Trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội

Nội dung kiến nghị (số 14 tại văn bản số 5887/VPCP-QHĐP):

Cử tri đề nghị để chống được tham nhũng, cùng với việc tăng cường xử phạt, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá của các gói thầu đúng với giá trị thật.

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, tại Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024, Chính phủ đã quy định chi tiết nội dung giá gói thầu. Theo đó, giá gói thầu được lập theo một trong các cách thức: (i) Dự toán (nếu pháp luật chuyên ngành có quy định); (ii) Nội dung và phạm vi công việc, số lượng chuyên gia, thời gian thực hiện, năng lực, kinh nghiệm, mức lương chuyên gia; (iii) Kết quả lựa chọn nhà thầu với hàng hóa, dịch vụ tương tự; (iv) Báo giá của nhà cung cấp, khuyến khích thu thập nhiều hơn 1 báo giá, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì lấy giá trung bình; (v) Kết quả thẩm định giá trong trường hợp phải thẩm định giá; (vi) Giá kê khai, niêm yết; (vii) Giá kê khai.

Như vậy, pháp luật đấu thầu đã có quy định cụ thể về việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở vừa tạo thuận lợi, linh hoạt, vừa bảo đảm tính minh bạch trong lập giá giá gói thầu. Ngoài ra, pháp luật đấu thầu cũng đã quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong đấu thầu và chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu (Điều 16, Điều 87 Luật Đấu thầu, Điều 125 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP) nhằm góp phần bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Các đơn vị cần tăng cường giám sát để việc thực thi Luật Đấu thầu được nghiêm túc, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình của hoạt động đấu thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư