Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2024 của tỉnh Kon Tum
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng 8 năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum tập trung sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc cây trồng vụ Mùa, đặc biệt là cây lúa và đảm bảo tiến độ gieo trồng các loại cây hằng năm khác. Tình hình sâu bệnh hại, dịch bệnh trên các loại cây trồng cơ bản được kiểm soát. Hoạt động chăn nuôi gia cầm tương đối ổn định. Sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi; công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm.
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Cây hàng năm
Trong tháng 8 năm 2024, các ngành chức năng tập trung chỉ đạo, theo dõi sản xuất cây trồng vụ mùa. Tính đến ngày 20/8/2024 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 63.601 ha, giảm 1,25% (-807 ha) so với cùng kỳ năm trước. DTGT một số cây hàng năm vụ mùa năm 2024 so với cùng kỳ năm trước như sau:
- Cây lúa gieo trồng được 15.162 ha, giảm 1,72% (-266 ha).
- Cây ngô gieo trồng được 3.668 ha, giảm 12,31% (-516 ha). Diện tích gieo trồng giảm chủ yếu ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông, do người dân chuyển đổi sang trồng cây khác như cây mía, cây ăn quả.
- Cây sắn gieo trồng được 38.803 ha, giảm 1,22% (-481 ha).
- Cây mía gieo trồng được 1.521 ha, tăng 26,75% (+ 322 ha). Diện tích mía tăng là do nhà máy đường kết hợp với người dân khôi phục lại diện tích mía đã bỏ trống từ các năm trước, bên cạnh đó thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh phát triển vùng nguyên liệu mía đến hết năm 2024 là 2.000 ha nên các tổ chức, cá nhân và nhà máy đường đã ký kết hợp đồng mở rộng DTGT mía.
- Rau các loại gieo trồng được 1.456 ha, tăng 2,9% (+41,2 ha). DTGT rau tăng do nhu cầu thị trường ngày càng tăng nên DN và người dân mở rộng DTGT.
- Đậu các loại gieo trồng được: 279 ha, giảm 1,06% (-3 ha).
Trong tháng Tám, các cơ quan chuyên môn tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người dân kiểm tra kênh mương, đồng ruộng, kiểm tra lượng nước của từng khu tưới để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước. Trên các trà lúa và một số cây trồng đã xuất hiện rải rác sâu bệnh gây hại ở mức độ thấp như chuột, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đốm nâu... Thời tiết như hiện nay, nắng nóng thất thường, có xen kẽ mưa là điều kiện thuận lợi để một số vi sinh vật gây hại xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Vì vậy, công tác hướng dẫn phòng trừ sinh vật hại, dự báo tình hình sâu bệnh luôn được các ngành chức năng quan tâm hướng dẫn kịp thời đến bà con nông dân.
Cây lâu năm
- Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh ước tính đến thời điểm 31/8/2024 đạt 133.961 ha, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số cây trồng chủ lực của tỉnh (cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả) đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng diện tích cây cà phê đạt 30.542 ha, tăng 3,5%; Diện tích cây cao su đạt 79.578 ha, tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích cây ăn quả đạt 15.741 ha, tăng 47,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cây Mắc ca 3.783 ha, tăng 43,46%. Diện tích cây ăn quả tăng cao là do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều nhóm cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế như chuối, sầu riêng, chanh leo, mắc ca, mít… Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường ổn định nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung vào những nông sản có giá trị để xuất khẩu như chanh leo, chuối, sầu riêng… đồng thời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả kết hợp du lịch trang trại, do đó nhiều nông dân và doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi từ cây hàng năm hiệu quả không cao sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
b) Chăn nuôi
- Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đến thời điểm 31/8/2024 so với cùng kỳ năm trước.
+ Tổng đàn trâu 24.528 con, tăng 1,9% (+463 con). Số con xuất chuồng là 1.961 con, tăng 1,7% (+33 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 525 tấn, tăng 1,6% (+8,5 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
+ Tổng đàn bò 89.349 con, tăng 5,2% (+4.427 con). Số lượng đàn bò tăng là do nhiều hộ dân được hỗ trợ giống từ các dự án và chương trình mục tiêu quốc gia nên số lượng đàn bò tăng cao ở một số huyện như Sa Thầy, Kon Rẫy, Ia H’Drai. Số con xuất chuồng là 24.357 con, tăng 2,2% (+592 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 4.316 tấn, tăng 2,3% (+95 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
+ Tổng đàn lợn 182.160 con, tăng 12,5% (+20.230 con). Đàn lợn tăng là do giá cả ổn định nên người dân tăng đàn, thêm vào đó, hiện nay mô hình nuôi gia công đang phát triển trên địa bàn tỉnh đã góp phần ổn định cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Số con xuất chuồng là 210.535 con, tăng 4,7% (+9.456 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 15.944 tấn, tăng 4,7% (+714 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
+ Tổng đàn gia cầm 1.991.000 con, tăng 4,1% (+78.400 con), trong đó: đàn gà 1.778.000 con, tăng 4,3% (+73.000 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 4.126 tấn, tăng 4,9% (+193,5 tấn) so với năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 3.683 tấn, tăng 4,7% (+167 tấn). Tổng đàn gia cầm tăng cả về số lượng đầu con và sản phẩm là do hiện nay chăn nuôi gia cầm đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi các loại con khác do thời gian thu sản phẩm nhanh, giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chủ động phòng trừ dịch bệnh kịp thời, tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi sản xuất. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang phát triển thêm nhiều cơ sở chăn nuôi gà với quy mô lớn.
- Tình hình dịch bệnh trong tháng 8 năm 2024.
Trong tháng một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật đã xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, điều kiện chuồng trại, vệ sinh không đảm bảo, cụ thể như sau:
+ Bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra trên đàn lợn của các hộ chăn nuôi tại xã Đăk La - Đăk Hà, xã Ia Dom – Ia H’Drai , thị trấn Đăk Tô – Đăk Tô. Tiêu huỷ toàn bộ 172 con lợn nghi mắc bệnh, mắc bệnh và chết theo quy định. Đến nay, cơ bản đã kiểm soát và khống chế dịch bệnh tại xã Đăk La - Đăk Hà và thị trấn Đăk Tô – Đăk Tô, còn xã Ia Dom – Ia H’Drai đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống để sớm khống chế ổ dịch theo quy định.
+ Bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò: bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra trên 01 con bò và 02 con bê 4 tháng tuổi của 03 hộ chăn nuôi tại khối 1, khối 6 và khối 7, thị trấn Đăk Tô. Cơ quan chuyên môn huyện cùng với với chính quyền địa phương đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống theo quy định; hướng dẫn chủ gia súc nuôi cách ly (01 bò, 01 con bê mắc bệnh), chăm sóc, nuôi dưỡng và đang có dấu hiệu hồi phục, ăn uống đi lại bình thường. Đồng thời tiêu huỷ 01 con bê mắc bệnh, chết tại khối 7, thị trấn Đăk Tô theo quy định.
+ Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, bệnh Dại ở động vật ... không phát sinh.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 8/2024, ngành Kiểm lâm tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Tính đến ngày 20/8/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 6,1 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh là 1.923,7 ha, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, diện tích giảm là do kế hoạch trồng rừng mới của tỉnh năm nay giảm so với năm trước.
Công tác khai thác lâm sản: Ước tính đến thời điểm 31/8/2024, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 95.482 m3, tăng 2,1% (+1.974 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 190.370 ster, tăng 1,5% (+2.890 ster) so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thuỷ sản
Trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân nuôi thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.
- Ước tính đến 31/8/2024 diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh là 980 ha, tăng 14,6% (+125 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh là 4,2 ha, chiếm 0,43%; Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến là 978,8 ha chiếm 99,57%. Diện tích nuôi chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá rô phi và cá diêu hồng, các loại cá này phù hợp với địa bàn tỉnh.
- Ước sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2024 đạt 4.764 tấn, tăng 6,67% (+298 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 1.574 tấn chiếm 33,04%; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 3.190 tấn chiếm 66,96%.
+ Sản phẩm thủy sản khai thác: Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 1.574 tấn, tăng 6,50% (+96 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng chủ yếu là do số lượng cá khai thác tại các đập, hồ chứa, sông …tăng lên, bên cạnh đó các đơn vị đấu thầu các đập, hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn đã thả giống thuỷ sản nhằm tăng nguồn lợi thuỷ sản để khai thác.
+ Sản phẩm thủy sản nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 3.190 tấn, tăng 6,76% (+202 tấn) so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong 8 tháng năm 2024 của tất cả các loại điều tăng. Nguyên nhân sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó số lồng/bè nuôi trồng thuỷ sản đến nay cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng; một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, sản xuất bàn, ghế, chế biến gỗ... do năm nay tình hình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng, một số doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất máy móc để đáp ứng sản xuất. Một số ngành như sản xuất đường, tinh bột sắn, chế biến gỗ nguồn cung cấp nguyên liệu tương đối đảm bảo, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu không còn xảy ra. Ngành sản xuất, phân phối điện; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định. Tính chung 8 tháng năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,12%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,62%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,51%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,57%.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2024 ước tính tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng cao nhất ở ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 17,89%), do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao; một mặt các đơn vị hoạt động thu gom xử lý rác thải mở rộng địa bàn thu gom rác thải, tăng công suất hoạt động của nhà máy. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 10,90%, hiện tại nhiều công trình xây dựng đang tập trung thi công, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng cao nên các đơn vị tăng sản lượng khai thác. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,16%, trong đó tăng cao ở một số ngành như chế biến gỗ; sản xuất giường, tủ, bàn ghế; sản xuất cấu kiện kim loại... do nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định... Ngành sản xuất phân phối điện tăng 3,43% do điều tiết hoạt động chung của ngành điện.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 11,03%. Trong đó ngành khai thác khoáng sản tăng 5,01%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất (tăng 25,44%), chủ yếu tăng ở ngành chế biến thực phẩm, đến tháng 8 đa số các nhà máy tinh bột sắn bắt đầu thu mua nguyên liệu và hoạt động trở lại sau thời gian tạm nghỉ thời vụ, lượng tinh bột sắn sản xuất tăng cao so tháng trước. Ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,75% do hiện tại trên địa bàn tỉnh mưa nhiều hơn, lượng nước trên các hồ thủy điện luôn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động ổn định. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định so tháng trước.
Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,12%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,62%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,51%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,57%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác tăng 12,12%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,98%; Sản xuất trang phục tăng 9,20%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,69%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 17,13%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 4,82%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,39%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,71%. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,02%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,22%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,02%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,51%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,13%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 15,94%.
2.2. Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp
Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 8 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 44.191 m3, tăng 14,07%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 19.620 tấn, xấp xỉ sản lượng cùng kỳ năm trước; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 19,20 triệu viên, tăng 3,64%; Điện sản xuất 272,94 triệu Kwh, tăng 2,16%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước: Đá xây dựng khác đạt 317,9 ngàn m3 tăng 12,12%; Tinh bột sắn đạt 144.926 tấn tăng 4,75%; Đường RE đạt 10.271 tấn, tăng 44,01%; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 1.196 ngàn cái, tăng 9,76%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 24.149 m3, tăng 17,13%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 151 triệu trang tăng 4,82%; Cồn béo công nghiệp đạt 7.098 tấn tăng 5,95%; Phân vi sinh đạt 862 tấn tăng 11,23%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hoá trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 1.303 tấn, tăng 6,71%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 134,55 triệu viên, tăng 7,81%; Ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 265 nghìn viên, tăng 13,93%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 20.796 tấn, tăng 11,17%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 173,86 nghìn chiếc, tăng 7,98%; Bàn bằng gỗ các loại đạt 79,63 nghìn chiếc, tăng 10,05%; Điện sản xuất đạt 2.052 triệu Kwh tăng 7,88%; Nước uống được đạt 2,8 triệu m3 tăng 11,13% ...
2.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm đầu tháng 8/2024 tăng 1,67% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 0,33%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 3,16%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng tăng 2,59%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,36%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,16%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,31% so với cùng kỳ năm trước.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]
Trong tháng 8 năm 2024 (tính đến ngày 20/8/2024) toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 57 tỷ đồng, giảm 45,45% về số doanh nghiệp và giảm 80,06% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 01 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 12 doanh nghiệp đã giải thể; 08 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Tính chung 8 tháng năm 2024 (tính đến ngày 20/8/2024) toàn tỉnh có 198 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,32% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 1.509 tỷ đồng, giảm 35,22% so với cùng kỳ năm trước. Có 38 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 32,14% so với cùng kỳ năm trước; 178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33,83% so với cùng kỳ năm trước; 123 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 132,08% so với cùng kỳ năm trước.
4. Vốn đầu tư
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tháng 8/2024 tiếp tục được các Sở, ngành và địa phương nỗ lực đẩy mạnh thực hiện triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đặc biệt là các dự án chuyển tiếp. Công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả. Tính chung 8 tháng năm 2024 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn ước đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 năm 2024 đạt 374,5 tỷ đồng, tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 189,4 tỷ đồng, chiếm 50,58% trong tổng số nguồn vốn; Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 185,1 tỷ đồng, chiếm 49,42% trong tổng số nguồn vốn.
Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý. Cụ thể:
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.271 tỷ đồng, chiếm 64,79% trong tổng số nguồn vốn, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 709 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 486 tỷ đồng; nguồn vốn ODA 22 tỷ đồng; nguồn vốn Xổ số kiến thiết đạt 55 tỷ đồng.
- Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 691 tỷ đồng, chiếm 35,21% trong tổng số nguồn vốn, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện đạt 292 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 399 tỷ đồng.
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã không phát sinh.
Nhìn chung trong 8 tháng năm 2024, tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2023 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2024 đang được các đơn vị triển khai thực hiện dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Đường giao thông tiếp nối Tỉnh lộ 674 đi đường tuần tra biên giới xã Mo Ray, huyện Sa Thầy; Đường trục chính phía Tây TP Kon Tum; Đầu tư XD cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với huyện Sơn Tây, Sơn Hà - Quảng Ngãi; Hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường nội thành, thành phố Kon Tum …
5. Hoạt động ngân hàng[2]
- Tình hình thực hiện lãi suất: Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. Hiện nay, các TCTD trên địa bàn áp dụng mức lãi suất như sau:
* Lãi suất huy động bằng VNĐ: Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng : <0,5 %/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 01 đến dưới 6 tháng, lãi suất từ <4,75%/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng: 3,0-4,0%/năm; Tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 4,0-5,0%/năm.
* Lãi suất cho vay bằng VNĐ: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến: 4,0-9,0%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến: 9,0-12,0%/năm.
- Hoạt động huy động vốn: Trong kỳ báo cáo, mức lãi suất huy động tiếp tục được duy trì khá ổn định. Ngay từ đầu năm, các TCTD trên địa bàn tích cực đẩy mạnh nhiều biện pháp, chương trình khuyến mại để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế, nên nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, đáp ứng được một phần nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.
Đến ngày 31/8/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 22.600 tỷ đồng, giảm 1,8% (-424 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 1.550 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,9% tổng nguồn vốn huy động, giảm 5,3% (-86 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2023.
- Hoạt động tín dụng: Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Chi nhánh, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước những thách thức của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương, các TCTD đã triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống TCTD để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Đến ngày 31/8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 47.200 tỷ đồng, tăng 1,5% (+688 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong đó:
- Dư nợ phân theo kỳ hạn: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 29.600 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng dư nợ, tăng 3,3% (+956 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 17.600 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng dư nợ, giảm 1,5% (-268 tỷ đồng) so với đầu năm.
- Dư nợ phân theo loại hình tổ chức/cá nhân: Dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 14.900 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng dư nợ, giảm 0,1% (-20 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã ước đạt 55 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, tăng 3,1% (+1,6 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay hộ kinh doanh và cá nhân ước đạt 32.241 tỷ đồng, chiếm 68,30% tổng dư nợ, tăng 2,2% (+705 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay khác ước đạt 4,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ.
6. Thương mại, dịch vụ
Trong 8 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh doanh, sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định và đời sống Nhân dân tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp và hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi tập trung được tổ chức đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, nên giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, nhu cầu mua sắm tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, vật phẩm, văn hoá, giáo dục... Hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng so với cùng kỳ năm trước là do trong 8 tháng năm 2024, đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống; trải nghiệm, trò chơi dân gian; giới thiệu các tour, tuyến tham quan du lịch, nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sinh động, hấp dẫn mang sắc thái Xuân, ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3), các hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập thành phố Kon Tum, kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994 - 24/3/2024), dịp lễ 30/4 và 01/5 kéo dài liên tục 5 ngày… hấp dẫn phục vụ du khách dịp Tết, Lễ hội. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2024 tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,69% so với cùng kỳ năm trước.
6.1. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 8 năm 2024 đạt 3.259 tỷ đồng, tương đối ổn định (tăng 0,013%) với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.733 tỷ đồng, chiếm 83,87% trong tổng số, tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 335 tỷ đồng, chiếm 10,27% trong tổng số, giảm 1,34% so với tháng trước và tăng 19,51% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 191 tỷ đồng, chiếm 5,86% trong tổng số, tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 20,56% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tháng 8 năm 2024 tăng nhẹ so với tháng trước là do các hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút được sự hưởng ứng tham gia của thương nhân trên địa bàn. Mặt khác, tháng 8 năm 2024 tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh không thuận lợi do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Đồng thời, trùng vào tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) nên các hoạt động dịch vụ mua nhà đất, tổ chức đám cưới, khai trương cửa hàng cũng hạn chế.
- Tính chung 8 tháng năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 25.574 tỷ đồng, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 ước đạt 21.364 tỷ đồng, chiếm 83,54% trong tổng số và tăng 12,69% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, tăng 11,65%; Hàng may mặc, tăng 18,03%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, tăng 10,21%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục, tăng 11,26%; Gỗ và vật liệu xây dựng, tăng 12,68%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi), tăng 8,47%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng), tăng 19,24%; Xăng, dầu các loại, tăng 11,14%; Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu), tăng 26,11%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm, tăng 28,78%; Hàng hoá khác, tăng 7,8%; Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 13,34%.
+ Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 8 tháng năm 2024 ước đạt 2.579 tỷ đồng, chiếm 10,09% trong tổng số và tăng 13,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 167,22 tỷ đồng, tăng 25,27%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 2.409,51 tỷ đồng, tăng 13,09%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 2,51 đồng, tăng 37,57% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng năm 2024 ước đạt 1.631 tỷ đồng, chiếm 6,38% trong tổng số và tăng 19,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao như: dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 9,25%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 25,02%; dịch vụ giáo dục và đào tạo, tăng 23,77%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 23,87%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 17,98%; dịch vụ khác, tăng 20,75% ...
6.2. Hoạt động vận tải, kho bãi
Hoạt động vận chuyển hành khách tháng 8/2024 tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do trong tháng là thời gian nghỉ hè của sinh viên các trường Cao đẳng và Đại học và một số địa phương trong nước tổ chức các sự kiện lớn trong dịp hè nên nhu cầu của người dân đi về thăm quê và đi du lịch tăng. Hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì ổn định và tăng nhẹ so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 11,77% và luân chuyển tăng 11,15% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 8,56% và luân chuyển tăng 8,87%.
(1) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 8 năm 2024
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 8 năm 2024 đạt 262,37 tỷ đồng, tăng 1,23% so với tháng trước và tăng 11,95% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 75,71 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 2,52%), so với cùng kỳ năm trước tăng 12,52%; Vận chuyển ước đạt 1.090 nghìn lượt khách, tăng 21,8%; Luân chuyển ước đạt 145.203 nghìn lượt khách.km, tăng 20,88%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 168,31 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 0,67%), so với cùng kỳ năm trước tăng 11,4%; Vận chuyển ước đạt 1.691 nghìn tấn, tăng 15,08%; Luân chuyển ước đạt 87.562 nghìn tấn.km, tăng 16,05%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 1,93 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,48%.
- Hoạt động bưu chính và chuyển phát, doanh thu đạt 16,42 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,33%.
Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân một mặt là đây là thời gian cuối kỳ nghỉ hè trong năm, mặt khác là thời gian các học sinh đi nhập học các trường Cao đẳng và Đại học nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì ổn định và tăng nhẹ so với tháng trước là do một số sản phẩm nông nghiệp đang mùa thu hoạch như cao su nên hoạt động vận tải phục vụ ngành nông nghiệp tăng.
(2) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 8 tháng năm 2024
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 8 tháng năm 2024 đạt 2.001 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 576 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 23,22%; Vận chuyển ước đạt 8.249 nghìn lượt khách, tăng 11,77%; Luân chuyển ước đạt 1.076.737 nghìn lượt khách.km, tăng 11,15%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 1.285 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,37%; Vận chuyển ước đạt 13.056 nghìn tấn, tăng 8,56%; Luân chuyển ước đạt 661.621 nghìn tấn.km, tăng 8,87%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,27%.
- Hoạt động bưu chính và chuyển phát, doanh thu đạt 125 tỷ đồng, tăng 12,68%.
7. Giá cả thị trường
7.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Tháng 8 năm 2024 giá cả thị trường ở địa phương ổn định, không có sự biến động lớn về giá, không xảy ra hiện tượng ghim hàng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2024 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,95% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 giảm 0,07% (khu vực thành thị giảm 0,06%; khu vực nông thôn giảm 0,08%), tác động giảm chủ yếu là do giá xăng, dầu giảm. Giá cả thị trường trong tháng 8 ở địa phương duy trì ổn định, không có sự biến động lớn về giá, không xảy ra hiện tượng ghim hàng tăng giá. Trong mức giảm 0,07% của CPI tháng 8/2024 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giảm.
(1) Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,11%)
+ Lương thực: Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,1%, trong đó chỉ số nhóm gạo giảm 0,13% (giá gạo tẻ thường giảm 0,17%, giá gạo nếp giảm 0,03%, giá gạo tẻ ngon tăng 0,31%), nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng gạo tẻ ngon tăng; nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 2,39%, trong đó giá ngô tăng 2,12%, giá khoai lang tăng 3,2%, giá sắn tăng 1,84%, nguyên nhân là do sản phẩm trái vụ.
+ Thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,14%, chủ yếu là do nhóm thịt gia cầm tăng 0,54%, trong đó giá thịt gà tăng 0,49%, giá thịt gia cầm khác tăng 0,8%. Nhóm trứng các loại tăng 0,61%, trong đó giá trứng tươi các loại tăng 0,62%. Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,04% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,38%, nhóm thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,79%, nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung giảm nên làm cho giá tăng. Ở chiều ngược lại, nhóm thịt gia súc giảm 1,15%, trong đó giá thịt lợn giảm 1,76%, giá nội tạng động vật giảm 1,16%, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng Bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở một số địa phương trên toàn quốc nên nhu cầu tiêu dùng giảm. Nhóm dầu mỡ và chất béo khác giảm 0,11%, trong đó mỡ động vật giảm 2,12%, là do giảm theo giá thịt lợn. Nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 1,15%, trong đó giá cà chua tăng 7,19% (tăng từ 1000 đến 2000 đồng/kg), giá bắp cải tăng 3,41% (tăng từ 1000 đến 1500 đồng/kg), giá su hào tăng 0,98%, giá rau dạng quả củ tăng 0,7%, giá rau gia vị tươi khô các loại tăng 1,38%, nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm rau trên trái vụ. Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,51%, trong đó giá chuối tăng 1,05%, giá quả có múi tăng 0,34%, giá quả tươi khác tăng 0,49%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng cho việc thờ cúng rằm tháng 7 âm lịch tăng nên làm cho giá tăng theo. Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,99% là do giá sữa đậu nành, sữa ngô tăng 2,78%, giá sữa bột trẻ em tăng 1,13%, giá sữa bột người lớn tăng 0,39%; nhóm chè, cà phê, ca cao tăng 0,22%, trong đó giá cà phê bột tăng 1,54%, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng giá cà phê nhân tăng.
Đồ uống và thuốc lá (+0,05%)
Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%, là do giá rượu các loại tăng 0,12%, trong đó rượu mạnh tăng 1,66%, tăng chủ yếu là do rượu trắng địa phương tăng; Riêng nhóm bia các loại giảm 0,35%, trong đó giá bia lon giảm 0,39% là do nhu cầu tiêu dùng giảm.
- May mặc, mũ nón và giày dép (+0,64%)
Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,64%, là do nhóm vải các loại tăng 1,79%; nhóm quần áo may sẵn tăng 0,59%, trong đó giá quần áo cho nam (13 tuổi trở lên) tăng 1,72%, giá quần áo cho trẻ em gái (từ 2 đến dưới 13 tuổi trở lên) tăng 2,49%; giá giầy dép các loại tăng 0,37%, trong đó giầy thể thao người lớn tăng 1,22%, giá giầy dép cho nam tăng 0,33%; nhóm dịch vụ may mặc tăng 0,58%; nhóm mũ nón tăng 1,11%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu mua sắm trang phục chuẩn bị năm học mới cho con em học sinh tăng nên giá tăng theo quy luật cung cầu.
- Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,01%)
Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,01%, nguyên nhân chính là do nhóm nhà ở thuê tăng 0,33%, trong đó tiền thuê nhà thực tế tăng 0,58%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,61%; gas tăng 0,46%, tăng 2000 đồng/kg từ ngày 01/8/2024. Ở chiều ngược lại giá điện sinh hoạt giảm 1,28% (do nhu cầu tiêu dùng giảm nên giá bình quân giảm); giá nước sinh hoạt giảm 1,07% là do trong tháng mưa nhiều nên nhu cầu tiêu dùng nước giảm; giá dầu hỏa qua các đợt điều chỉnh giá trong tháng tính bình quân so với tháng trước giảm 5,99%.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,46%)
Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%, tăng chủ yếu là do giá giường, tủ, bàn ghế tăng 0,6%; giá đồ dùng bằng kim loại tăng 0,72%, trong đó giá đồ nhôm, inox tăng 2,04%; giá hàng thủy tinh tăng 3,22%, trong đó giá bát, đĩa tăng 4,08%; giá vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,6%, trong đó giá giấy vệ sinh tăng 1,75%; giá sửa chữa thiết bị gia đình tăng 1,11%, trong đó giá sửa chữa ti vi tăng 2,89%.
Thuốc và dịch vụ y tế (+0,28%)
Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%, là do giá thuốc các loại tăng 1,65%, trong đó giá thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 2,2%, giá thuốc chống dị ứng tăng 3,57%, giá vitamin và khoáng chất tăng 3,3%; giá dụng cụ y tế tăng 0,74%; giá thuốc tim mạch tăng 1,45%.
- Giáo dục (+0,04%)
Chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,04% là do nhóm văn phòng phẩm tăng 0,18%, trong đó giá văn phòng phẩm và đồ dung học tập khác tăng 1,67%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mua sắm dụng cụ học tập chuẩn bị cho năm học mới tăng nên giá tăng theo.
- Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,27%)
Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27%, tăng chủ yếu là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 1,23%, trong đó giá các mặt hàng chăm sóc cơ thể tăng 2,07%, túi xách tăng 1,52%, đồ trang sức tăng 1,99% là do tăng theo giá vàng.
(2) Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
- Giao thông (-2,31%)
Chỉ số nhóm giao thông giảm 2,31%, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 5,75%, do trong tháng có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tính bình quân so với tháng trước giá xăng giảm 5,8%, giá dầu diezel giảm 6,95%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,84%, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 10,59%.
- Bưu chính viễn thông (-1,02%)
Chỉ số nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,02%, là do nhóm thiết bị điện thoại giảm 2,9%, trong đó giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 2,56%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động thế hệ cũ.
- Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,14%)
Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,14% là do nhóm thiết bị văn hóa giảm 0,64%, trong đó giá ti vi màu giảm 0,67%; giá hoa, cây cảnh, vật cảnh giảm 1,39%, trong đó giá cây, hoa cảnh giảm 3,34%, là do lượng cung tăng.
So với tháng 8/2023, CPI tháng 8/2024 tăng 2,61%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá.
Các nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,59%, tăng chủ yếu là do nhóm lương thực tăng 10,37%, trong đó giá gạo tăng 15,11% là do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng, nhóm thực phẩm tăng 1,82%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,26%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,88%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,31%, tăng chủ yếu là do giá gas tăng 15,06%, điện sinh hoạt tăng 3,23%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,31%, tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng 11,81%; nhóm giáo dục tăng 1,22%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,4% là do giá bảo hiểm y tế tăng 30%.
Các nhóm giảm là nhóm giao thông giảm 2,62% là do nhóm nhiên liệu giảm 9,02%, trong đó giá xăng giảm 9,05%, giá dầu diesel giảm 11,36%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 3,94%, giảm chủ yếu là do mặt hàng điện thoại di động giảm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,37%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Các nhóm tăng giá:
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%, trong đó giá lương thực tăng 10,56% (giá gạo tăng 15,01% do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng); giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 7,62%; giá các loại đậu và hạt tăng 5,86%; giá đường, mật tăng 6,17%; sữa, bơ, pho mai tăng 3,39%; chè, cà phê, ca cao tăng 3,41%, trong đó cà phê bột tăng 16,25%. Ở chiều ngược lại, giá thịt gia súc giảm 0,8% (riêng giá thịt lợn giảm 1,14%); giá trứng các loại giảm 1,46%; giá dầu mỡ và chất béo khác giảm 2,48%; giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,39%; giá quả tươi và chế biến giảm 1,09%.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,48%, là do giá thuốc hút tăng 2,0%; giá rượu bia tăng 3,34%, trong đó giá rượu tăng 4,67%, giá bia tăng 2,53%, là do nhu cầu tiêu dùng trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán tăng.
- Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 3,32%, trong đó giá vải các loại tăng 3,14%, giá quần áo may sẵn tăng 3,1%, giá giầy dép tăng 3,6%, dịch vụ may mặc tăng 1,66% là do nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm Tết Nguyên đán, các dịp nghỉ Lễ đầu năm và mua sắm trang phục cho học sinh chuẩn bị đón năm học mới.
- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,04%, tăng chủ yếu là do giá nhà ở thuê tăng 6,44%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,23%; giá điện sinh hoạt tăng 6,66% là do ảnh hưởng điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,0% là do giá đồ điện tăng 2,34%; giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,12%; giá đồ dùng bằng kim loại tăng 1,81%; giá dịch vụ trong gia đình tăng 8,74%; giá vật phẩm tiêu dùng khác tăng 2,2%. Ở chiều ngược lại giá tủ lạnh giảm 4,43%, giá máy giặt giảm 1,99%.
- Nhóm thuốc và thiết bị y tế tăng 9,93%, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế tăng 11,48%; giá thuốc các loại tăng 3,79%; giá dụng cụ y tế tăng 1,68%.
- Nhóm giao thông tăng 2,1%, chủ yếu là do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,67% là do tăng giá vé Tết vận chuyển hành khách bằng các loại phương tiện để bù chiều vắng hoặc ít khách; giá nhiên liệu tăng 2,04%, trong đó giá xăng tăng 2,05%, giá dầu dizel tăng 1,95%.
- Nhóm giáo dục tăng 1,27%, trong đó giá các loại văn phòng phẩm tăng 4,34% (giá sản phẩm từ giấy tăng 11,11%); dịch vụ giáo dục tăng 0,39%.
- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,45%, tăng chủ yếu là do giá đồ dùng cá nhân tăng 6,9%, trong đó giá các mặt hàng chăm sóc cơ thể tăng 9,53%, giá đồ trang sức tăng 20,85% do tăng theo giá vàng.
Ở chiều ngược lại, có 02 nhóm hàng giảm giá:
- Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 5,47% là do giá các loại điện thoại di động thế hệ cũ giảm 14,94%, trong đó giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 21,46%; nhóm dịch vụ khác tăng 17,57%, trong đó giá bảo hiểm y tế tăng 22,75%.
- Nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,58%, giảm chủ yếu là do giá thiết bị văn hóa giảm 12,99%, trong đó giá tivi màu giảm 13,35%. Ở chiều ngược lại, nhóm khách sạn nhà hàng tăng 5,37%, trong đó giá nhà khách tăng 5,55%, giá khách sạn tăng 4,16%.
7.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh
- Chỉ số giá vàng (+2,83%)
Giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới. Trên địa bàn tỉnh, chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 2,83% so với tháng trước; tăng 9,02% so với tháng 12/2023; tăng 19,24% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 20,4%.
- Chỉ số giá đô la Mỹ (-0,55%)
Trên địa bàn tỉnh, giá đô la Mỹ tháng 8/2024 giao dịch bình quân quanh mức 25.315 VND/USD, giảm 0,55% so với tháng trước; tăng 3,4% so với tháng 12/2023; tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,66%.
8. Một số tình hình xã hội
8.1. Tình hình đời sống dân cư
Trong tháng 8 năm 2024, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển; chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; tình hình dịch bệnh luôn kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trong tháng, động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra thường xuyên và liên tục, đặc biệt vào trưa 28/7 xảy ra trận động đất có độ lớn 5.0 độ richter đã gây rung lắc mạnh cho nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được tại khu vực này, đã gây tâm lý hoang mang đối với một bộ phận người dân sống gần khu vực tâm chấn trận động đất. Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 và đã xây dựng kế hoạch, triển khai mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, bước vào năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT tỉnh cũng đã phát động phong trào thi đua chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” và xây dựng góc học tập tại nhà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
8.2. Tình hình nổi bật, bất thường về xã hội
a) Về y tế
Trong tháng, ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác chuyên môn, các dịch bệnh trên người được kiểm soát tốt, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong tháng không ghi nhận ngộ độc thực phẩm.
(1) Tình hình dịch bệnh tháng 7 năm 2024
- Tay - Chân - Miệng: Trong tháng, ghi nhận 2 ca mắc mới tại huyện Ngọc Hồi, bằng so với tháng trước và giảm 25 ca so với tháng 7/2023. Luỹ tích đến 31/7/2024, không có tử vong, ghi nhận 12 ca mắc (thành phố Kon Tum 4, Ngọc Hồi 5, Tu Mơ Rông 2, Ia H’Drai 1), giảm 46 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 4 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 1, Đăk Glei 3), giảm 3 ca so với tháng trước và giảm 1 ca so với tháng 7/2023. Luỹ tích đến 31/7/2024, không có tử vong, ghi nhận 110 ca mắc, giảm 15 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 17 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 3, Đăk Glei 6, Tu Mơ Rông 3, Kon Rẫy 5), tăng 5 ca so với tháng trước và tăng 16 ca so với tháng 7/2023. Luỹ tích đến 31/7/2024, không có tử vong, ghi nhận 145 ca mắc, tăng 110 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 28 ổ dịch mới (thành phố Kon Tum 10, Đăk Hà 7, Kon Rẫy 8, Kon Plông 1, Sa Thầy 2), tăng 13 ổ dịch so với tháng trước và tăng 10 ổ dịch so với tháng 7/2023. Lũy tích đến 31/7/2024, ghi nhận 53 ổ dịch, tăng 16 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, ghi nhận 47 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 14, Đăk Hà 7, Kon Rẫy 18, Kon Plông 6, Sa Thầy 2), giảm 17 ca so với tháng trước và giảm 21 ca so với tháng 7/2023. Luỹ tích đến 31/7/2024, không có ca tử vong, ghi nhận 188 ca mắc, tăng 77 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Viêm não Nhật Bản: Trong tháng, ghi nhận 2 ca mắc mới tại thành phố Kon Tum, tăng 2 ca so với tháng trước và tăng 2 ca so với tháng 7/2023. Lũy tích đến 31/7/2024, không có tử vong, ghi nhận 2 ca mắc tại thành phố Kon Tum, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Bệnh Lao: Trong tháng, không có ca tử vong, ghi nhận 27 ca mắc mới, bằng so với tháng trước và giảm 12 ca so với tháng 7/2023. Lũy tích từ 01/01/2024 đến 31/7/2024, không có tử vong, ghi nhận 211 ca mắc, giảm 29 ca so với cùng kỳ năm trước; trong đó lao phổi AFB (+): 147, lao phổi AFB (-): 14 và lao ngoài phổi: 50. Lũy tích từ 01/01/2018 đến 31/7/2024: ghi nhận 2.520 ca; trong đó tử vong: 26 ca, hoàn thành điều trị: 2.269 ca, đang được quản lý điều trị: 225 ca.
- Bệnh Phong: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích từ 01/01/2024 đến 31/7/2024, không có ca tử vong, ghi nhận 01 ca mắc tại huyện Đăk Glei, bằng so với cùng kỳ năm trước. Quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia (là trại viên): Đang quản lý 49; bệnh nhân cũ điều trị nội trú còn lại đầu tháng 20; bệnh nhân đến khám (kê đơn) trong tháng 28; bệnh nhân nhập viện trong tháng 10; bệnh nhân xuất viện trong tháng 11; Chuyển Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quy Hòa 1; bệnh nhân hiện còn đang điều trị nội trú 18.
- Tổng số công dân nhập cảnh được kiểm tra, giám sát trong tháng: 11.196 người. Qua giám sát chưa phát hiện các trường hợp nhập cảnh có biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
- Trong 7 tháng năm 2024, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...); Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV); Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19); Đậu mùa khỉ; Cúm A(H1N1); Sốt rét; Bệnh do vi rút Zika; Viêm gan vi rút A; Bạch hầu; Dại; Ho gà; Sởi...
(2) Tiêm chủng mở rộng
- Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên, kết quả đến 31/7/2024:
+ Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,73%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 98,76%; tỷ lệ tiêm liều bổ sung đạt 96,7%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 92,61%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 100%.
+ Nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,52%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 96,09%.
+ Nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,3%.
(3) Phòng chống HIV/AIDS
Tình hình HIV/AIDS trong tháng 7/2024: Số người ghi nhận nhiễm HIV trong tháng 4 người (xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3, xét nghiệm nơi khác 1). Lũy tích HIV/AIDS tính đến ngày 31/7/2024: Tổng số lũy tích người nhiễm HIV/AIDS 602 người; trong đó tử vong do HIV/AIDS 212 người (AIDS 200, HIV 12), nhiễm HIV/AIDS còn sống 390 người (còn sống đang quản lý và tiếp cận được 255); nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS 305 người, trong đó còn sống 105.
- Điều trị ARV: Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV đến 31/7/2024 là 201 bệnh nhân (có 9 trẻ em). Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị dự phòng Lao bằng Isoniazid (INH) 12.
(4) Khám chữa bệnh
Đảm bảo công tác khám, thu dung và điều trị bệnh nhân; tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh điều trị nội trú, ngoại trú. Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tạo hình dị dạng lồng ngực bẩm sinh. Tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trong tháng 84.919 lượt người, tăng 11% so với tháng trước và số lượt điều trị nội trú 7.170 lượt người, tăng 7% so với tháng trước; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch bình quân của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và phòng khám đa khoa khu vực đạt 64,6% (tháng trước 62,8%), trong đó tuyến tỉnh 79,3% (tháng trước 79,6%), tuyến huyện 44,7% (tháng trước 38,9%) và phòng khám đa khoa khu vực 45,9% (tháng trước 69,5%).
b) Về văn hóa:
Trên địa bàn tỉnh, công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch được triển khai tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm, duy trì.
c) Về thể dục thể thao:
Trên địa bàn tỉnh, phong trào thể dục thể thao trong quần chúng Nhân dân tích cực triển khai[3]; thể thao thành tích cao được chú trọng.
8.3. Tình hình bất thường về thiên tai, hỏa hoạn
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của dãi áp thấp gây ra mưa giông, có nơi mưa rất to tại hầu hết các địa bàn của tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra nhiều trận động đất đã gây ra một số thiệt hại về tài sản.
8.4. Tình hình vi phạm môi trường
- Trong tháng, phát hiện 01 vụ khai thác cát trái phép tại địa bàn phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum. UBND thành phố Kon Tum đã ban hành quyết định (số 730/QĐ-XPHC) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng Kon Tum với số tiền 50 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép.
8.5. Tình hình trật tự an toàn xã hội
- Phạm tội về trật tự xã hội: Phát hiện 26 vụ[4] (Giảm 01 vụ so với tháng trước; không thay đổi so với tháng 8/2023). Hậu quả, thiệt hại: 02 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 370 triệu đồng. Địa bàn: TP Kon Tum 12 vụ; Đăk Hà 03 vụ; Ngọc Hồi 03 vụ; Kon Rẫy 02 vụ; Đăk Tô 02 vụ; Tu Mơ Rông 02 vụ; Sa Thầy 02 vụ.
- Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Không phát hiện (giảm 01 vụ so với tháng trước; giảm 01 vụ so với tháng 8/2023).
- Phạm tội về ma tuý: Phát hiện 18 vụ (tăng 01 vụ so với tháng trước; tăng 12 vụ so với tháng 8/2023), cụ thể: Tàng trữ trái phép chất ma túy 12 vụ; Vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 01 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 04 vụ. Thu giữ: 12,292g Heroin; 3.320,426g ma túy tổng hợp. Địa bàn: TP Kon Tum 10 vụ; Ngọc Hồi 04 vụ; Kon Rẫy 02 vụ; Sa Thầy 01 vụ; Ia H’Drai 01 vụ.
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 14 vụ TNGT[5] (04 vụ ít nghiêm trọng, 09 vụ nghiêm trọng, 01 vụ rất nghiêm trọng) làm 10 người chết, 11 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng: 193,5 triệu đồng. So với tháng trước liền kề: Tăng 03 vụ, tăng 04 người chết, tăng 02 người bị thương. So với cùng kỳ tháng 8/2023: Giảm 02 vụ, giảm 01 người chết, giảm 08 người bị thương.
- Tình hình cháy, nổ: Xảy ra 01 vụ cháy nhà dân tại huyện Kon Plông (Tăng 01 vụ so với tháng trước; không thay đổi so với tháng 8/2023). Hậu quả: 03 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 44 triệu đồng. Nguyên nhân: Do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Tình hình sự cố, tai nạn: Xảy ra 02 vụ (tăng 01 vụ so với tháng trước; không thay đổi so với tháng 8/2023). Hậu quả: 04 người chết. Kết quả CNCH: Tìm được 04 thi thể nạn nhân.
[1] Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư
[2] Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum.
[3] Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức Giải vô địch Điền kinh trẻ quốc gia năm 2024; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2024.
[4] Giết người 01 vụ; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi 01 vụ; Hiếp dâm 01 vụ; Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 01 vụ; cố ý gây thương tích 03 vụ; Trộm cắp tài sản 10 vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 02 vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 01 vụ; Đánh bạc 02 vụ; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 01 vụ; Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 01 vụ; Chế tạo+Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 01 vụ; Tàng trữ+Mua bán trái phép vũ khí quân dụng 01 vụ.
[5] Địa bàn: TP Kon Tum 05 vụ; Đăk Hà 02 vụ; Sa Thầy 02 vụ; Ngọc Hồi 02 vụ; Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei mỗi nơi 01 vụ.
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum