Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm tham dự Hội thảo Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam
(MPI) - Tham dự và phát biểu tại Hội thảo “Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm bày tỏ lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu; nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định cam kết xuyên suốt của Việt Nam trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức chiều ngày 07/11/2024 tại NIC cơ sở Hòa Lạc. Hội thảo là hoạt động bên lề trong khuôn khổ Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.
Tham dự Hội thảo có ông Kees Van Baar, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Brainport Industries, Advantest, Lam Research, Soitec…
Hội thảo còn có sự tham gia đông đảo của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn như Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tài chính, đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước và lực lượng kỹ sư đông đảo của Việt Nam.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, để thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với kỳ vọng đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu bán dẫn hàng đầu khu vực.
Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn là xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Hệ sinh thái công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian gần đây đang ngày càng phát triển với sự góp mặt của các công ty lớn trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm bày tỏ lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Những kết nối từ sự kiện SemiExpo Việt Nam 2024 chính là đòn bẩy góp phần cho hợp tác giữa các bên trong thời gian tới. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định lại cam kết xuyên suốt của Việt Nam trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Thứ trưởng phát biểu.
|
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kees Van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Hà Lan đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới; Chuỗi giá trị ngành bán dẫn Hà Lan không chỉ nằm trong tay doanh nghiệp lớn mà kết nối từ hơn 300 doanh nghiệp khác nhau, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Lan đóng góp 41% doanh thu và tạo 59% lao động trong ngành bán dẫn.
Ông Kees Van Baar cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm, đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn và tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục có khung pháp lý phù hợp, cải thiện về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng năng lượng và kỹ thuật số; Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này; khẳng định, sản xuất thiết bị là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan và Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Phiên tọa đàm thứ nhất với chủ đề “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu” đã thu hút nhiều sự chú ý với những phân tích sắc bén về xu hướng phát triển và các thành phần tham gia ngành sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu và xác định cơ hội của Việt Nam nằm tại đâu trong chuỗi cung ứng này. Các ý kiến nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang có những bước tiến lớn.
Các diễn giả nhận định việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt trong sản xuất thiết bị, là vô cùng cần thiết. Sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị này.
|
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra các phiên Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị.
Trước bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu. Với nền tảng nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ.
Tọa đàm thứ hai tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn. Tại phiên này, các đại biểu đều thống nhất rằng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên liên quan. Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm đội ngũ kỹ sư có chuyên môn và lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành này.
Các nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo thể hiện cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia về việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư