Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng
1. Nội dung kiến nghị (số 39 tại văn bản số 1611/BDN): Về hoạt động đầu tư công trong xây dựng: Việc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư của dự án (theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ) đã gây khó khăn cho thực hiện mục tiêu, hiệu quả của dự án, vì trong tổng mức đầu tư xây dựng dự án được thẩm định và phê duyệt đã cơ bản tính đúng, tính đủ chi phí theo mục tiêu dự án đề ra. Để thực hiện tiết kiệm 10% thì phải giảm khối lượng xây dựng, giảm hạng mục công trình, giảm đơn giá xây dựng công trình (lựa chọn vật liệu có giá thành rẻ, thiết bị có chất lượng chưa tương xứng với công trình...), ảnh hưởng mục tiêu, hiệu quả của dự án và khó khăn trong việc thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Kiến nghị xem xét đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư của dự án như Nghị quyết nêu trên.
Trả lời:
Theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ, để chủ động trong điều hành, các bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư trong từng dự án do cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 còn khó khăn, phạm vi áp dụng là đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thống nhất cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, không quy định việc thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư của dự án.
2. Nội dung kiến nghị (số 40 tại văn bản số 1611/BDN): Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công quy định trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A. Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và không làm tăng tổng vốn đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhóm B, nhóm C; kiến nghị xem xét, bổ sung quy định phải hoàn thành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xong thì mới được triển khai tổ chức đấu thầu, thi công xây dựng hoặc tách hạng mục giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để đảm bảo thuận tiện trong công tác bố trí vốn, theo dõi tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Trả lời:
Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 17/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án thí điểm việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư tại Tờ trình số 520/TTr-CP. Tại Thông báo số 2831/TB-VPQH ngày 27/11/2021, UBTVQH có ý kiến: “Việc thí điểm (nếu có) chỉ thực hiện đối với một số địa phương, dự án cụ thể và có thời gian, thời hạn cụ thể.”
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình xây dựng các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách về công tác giải phóng mặt bằng đối với một số địa phương, cụ thể:
(1) Tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi đối với tỉnh Khánh Hòa (Điều 6 Nghị quyết số 55/2022/QH15).
(2) Cho phép thành phố Hồ Chí Minh sử dụng vốn ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố (điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15).
Tại Thông báo số 3298/TB-VPQH ngày 22/12/2023, Chủ tịch Quốc hội có ý kiến "Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết của Quốc hội". Do đó, trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương được phép thí điểm các chính sách này để thực hiện, đánh giá, tổng kết việc thí điểm, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật liên quan./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư