Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2024 tỉnh Lạng Sơn
Chỉ số giá tháng 7 năm 2024 so với cùng kỳ tăng tăng tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Trong tháng, thời tiết có nhiều ngày nắng nóng, xen kẽ mưa rào, mưa dông nên thuận lợi cho việc làm đất và gieo trồng vụ Mùa năm 2024, đồng thời, người dân tranh thủ thời tiết những ngày nắng thu hoạch cây trồng vụ Xuân. Nguồn nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới để làm đất và gieo trồng. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Các cấp, các ngành đã và đang đẩy mạnh thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng; thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm giảm thiệt hại và hạn chế lây lan phát sinh ở các địa phương. Công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.
* Trồng trọt
Trong tháng, tranh thủ những ngày điều kiện thời tiết thuận lợi người dân tập trung thu các cây trồng vụ Xuân và gieo trồng vụ mùa.
Cây lúa: Dự ước diện tích thu hoạch được 15.136,16 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 77.159,19 tấn, giảm 0,21% so với cùng kỳ. Hiện tại, nguồn nước tưới được đảm bảo, mạ phát triển tốt đáp ứng đủ cho diện tích gieo cấy vụ Mùa năm 2024; người dân sử dụng các giống lúa lai và lúa thuần có năng suất, chất lượng cao và thời gian sinh trưởng phù hợp với thời vụ của tỉnh như: Bao thai, Nhị ưu, nếp các loại..., đây là những giống lúa có ưu điểm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cũng như cho năng suất và chất lượng tốt; tính đến trung tuần tháng 7, ước gieo cấy lúa vụ Mùa đạt 14.561,26 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 8.255,93 ha, tăng 2,41% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 43.450,94 tấn, tăng 2,02% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng ước thực hiện 656 ha, tăng 3,04% (+19,36 ha) so với cùng kỳ.
Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 246,54 ha, giảm 1,74% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước 65,33 tạ/ha, tăng 0,32% (+0,21 tạ/ha) so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng ước 1.610,61 tấn, giảm 1,42% (-23,25 tấn) so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng ước thực hiện 166,6 ha, giảm 1,52% (-2,58 ha) so với cùng kỳ.
Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 544,66 ha, tăng 2,32% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng ước 7.073,27 tấn, tăng 3,56% (+243,15 tấn) so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng ước thực hiện 604,76 ha, tăng 0,32% (+1,93 ha) so với cùng kỳ, diện tích trồng rau an toàn ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao vì thị trường rau sạch đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ, giá bán ổn định.
* Chăn nuôi
Trong kỳ báo cáo trên địa bàn tỉnh phát sinh dịch tả lợn châu Phi1 (DTLCP), bệnh dịch phát sinh tại 84 xã, phường thuộc địa bàn 11 huyện, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 8.933 con với tổng trọng lượng 387.244 kg (Lợn thịt, lợn con 7.701 con/236.955 kg; Lợn nái, đực giống 1.232 con/ 150.290 kg); lũy kế từ đầu năm đến nay tiêu hủy 11.794 con với tổng trọng lượng 525.598 kg. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 135 địa phương cấp xã/11 huyện chưa qua 21 ngày; có 97 xã, phường, thị trấn/09 huyện, thành phố đã công bố dịch.
Tổng đàn trâu: Ước tính số trâu hiện có 56.149 con, giảm 9,55% (-5.926 con); sản lượng xuất chuồng đạt 340,3 tấn, giảm 10,17% so với cùng kỳ. Nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc giảm và môi trường chăn thả bị thu hẹp, xu hướng đàn trâu giảm mạnh so với các năm trước.
Tổng đàn bò: Ước tính số bò hiện có 28.794 con, giảm 2,65% (-784 con) so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 127,28 tấn, tăng 4,3% (+5,25 tấn) so với cùng kỳ, do thực hiện mô hình chăn nuôi bò năng suất cao theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo.
Tổng đàn lợn: Số con hiện có dự ước 172.301 con, giảm 3,51% (-6.277 con) so với cùng kỳ, tổng đàn lợn giảm do ảnh hưởng của Dịch TLCP phát sinh và có xu hướng lây lan ra nhiều huyện, thành phố từ tháng 6.
Tổng đàn gia cầm ước tính 4.945,85 nghìn con, tăng 2,77% (+133,53 nghìn con) so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm là 1.442,43 tấn; trong đó, sản lượng gà hơi đạt 1.419,56 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.573,27 nghìn quả; trong đó, số lượng trứng gà đạt 4.637,29 nghìn quả.
1.2. Lâm nghiệp
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy định quản lý rừng. Chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp tại vườn ươm thường xuyên được kiểm tra, giám sát, cơ bản đảm bảo nguồn cây giống phục vụ công tác trồng rừng trên địa bàn và xuất bán ra thị trường các tỉnh lân cận. Diện tích trồng rừng ước thực hiện được 956,84 ha, giảm 2,92% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 123,9 nghìn m3, tăng 2,20% so với cùng kỳ; củi khai thác ước đạt 63,37 nghìn ste.
1.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.244,3 ha, giảm 0,43% (-5,35 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong những năm vừa qua diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định. Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, thực hiện cung ứng được 186.250 con cá giống. Lũy kế từ đầu năm cung ứng được 698.250 con cá giống các loại.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 năm 2024
* Chỉ số sản xuất công nghiệp so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2024 giảm 4,95% so với tháng trước, chủ yếu giảm ở nhóm ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,54%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 20,74%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,36%.
Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,54%, trong đó: khai thác than giảm 26,37%, do chất lượng than không đảm bảo để cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, nên ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng than cung cấp cho sản xuất điện.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước tăng 3,83%. Trong đó: sản xuất trang phục tăng 6,33%, do chuẩn bị bước vào năm học mới, nhu cầu may mặc đồng phục tăng nên dự kiến sản xuất tăng hơn so tháng trước. Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,74%, do dự kiến tháng 7 thời tiết thuận lợi, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành tăng sản xuất sản phẩm Clanhke và Xi măng Portland đen. Còn các nhóm ngành khác tình hình sản xuất cơ bản ổn định và ít biến động.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất giảm 20,74%, giảm chủ yếu ở điện sản xuất (-25,83%) của Công ty cổ phần nhiệt điện Na Dương do nguyên liệu than sản xuất không đảm bảo nên dự kiến sản lượng giảm hơn so tháng trước. Điện thương phẩm tăng 2,32% (+1,72 triệu KWh) so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất giảm 0,36%; do ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 1,14%, hoạt động thoát nước và xử lý nước thải giảm 2,03%.
* Chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2024 so với cùng kỳ giảm 16,63%, giảm chủ yếu ngành công nghiệp khai khoáng giảm 22,13%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,95%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 36,51%.
Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 22,13%, trong đó hoạt động khai thác than cứng và than non giảm 57,23%, do không khai thác được than đảm bảo chất lượng cung cấp cho sản xuất nhiệt điện; hoạt động khai khoáng khác tăng 9,74%, do năm 2024 tỉnh Lạng Sơn khởi công nhiều dự án xây dựng, nhu cầu đá xây dựng tăng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,95%, do một số sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 34,88%, do đơn hàng gia công từ các doanh nghiệp trong nước giảm, doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất. Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 46,16%, giảm chủ yếu ở sản phẩm colophan (-60,33%) do nguyên liệu nhựa thông giảm nên số lượng sản phẩm sản xuất và sản lượng tiêu thụ trong tháng cũng giảm so với cùng kỳ. Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 38,58%, do các cơ sở cá thể sản xuất giường, tủ, bàn ghế không tiêu thụ được sản phẩm, nhu cầu thị trường chuyển từ đặt làm các sản phẩm sang mua các sản phẩm sẵn có nhập từ tỉnh khác về bán. Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 25,54%, do sản phẩm bật lửa ga khó tiêu thụ nên doanh nghiệp cắt giảm sản lượng so cùng kỳ.
Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 36,51%, giảm chủ yếu ở điện sản xuất (-42,98%, tương đương với giảm 32,34 triệu Kwh) do nguyên liệu đầu vào không đáp ứng đủ cho sản xuất, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên sản lượng giảm so cùng kỳ.
* Sản phẩm chủ lực của tỉnh
Sản phẩm ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự công dồn 7 tháng ước đạt 22,7 nghìn m3, tăng 14,22% so với cùng kỳ, do sự phát triển kinh tế rừng tại địa phương đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất gỗ bóc, các cơ sở chủ động tìm kiếm các thị trường, ký kết được nhiều đơn hàng nên sản lượng tăng so với cùng kỳ. Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 633,5 nghìn tấn, tăng 0,76%, sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận; clanhke xi măng dự ước đạt 432,17 nghìn tấn, giảm 7,74%, do Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm xi măng Portland, bên cạnh đó doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 7 năm 2024 tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 0,65% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ, giảm sản lượng sản xuất nên cắt giảm lao động, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động thực hiện tinh giảm lao động theo kế hoạch của Tổng công ty, doanh nghiệp chuyển đổi chủ sở hữu nên thực hiện cắt giảm lao động.
3. Đầu tư, xây dựng
3.1. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều chuyển biến tích cực; kịp thời triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án nhất là dự án trọng điểm và chương trình MTQG; trong đó đã khởi công được một số công trình, dự án trọng điểm; UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư đã khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quy trình thủ tục, chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án.
Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 7 năm 2024 trên địa bàn đạt 362,92 tỷ đồng, tăng 13,42% so với tháng trước, tăng 7,03% (+23,84 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 219,47 tỷ đồng (chiếm 60,47% trong tổng số), tăng 16,79% so với tháng trước, giảm 8,65% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 143,45 tỷ đồng, tăng 8,63% so với tháng trước, tăng 45,14% (+44,62 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2024 đạt 1.797,16 tỷ đồng, đạt 44,74% kế hoạch, giảm 3,23% (-60,06 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.083,42 tỷ đồng (chiếm 60,29% tổng nguồn vốn), đạt 44,23% kế hoạch, giảm 14,71% (-186,82 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 713,74 tỷ đồng, tăng 21,60% (+ 126,76 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh
Dự án Đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30A, Cường Lợi - Đồng Thắng - Lâm Ca (huyện Đình Lập), công trình có tổng mức đầu tư 542,8 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7 năm 2024 ước thực hiện được 351,44 tỷ đồng, đạt 64,74% so với kế hoạch.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Tổng mức đầu tư 1.214,51 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7 năm 2024 ước thực hiện được 942,56 tỷ đồng, đạt 77,61% kế hoạch.
Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7 năm 2024 ước thực hiện được 133,60 tỷ đồng, đạt 39,42% kế hoạch.
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc: Tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7 năm 2024 ước thực hiện được 274 tỷ đồng, đạt 91,42% so với kế hoạch.
3.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2024, có 635 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 117,47% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 5.125,30 tỷ đồng, tăng 212,90% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 393 doanh nghiệp, tăng 63,75% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thông báo giải thể 81 doanh nghiệp.
4. Thương mại và dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Hoạt động thương mại, kinh doanh của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống vẫn được duy trì ổn định nguồn hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Bên cạnh các hình thức mua sắm truyền thống, các hình thức mua sắm hiện đại thông qua mạng xã hội đã thu hút người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh mà thu hút người tiêu dùng trên cả nước; các doanh nghiệp thường xuyên có các chương trình, hoạt động khuyến mại để kích cầu mua sắm hàng hoá. Các hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí, đi lễ, du lịch diễn ra sôi động thu hút người dân tham gia và du khách đến Lạng Sơn trải nghiệm... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2024 ước tính đạt 3.034,7 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học), tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 11,66% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng ước tính đạt 20.827,2 tỷ đồng, tăng 13,08% so với cùng kỳ.
* Bán lẻ hàng hóa
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 năm 2024 dự ước đạt 2.662,2 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước. Tăng chủ yếu ở nhóm lương thực, thực phẩm tăng 0,62%; nhóm hàng may mặc tăng 5,96%; nhóm đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,62%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 4,81% do nhu cầu phục vụ đi lại và người tiêu dùng được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại và giảm giá của các hãng xe; nhóm xăng, dầu các loại tăng 3,17%; nhóm hàng hóa khác tăng 2,22%.
Dự ước 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 18.205,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,7%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: Lương thực, thực phẩm tăng 15,72%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 28,5%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 14,09%; xăng, dầu các loại tăng 22,84% do nhu cầu mua sắm phục vụ đi lại của nhân dân tăng cao;…
* Dịch vụ
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7 năm 2024 ước đạt 229,2 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 17,53% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.617,1 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 14,72% so với cùng kỳ, tháng 7 cũng là thời gian học sinh, sinh viên được nghỉ hè; nhiều gói ưu đãi, khuyến mãi giảm giá sâu để kích cầu khách du lịch. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 13,17% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 7 năm 2024 ước đạt 141,3 tỷ đồng, tăng 2,66% so với tháng trước và bằng 87,46% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng ước đạt 990,2 tỷ đồng, giảm 10,27% so với cùng kỳ.
4.2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra thuận lợi tại các cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh. Cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thông tin trao đổi, hội đàm với lực lượng chức năng phía Trung Quốc để thống nhất triển khai các nội dụng thúc đẩy hoat động thông quan hàng hóa đồng thời phối hợp triển khai phương án phân luồng, điều tiết phương tiện hàng hóa XNK đảm bảo khoa học, hợp lý để hoạt động thông quan diễn ra thông suốt với hiệu suất cao nhất.
Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện chở hàng hóa thông quan giảm, do vào cuối vụ mùa hoa quả, phía Trung Quốc thực hiện siết chặt việc kiểm dịch với mặt hàng hoa quả, nông sản (đặc biệt là sầu riêng). Bên cạnh đó, từ 01/8/2024, dừng phương thức giao nhận hàng hóa hai chiều qua các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) bao gồm đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120, 1088/2-1089; lỗi thông, quan Cốc Nam - Lũng Nghịu khu vực mốc 1104-1105 và phải tuân thủ các điều ước quốc tế gồm Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, các thông lệ quốc tế và quy định của nội luật Việt Nam. Điều kiện về giấy tờ của phương tiện vận tải hàng hóa xuất cảnh được thực hiện theo Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT ngày 13/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới.
Tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tháng 7 năm 2024 của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 4.933,6 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 384,2 triệu USD, giảm 30,1% so với tháng trước.
Lũy kế từ ngày đầu năm tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 30.015,3 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 2.685,1 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Hành khách xuất nhập cảnh phát sinh trong tháng là 325.864 lượt (trong đó: Khách xuất cảnh là 131.694 lượt, khách nhập cảnh 194.173 lượt). Lũy kế từ đầu năm hành khách xuất nhập cảnh là 1.428.967 lượt (trong đó: Khách xuất cảnh 677.724 lượt, khách nhập cảnh 751.243 lượt).
Thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu đạt 54,0 tỷ đồng với 38.701 lượt phương tiện. Lũy kế từ đầu năm đạt 310,5 tỷ đồng với 243.455 lượt phương tiện.
4.3. Vận tải
Trong tháng 7/2024, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng so với tháng trước, vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; hoạt động vận tải hàng hóa và kho bãi cũng tăng do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam về khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi đạt 216,0 tỷ đồng, tăng 1,39% so với tháng trước và tăng 9,81% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải kho bãi 7 tháng năm 2024 dự ước đạt 1.470,5 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 190,4 tỷ đồng, tăng 11,46%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 697,9 tỷ đồng, tăng 12,26%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 580,3 tỷ đồng, tăng 5,38%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 7,74% so với cùng kỳ.
5. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
5.1 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
* Chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước:
Tháng 7 năm 2024 chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tăng 0,70%: Chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông, hàng hóa và dịch vụ khác ..., cụ thể:
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06% so với tháng trước, trong đó: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,47%, do một số mặt hàng tăng như: Gạo tăng 0,75%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,54%, lương thực chế biến tăng 0,02%,... Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,42%, tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: Thịt lợn tăng 3,06%, nội tạng động vật tăng 2,8%, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên thịt và sản phẩm từ thịt có chỉ số tăng; thịt gia cầm tăng 0,04%; thịt chế biến tăng 1,55%; thịt quay, giò, chả tăng 1,61%; trứng các loại tăng 1,75%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 3,84%; thuỷ sản tươi sống tăng 0,08%, nhóm các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 1,32%.... Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,03%, tăng chủ yếu là mặt hàng đồ ăn nhanh mang đi.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,13% (nhóm này luôn có biến động ở các mặt hàng sắt, thép, cát xây dựng, sơn tường...), điện sinh hoạt tăng 2,31% do vào mua hè, nắng nóng nhu cầu sử dụng quạt, điều hoà thường xuyên hơn, giá gas và các loại chất đốt khác tăng 0,03%, trong nhóm này dầu hoả là mặt hàng tăng cao nhất tăng 4,38%.
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,28%, do mặt hàng nhiên liệu tăng 3,81%, giá xăng, dầu biến động tăng, giảm theo giá nhiên liệu thế giới, tính đến ngày 23/7/2024, trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh (ngày 04/7, ngày 11/7, ngày 18/7); giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,85%, vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 4,4%.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,91%, tăng chủ yếu ở nhóm lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 15,20%, trong đó riêng bảo hiểm y tế tăng 30% (tăng do mức lương cơ sở tăng theo Nghị định 73/2024/NĐ CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ).
* Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước:
Chỉ số giá tháng 7 năm 2024 so với cùng kỳ tăng tăng tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 10 nhóm tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,59%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,68%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,83%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dụng tăng 3,73%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,15%; nhóm giao thông tăng 3,7%; nhóm giáo dục tăng 0,72%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,68%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 4,0%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
* Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024:
So với cùng kỳ tăng 3,09%, nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và tăng mức lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 10 nhóm tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,64%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 4,17%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,86%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,26%, nhóm giao thông tăng 2,36%, nhóm giáo dục tăng 0,62%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,0%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,23%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,53%.
5.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng: Tháng 7 năm 2024, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 90,6% so với giá gốc 2019. Bình quân 7 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 24,49% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7 năm 2024, đồng đô la Mỹ so với tháng trước giảm 0,04% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,85% và so với năm gốc năm 2019 tăng 9,35%. Bình quân 7 tháng đầu năm, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,62% so với cùng kỳ.
6. Tài chính, ngân hàng
6.1. Tài chính
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 7 năm 2024 là 826,94 tỷ đồng, luỹ kế ước thực hiện 7 tháng đầu năm là 5.821,60 tỷ đồng, đạt 78,8% so với dự toán Trung ương giao, đạt 77,8% so với dự toán tỉnh giao, tăng 30,8% so với cùng kỳ, trong đó:
Thu nội địa: 1.691,65 tỷ đồng, đạt 70,9% dự toán Trung ương giao, đạt 68,1% so với dự toán tỉnh giao, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Do ngay từ đầu năm các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì ổn định và tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cơ quan thuế đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thực hiện rà soát từng nguồn thu, đánh giá tiến độ thu, từng sắc thuế; công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu và xử lý nợ thuế được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, tập trung đối với các khoản nợ có khả năng thu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án chống thất thu.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 4.126,75 tỷ đồng, đạt 82,5% so với dự toán giao, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh qua địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, thông suốt. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác thông tin trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để đề nghị thống nhất triển khai các nội dung thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa; đồng thời, phối hợp tổ chức triển khai phương án phân luồng, điều tiết phương tiện chở hàng hoá xuất, nhập khẩu đảm bảo khoa học, hợp lý để hoạt động thông quan hàng hoá luôn diễn ra với hiệu suất cao nhất.
Các khoản huy động, đóng góp: 3,19 tỷ đồng.
- Về chi ngân sách địa phương
Quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7 tháng năm 2024 là 6.009 tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán giao đầu năm, tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 5.049 tỷ đồng, đạt 44,4% dự toán giao đầu năm và bằng 113,7% so cùng kỳ. Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 960,0 tỷ đồng đạt 36% dự toán, bằng 106,1% so với cùng kỳ.
6.2. Ngân hàng
Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động ngân hàng, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường khả năng, hấp thụ vốn cho nên kinh tế. Thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Kết quả huy động vốn và cho vay ước thực hiện đến 31/7/2024: Tổng huy động vốn ước đạt 48.128 tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2023. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 43.047 tỷ đồng, giảm 1,52% so với 31/12/2023.
Tình hình thực hiện lãi suất: Lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng dao động ở mức 0,1 - 0,2%/năm; đối với kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng dao động từ 2,0 - 4,0%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 3,2 - 4,9%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,6 – 5,6%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tối đa đối với cá nhân và tổ chức là 0%/năm theo quy định của NHNN Việt Nam.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,0%/năm; cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 7,0- 8,5%/năm; cho vay ngắn hạn khác phổ biến ở mức 8,2 - 10,0%/năm; cho vay trung, dài hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 9,0 - 10,5%/năm; cho vay trung dài hạn khác phổ biến ở mức 9,2-11%/năm.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn áp dụng mức lãi suất riêng theo quy định; lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là 9%⁄năm.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Giải quyết việc làm: Tổng số lượt người được tư vấn về chính sách pháp luật lao động, việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm là 3.148 lượt người; số người lao động đăng ký tìm việc làm 185 lượt người; số người lao động được giới thiệu việc làm 144 lượt người; số người lao động được giới thiệu việc làm nhận được việc làm 135 lượt người; tuyển dụng lao động đi làm việc tại thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 36 người.
Tiếp nhận 02 hồ sơ, thông báo kết quả 05 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Xác nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đối với 04 đơn vị.
Bảo đảm an sinh xã hội: hực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.549 người có công và thân nhân với kinh phí 8.401 triệu đồng. Luỹ kế chi trả trợ cấp từ cho 25.111 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 58.812,2 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến tháng 07 là 130 hồ sơ. Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân 822 hồ sơ.
Trung tâm Điều dưỡng Người có công: Thực hiện tiếp nhận và điều dưỡng được 02 đợt với tổng số 135 người. Khám sức khỏe, Tổ chức đưa đối tượng đi thăm quan tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh di tích K9 Đá Chông, Ba Vì Hà Nội, Chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang; Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; đảm bảo công tác y tế và chế độ thường trực cấp cứu 24/24 giờ, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế chuyên môn; Chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh thực hiên nghiêm túc các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Kết quả trong tháng 7 khám được khám được 118.274 lượt, cộng dồn 07 tháng khám được 793.695 lượt, đạt 54,9% kế hoạch năm, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 12.460 lượt, cộng dồn được 82.498 lượt, đạt 52,9% kế hoạch năm, điều trị ngoại trú 10.865 lượt, cộng dồn được 80.544 lượt, đạt 87,5% kế hoạch năm.
Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập: Trong tháng khám được 31.736 lượt (cộng dồn 197.668 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế 26.437 lượt (cộng dồn 167.610 lượt); chuyển tuyến 1.133 lượt (cộng dồn 7.793 lượt); khám sức khỏe 2.135 lượt (cộng dồn 16.201 lượt) (trong đó, khám sức khỏe: 807 lượt (cộng dồn 6.867 lượt), khám sức khỏe lái xe 1.328 lượt (cộng dồn 9.334 lượt).
Công tác tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin tháng 06/2024 (từ 01/6 đến 30/6/2024) tổng số tiêm là 790 trẻ, trong đó: Số đối tượng đến kỳ được tiêm 569/774 trẻ (đạt 73,5%), số tiêm bù, vét, bổ sung 221 trẻ; số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ trong tháng là 677/748 trẻ, đạt 90,5%; duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh theo qui mô huyện ≤ 1 trường hợp/trẻ đẻ sống. Đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Công tác giám định pháp y: Cơ bản thực hiện tốt theo yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác điều tra, tố tụng. Trong tháng 7 đã thực hiện khám được 52 ca (cộng dồn 353 ca).
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch
Về nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức được 10 buổi biểu diễn. Tính đến ngày 10/7/2024 đã thực hiện được 70/110 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp.
Về thư viện: Trong tháng 7 năm 2024, thư viện đã thực hiện phục vụ bạn đọc tại chỗ 958 lượt độc giả, thực hiện luân chuyển sách 2.870 lượt, phục vụ phòng đa phương tiện 22 lượt, tại điểm luân chuyển thực hiện 930 lượt độc giả, luân chuyển 1.850 lượt sách, báo luân chuyển.
Về điện ảnh: Chiếu phim 136 buổi, thu hút trên 12.000 lượt người nghe, xem. Tính đến thời điểm hiện tại các đội chiếu bóng lưu động đã chiếu được 953/1.670 buổi chiếu, đạt 57% kế hoạch năm 2024.
Về thể dục, thể thao: Tổ chức giải Bơi các nhóm tu ổi tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Từ ngày 19-21/7/2024 tại bể bơi Đồng đội, số 02 Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Khai mạc 7h30 ngày 19/7/2024. Tham mưu ban hành Điều lệ giải Cầu lông, Bóng bàn Thi ếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Mở các lớp thể thao hè năm 2024 với 09 môn: Bóng đá, Bóng chuyền hơi, cờ vua, cầu lông, Muay, Wushu, Karate, Kickboxing; Boxing.
Về du lịch: Tiếp tục thực hiện xây dựng làng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN trong năm 2024 tại 02 làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh - Bắc Sơn và Hữu Liên - Hữu Lũng; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cho 02 điểm với 39 học viên tham gia; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các Làng du lịch cộng đồng thực hiện thành lập mô hình hợp tác xã để quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các làng du lịch. Dự ước tổng lượng khách tháng 7 năm 2024 đạt 325.000 lượt khách (Khách quốc tế đạt 10.000 lượt khách, khách trong nước đạt 315.000 lượt khách). Lũy kế 7 tháng năm 2024 đạt 3.296.000 lượt khách, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
7.4. Giáo dục
Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm 2024. Xét duyệt kết quả tuyển sinh các trường Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh, DTNT huyện, DTNT trung ương, công bố điểm chuẩn và hướng dẫn các trường trung học phổ thông (THPT) lập danh sách trúng tuyển lớp 10 THPT. Tổ chức Khảo sát, đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên 2 tỉnh Lạng Sơn. Chuẩn bị hồ sơ vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (tổ chức tại Hải Phòng). Tổng hợp thông tin dự án tham dự Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2024. Ban hành hướng dẫn thực hiện và chuẩn bị hồ sơ đề nghị thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với tiêu chí trường học, giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Trong tháng xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 06 người, bị thương 41 người.
7.6. Môi trường
Trong tháng phát hiện 13 vụ vi phạm môi trường, giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm trước, tăng 06 vụ so với tháng trước; không có phát sinh khởi tố; xử phạt hành chính 03 vụ với số tiền phạt 13 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện 145 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 112 vụ với tổng số tiền phạt là 464,8 triệu đồng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 7 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 01 vụ mưa lớn, làm chết 01 người do nước cuốn trôi và ảnh hưởng 27 ngôi nhà. Diện tích lúa bị ảnh hưởng 2,1 ha. Ước giá trị thiệt hại 119,0 triệu đồng.
[1] Nguồn số liệu: Sở NN&PTNT
[2] Nguồn: Cục Hải quan
[3] Nguồn: Sở Tài chính
[4] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[5] Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
[6] Nguồn: Sở Y tế
[7] Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[8] Nguồn: Công an tỉnh Lạng Sơn.
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn