Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu về Luật sửa bốn luật
(MPI) - Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu diễn ra chiều ngày 06/11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi các luật bám sát quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể là bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước; khuyến khích sáng tạo, giải phóng nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn |
Cùng với đó là thể hiện sâu sắc với tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phải chuyển phương thức quản lý mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, đã chín, đã rõ, thực tiễn đã chứng minh và đã có sự đồng thuận cao để đảm bảo tính kế thừa cũng như bổ sung đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là những nguyên tắc và quan điểm hết sức quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về vấn đề điều chỉnh cục bộ theo quy trình rút gọn tại Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo như tính toán sẽ được rút ngắn khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển cho đất nước trong tình hình mới.
Về điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp; xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển. Như vậy, đối tượng đã được xác định tương đối rõ ràng và minh bạch.
Về việc điều chỉnh bổ sung đối với các ngành kỹ thuật quốc gia như khoáng sản hay điện lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia thì có 39 quy hoạch ngành quốc gia, là định hướng để phát triển và tổ chức không gian phát triển. Theo đó, có dự kiến các công trình, dự án ưu tiên quan trọng và ưu tiên phát triển, có 1 danh mục dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm mục tiêu và định hướng đã xác định trong quy hoạch, do vậy sẽ hạn chế được tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia. Ngoài ra, luật đã bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi lập quy hoạch thì chưa thể xác định rõ được các dự án, do vậy nếu quy định cứng vào trong các quy hoạch thì sau này nếu có bất kỳ sự thay đổi nào chúng ta phải sửa lại Luật Quy hoạch. Do vậy, Chính phủ đề nghị các dự án dự kiến đối với các ngành chỉ là danh mục dự kiến, trong quá trình làm có điều kiện nào đó thì chúng ta được phép điều chỉnh còn nếu quy định cứng nhắc thì mỗi một lần thay đổi là phải sửa luật.
Đối với Luật Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, lần này luật thiết kế nội dung về “luồng xanh”, chương trình đặc biệt, bởi vì qua kinh nghiệm thực tiễn, qua cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay về thu hút vốn đầu tư cần phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho các nhà đầu tư tự do thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn được thời gian và hấp dẫn được đầu tư.
Theo đó, Luật Đầu tư lần này sửa đổi, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 03 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy mà phải cam kết thực hiện ba vấn đề theo quy định. Khi thực hiện hậu kiểm nếu có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ trưởng cho biết, với đề nghị của nhiều địa phương hiện nay, Chính phủ đề xuất “khôi phục” quy định về BT bằng đất và BT bằng tiền nhưng với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư không bị thất thoát, minh bạch.
Trong đó, loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này (như: tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án).
Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng ý với ý kiến các đại biểu nêu, là phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu; đồng thời phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, đảm bảo tính ổn định lâu dài. Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cũng bày cơ bản đồng tình với ý kiến được đại biểu các Quốc hội nêu, đó là để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nếu họ có hành vi sai trái, thông đồng hay đẩy giá thì lại có pháp luật khác xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến xác đáng đã nêu nhằm hoàn thiện dự thảo Luật; yêu cầu, quan điểm vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; sửa đổi, bổ sung toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư