Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam
1. Nội dung kiến nghị (số 12 tại văn bản số 655/BDN):
Liên quan đến Luật Đầu tư công
a) Về quy định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm:
Tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 quy định: “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau”.
Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách địa phương bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, xã. Theo Điều 62 và Điều 63 Luật Đầu tư công, Hội đồng nhân dân cấp nào quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của cấp đó. Vì vậy, việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian thực hiện đối với nguồn ngân sách huyện, xã là không phù hợp, không đảm bảo tính phân cấp, phân quyền và tính chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch.
Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 68 theo hướng: Hội đồng nhân dân các cấp được quyết định kéo dài thời gian thực hiện đối với nguồn vốn ngân sách do cấp mình quản lý.
b) Quy định về đối tượng đầu tư công
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công quy định về đối tượng đầu tư công:
“1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A”.
Trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư mất khá nhiều thời gian. Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ, khi phê duyệt dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư để có mặt bằng thi công thì đã sắp hết hạn thời gian giải ngân vốn trung ương.
- Đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công theo hướng: Việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập thuộc thẩm quyền của Người quyết định chủ trương đầu tư quyết định.
c) Quy định về tiêu chí phân loại dự án nhóm A
Tại điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Đầu tư công quy định tiêu chí phân loại dự án nhóm A:
“1. Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:
c) Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao”.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được đầu tư, việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng được thực hiện như các dự án hạ tầng xây dựng khác (nhóm B, nhóm C tùy theo mức vốn đầu tư) để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động của các địa phương.
- Đề nghị sửa đổi thành: “Dự án đầu tư xây dựng mới hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao”.
d) Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư:
* Về quy định chuyển tiếp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
- Theo điểm a khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công 2014: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A (bao gồm cả dự án do địa phương quản lý).
- Theo khoản 6 Điều 17 Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý”.
Tình huống trong thực tế là có dự án nhóm A do địa phương quản lý và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công 2014. Khi thực hiện sang giai đoạn sau năm 2020, cần thực hiện điều chỉnh chủ trương xuất hiện việc:
+ Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hiện nay là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (theo Luật Đầu tư công 2019).
+ Tuy nhiên, theo điều 34 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 “Cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”; không quy định chuyển tiếp về thẩm quyền đối với trường hợp này, khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện.
- Đề nghị sửa đổi theo hướng: Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công 2019 thực hiện điều chỉnh và chịu trách nhiệm về nội dung thực hiện.
* Về các nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư.
- Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án (theo khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công 2019); nội dung này nếu chỉ xem xét trong phạm vi Luật Đầu tư công 2019, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ khi tăng tổng mức đầu tư dự án.
- Tuy nhiên, quy định hành vi bị cấm khi quyết định đầu tư: Quyết định đầu tư chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công (theo khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư công 2019).
Đề nghị quy định đảm bảo thống nhất giữa các điều khoản luật.
e) Đối với dự án cấp bách:
- Tại Điều 42 Luật Đầu tư công 2019 quy định về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án khẩn cấp. Đối với công trình khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công (sử lý sạt lở đê, sự cố công trình thủy lợi trong mưa lũ ảnh hưởng đến cộng đồng...), quy trình trên còn mất khá nhiều thời gian.
Đề nghị quy định thống nhất trình tự thực hiện công trình khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công như Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ; theo đó, người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng từ khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng...
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Đối với kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công.
2. Nội dung kiến nghị (số 13 tại văn bản số 655/BDN): Nội dung liên quan đến Luật PPP (hình thức hợp đồng BT):
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BT duyệt ban đầu đã dự kiến cụ thể các vị trí của quỹ đất thực hiện dự án hoàn trả, trong đó đã dự kiến giá quỹ đất thanh toán tương ứng giá trị công trình BT.
Các dự án đối ứng hoàn trả đã hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm xác định giá đất khi giao đất, đa số giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT. Hiện nay chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về việc xử lý quỹ đất dôi dư khi giao đất thanh toán dự án BT hoặc hướng dẫn về trình tự thanh toán bằng tiền cho dự án BT (đối với trường hợp quỹ đất dự kiến thanh toán thấp hơn giá trị dự án BT hoặc trường hợp thanh toán bằng tiền đối với dự án/Hợp đồng BT đang thực hiện dở dang nhưng phải dừng dự án do một số trường hợp bất khả kháng). Đề nghị ban hành bổ sung quy định, hướng dẫn trên để tháo gỡ vướng mắc.
Trả lời:
Thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Lật Đấu thầu, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án PPP, dự án BT chuyển tiếp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời cử tri./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư