Doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường
(MPI) - Trên đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024 diễn ra sáng ngày 04/10/2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt.
Cùng tham dự buổi gặp mặt có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Buổi gặp mặt không chỉ để biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững tại thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển mình theo những xu hướng mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hằng năm, cứ đến ngày 13 tháng 10 - ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta lại có một cảm xúc đặc biệt. Đó là dịp để chúng ta tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhân sự kiện hết sức quan trọng và ý nghĩa này, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta, rất mong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành để đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, chúng ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Những kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực/rất tích cực” tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 5 lần so với tháng trước; tỷ lệ đánh giá “tích cực kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp 5 lần.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu.
“Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới”, Bộ trưởng phát biểu.
Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
Ở trong nước, chúng ta đang ra sức thi đua hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế để sau khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp cụ thể. Theo đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, rà soát các thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được". Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó tập trung vào các chính sách: Hỗ trợ tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như: vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, R&D và các yếu tố đầu ra như thị trường, thương hiệu.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế xanh để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.
Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp, có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, tri thức cao người Việt trong và ngoài nước.
Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng quan liêu, hạch sách, móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối kinh doanh đầu tư, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, cần tiếp tục nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
Các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi.
Tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam cần được thay đổi nhận thức, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia dân tộc hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng trong bối cảnh hiện nay doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường. Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư