Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) – Ngày 11/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 625/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân công trách nhiệm chủ trì và trách nhiệm phối hợp giữa tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành trung ương bảo đảm thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có liên quan. Xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án gắn với nguồn lực triển khai nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh.
Kế hoạch gồm 03 nhóm nội dung, gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; Triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất.
Cụ thể, về hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch, rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn và các quy hoạch không còn phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo Điều 59 Luật Quy hoạch.
Đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Về triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh, đối với dự án ưu tiên và phân kỳ thực hiện Quy hoạch tỉnh, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan về đầu tư công.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, hạ tầng phát triển công nghiệp; hạ tầng cửa khẩu; hạ tầng khoa học, công nghệ.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Sân bay, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, hạ tầng logistics, đường sắt; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp;… Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
Tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng chính sách đột phá để phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy liên kết ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Vị trí, phạm vi, ranh giới, diện tích đất sử dụng, hướng tuyến, cơ cấu tổng mức đàu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của dự án sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án.
Thu hút, đầu tư để gia tăng mật độ, quy mô, năng suất, hiệu quả các cơ sở xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là tại 02 khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh và 06 trung tâm đô thị.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 10,5-11,0% trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh Nghệ An dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 có tổng số vốn là 560 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 7,6% (tương đương 42,6 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 0,1 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 11,7% (tương đương 65,5 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 36,6% (tương đương 205,0 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 43,9% (tương đương 245,8 nghìn tỷ đồng).
Giai đoạn 2026-2030 có tổng số vốn là 1.090 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 5,6% (tương đương 61,0 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 2,2 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 12,1% (tương đương 131,8 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 39,5% (tương đương 430,6 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 42,7% (tương đương 465,4 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, cơ cấu vốn của thời kỳ 2021-2030 gồm: Vốn ngân sách nhà nước chiếm 6,3% (tương đương 103,6 nghìn tỷ đồng); Vốn ODA chiếm 0,2% (tương đương 3,3 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 11,9% (tương đương 197,3 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 38,4% (tương đương 635,6 nghìn tỷ đồng); Vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm 43,2% (tương đương 710,2 nghìn tỷ đồng).
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của địa phương và phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách của vùng và những đề án trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá cho phát triển tình, vùng và ngành (cả nước).
Về kế hoạch sử dụng đất, căn cứ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 được giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2025 và 2026-2030 theo đúng quy định của pháp luật.
Quyết định nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trường hợp cần thiết, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định./.
Thục Anh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư