Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai

Nội dung kiến nghị (số 15 tại văn bản số 5887/VPCP-QHĐP):

Đối với các dự án giao thông thực hiện theo hình thức PPP:

Dự án đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1263/TTg-CN ngày 21/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã làm việc và thống nhất cho Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam triển khai nghiên cứu lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ ranh Bà Rịa - Vũng Tàu đến cầu Thủ Biên. Chiều dài khoảng 45,6km theo hình thức PPP có sự tham gia của ngân sách nhà nước (khoảng 50% tổng mức đầu tư, khoảng 9.200 tỷ đồng).

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến cao tốc vành đai, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo quy hoạch. Do đó, việc giao các địa phương triển khai thực hiện theo hình thức PPP có sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương (để dự án đảm bảo tính khả thi) sẽ trái với quy định tại khoản 9, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước. Kiến nghị để sử dụng ngân sách tỉnh tham gia vào dự án Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai theo hình thức PPP, kiến nghị trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho dự án.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (ngân sách tỉnh tham gia 50% chi phí giải phóng mặt bằng, khoảng 2.600 tỷ đồng), đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh (ngân sách tỉnh tham gia 50% tổng mức đầu tư, khoảng 1.900 tỷ đồng). Do đó, ngân sách địa phương không thể cân đối toàn bộ phần tham gia của ngân sách nhà nước (khoảng 9.200 tỷ đồng).

Kiến nghị trình Quốc hội xem xét cân đối nguồn ngân sách Trung ương khoảng 50% (khoảng 4.600 tỷ đồng) phần tham gia của ngân sách nhà nước. Đồng Nai sẽ bố trí 50% còn lại để dự án đảm bảo tính khả thi.

Trả lời:

Ngày 19/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4762/BKHĐT-KTĐPLT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để trả lời văn bản số 98/ĐĐBQH ngày 25/5/2024 về các khó khăn, bất cập, kiến nghị trong thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có nội dung cử tri nêu trên. Cụ thể như sau:

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tuớng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến trình đầu tư Dự án thực hiện trước năm 2030.

Tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 09/7/2021 của Văn phòng Chính phủ, kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật".

Tại văn bản số 380/TTg-KTTH ngày 10/6/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “quy định ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương phải tập trung đầu tư cho các công trình, dự án lớn, có tính liên vùng, liên quốc gia, quốc tế, mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh  tế - xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kiên quyết khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, kém hiệu quả”.

Tại văn bản số 6032/VPCP-CN ngày 07/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh

Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có Dự án đi qua để nghiên cứu phương án đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đồng thời nghiên cứu lập hồ sơ báo cáo tiền khả thi Dự án, trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, phần vốn ngân sách nhà nước tham gia (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), phân kỳ thực hiện Dự án (xác định rõ nhu cầu vốn ngân sách trung ương thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026-2030).

Sau khi hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của Tỉnh về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư