Khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh
(MPI) – Ngày 16/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã Văn bản số 807/TTg-CN về việc giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TPHCM ) làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ Báo cáo NCTKT các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND TPHCM trong quá trình hoàn thiện Báo cáo NCTKT và triển khai Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án theo quy định.
Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6656/VPCP-CN ngày 18/9/2024 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện: Tân Uyên, Bến Cát); TPHCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).
Với mục tiêu xác định hướng tuyến, quy mô toàn tuyến và xác định các phân đoạn tuyến ưu tiên đầu tư để phân chia thành các dự án thành phần theo địa bàn các tỉnh, nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương liên quan trong vùng. Là cơ sở để xác định mốc lộ giới cho các địa phương triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đến tuyến đường.
Đồng thời, liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai xây dựng để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực./.
Thanh Quân
Bộ Kế hoạch và Đầu tư