Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2024 tỉnh Bình Phước

 

Tình hình kinh tế xã hội tháng 02 năm 2024

Thứ năm - 29/02/2024 08:24 376

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Tiến độ gieo trồng vụ Đông xuân năm 2023-2024 toàn tỉnh ước thực hiện được 507 ha, giảm 3,56% (-19 ha) so với cùng kỳ. Trong đó:

- Diện tích gieo trồng lúa ước đạt 173 ha (-9 ha), lũy kế 2.806 ha (+35 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, quá trình sinh trưởng của cây lúa vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh-đòng trổ.

- Diện tích các loại cây trồng khác: Cây bắp gieo trồng ước đạt 29 ha (-2 ha), lũy kế 347 ha (+17 ha); Khoai lang 2 ha, lũy kế 20 ha (+1 ha); Rau các loại 168 ha (-8 ha); lũy kế 1.226 ha (-25 ha) so cùng kỳ.

Nhìn chung tiến độ gieo trồng và thu hoạch các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân năm 2023-2024 tương đối ổn định và đảm bảo đúng mùa vụ so với cùng kỳ vụ Đông xuân năm 2022-2023.

Cây lâu năm: Các loại cây lâu năm cơ bản được giữ nguyên. Toàn tỉnh hiện có 437.189 ha, giảm 0,64% (-2.824 ha) so với cùng kỳ; bà con nông dân đang chuẩn bị thu hoạch tiêu và điều; cây điều hiện có 149.647 ha (-2.360 ha), sản lượng thu trong tháng ước đạt 20.000 tấn (+474 tấn); cây hồ tiêu hiện có 12.952 ha (-912 ha), sản lượng thu trong tháng ước đạt 2.355 tấn (+6 tấn); cây cao su hiện có 244.758 ha (-617 ha), sản lượng lũy kế đến tháng 02 ước đạt 42.680 tấn (+944 tấn); cây cà phê hiện có 14.013 ha (+25 ha).

Hiện nay cây điều và cây tiêu đang thu hoạch, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện cơn mưa nào hay trình trạng sương muối (đây là 1 trong những yếu tố tác động rất lớn đến năng suất cây điều trong thời kỳ trổ bông, kết trái) nên nhiều khả năng sẽ là một năm được mùa điều. Riêng cây cao su đang trong mùa thay lá nên tháng 02 và tháng 3 sẽ không khai thác.

Về giá bán các sản phẩm như sau: Mủ cao su sơ chế 28.807 đồng/kg, cà phê nhân 57.327 đồng/kg, hạt điều khô 32.913 đồng/kg, hạt tiêu khô 80.734 đồng/kg.

b. Chăn nuôi

Tổng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Ước tính tổng đàn trâu hiện có là 12.771 con (+55 con), tăng 0,43% so với cùng kỳ; tương ứng: Đàn bò 40.205 con (+103 con), tăng 0,26%; Đàn lợn 1.872.650 con (+79.400 con), tăng 4,43%  so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh vẫn duy trì 390 trại lợn (có 257 trại có chuồng lạnh, kín chiếm 66% tổng số trại); các trại chăn nuôi lợn chủ yếu nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn chăn nuôi như CP, Làng Sen, Vietswan, Sunjin, Japfa, New Hope, Hòa Phước, Velmar, BaF Việt…Đàn gia cầm ước đạt 10.101 ngàn con (+90 ngàn con), tăng 0,90%. Trong đó đàn gà hiện có 9.770 ngàn con (+202 ngàn con) so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng trong tháng 02 năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 107 tấn (+4 tấn); thịt bò hơi 268 tấn (+5 tấn); thịt lợn hơi 23.379 tấn (+2.426 tấn).

Thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 7.705 tấn (+103 tấn) so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính trong tháng 02 năm 2024 số lượng trứng gia cầm đạt 33.650 ngàn quả (+478 ngàn quả) so với cùng kỳ năm 2023; trứng gà đạt 33.293 ngàn quả (+589 ngàn quả) so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác thú y được quan tâm nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không xảy ra nguy hiểm; không có dịch bệnh lớn phát sinh thành ổ dịch, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được cơ quan chức năng tập trung ngay những ngày đầu năm 2024. Trong tháng 02/2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ phát lửa, cháy rừng.

Về trồng rừng: Trong tháng 02 năm 2024, tỉnh Bình Phước không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung.

Về khai thác: Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong tháng ước đạt 4.120 m3 gỗ (-130 m3); luỹ kế ước đạt 6.122 m3 gỗ (-138 m3). Lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 605 Ste (-7 Ste), lũy kế ước đạt 1.010 Ste (-12 Ste) so với cùng kỳ năm 2023. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng. Tháng 02 là một trong những tháng của mùa khô, ngành lâm nghiệp đã tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vùng có rừng và đặc biệt là đồng bào dân tộc về vai trò và tầm quan trọng của rừng để từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng phòng cháy chữa cháy rừng.

1.3. Thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có là 1.157 ha, bằng 99,91% so với cùng kỳ; Sản lượng thuỷ sản ước thực hiện 169 tấn (-2 tấn), lũy kế ước đạt 337 tấn (-10 tấn) so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thuỷ sản khai thác tự nhiên trong tháng thu được 22 tấn (-1 tấn), sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 147 tấn (-1 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02 năm 2024 ước tính giảm 24,03% so tháng trước và tăng 0,74% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 15,07% so với tháng trước, tăng 29,60% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,85%, tăng 0,55%; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 4,20%, tăng 0,86%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 27,65%, giảm 8,43%. Nguyên nhân giảm so với tháng trước là do thời gian nghỉ tết Giáp Thìn năm nay tập trung vào tháng hai nên thời gian sản xuất ít hơn tháng trước.

Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 19,26% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 19,89% so với cùng kỳ năm 2023; tương ứng: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,03%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,89%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,54%.

Một số nhóm ngành có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do nhu cầu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ dịp tết Nguyên Đán 2024, điển hình như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 50,66%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 33,24%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,69%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,71%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,28%... Bên cạnh đó, mặc dù thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 02 năm 2024 ít hơn so với cùng kỳ nhưng một phần do doanh nghiệp không tìm kiếm được đơn hàng, giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao nên một số doanh nghiệp dự kiến khối lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ khá thấp thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ, cụ thể như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 52,48%; Dệt giảm 41,15%; Sản xuất kim loại giảm 37,82%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 47,17%; Sản xuất trang phục giảm 28,63%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 02/2024 có giá trị lớn, đóng góp cao vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp so với cùng kỳ năm trước như: Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) tăng 3,48 lần; Bàn bằng gỗ các loại tăng 75,46%; Quần áo lót cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 56,78%; Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo tăng 45,83%; Dịch vụ sản xuất tấm, phiến, ống và các mặt nghiêng bằng plastic tăng 33,24%; Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại tăng 30,46%; Hạt điều khô tăng 16,95%; Dịch vụ sản xuất giày, dép tăng 12,56%...Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Dịch vụ đúc gang, sắt, thép giảm 82,10%; Xi măng Portland đen giảm 53,52%; Dịch vụ hoàn thiện sản phẩm dệt khác giảm 51,49%; Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa giảm 47,17%; Dịch vụ in trờn sợi và vải (gồm cả đồ để mặc) giảm 36,53%...

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 7,44% so với tháng trước và giảm 3,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,11% so với tháng trước, giảm 0,65% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,13%, tăng 1,99%; Lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9%, giảm 3,94%. Xét theo ngành cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,09% so với tháng trước, tăng 25,68% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,87%, giảm 3,37%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí không tăng so với tháng trước, giảm 0,45%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không tăng so với tháng trước, giảm 3,85%. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tìm kiếm nguồn lao động nên nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp có tăng nhất là vị trí lao động phổ thông.

3. Về đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng, có 75 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 731,89 tỷ đồng; 23 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, 13 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 137,36 tỷ đồng; 38 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có 149 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 2.697,38 tỷ đồng; 106 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, có 29 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 351,76 tỷ đồng; 297 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

4. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2024 ước đạt 7.110,96 tỷ đồng, tăng 2,14% so với tháng trước và tăng 14,85% so với tháng cùng kỳ năm năm 2023. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt ước đạt 5.823,52 tỷ đồng, tăng 2,41% và tăng 14,96%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 648,39 tỷ đồng, tăng 0,77%, tăng 10,19%; Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,78 tỷ đồng, tăng 5,34%, tăng 37,95%; Doanh thu dịch vụ khác đạt 637,27 tỷ đồng, tăng 1,06%, tăng 18,81%.

Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.073 tỷ đồng, tăng 13,51% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 11.509,90 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 21,59%; Nhiên liệu khác (Trừ xăng, dầu) tăng 20,78%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 16,40%; Hàng hóa khác tăng 16,90%; Lương thực, thực phẩm tăng 15,38%...). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.291,81 tỷ đồng, tăng 9,75%; Doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,47 tỷ đồng, tăng 35,25%; Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.267,82 tỷ đồng, tăng 16,94% so cùng kỳ.

4.2. Kim ngạch xuất - nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 02/2024 ước đạt 312 triệu USD giảm 23,72% so tháng trước, tăng 43,06% so cùng kỳ năm 2023; Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 721,70 triệu USD tăng 60,81% so cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 02/2024 đạt 127,90 triệu USD giảm 33,04% so tháng trước, tăng 15,04% so cùng kỳ năm 2023; Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 đạt 318,90 triệu USD giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2023.

4.3. Hoạt động vận tải; bưu chính và chuyển phát

Tổng doanh thu toàn ngành vận tải; bưu chính và chuyển phát tháng 02 năm 2024 ước đạt 282,33 tỷ đồng, tăng 13,52% so với tháng trước và tăng 30,64% so với tháng cùng kỳ năm 2023.

Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 687,16 ngàn hành khách, tăng 20,88% so với tháng trước và tăng 21,45% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 150,74 triệu hành khách.km, tăng 22,77% và tăng 24,99%; doanh thu ước tính đạt 170,44 tỷ đồng, tăng 23,41% và tăng 35,15%.

Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 175,17 ngàn tấn, tăng 0,53% so với tháng trước và tăng 18,53% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 25,52 triệu tấn.km, tăng 0,75% và tăng 25,93%; doanh thu ước tính đạt 102,58 tỷ đồng, tăng 1,14% và tăng 23,42%;

Bưu chính và chuyển phát: Trong tháng doanh thu kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 3,53 tỷ đồng, tăng 1,24% so với tháng trước và tăng 19,45% so với cùng kỳ; hoạt động bưu chính và chuyển phát ước đạt 5,78 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng trước và 46,90% so với cùng kỳ.

5. Giá cả thị trường

- Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng 1,62% so tháng trước và tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 02 tháng đầu năm 2024 tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 1,62% của CPI tháng 02/2024 so với tháng trước thì chỉ số giá tiêu dùng của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều tăng so với tháng trước.

- Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,38%, chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: gạo tăng 1,94%; Bột mì và ngũ cốc khác tăng 4,21%; giá bún, bánh phở, bánh đa tăng 2,29%; miến tăng 3,43%; giá thịt gia súc tăng 4,28%; giá thịt gia cầm tăng 5,63%; thuỷ sản tươi sống tăng 2,25%; thuỷ sản chế biến tăng 3,76%... Nguyên nhân chính là do một số loại thực phẩm tăng giá nhu cầu tiêu dùng tăng; một số loại thực phẩm tăng giá do nguyên vật liệu đầu vào tăng làm cho giá lương, thực phẩm tăng so với tháng trước.

+ Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,40% do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nên giá đồ uống các loại đều tăng.

+ Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,27% do nhu cầu mua sắm trang phục dịp Tết tăng, cụ thể như: quần áo may sẵn tăng 0,14%; vải các loại tăng 1,42%; may mặc khác tăng 0,93%; mũ nón tăng 0,50%; giày dép tăng 0,06%; dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,32%.

+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,33%, một số mặt hàng tăng như: Giá dầu hỏa tăng 2,71% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/02/2024, 08/02/2024, 15/02/2024 và 22/02/2024; Giá gas tăng 1,16% do từ ngày 01/02/2024 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 10 USD/tấn (từ mức 635 USD/tấn lên mức 645 USD/tấn); Nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, nên giá thành tiêu thụ điện cao hơn so với tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt tăng 1,55% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt tăng 4,67% do nhu cầu sử dụng tăng.

+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,24%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: đồ dùng nấu ăn tăng 0,54%; hàng thuỷ tinh, sành, sứ tăng 1,08%; Hàng dệt trong nhà tăng 0,79%; Xà phòng và chất tẩy rửa tăng 3,22%. Ngoài ra, nhu cầu thuê người giúp việc cuối năm tăng cao nên giá cũng tăng 4,56% so tháng trước.

+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% do nguồn cung khan hiếm, khó khăn nhập khẩu đẩy giá tăng.

+ Nhóm giao thông tăng 3,78%. Cụ thể: giá xăng tăng 5,67%; giá dầu diezen tăng 5,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; giá vận tải hành khách tăng 8,78%; dịch vụ giao nhận hàng lý và hành lý gửi tăng 8,33%; dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 11,20%; dịch vụ trông giữ xe tăng 25,36% do chi phí nhân công và nhu cầu tăng trong dịp cuối năm.

+ Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,12%, do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, lượng hàng mới nhập về chi phí tăng đẩy giá tăng.

+ Nhóm giáo dục tăng 0,03 chủ yếu ở giá văn phòng phẩm do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

+ Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11% chủ yếu ở những mặt hàng sau: Giá cây, hoa cảnh, vật cảnh tăng 10,07%. Trong đó, giá cây, hoa cảnh tăng 13,48% do nhu cầu hoa tươi tăng vào dịp lễ ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán và lễ tình nhân 14/2.

+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,96% chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như: cắt tóc, gội đầu, uốn tóc tăng 7,01%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 23,87%; giá đồ trang sức tăng 071% do nhu cầu mua đồ trang sức vào dịp Tết tăng.

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2024 tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước có 01/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm đó là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (-1,04%).

- Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng trong tháng 02 năm 2024 biến động tăng, bình quân đến ngày 23/02/2024 giá vàng nhẫn tăng xoay quanh mốc 6.372 ngàn đồng/chỉ vàng 9999; tăng 1,50% so với tháng trước; tăng 16,19% so với cùng kỳ năm trước.

Giá đô la Mỹ cũng là mặt hàng biến động liên tục thị trường trong nước. Tại thị trường trong nước giá đồng USD ở mức tăng so với tháng trước, giá bình quân ở thị trường tự do đến ngày 23/02/2024 ở mức 24.644 VND/USD. Đồng đô la Mỹ tháng này tăng so với tháng trước, chỉ số tháng này là 100,35% tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 3,74% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng bạc xanh với kỳ vọng FED sẽ không sớm cắt giảm lãi suất.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 02/2024 ước thực hiện được 535 tỷ đồng, lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước thu 1.975,03 tỷ đồng, đạt 15,50% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh.

6.2. Chi ngân sách nhà nước địa phương

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 02/2024 ước thực hiện  1.255,5 tỷ đồng, lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước 2133,03 tỷ đồng, đạt 12,76% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh.

6.3. Ngân hàng

Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ của các NHTM giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 3,9%/năm và 6,7%/năm.

Huy động vốn: Đến ngày 31/01/2024, huy động vốn đạt 53.692 tỷ đồng, giảm 1.079 tỷ đồng, giảm 1,97% so với 31/12/2023; trong đó: tiền gửi thanh toán giảm 5,28%; tiền gửi tiết kiệm tăng 0,51%; phát hành giấy tờ có giá giảm 4,28%. Tính đến ngày 28/02/2024, huy động vốn ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 229 tỷ đồng (tăng 0,42%) so với cuối năm 2023.

Hoạt động tín dụng: Đến ngày 31/01/2024, dư nợ tín dụng đạt 117.625 tỷ đồng, giảm 2.670 tỷ đồng (giảm 2,22%) so với 31/12/2023; trong đó, dư nợ cho vay đồng nội tệ giảm 1,65%, dư nợ cho vay đồng ngoại tệ giảm 9,29%. Tính đến ngày 28/02/2024, dư nợ tín dụng ước đạt 122.000 tỷ đồng, tăng 1.705 tỷ (tăng 1,42%) đồng so với cuối năm 2023.

7. Đầu tư

7.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 02/2024 ước đạt 209,01 tỷ đồng, đạt 3,80% kế hoạch vốn năm 2024, giảm 18,61% so với tháng trước và tăng 8,36% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 172,74 tỷ đồng, tăng 35,51% so với cùng kỳ; vốn ngân sách huyện 36,27 tỷ đồng, giảm 44,55%. Nguyên nhân giảm nhiều vì tháng 02 là tháng có ngày nghỉ dài do tết Nguyên đán.

Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Đường phía Tây QL 13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; Xây dựng đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Nguyễn Bình đến QL14 và đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Trần Phú); Xây dựng đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng; Nâng cấp mở rộng đường liên huyện Phú Riềng - Bù Đăng; Đường Đồng Tiến - Tân Phú, huyện Đồng Phú; Dự án tăng cường khả năng thoát lũ Suối Rạt; Xây dựng cầu bắc qua Sông Bé (nối thị xã Phước Long với huyện Bù Gia Mập); Nạo vét mở rộng lòng suối, xây kè, đường đi suối Đak Woa, huyện Bù Đăng;…

7.2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh dự án đầu tư mới, cả trong và ngoài khu công nghiệp.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 02/2024 cấp mới 02 dự án với số vốn 5,588 triệu USD (Trong đó: 01 dự án trong KCN với số vốn 4,85 triệu USD; 01 dự án ngoài KCN với số vốn 0,738 triệu USD); Tổng 2 tháng đầu năm 2024 cấp mới 03 dự án FDI với tổng vốn cấp mới là 8,591 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn 01 dự án với tổng vốn tăng là 0,05 triệu USD. Không có dự án điều chỉnh giảm vốn; Tổng thu hút đầu tư FDI bao gồm cấp mới và tăng thêm 02 tháng 2024 là 8,641 triệu USD.

II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Trong tháng 02/2024 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.920 lao động. Luỹ kế 02 tháng đầu năm, ước toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 1.920/43.000 lao động, đạt 4.47% kế hoạch năm; Thu hút lao động ngoại tỉnh 890 người; Đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 490 người; giới thiệu việc làm, cung ứng tuyển dụng cho 21 người lao động, giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 10 người lao động; Nhu cầu tìm việc làm của người lao động là 35 người.

Trong tháng đã đào tạo nghề cho 1.351/12.000 người (33 cao đẳng, 0 trung cấp, 698 sơ cấp, 620 dưới 3 tháng), duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.

2. Công tác an sinh xã hội

- Công tác vận động chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em: Tính đến ngày 05/02/2024 toàn tỉnh đã vận động được 44.457/28.622 phần quà với tổng số tiền 21.677,50 triệu đồng, đạt 155,3% kế hoạch.

- Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động khó khăn… từ nguồn ngân sách tỉnh: Thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 29/01/2024 của UBND tỉnh về việc thăm và chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đến nay các địa phương đã thực hiện chi thăm tặng quà cho 31.602 lượt đối tượng với tổng kinh phí quà Tết trích từ ngân sách tỉnh là 15.486,9 triệu đồng.

- Trao tặng quà tết của Chủ tịch nước: Thực hiện Quyết định số 1583/QĐ-CTN ngày 26/12/2023 của Chủ tịch nước về tặng quà đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đại diện thân nhân của liệt sĩ với mức quà 600.000 đồng/phần quà và mức 300.000 đồng/phần quà tùy theo đối tượng người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách Trung ương.

- Công tác hỗ trợ gạo cho các gia đình khó khăn dịp Tết Nguyên đán: Ngày 03/02/2024 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 221/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo từ nguồn quốc gia để cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đến nay các địa phương đã tiếp nhận 476.805 kg gạo và cấp phát cho 9.153 hộ với 31.787 nhân khẩu tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh (gồm: Bù Gia mập. Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Phú Riềng, Lộc Ninh).

3. Giáo dục và Đào tạo

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2024. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch và đạt hiệu quả cao; Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tính đến ngày 19/02/2024, toàn tỉnh có 193/390 ( ) trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 49,48%; Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về thực hiện các tiêu chí để đạt chỉ tiêu trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024.

4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

- Tình hình dịch bệnh:

+ Sốt xuất huyết (SXH): Trong tháng số ca mắc sốt xuất huyết là 161 ca, giảm 42 ca so với tháng trước, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Phát hiện 9 ổ dịch và xử 9 ổ dịch.

+ Sốt rét: Trong tháng có 01 ca mắc, giảm 01 ca so với cùng kỳ.

+ Tay chân miệng (TCM): có 28 ca mắc, không có tử vong. So với tháng trước tăng 285 ca. So với cùng kỳ tăng 25 ca.

+ Dịch bệnh Covid-19: có 01 trường hợp.

- Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ghi nhận các bệnh: Tiêu chảy 30 ca; Cúm 125 ca; Viêm gan virút B 9 ca; Viêm gan virút C 01 ca; Các bệnh truyền nhiễm khác: chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

- Lĩnh vực văn hóa:

Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1945 - 03/02/2024), mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.500 m2 băng rôn; 10.450 m2 pa nô; 3.500 m2 banner; treo hơn 5.000 lượt cờ các loại, viết bài đăng trên trang websit của ngành và của các đơn vị.

Hoạt động thư viện: Trong tháng, thư viện tỉnh cấp 12 thẻ thư viện (cấp mới 05 thẻ, 07 thẻ gia hạn); phục vụ được 411.941 lượt bạn đọc (trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 912 lượt, bạn đọc truy cập website: 410.429 lượt; Không gian sách mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024: 600 lượt); tổng số tài liệu lưu hành là 5.360 lượt.

- Lĩnh vực thể thao: Trong tháng, Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh tổ chức Hội thi Lân Sư Rồng; Giải Vô địch Cờ vua, Cờ tướng tỉnh; hỗ trợ các đơn vị tổ chức các hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Cử đội tuyển tham dự 04 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, kết quả đạt 01 HCV.

- Lĩnh vực du lịch: Trong tháng 02, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 164.200 lượt khách, tăng 85,01% so với tháng trước và tăng 55,37% so với cùng kỳ, trong đó khách nội địa 163.000 lượt khách; khách quốc tế là 1.200 lượt khách.

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng 02/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 04 vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng; 15 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và 02 vụ va chạm, làm 14 người chết, 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 38,24%; số người chết giảm 46,15%; số người bị thương bằng so với năm trước.

7. Thiệt hại do thiên tai

Tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm này chưa phát sinh.

8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng 02/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, bằng so với cùng kỳ năm 2023;

Các cơ quan chức năng đã phát hiện 59 vụ vi phạm môi trường, tăng 63,89% so với tháng trước, tiến hành xử lý 28 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 82,1 triệu đồng.

 

Cục Thống kê tỉnh Bình Phước