăng ký 440 tỷ động; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5 doanh nghiệp, vốn đăng ký 34 tỷ đồng; ...
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/02/2024, toàn tỉnh có 278 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đầu tư đăng ký đạt 3.284 tỷ đồng. Trong đó: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất, với 112 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 433 tỷ đồng (chiếm 13,19% tổng vốn đăng ký); công nghiệp chế biến, chế tạo 55 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 1.589 tỷ đồng (chiếm 48,38%); xây dựng 23 doanh nghiệp, vốn đăng ký 130 tỷ đồng (chiếm 3,96%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 17 doanh nghiệp, vốn đăng ký 48 tỷ đồng (chiếm 1,46%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 12 doanh nghiệp, vốn đăng ký 55 tỷ đồng (chiếm 1,69%);...
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Hai (tính từ ngày 22/01/2024 đến ngày 21/02/2024) là 15 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/02/2024, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng là 112 doanh nghiệp.
Cũng từ ngày 22/01/2024 đến ngày 21/02/2024, số doanh nghiệp giải thể là 21 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 29 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/02/2024, có 47 doanh nghiệp giải thể và 390 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 14 doanh nghiệp giải thể và 106 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt chiếm 29,79% tổng số doanh nghiệp giải thể và chiếm 27,18% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; ngành bán buôn, bán lẻ có 16 doanh nghiệp giải thể và 138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chiếm 34,04% và 35,38%; kinh doanh bất động sản có 4 doanh nghiệp giải thể và 17 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 8,51% và 4,36%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 1 doanh nghiệp giải thể và 21 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chiếm 2,13% và 5,38%;...
4. Thương mại, dịch vụ
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, hoạt động lưu thông, trao đổi, mua bán hàng hoá diễn ra sôi động. Bên cạnh các chợ truyền thống thì hệ thống siêu thị, các cửa hàng tạp hoá có quy mô lớn là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá cả. So với năm 2023, lượng hàng hoá dự trữ ổn định, hàng hoá đa dạng về mẫu mã và chủng loại, lượng cung hàng hoá theo từng nhóm thiết yếu về cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Hai ước đạt 7.377.792 triệu đồng, giảm 24,69% so với tháng trước và giảm 10,77% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.174.108 triệu đồng, tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Hai ước đạt 2.750.346 triệu đồng, giảm 1,70% so với tháng trước và tăng 16,26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ giảm so với tháng trước chủ yếu ở một số nhóm hàng chính sau: nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng giảm 4,94%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 12,35%; hàng may mặc giảm 2,52%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 7,54%; hàng hóa khác giảm 2,97%;... Bên cạnh những nhóm hàng có doanh thu giảm thì một số nhóm hàng có doanh thu tăng như: lương thực, thực phẩm tăng 0,09%; nhóm hàng vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 5,71%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 5,69%; nhóm hàng xăng, dầu các loại tăng 6,40%; nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2,19%.
Hai tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.548.179 triệu đồng, tăng 15,87% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa hai tháng tăng chủ yếu ở một số nhóm hàng chính sau: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,57%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 18,30%; xăng, dầu các loại tăng 135,39% (do việc điều chỉnh giá xăng dầu của Bộ Công thương); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 7,88%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 38,82%; hàng hóa khác tăng 88,33%; ... Bên cạnh đó, các nhóm hàng hoá có doanh thu bán lẻ giảm là: lương thực, thực phẩm giảm 1,47%; hàng may mặc giảm 10,82%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 23,82%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 2,82%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 11,39%; ...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Hai ước đạt 229.028 triệu đồng, giảm 9,77% so với tháng trước và giảm 5,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú 8.249 triệu đồng giảm 16,02% so với tháng trước và giảm 19,03% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống 220.779 triệu đồng, giảm 9,52% so với tháng trước và giảm 4,69% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng giảm so với cùng kỳ là do Tết Nguyên Đán diễn ra vào tháng Hai, thời gian nghỉ Tết dài ngày nên doanh thu giảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm ngặt quản lý nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua cũng ảnh hưởng tới nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng của người dân, khiến doanh thu dịch vụ ăn uống giảm.
Hai tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 482.847 triệu đồng, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú 18.071 triệu đồng, giảm 9,14%; dịch vụ ăn uống 464.776 triệu đồng, tăng 2,40%.
Doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành tháng Hai ước đạt 4.155 triệu đồng, tăng 6,15% so với tháng trước và tăng 56,04% so với cùng kỳ năm 2023. Hai tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ du lịch và lữ hành ước đạt 8.069 triệu đồng, tăng 60,31% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu ngành dịch vụ khác tháng Hai ước đạt 4.394.263 triệu đồng, giảm 34,81% so với tháng trước và giảm 22,34% so cùng kỳ năm trước. Chi tiết một số ngành như sau: dịch vụ kinh doanh bất động sản 3.952.941 triệu đồng giảm 36,41% so với tháng trước và giảm 24,69% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ có doanh thu ước đạt 156.435 triệu đồng, giảm 28,09% so với tháng trước và giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục và đào tạo 118.482 triệu đồng, giảm 2,66% so với tháng trước và tăng 32,23% so với cùng kỳ năm 2023; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có doanh thu ước đạt 49.092 triệu đồng, giảm 12,45% so với tháng trước và tăng 27,31% so với cùng kỳ năm trước; nghệ thuật, vui chơi và giải trí, dịch vụ khác 11.457 triệu đồng giảm 8,16% so với tháng trước và giảm 13,35% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ khác ước đạt 105.857 triệu đồng, giảm 9,49% so với tháng trước và tăng 18,14% so với cùng kỳ năm trước.
Hai tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ khác 11.135.013 triệu đồng, giảm 0,04% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: kinh doanh bất động sản 10.168.942 triệu đồng, giảm 1,43%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 373.963 triệu đồng, tăng 7,44%; giáo dục và đào tạo tăng 240.197 triệu đồng, tăng 34,31%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 105.167 triệu đồng, tăng 38,11%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí 23.931 triệu đồng, tăng 2,29%; dịch vụ khác 222.814 triệu đồng, tăng 13,26%.
5. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, giá cả thị trường nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trước Tết (cuối tháng 01/2024) về cơ bản tăng nhẹ so với tháng trước như lương thực, thực phẩm; đồ uống, thuốc lá và một số dịch vụ khác. Bên cạnh đó nhiều mặt hàng có giá khá ổn định và có xu hướng giảm do xả hàng dịp cuối năm. Trong Tết (từ 27-30 tháng Chạp) và sau Tết, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có giá ổn định và không tăng cao so với thời điểm trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm 2024 tăng 1,51% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tăng, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,26%; may mặc, giày dép, mũ nón tăng 1,46%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,62%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,43%; giao thông tăng 3,03%; giáo dục tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,45%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,27%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá ổn định so với tháng trước. Riêng nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 0,38% so với tháng trước.
So với tháng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2024 tăng 8,27%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,78% (lương thực tăng 22,72%; thực phẩm tăng 4,03%; ăn uống ngoài gia đình tăng 7,93%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,84%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 6,01%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 22,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,65%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,07%; dịch vụ giao thông giảm 0,32%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 2,88%; giáo dục tăng 3,66%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,21%.
Bình quân chung hai tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 4,81%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,46%; hàng may mặc, mũ nón, giày, dép tăng 4,97%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 22,68%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,62%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,06%; dịch vụ giao thông giảm 0,13%; bưu chính, viễn thông giảm 2,70%; dịch vụ giáo dục tăng 3,66%; dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,70%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,72%.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Thời gian qua, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm; thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý “mua vàng còn giữ được giá” khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn. Hiện, giá vàng đang ở mức giá cao nhất trong mấy năm trở lại gần đây. Bình quân tháng 02/2023, giá vàng trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 6.334.000 VNĐ/1 chỉ.
Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ đã tăng vọt sau khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất. Giá đồng đô la trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so tháng trước do nhu cầu mua tích trữ dịp cuối năm của người dân tăng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, giá 1 USD xấp xỉ 24.631 VNĐ.
6. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tháng Hai ước đạt 537.220 triệu đồng, giảm 8,31% so với tháng trước và tăng 3,20% so với cùng kỳ năm trước.
a) Hoạt động vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách toàn tỉnh tháng Hai ước đạt 80.424 triệu đồng, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số hành khách vận chuyển và luân chuyển toàn tỉnh ước đạt 1,54 triệu người và 87,08 triệu người.km; tương ứng tăng 2,10% và 1,45% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 160.409 triệu đồng, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước; tổng số hành khách vận chuyển và luân chuyển toàn tỉnh ước đạt 3,06 triệu người và 172,77 triệu người.km, tương ứng tăng 2,92% và 1,29%.
b) Hoạt động vận tải hàng hóa
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng Hai ước đạt 378.204 triệu đồng, giảm 10,77% so với tháng trước do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 2,98 triệu tấn và 134,65 triệu tấn.km; tương ứng tăng 0,86% và 0,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 802.034 triệu đồng, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển ước đạt 6,32 triệu tấn và 289,02 triệu tấn, tương ứng tăng 11,94% và 11,93%.
c) Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Hai ước đạt 59.148 triệu đồng, giảm 4,96% so với tháng trước và tăng 12,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 121.383 triệu đồng, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu bưu chính, chuyển phát tháng Hai ước đạt 19.443 triệu đồng, giảm 2,06% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2024, doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 39.296 triệu đồng, tăng 16,50% so với cùng kỳ năm 2023.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
a) Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách tháng Hai ước đạt 2.221.084 triệu đồng, tăng 831.323 triệu đồng, tương ứng tăng 59,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa 1.954.524 triệu đồng, tăng 74,67%; thu hải quan 266.560 triệu đồng, giảm 1,56% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu trong tháng dự tính như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 16.485 triệu đồng, tăng 7,78%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 173.671 triệu đồng, giảm 13,27%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 315.933 triệu đồng, giảm 23,71%; thuế thu nhập cá nhân 144.437 triệu đồng, giảm 4,63%; thu phí, lệ phí 39.428 triệu đồng, giảm 6,57%; các khoản thu về đất 1.189.695 triệu đồng, tăng 381,17%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.913.089 triệu đồng, tăng 3.747.500 triệu đồng, tương đương tăng 89,96% so với cùng kỳ năm trước và đạt 24,11% kế hoạch năm. Trong đó: Thu nội địa 7.400.000 triệu đồng, tăng 102,84% và đạt 25,41% kế hoạch; thuế xuất nhập khẩu 513.089 triệu đồng, giảm 0,82% và đạt 13,87% kế hoạch. Một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 49.000 triệu đồng, tăng 30,22%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 800.000 triệu đồng, tăng 33,93%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 3.900.000 triệu đồng, tăng 220,07%; thu phí, lệ phí 115.000 triệu đồng, tăng 12,45%; thuế thu nhập cá nhân 320.000 triệu đồng, tăng 13,62%; các khoản thu về đất 2.013.000 triệu đồng, tăng 52,42% so với cùng kỳ năm trước. Số thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng mạnh do Chi nhánh tại Hưng Yên - Công ty Cổ phần Vinhomes nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
b) Chi ngân sách nhà nước địa phương
Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 26/02/2024, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 6.965.560 triệu đồng, đạt 24,25% kế hoạch năm. Trong đó: chi đầu tư phát triển 5.875.830 triệu đồng; chi thường xuyên 1.089.730 triệu đồng. Một số khoản chi thường xuyên như sau: chi sự nghiệp kinh tế 31.535 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 427.928 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 71.362 triệu đồng; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ 5.547 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 15.861 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 121.475 triệu đồng; chi quản lý hành chính 315.583 triệu đồng; chi thường xuyên khác 100.439 triệu đồng.
c) Hoạt động ngân hàng
Ước tính tại thời điểm 29/02/2024, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 139.252.207 triệu đồng, giảm 0,06% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó, nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 130.484.319 triệu đồng, giảm 0,03% và chiếm 93,70% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 96.543.494 triệu đồng, giảm 1,52% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 69.882.529 triệu đồng, giảm 1,77%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 26.660.965 đồng, giảm 0,87%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 93.249.675 triệu đồng, giảm 1,31%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 3.293.819 đồng, giảm 7,08%. Về chất lượng tín dụng: nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1.265.911 triệu đồng (chiếm 1,31% tổng dư nợ), tăng 3,67% so với thời điểm 31/12/2023.
8. Một số hoạt động xã hội
a) Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024) và mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Văn hóa quần chúng và tuyên truyền cổ động: tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024; tổ chức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (hát Văn, Chầu văn, Xẩm); tổ chức 06 buổi xe ô tô đi tuyên truyền lưu động; phối hợp, tổ chức 02 cuộc văn nghệ quần chúng tại xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ và xã Thọ Vinh, huyện Kim Động.
Thư viện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu sách Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2019 - 22/12/2023) trên Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách hay trên Fanpage, facebook và Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh; tổ chức trưng bày sách báo, tài liệu mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức 63 buổi chiếu (08 buổi lưu động, 55 buổi tại rạp) phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của Nhân dân.
Nhà hát Chèo đã xây dựng kế hoạch dàn dựng, tập luyện, tập lại các vở diễn, chương trình ca, múa nhạc đi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trọng tâm là: biểu diễn ca nhạc khai mạc Chợ Tết Việt tại Bảo tàng tỉnh; biểu diễn kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2; chương trình nghệ thuật đêm giao thừa tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh và tại khu Đô thị mới Dân Tiến, huyện Khoái Châu; biểu diễn Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn năm 2024 tỉnh Hưng Yên. Tổng số buổi biểu diễn trong tháng 2 là 14 buổi.
Thể dục, thể thao quần chúng: tỉnh tổ chức Giải bóng bàn cán bộ lãnh đạo, quản lý và Vô địch các nhóm tuổi tỉnh Hưng Yên năm 2024; Giải Bóng chuyền hơi nam, nữ vô địch các nhóm tuổi tỉnh năm 2024.
Thể thao thành tích cao: Đơn vị chuyên môn tập trung đào tạo, huấn luyện chuẩn bị lực lượng vận động viên các môn sẵn sàng tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia năm 2024; rà soát, đánh giá, thải loại, tuyển mới vận động viên đảm bảo quân số; đảm bảo cơ sở, vật chất, thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác đào tào, huấn luyện; thường xuyên cập nhật các phương pháp huấn luyện mới để nâng cao thành tích thể thao.
b) Chăm lo các đối tượng chính sách và người có công
Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hỗ trợ đối tượng xã hội, cụ thể như sau:
Người có công với cách mạng: Tặng 33.062 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí là 10.125,3 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tặng 33.140 suất quà của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tới người có công, gia đình liệt sỹ, gia đình quân nhân làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền là 29.854,8 triệu đồng. Ngoài ra, tại các địa phương (huyện, xã) đã trích ngân sách và vận động các tồ chức, cá nhân tặng 12.283 suất quà, trị giá 4.682,8 triệu đồng cho người có công và thân nhân người có công.
Người cao tuổi: Thăm, chúc thọ, tặng quà 35.566 người cao tuổi, tổng số tiền là 12.289,5 triệu đồng (trong đó nguồn xã hội hóa là 273,5 triệu đồng).
Hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng khác tại cộng đồng: Hỗ trợ 3.483 hộ nghèo (100% hộ nghèo) ăn Tết, với mức 500.000đ/hộ, tổng số tiền là 1.741,5 triệu đồng (trong đó: ngân sách tỉnh: 1.393,2 triệu đồng; Quỹ Vì người nghèo: 348,3 triệu đồng); hỗ trợ 732 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh, tổng số tiền là 499,3 triệu đồng (trong đó: ngân sách tỉnh 262 triệu đồng; nguồn xã hội hóa là 237,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 15.495 suất quà được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi với tổng số tiền 6.336,5 triệu đồng. Toàn tỉnh thăm, tặng quà, trợ giúp (bằng tiền và hiện vật) cho 5.010 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1.783,4 triệu đồng, trong đó, nguồn vận động là 1.413,7 triệu đồng.
Chăm lo, hỗ trợ người lao động: Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 66.367 người lao động với kinh phí trên 28,53 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và xã hội hóa).
c) Về thực hiện chế độ đối với người lao động
Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cao nhất là 10,7 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 3,9 triệu đồng/người/tháng (bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng).
Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, cao nhất là 14 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 7,2 triệu đồng/người/tháng (bình quân 9 triệu đồng/người/tháng). Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, cao nhất là 300 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 4,4 triệu đồng/người/tháng (bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng). Tiền lương thực trả năm 2023 cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất là 366 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng (bình quân 7 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của người lao động 8,2 triệu đồng/người/tháng mức thưởng cao nhất là 192 triệu đồng., mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng; một số Công ty trong Khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mức thưởng trên 50 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất là 300 nghìn đồng (đối với một số công ty TNHH và công ty cổ phần).
d) Hoạt động y tế
Sốt xuất huyết Dengue: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/02/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng số 05 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (Ân Thi 01 ca, Văn Giang 02 ca; Mỹ Hào 01 ca, Khoái Châu 01 ca), không có trường hợp tử vong, không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, các bệnh nhân mắc bệnh đều đã được chữa trị, giám sát.
Dịch Covid-19: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/02/2024, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 51 ca mắc, không có trường hợp tử vong.
Tình hình một số bệnh truyền nhiễm khác:
+ Tình hình bệnh tay chân miệng: lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/02/2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 07 ca mắc tay chân miệng, bệnh nhân được sàng lọc tại bệnh viện khi đến khám và điều trị, không có trường hợp tử vong.
+ Bệnh bạch hầu; Bệnh đậu mùa khỉ ở người: Hiện tại toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu; bệnh đậu mùa khỉ ở người.
+ Bệnh cúm mùa: toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A H5N1 và H7N9. Lũy kế số ca mắc cúm mùa từ đầu năm đến nay là 832 ca theo báo cáo của các địa phương trên phần mềm bệnh truyền nhiễm (TT54), các bệnh nhân đều được phát hiện qua triệu chứng lâm sàng và đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, không ghi nhận ca bệnh nặng hoặc tử vong.
e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/01/2024 đến ngày 15/02/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 05 vụ vi phạm môi trường về tài nguyên và an toàn thực phẩm, cụ thể: có 4 vụ về an toàn thực phẩm đã bàn giao cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và 01 vụ về tài nguyên khoáng sản (cát). Cơ quan chức năng đã xử lý 5 vụ, số tiền xử phạt 90 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm giảm 1 vụ (giảm 16,67%); số tiền xử phạt tăng 40 triệu (tăng 80,0%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 4 vụ (tăng 400,0%); số tiền xử phạt giảm 79 triệu đồng (giảm 46,75%).
Từ ngày 15/01/2024 đến ngày 14/02/2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 8 vụ cháy tại huyện Văn Lâm (02 vụ); huyện Khoái Châu (01 vụ); huyện Văn Giang (01 vụ); thị xã Mỹ Hào (01 vụ); huyện Tiên Lữ (02 vụ) và huyện Yên Mỹ (01 vụ), giá trị thiệt hại ước tính 716,5 triệu đồng, trong đó: 02 vụ cháy nhà ở đơn lẻ; 02 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh khác; 01 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; 02 vụ cháy phương tiện giao thông; 01 vụ cháy trạm biến áp.
f) An toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 15/01/2024 đến 14/02/2024, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 73 vụ tai nạn đường bộ và 01 vụ tai nạn đường sắt), làm chết 22 người, làm bị thương 66 người. So với tháng 01/2024, số vụ tai nạn tăng 6 vụ, tăng 8,82%; số người chết tương đương so với tháng 01/2024; số người bị thương giảm 6 người, giảm 8,33%. Tính từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 14/02/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 142 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người, làm bị thương 138 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 88 vụ, tăng 162,96%; số người chết tăng 13 người, tăng 41,94%; số người bị thương tăng 102 người, tăng 283,33%./.
Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên