Thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp
(MPI) - Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN), giảm tác động môi trường của sản xuất công nghiệp và giúp các KCN thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 15/11/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ký kết Văn kiện Dự án “Nhân rộng Phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Ngay sau Lễ ký kết, Ban Chỉ đạo dự án này đã họp phiên đầu tiên. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có ông Adrew Meier, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ; bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cùng các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Xây dựng; đại diện của ban quản lý các KCN tại thành phố Hải Phòng, thành Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Long An và Bắc Ninh.
|
Ông Lê Thành Quân phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu phiên họp, ông Lê Thành Quân cho biết, KCN sinh thái là một mô hình mới và được coi là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định tại pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Trong giai đoạn 2015-2019 và 2020-2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNIDO đã thực hiện thí điểm chuyển đổi một số khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các kết quả từ năm 2020 đến tháng 5/2024 trong nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại 4 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, thu được kết quả đáng khích lệ: hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 4 KCN Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai), Đình Vũ (Hải Phòng) và Hòa Khánh (Đà Nẵng), trong đó có 429 giải pháp đã được thực hiện.
Các giải pháp RECP đã giúp các doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ điện 14.378 MWh/năm, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch 264.127 GJ/năm, giảm lượng nước tiêu thụ 278.690 m3/năm, giảm phát thải khí nhà kính 55.663 tấn CO2 tương đương/ năm và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp; đã đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 3 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn...
Để góp phần tiếp tục hỗ trợ các KCN chuyển đổi, SECO đã tiếp tục tài trợ thực hiện dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của các hoạt động sản xuất công nghiệp đến biến đổi khí hậu, giúp các khu công nghiệp (KCN) thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tiếp tục triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) bằng các biện pháp tăng cường hiệu quả tài nguyên, giảm tối đa chất thải, thúc đẩy việc tái chế, cải thiện kết quả về kinh tế, môi trường và xã hội của doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào sự phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm trong nền kinh tế tuần hoàn.
Văn kiện Dự án “Nhân rộng Phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-BKHĐT ngày 13/8/2024. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ký Quyết định số 2517/QĐ-BKHĐT ngày 30/10/2024 về việc thành lập Ban chỉ đạo dự án này.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Tại phiên họp, đại biểu đã tập trung thảo luận về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch hoạt động năm 2025 của Dự án; đại biểu tham dự đến từ các KCN, KCX đã có những trao đổi, chia sẻ cũng như khẳng định trong việc triển khai khu công nghiệp sinh thái nhằm đóng góp vào sự phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm trong nền kinh tế tuần hoàn; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của KNCST; cho rằng, để thực hiện mục tiêu đề ra cần tiếp tục tăng cường sự kết nối, điều chỉnh khung pháp lý chính sách để phát triển khu công nghiệp và mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy thu hút đầu tư theo hình thức công tư đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và toàn cầu.
Để thực hiện thành công việc nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần phải đưa ra lộ trình, kế hoạch thực hiện một cách cụ thể; tiếp tục hoàn thiện cơ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này; đưa ra những giải pháp nhằm mang lại những giá trị thiết thực; xây dựng tiêu chí xác định, đăng ký chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Hiện nay, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư