Hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn

(MPI) - Trong khuôn khổ các sự kiện của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và (Innovate Viet Nam 2024) và Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 01/10/2024 đã diễn ra Hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia, các cơ sở đào tạo, trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, Hội thảo sẽ có phần chia sẻ của Lãnh đạo các Tập đoàn Meta, Qualcomm, NVIDIA, Samsung, FPT…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, phấn đấu cao nhất để vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra, đặc biệt là chuẩn bị tâm thế để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030 của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước trong những năm tới: Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Như vậy quỹ thời gian còn lại của chúng ta rất ngắn, trong khi đó thì Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng đã xác định chỉ có dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số, công nghệ xanh là động lực phát triển, dựa vào văn hóa, giá trị con người Việt Nam để trỗi dậy, vươn lên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình và điều kiện của Việt Nam hiện nay. Đồng thời cho rằng, điều quan trọng nhất là bước đi, là chiến lược, là quyết tâm để nắm bắt, chắt chiu các cơ hội dù chỉ là các cơ hội nhỏ nhất, đặc biệt là phải dựa vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành công nghệ mới nổi, các ngành công nghệ có giá trị cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong thời điểm hiện nay để thực hiện các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030, 2045 và chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc Việt Nam. “Tất cả mục tiêu, tầm nhìn, định hướng đều là tương lai của chúng ta, mỗi chúng ta đều phải suy nghĩ làm thế nào để đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước. Đây cũng là điều màtất cả chúng ta, từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các viện nghiên cứu, trường đại học và các bạn trẻ đều phải suy nghĩ cần phải làm gì để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Trước hết, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao. Hai là, Việt Nam có dân số dồi dào và đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng trẻ, nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực steam được đánh giá cao.

Ba là, Việt Nam đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ thực tế khách quan; việc lựa chọn này nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với các quốc gia khác trên thế giới.

Bốn là, Việt Nam đã ban hành Chiến lược về phát triển trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 vềChiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Đây là những cơ sở rất quan trọng, mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm là, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Sắp tới, Việt Nam sẽ là điểm lựa chọn chiến lược của các tập đoàn công nghệ, mở rộng đầu tư và đầu tư mới với quy mô lớn. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực để đồng bộ, đáp ứng nhu cầu, đón làn sóng thu hút đầu tư, góp phần giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáu là, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, trong đó đề xuất các chính sách rất mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Bảy là, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng ban thường trực) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hạt nhân của hệ sinh thái, làm sao kết hợp được giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện - trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, startup, hỗ trợ các doanh nghiệp. Mục đích chính của NIC là dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Việt Nam và hiện được quốc tế đánh giá rất cao. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã hình thành khu công nghệ cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, là nơi hội tụ các yếu tố rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.

“Hãy tin tưởng vào thị trường Việt Nam, tin tưởng vào sự cam kết, đồng hành của Chính phủ Việt Nam mang lại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hội thảo là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và cam kết đồng hành của Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, các nội dung thảo luận sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho các bên liên quan.

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng bày tỏ muốn được lắng nghe các khuyến nghị, đề xuất, góp ý về những cơ hội hợp tác trong công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội quý báu này, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững, thịnh vượng.

Công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang trở thành hai lĩnh vực đòi hỏi Việt Nam phải hành động thật nhanh. Nhân lực trẻ Việt Nam cũng đang đứng trước bài toán rất lớn liên quan đến hai lĩnh vực này, đặc biệt là làm thế nào để tham gia vào chuỗi giá trị và phát triển nguồn nhân lực. Hội thảo đã nhận được những chia sẻ, đóng góp ý kiến để tái hiện bức tranh tổng quan cùng các giải pháp, biến thách thức thành cơ hội, đến từ những chuyên gia, lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực.

Tọa đàm: Câu chuyện biến Thách thức thành Cơ hội thành công. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, Tập đoàn Qualcomm; TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương,Tập đoàn NVIDIA; Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS; Ông Lương Hải Đăng, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Công ty Điện tử Samsung Vina …đã có những bài trình bày về trí tuệ nhân tạo - Động lực tăng trưởng mới cho một Việt Nam thịnh vượng; Chung tay phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI tại Việt Nam; Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực AI, bán dẫn: Đi lên từ Cơ hội để giải quyết Thách thức toàn cầu; Tầm nhìn, trách nhiệm xã hội trong việc phát triển AI, chiến lược hỗ trợ cho Việt Nam;…

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Tọa đàm: Câu chuyện biến Thách thức thành Cơ hội thành công - Case study, chia sẻ thực tế từ doanh nghiệp.

Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp đã thực hiện nghi thức khởi động Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050"./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư