Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

(MPI) - Ngày 28/6/2024, nhân kỷ niệm 23 năm ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe trong gia đình - Cách phòng chống bệnh ung thư và bệnh đột quỵ” để mọi người hiểu biết thêm về cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Tới tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan; đồng chí Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn cơ quan; đồng chí Vũ Thị Xuân Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ quan cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Bộ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn các đơn vị trực thuộc; các đồng chí Ủy viên Ban Nữ công cơ quan; các đồng chí Nữ công thuộc công đoàn các đơn vị trực thuộc; các cán bộ, công chức, viên chức, lao động của Bộ.

Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, Trưởng ban nữ công Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình, Người khẳng định “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo Người “Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau”. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Trưởng ban nữ công Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lê Thị Tường Thu cho biết, gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, gia đình là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hằng năm vào ngày 28/6, Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tổ chức các buổi Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề để phổ biến các kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tới toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan với đa dạng nhiều hình thức đổi mới.

Thông qua đó nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tạo sự lan tỏa về các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam góp phần nâng cao, làm chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình, từ đó có hành động thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Tường Thu phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại Tọa đàm các đại biểu đã được nghe Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe trong gia đình, cách phòng chống bệnh ung thư và bệnh đột quỵ.

Theo đó, để có một thể trạng sức khỏe tốt thì cần có 4 yếu tố đó là tập luyện, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch, vệ sinh cơ thể tốt. Cần nhìn nhận tích cực về bản thân mình, hiểu được cảm xúc, kiểm soát được stress, phải có kỹ năng từ chối, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông khác nhau. Có 13 thách thức y tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay đó là khủng hoảng khí hậu; xung đột và chiến tranh; bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe; tiếp cận thuốc; bệnh truyền nhiễm; đại dịch; sản phẩm nguy hiểm; thiếu nhân viên y tế; an toàn cho thanh thiếu niên; công nghệ mới; kháng kháng sinh; nước sạch, vệ sinh, môi trường; dịch loạn tin, tin giả, tin đồn sai sự thật, làm xói mòn lòng tin.

 
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe trong gia đình, cách phòng chống bệnh ung thư
và bệnh đột quỵ. Ảnh: MPI

Về chăm sóc sức khỏe nhân dân có Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân.

Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin.

Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Cụ thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Đồng thời, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng.

Chăm sóc sức khỏe chủ động là nền tảng cơ bản của đời sống hạnh phúc. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh là bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh nguy hiểm khi nó còn chưa xuất hiện bằng các biện pháp phòng ngừa. Cần chăm sóc sức khỏe từ lúc chưa mắc bệnh. Xây dựng các thói quen tốt để phòng bệnh cho mình. Cần có thêm các hoạt động khác như mô hình bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe chủ động, sức khỏe răng miệng; quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Phòng, chống và tầm soát ung thư bằng cách không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm trùng, có thể tầm soát các bệnh ung thư như đại tràng, phổi, gan, cổ tử cung, vú, tiền liệt tuyến, …

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MPI

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để mọi người giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, chăm sóc sức khỏe phòng ngừa bệnh tật, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Minh Hậu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư