Xây dựng Báo cáo đánh giá chất lượng FDI trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - OECD
(MPI) - Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động triển khai MOU Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp với OECD để xây dựng Báo cáo đánh giá chất lượng FDI. Ngày 23/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Tổ công tác liên Bộ để khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc xây dựng Báo cáo.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Báo cáo đánh giá Đầu tư trực tiếp nước ngoài cung cấp cho Chính phủ các chính sách, dữ liệu và chuyên gia để thúc đẩy đầu tư bền vững, cải thiện chất lượng lao động, việc làm và nâng cao kỹ năng, cải thiện bình đẳng giới và giúp phát triển kinh tế hiệu quả và năng suất hơn. Trước đại dịch COVID-19, OECD ước tính rằng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cần 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm và đến nay có thể đã tăng thêm 70%. Trong khi đó, việc đáp ứng các cam kết được đưa ra trong Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế biến đổi khí hậu đòi hỏi phải đầu tư vào năng lượng tái tạo năng lượng sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030. Với những chính sách đúng đắn, FDI có thể trở thành nguồn tài chính quan trọng giúp đáp ứng cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Báo cáo đánh giá Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được những cột mốc quan trọng trong những năm qua. Báo cáo đã cung cấp các chỉ số và bộ công cụ chính sách nhằm giúp các Chính phủ nâng cao hiệu quả của đầu tư trong bốn lĩnh vực của mục tiêu phát triển bền vững như giảm phát thải khí các bon; kỹ năng và chất lượng nghề; bình đẳng giới; năng suất và đổi mới. Khuyến nghị của OECD về FDI chất lượng cho sự phát triển bền vững là công cụ hữu hiệu đưa ra những gợi ý cho Chính phủ về tăng tính hiệu quả của FDI cho sự phát triển bền vững, đáp ứng các cam kết được đưa ra trong Thỏa thuận Paris và tối ưu hóa sức mạnh cũng như chất lượng của quá trình phục hồi.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn nhóm chuyên gia của OECD đã phối hợp giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo. Đồng thời bày tỏ mong muốn, đại diện các bộ ngành với góc nhìn của mình góp ý về những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, đóng góp của FDI trong lĩnh vực công nghệ; những vấn đề nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp phụ trợ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những vấn đề liên quan tới chất lượng FDI, sự chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ sinh thái của công nghiệp phụ trợ; tính lan tỏa, đóng góp của đầu tư trong nước cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.
Ông Martin Wermelinger, Trưởng ban Đầu tư bền vững, OECD cho biết, nhiều nhà đầu tư quan tâm tới sự cải thiện chính sách đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam đang có những cải thiện chính sách rất tốt, mở rộng cơ hội tiếp cận cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hợp tác của OECD ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở đánh giá chất lượng đầu tư mà còn tiếp tục có những hội thảo quốc tế về thu hút đầu tư cũng như phòng ngừa rủi ro; sự đóng góp các chuyên gia thường xuyên giúp rà soát chất lượng đầu tư tại các quốc gia. Quá trình đánh giá có thể giúp cho đầu tư vào Việt Nam trở thành hình mẫu điển hình, tạo ra động lực mới để thu hút đầu tư chất lượng và ít rủi ro hơn.
Đại diện nhóm công tác của OECD đã có bài trình bày về phạm vi và hoạt động đầu tư FDI; Phạm vi đánh giá chất lượng FDI của Việt Nam về 05 lĩnh vực: tăng trưởng xanh; năng suất và đổi mới sáng tạo; số hóa; chất lượng việc làm và phát triển kỹ năng; bình đẳng giới.
Sáng kiến đánh giá chất lượng FDI của Việt Nam cung cấp cho Chính phủ ba công cụ để khuyến khích đầu tư bền vững là các chỉ số đánh giá chất lượng FDI giúp đo lường tác động và kết quả giữa các quốc gia và SDG; Bộ công cụ chính sách đánh giá chất lượng FDI xác định cơ cấu chính sách phù hợp và thiết lập thể chế; Mạng lưới đánh giá chất lượng FDI giúp hợp tác với các bên liên quan trong nước và toàn cầu.
Cuộc họp đã được nghe đại diện các Bộ đóng góp ý kiến về mục tiêu, phạm vi, quy trình và tiến độ của Đánh giá chất lượng FDI của Việt Nam và trao đổi về sự phối hợp cũng như khả năng cung cấp dữ liệu cho Báo cáo. Báo cáo sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách để cải thiện sự đóng góp của FDI vào phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Kết luận cuộc họp, ông Đỗ Nhất Hoàng cảm ơn OECD về báo cáo và các kinh nghiệm chia sẻ, cũng như những ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp. Đây là những thông tin hữu ích, gợi mở nhiều nội dung. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu nhằm hoàn thiện đề cương chi tiết hơn, giúp báo cáo đưa ra đạt được chất lượng cao./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư