Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp

(MPI) - Với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, Diễn đàn Kinh tế mới 2024 đã được diễn ra vào chiều ngày 16/10/2024.

Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: Chinhphu.vn

Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông cùng các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam đang bước đến những thời điểm quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời cho biết, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, cả so với cùng kỳ các năm trước cũng như so với các nền kinh tế ở châu Á. Lạm phát và tỷ giá đều tương đối ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều có những sự “bứt phá” trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về phát triển dài hạn. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực, song còn phụ thuộc đáng kể vào các thị trường nước ngoài và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, chúng ta đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Không ít quốc gia, cơ quan, tổ chức đã từng rất dè dặt khi tiếp cận chính sách đối với những lĩnh vực này, do lo ngại về các vấn đề địa chính trị, chi phí chuyển đổi cho cộng đồng doanh nghiệp...

Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.

Năm 2021, Việt Nam đã được Trung tâm châu Âu về Năng lực cạnh tranh số (ECDC) xếp hạng cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về thay đổi tư duy hướng tới chuyển đổi số. Khung chính sách, pháp lý cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã được hoàn thiện, từ Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường cho đến Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh từ năm 2023.

Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Diễn đàn tập trung thảo luận, gợi mở được những thực tiễn, kinh nghiệm, bài học quan trọng và kiến nghị cả ở góc độ chính sách cũng như ở góc độ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Qua đó, chúng ta mong có ngày càng nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong một môi trường thể chế thuận lợi.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn kinh tế mới và việc tiên phong của các cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu kinh tế trong việc tổ chức diễn đàn với sự hội tụ của đông đảo các bên liên quan để cùng bàn thảo về những xu hướng mới, mô hình kinh tế mới và động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là hết sức cần thiết và có nghĩa quan trọng, không chỉ với quá trình thực thi chính sách pháp luật mà còn giúp các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách kịp thời nắm bắt thực tiễn, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sớm và rất rõ về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, về thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng và đang ban hành nhiều chính sách chỉ đạo, định hướng quá trình phát triển của đất nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đại hội XIII cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là những trụ cột để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế.

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khó khăn vướng mắc, phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mong muốn các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp…, từ thực tiễn kinh doanh với trí tuệ và kinh nghiệm, tập trung thảo luận, đánh giá các khó khăn thách thức; đề xuất các giải pháp; đặc biệt chú ý 3 tiêu chuẩn là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất, kiến nghị cụ thể với Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương những vấn đề có liên quan.

Ông Lê Quang Huy bày tỏ tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ có sức lan tỏa rộng khắp và tạo thêm các động lực để phát huy sức mạnh cộng hưởng trong hành động hướng đến mục tiêu chung, mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang tích cực tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới; chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để đưa ra những quan điểm, định hướng và giải pháp mới, đột phá nhằm thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra, nhất là mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để kiến tạo được nền kinh tế mới nói chung và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nói riêng cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong khuôn khổ chủ để diễn đàn về vai trò tiên phong của doanh nghiệp, Ông mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ về một số vấn đề để doanh nghiệp có thể góp phần giúp Nhà nước phát huy được vai trò kiến tạo cho phát triển nói chung và cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng; phát huy được vai trò trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; giải quyết được một cách tối ưu mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao; đa số các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó là thảo luận và đề xuất những giải pháp mới, khả thi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là những giải pháp đột phá từ góc độ của doanh nghiệp để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, qua đó giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; thảo luận và đề xuất từ góc độ doanh nghiệp về những nội dung cụ thể về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có thể được đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra phiên tham luận với chủ đề: “Khởi tạo nền kinh tế mới và vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” sẽ nhận diện và đánh giá các yếu tố mới, có tính thời đại từ cuộc cách mạng công nghiệp số và công nghiệp xanh, có khả năng tạo ra bước chuyển có tính cách mạng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mới, một kỷ nguyên phát triển mới sẽ được kiến tạo từ chính khả năng tạo ra sự đột phá trong ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế.

Do đó, thông qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, sẽ khái quát các vấn đề chính yếu và đặt ra các vấn đề mới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của bối cảnh. Nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực thi, tốc độ thực thi của các doanh nghiệp, các địa phương, các nền kinh tế.

Diễn đàn cũng đã diễn ra phiên thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá thực trạng ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các khu vực doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam trong mối tương quan với xu thế triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh trong khu vực ASEAN và trên thế giới; xu thế tất yếu số - xanh mở ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế; đánh giá các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách có tính bứt phá hơn nhằm tạo bước chuyển có tính cách mạng cho phát triển kinh tế Việt Nam./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư